Chuyển tới nội dung

Câu chuyện chưa kể về nghề bảo dưỡng sân golf  

Phóng viên Dan Parker trải nghiệm một ngày làm việc cùng đội ngũ greenkeeper tại sân golf Edgbaston, khám phá những bí mật đằng sau mặt sân hoàn hảo mà golfer vẫn quen thuộc. Và anh nhận ra: đã đến lúc họ xứng đáng được tôn vinh hơn bao giờ hết.

(Bài viết dựa trên lời kể của Phóng viên Golf Monthly Dan Parker)

ZswuEfAa5PefxL7NrR29BX-1024-80.j.jpg (156 KB)
Trải nghiệm một ngày làm greenkeeper cùng Dan Parker.

Trong golf, người bảo dưỡng sân (greenkeeper) chịu trách nhiệm bảo trì và chăm sóc và bảo dưỡng sân, các bề mặt chơi trên sân, đảm bảo sân ở trạng thái tốt nhất, đem đến trải nghiệm tốt nhất cho người chơi. 

Nếu golf là một môn nghệ thuật, thì greenkeeper chính là người nghệ sĩ âm thầm tô điểm. Không có họ, mặt cỏ không thể mượt như nhung, những đường fairway sẽ không bao giờ quyến rũ như một con đường mời gọi. Tôi từng nghĩ mình hiểu golf, nhưng chỉ sau một ngày làm việc cùng những người thầm lặng phía sau sân cỏ, tôi mới thật sự hiểu: không ai yêu golf nhiều bằng họ.

Với mong muốn hiểu rõ hơn về nghề nghiệp này, tôi đã cộng tác với BIGGA (Hiệp hội Greenkeeper Golf Quốc tế và Anh quốc), để trải nghiệm một ngày làm greenkeeper tại CLB Edgbaston, Birmingham. Đồng hành cùng tôi là Jake Field, quản lý sân cỏ của CLB, người không chỉ hướng dẫn mà còn để tôi trực tiếp thực hành các công việc chuyên môn, từ máy móc đến công nghệ hiện đại.

5h30 sáng: Họp đội và sẵn sàng cho công việc

ER76fXcXHYq6rCnVpvwuzW-768-80.jp.jpg (135 KB)

Tôi đến Edgbaston khi mặt trời còn chưa ló dạng. Nằm ngay giữa thành phố Birmingham nhộn nhịp, sân golf Edgbaston như một viên ngọc xanh quý giá, thanh bình giữa đô thị. Dù không phải người ưa dậy sớm, tôi vẫn hào hứng khi thấy đội greenkeeper gồm tám người đã sẵn sàng với đèn pha sáng rực, phân công công việc đâu ra đó.

Jake và tôi tiến về green số 9, điểm khởi đầu cho chuỗi công việc trong ngày. Đội ngũ đã tỏa đi làm nhiệm vụ từ trước khi tia nắng đầu tiên kịp ghé thăm.

6h15 sáng: Làm phẳng mặt green bằng máy "ủi"

czi2cyyhoctgdgVXZPHhdn-768-80.jp.jpg (75 KB)

Hôm đó không phải ngày cắt cỏ, nhưng vẫn cần “ủi” mặt green để đảm bảo độ mượt và đều. Việc đầu tiên của tôi là điều khiển chiếc máy “green iron”, một thiết bị giúp là phẳng mặt cỏ và tạo tốc độ lăn bóng ổn định, đặc biệt quan trọng vào mùa đông khi không cần cắt cỏ mỗi ngày. Tôi điều khiển máy bằng những bước chậm rãi, như đang ve vuốt mặt sân. Mỗi cú lăn không chỉ là thao tác kỹ thuật, mà còn là cách để “nói chuyện” với cỏ, cảm nhận xem hôm nay chúng thế nào.

Dưới sự hướng dẫn của Jake, tôi học cách điều khiển chiếc máy chạy bằng con lăn, di chuyển từ bên này sang bên kia một cách cẩn thận. Dù không dám vượt quá tốc độ đi bộ, tôi cũng khá tự hào với nỗ lực đầu tiên của mình. Sau khi hoàn tất, đến phần kiểm tra thông số kỹ thuật.

