Chuyển tới nội dung

Lợi bất cập hại cho chiến lược kinh tế dài hạn nếu tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với golf  

Việc đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dịch vụ golf tưởng là điều tiết hợp lý, nhưng thực chất có thể gây hiệu ứng ngược: bóp nghẹt một ngành thể thao - du lịch đang manh nha phát triển, đẩy chi phí lên cao, làm suy yếu năng lực cạnh tranh của ngành golf Việt ngay trong cuộc đua khu vực.

Trong bối cảnh Quốc hội đang thảo luận về sửa đổi Luật Thuế Tiêu thụ Đặc biệt, đề xuất tăng thuế với dịch vụ kinh doanh golf một lần nữa dấy lên những tranh luận trái chiều. Trong phát biểu mới nhất, một số đại biểu Quốc hội đề xuất nâng thuế suất lên trên mức 20%. Tuy nhiên, góc nhìn đơn tuyến này liệu có thật sự phản ánh đúng bản chất và vai trò kinh tế - xã hội của ngành golf tại Việt Nam?

Golf là môn thể thao mang văn hóa đẹp, không phải xa xỉ phẩm

Thực tế, Việt Nam đang là một trong những quốc gia có giá thành chơi golf cao nhất trong khu vực ASEAN, thậm chí vượt cả Singapore, Thái Lan, Malaysia, những quốc gia có thu nhập bình quân đầu người gấp nhiều lần Việt Nam. Trong khi thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam năm 2024 là khoảng 10.755 USD, thì con số này tại Thái Lan là 18.073 USD, Malaysia 27.287 USD và Singapore lên đến 95.603 USD.

Một vòng golf tại Việt Nam, tính trên thu nhập thực tế, có thể đắt gấp đôi Thái Lan và nhiều lần so với Singapore hay Malaysia. Đây chính là rào cản lớn nhất kìm hãm sự phát triển của thể thao golf trong nước, chứ không phải vì “golf dành cho người giàu”.

4f009c2f009ab2c4eb8b.jpg (61 KB)

Golf hiện không chỉ dành cho giới thượng lưu mà đã phổ cập hơn rất nhiều. Các sân golf ở Việt Nam hiện phục vụ đa dạng đối tượng, từ người chơi phong trào, khách du lịch, đến thanh thiếu niên trong các chương trình học đường. Đây là môn thể thao có giá trị giáo dục, hỗ trợ phát triển thể chất, tinh thần, được đưa vào chương trình học tại nhiều nước tiên tiến. Ở Việt Nam, ngày càng có nhiều trường học, học viện đưa golf vào chương trình đào tạo tài năng trẻ, như một phần của hệ sinh thái thể thao hiện đại.

Golf là môn thể thao có thể chơi suốt đời và mang nét văn hóa đẹp ở nhiều khía cạnh. Mang những quy tắc và chuẩn mực về ứng xử, tinh thần thể thao cao đẹp và sự công bằng, những giá trị này đã thấm nhuần vào văn hóa golf tại Việt Nam, giúp xây dựng một cộng đồng chơi golf lành mạnh và đoàn kết.

hinh-anh-khoa-hoc-golf-cho-tre-em-1-1.jpg (313 KB)
Golf là môn thể thao có giá trị giáo dục thể chất và tinh thần.

Golf đang chuyển mình thành công cụ thúc đẩy kinh tế vùng

Hiện có hơn 70 sân golf trên cả nước, và con số này vẫn đang tăng. Nhiều sân trong số đó đóng vai trò “hạt nhân” du lịch tại địa phương, kéo theo các dịch vụ lưu trú, ẩm thực, vận tải và thương mại. Đồng thời, các sân golf chất lượng cao và các giải đấu quốc tế đã góp phần thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam với thiết kế truyền thống và hiện đại, tạo ra một môi trường độc đáo. Golf không chỉ thúc đẩy ngành du lịch mà còn nâng cao hình ảnh của Việt Nam trên bản đồ golf thế giới.

Viet-Nam-chien-thang-nhieu-binh-chon-golf-tai-World-Golf-Awards-1.jpg (411 KB)
Việt Nam chiến thắng nhiều bình chọn golf tại World Golf Awards. (Ảnh: IGA)

Tuy nhiên, tăng thuế đồng nghĩa tăng chi phí, giảm sức hấp dẫn với du khách, giảm doanh thu, kéo lùi đầu tư, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang cạnh tranh trực tiếp với các quốc gia láng giềng có chính sách thuế thân thiện hơn với ngành golf.

Một vòng golf không chỉ là chuyện của golfer, mà còn là chuyện của nhiều người lao động từ caddie, bảo trì sân, đầu bếp đến lái xe, những người sẽ trực tiếp chịu ảnh hưởng nếu lượng khách giảm. Việc tăng thuế có thể phản tác dụng, dẫn tới tổng thu giảm và thiệt hại lan rộng.

96296076b9741b2a4265.jpg (900 KB)
Bà Nà Hills giữ vị trí sân golf tốt nhất châu Á trong nhiều năm và được vinh danh "Sân golf của Năm của Việt Nam" tại Giải thưởng IAGTO 2024.

Chính sách thuế cần phân hóa và định hướng phát triển

Thuế khóa là công cụ điều tiết nhưng cũng là lời tuyên bố về chiến lược phát triển quốc gia. Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với golf có thể là một đề xuất xuất phát từ ý tưởng “công bằng thuế”, nhưng nếu không đặt trong tổng thể chiến lược phát triển ngành, nó sẽ trở thành lực cản vô hình nhưng rất mạnh. 

Việc tăng thuế có thể tạo hiệu ứng ngược, làm giảm tính cạnh tranh của Việt Nam trong cuộc đua thu hút khách du lịch golf quốc tế, vốn là nhóm khách có mức chi tiêu gấp 6–8 lần du khách thông thường (theo thống kê của UNWTO). Khi giá thành dịch vụ tăng, Việt Nam sẽ khó cạnh tranh với Thái Lan, Malaysia, nơi đang có chính sách ưu đãi thuế cho đầu tư sân golf phục vụ du lịch. Hệ lụy kéo theo là sự sụt giảm nguồn thu từ thuế VAT, thuế doanh nghiệp và cả thu nhập từ hàng chục ngàn lao động làm việc trực tiếp hoặc gián tiếp trong ngành golf,  những người mà chính sách đang bỏ qua khi chỉ nhìn vào “mức sống người chơi”.

aa78dc5440e1f2bfabf0.jpg (414 KB)

Sự phát triển của ngành công nghiệp golf cần được nhìn nhận dài hạn hơn, nơi golf không phải là đích bị đánh thuế, mà là công cụ để tạo sinh kế, thúc đẩy du lịch và nâng tầm hình ảnh quốc gia. Nếu Việt Nam đặt mục tiêu trở thành điểm đến golf hàng đầu châu Á, thì chính sách thuế cần phản ánh được định hướng đó. 

1 lượt thích 239 lượt xem

Tin bài khác