Dr. Nguyễn Ngọc Chu: “Tăng thuế golf chính là từ chối thịnh vượng!”
Tin bài liên quan
Golf Việt Nam: Một hành trình gian truân
Golf Việt Nam hồi sinh vào thập niên 90 của thế kỷ 20 trong sự “vượt cạn đẻ đau”. Bởi đất nước vừa trải qua mấy chục năm chiến tranh khốc liệt, đời sống vô cùng khó khăn, mà trong mắt của số đông nghèo khó, golf là thú chơi xa xỉ của người giàu có. Phải có sự dũng cảm để vượt qua định kiến, bỏ qua cả sự “thù hận giai cấp” giả tưởng, nhờ tinh thần đổi mới, nhờ sự cấp thiết sống còn phải mở cửa, golf mới được cấp phép để lần nữa sinh ra ở Việt Nam với sự chào đời đồng loạt các sân golf Đồng Mô, Thủ Đức, Sông Bé, Vũng Tàu, Phan Thiết, Đà Lạt vào các năm 1993-1995.

Ba thập niên phát triển, golf đã vượt qua nhiều trở ngại, “tự làm lành nhiều vết thương”. Từ tình cảnh bị chối bỏ, đến dè dặt chấp nhận, golf đã bắt đầu len chân để được đứng. Từ 5 sân golf ban đầu, cho đến hôm nay đã có 86 sân golf đưa vào hoạt động với khoảng 100 000 người chơi golf. Số lượng sân golf ở Việt Nam có tăng mạnh trong 10 năm gần đây, nhưng còn ở mức khiêm tốn so với các nước trong khu vực tính theo cả về dân số lẫn diện tích.
Tưởng là, với sự “vượt khó” của golf trong chân trời rộng mở của thế giới hội nhập thời đại số hoá, golf sẽ nhận được sự bình đẳng ở Việt Nam như ở các quốc gia khác. Và các hạn chế phi lý cản trở sự phát triển của golf, chẳng hạn như thuế TTĐB, phải được dỡ bỏ. Nhưng gian truân thay, không những chưa được dỡ bỏ như tất cả các nước trong khối Asean, golf còn đối mặt với đe doạ bị tăng thuế TTĐB.
Những “chiếc kính” định kiến
Một số người nhầm tưởng rằng, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) lên phí chơi golf là đứng trên quan điểm bảo vệ người yếu thế, bảo vệ lợi ích tập thể. Cụ thể, họ cho rằng đó là cách để bảo vệ tầng lớp lao động thu nhập thấp; ngăn chặn sự xa hoa; giảm được cách biệt giàu nghèo; hạn chế được sự giàu có bất chính; bảo vệ được đất đai cho an ninh lương thực; giảm được ô nhiễm môi trường; tăng thêm ngân sách cho nhà nước.
Đáng tiếc rằng, sự nhầm lẫn này xuất phát, một phía, là từ thiếu thông tin về golf và phía khác, là dân tuý – như đang đại diện cho quyền lợi số đông. Thuế TTĐB đối với golf hiện hành là 20%. Có ĐBQH đề nghị tăng thêm 10% thành 30%. Những người phản đối phát triển golf ở Việt Nam, trong thực tiễn, thường không có thông tin đầy đủ về golf, thậm chí còn chưa đến sân golf.

Golf - Công cụ ngoại giao chiến lược
Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sĩ đầu năm 2025, liên quan đến quan hệ với Hoa Kỳ và Tổng thống Donald Trump, Bà Gillian Tett - Trưởng ban biên tập tạp chí Financial Times đã hỏi Thủ tướng Phạm Minh Chính rằng “Liệu ông có kế hoạch đến dinh thự Mar-a-Lago của Tổng thống Mỹ Donald Trump và chơi golf với ông Trump hay không?”. Câu trả lời của Thủ tướng Phạm Minh Chính là “Nếu chơi golf mà mang lại lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích cho đồng bào thì tôi không ngại và tôi sẵn sàng”.
Các nguyên thủ quốc gia tìm đến dinh thự Mar-a-Lago và chơi golf với Tổng thống Donald Trump, không phải là để tìm xa hoa, thể hiện quý tộc, mà là tìm đến cơ hội đàm phán trong một khung cảnh thân thiện, hiểu biết, đồng cảm, tránh được các cuộc đàm phán trực diện mang tính hỏi - đáp, dễ dẫn đến va chạm, đổ vỡ. Đây chính là ưu thế đặc biệt về ngoại giao và đàm phán của trò chơi golf. Với một người khó dự đoán, hay đổi ý kiến, bất thường, khó đoán định như Tổng thống Donald Trump, thì chơi golf là môi trường đàm phán rất thuận lợi.
Câu trả lời của Thủ tướng Phạm Minh Chính thể hiện tinh thần sẵn sàng thực hiện những hành động mang lại lợi ích thiết thực cho quốc gia và nhân dân, đồng thời phản ánh chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ và đa phương hóa của Việt Nam trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược toàn cầu. Chứ không phải đến chơi golf là để tìm xa hoa, thể hiện quý tộc.

