Vì sao “mudball” khiến golfer đau đầu?
Tin bài liên quan
Khi bùn bám vào bóng golf, các yếu tố vật lý như độ xoáy, quỹ đạo và khoảng cách có thể bị thay đổi. Luật golf quy định người chơi không được phép làm sạch bóng cho đến khi bóng nằm trên green, do đó phải chấp nhận đánh quả bóng trong trạng thái bị bám bùn, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả của các cú đánh.
HLV Joe Plecker, một trong những chuyên gia được xếp hạng Top 100 của tạp chí GOLF, đã phối hợp cùng golfer đại học Jack Bosworth tiến hành thử nghiệm để đánh giá chính xác tác động của bùn trên bóng. Kết quả được đo lường qua hệ thống Trackman, cho thấy sự khác biệt rõ rệt tùy thuộc vào vị trí của bùn trên quả bóng.

- Bùn bám trên bóng nhưng không nằm giữa mặt gậy và bóng khi tiếp xúc: Trong trường hợp này, cú đánh với gậy sắt số 7 của Jack Bosworth vẫn duy trì được độ cao và lượng xoáy gần với bình thường, tuy nhiên khoảng cách bay của bóng giảm so với mức trung bình (182 yard). Điều này cho thấy bùn làm giảm nhẹ hiệu quả cú đánh, khiến bóng bay ngắn hơn. Lời khuyên cho golfer trong tình huống này là nên sử dụng một gậy dài hơn và thực hiện cú đánh như bình thường.

- Bùn nằm giữa mặt gậy và bóng khi tiếp xúc: Đây là tình huống ảnh hưởng nghiêm trọng hơn. Bùn can thiệp vào điểm tiếp xúc giữa mặt gậy và bóng làm giảm đáng kể độ xoáy, khiến bóng bay xa hơn và có quỹ đạo không ổn định, thường được mô tả như cú “knuckleball”. Trong thử nghiệm, cú đánh 7-iron thông thường bay 182 yard đã tăng lên 190 yard kèm theo sự sụt giảm độ xoáy. Do đó, golfer cần chọn gậy ngắn hơn và điều chỉnh chiến thuật nhằm kiểm soát cú đánh khi đối mặt với bùn tại điểm tiếp xúc.
Nhiều golfer chuyên nghiệp thể hiện sự thận trọng trước các điều kiện sân ướt và bùn bám bóng, bởi chúng có thể làm thay đổi kết quả một cách không công bằng. Sự khác biệt trong hiệu quả cú đánh do “mud ball” không chỉ là thách thức kỹ thuật mà còn là bài toán tâm lý đối với người chơi khi phải duy trì sự tập trung và điều chỉnh chiến thuật trong điều kiện không ổn định.