“Cú đánh thôi sơn” vào ngành du lịch golf
Phí chơi golf ở Việt Nam hiện nay thuộc hàng cao nhất trong khối Asean. Đã không giảm, lại còn yêu cầu tăng thêm thuế TTĐB. Trong các nước Asean, ngoại trừ Việt Nam đánh thuế TTĐB 20% lên phí chơi golf, không có quốc gia nào có thuế TTĐB như Việt Nam. Tổng thuế lên phí chơi golf ở Việt Nam hiện tại đã là 30%, bao gồm 10% VAT và 20% TTĐB. Nếu tăng thuế TTĐB lên 30% thì tổng mức thuế sẽ là 40%, một mức thuế rất lớn. Đây sẽ là “cú đánh thôi sơn” làm giảm mạnh lượng khách du lịch golf, đưa đến sự tổn thất lớn về kinh tế.
Quốc gia | Thuế/VAT/Phí dịch vụ hiện hành |
Việt Nam | 10% VAT + 20% TTĐB (có thể tăng lên 30%) |
Singapore | 9% VAT |
Malaysia | 8% phí dịch vụ |
Thái Lan | 10% VAT |
Indonesia | 10% VAT |
Philippines | 12% VAT |
Bài học từ Thái Lan:
- Có 306 sân golf, thu hút 700.000 khách du lịch golf năm 2024.
- Golf đóng góp 8–9% doanh thu du lịch quốc tế (khoảng 4,23–4,75 tỷ USD trong tổng doanh thu 52,81 tỷ USD), dù chỉ chiếm 2% tổng số khách du lịch.
Ngăn cản cơ hội tiếp cận thể thao
Cái mất mát lớn hơn của việc tăng thuế lên phí chơi golf nằm ở điểm khác. Golf là một môn thể thao. Đã là thể thao thì ai cũng được quyền tiếp cận.
Mức thu nhập bình quân của Úc lớn gấp hơn 12 lần Việt Nam, nhưng giá chơi golf ở các sân công cộng rẻ hơn Việt Nam đến 3 - 4 lần. Khả năng tiếp cận golf của người Úc lớn hơn người Việt Nam khoảng 30-40 lần.
Chúng ta đang muốn cho đa số người dân được hưởng lợi, nhất là các dịch vụ cao cấp, để chứng tỏ sự ưu việt và công bằng của chế độ Xã hội chủ nghĩa. Hà cớ chi lại đẩy golf xa với đông đảo quần chúng?
Thay vì một vòng golf mất khoảng 80 USD như hiện nay, bỏ thuế TTĐB, giảm các phí quản lý nhờ công nghệ, tăng cung, đưa giá về chỉ khoảng 20 USD như các sân công cộng ở ÚC, ở Malaysia - bằng giá 1 đêm nghỉ ở khách sạn 500 ngàn đồng - có phải có hàng triệu người được tiếp cận golf không?
Cản trở sự phát triển golf của trẻ em
Muốn có vận động viên tài năng thì phải có số đông tập luyện. Tăng thuế TTĐB lên golf sẽ đẩy chi phí chơi golf lên cao. Là trực tiếp ngăn cản môn thể thao golf đến với số đông thiếu nhi học sinh. Là trực tiếp không cho những trẻ em có năng khiếu về golf có cơ hội trở thành người tài.
Lời kết
Theo quy luật của vũ trụ, các hiện tượng mới ra đời đều phải vượt qua những trở ngại sống còn. Sự tồn tại là minh chứng. Những thử thách đối với chỗ đứng của golf ở Việt Nam đã là quá đủ. Golf đã tồn tại và phát triển ở các quốc gia khác trên toàn thế giới, nhất là ở các quốc gia tiên tiến, thì golf tất sẽ có chỗ đứng xứng đáng ở Việt Nam. Không chỉ là một môn thể thao, golf là một ngành kinh tế quan trọng. Người Việt Nam đủ trí sáng để không kỳ thị golf.
By Dr. Nguyen Ngoc Chu