6h45 sáng: Đo tốc độ, độ cứng và độ ẩm mặt green

isXKQUPspUrQ4FCbEyk7FT-768-80.jp.jpg (138 KB)

Tôi dùng stimpmeter để đo tốc độ lăn bóng, thả ba quả bóng từ thiết bị dốc xuống mặt green, lấy trung bình khoảng cách bóng đi được. Tiếp theo là đo độ cứng bằng búa Clegg, cho kết quả dao động từ 100–110 G (gravity), và đo độ ẩm bằng đầu dò chuyên dụng.

Jake nói thêm: “Ngày nay, không còn chuyện tưới nước đại trà nữa. Chúng tôi cần tính toán độ ẩm chính xác từng khu vực để chỉ tưới nơi cần thiết, tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường.”

7h30 sáng: Cắt hố golf

hxPA6r4HiTDsLstpxy5yKc-768-80.jp.jpg (112 KB)

Một trong những phần việc thú vị nhất là cắt hố mới, một công việc tưởng đơn giản nhưng đòi hỏi sự chuẩn xác đến từng milimet. Dụng cụ bao gồm thước đo, dao cắt, và phích cỏ. Mỗi green có khoảng 15-20 vị trí đặt hố phù hợp. Sau khi cắt xong hố mới, tôi lấp lại hố cũ, làm phẳng, cắt viền bằng kéo và dùng thước đo để đảm bảo độ sâu đúng chuẩn 2,54 cm. Cuối cùng là sơn trắng lòng hố, một điểm nhấn thẩm mỹ của sân Edgbaston. Một “công trình” hoàn hảo chỉ trong vài phút, nhưng đủ để mỗi cú putt sau đó trọn vẹn và chính xác.

8h30 sáng: Cắt cỏ vùng approach

VE89ZdkgL5wXncXT7sqMkR-768-80.jp.jpg (114 KB)

Tôi được thử vận hành máy cắt cỏ tại vùng tiếp cận (approach area), một phần yêu cầu độ chính xác rất cao. Chiếc xe vừa to, vừa nặng, lại cần kỹ năng điều khiển để cắt đúng cao độ và giữ đường cắt thẳng tắp. Nhưng sau vài lần thử và sai, tôi dần cảm thấy đây là công việc thư giãn, giống như "thiền định". Dù vậy, tôi thở phào nhẹ nhõm khi hoàn thành nhiệm vụ mà không làm hỏng đường cắt thẳng tắp do nhân viên trước để lại.

9h15 sáng: Cào cát trong bunker

SMSB2YXaY3NTHzVBj7rQz7-768-80.jp.jpg (164 KB)

Chúng tôi đến green số 4 để chuẩn bị bunker. Công đoạn chăm sóc bunker (hố cát) là một trong những công việc tiêu tốn nhân lực nhiều nhất. 

“Khi mưa lớn, phải mất 3-4 người xử lý sạt lở trong các bunker. Giờ đây, với lớp đệm cao su chống thấm dưới cát, chúng tôi tiết kiệm được cả đống giờ làm việc và giảm cỏ dại, ô nhiễm đất,” Jake chia sẻ.

Tôi học cách cào bunker đúng kỹ thuật: từ giữa ra ngoài, dùng động tác đẩy thay vì kéo để tránh tích tụ cát ở rìa. Theo Jake, rake (cào) nên được để trong bunker sau khi dùng, một quan điểm đang gây tranh cãi nhưng giúp sân gọn gàng hơn.

10h30 sáng: Xới thoáng mặt green (aeration)

dUKNYknx7sRFWwTJGnY3qT-768-80.jp.jpg (144 KB)

Tuy không diễn ra mỗi ngày, việc xới thoáng mặt cỏ là công đoạn sống còn trong bảo trì mặt green. Máy móc tạo ra các lỗ nhỏ giúp rễ cây nhận oxy, dưỡng chất và phá vỡ hiện tượng nén đất, vốn xảy ra do cắt cỏ thường xuyên.

“Chúng tôi thực hiện kỹ thuật này vào tháng 8 để đảm bảo thời gian phục hồi nhanh nhất. Giao tiếp với hội viên là điều quan trọng, để họ hiểu tại sao green đôi khi sẽ không hoàn hảo vài ngày,” Jake nói. Tôi được thử vận hành máy xới tại khu chip tập, với loại kim nhỏ dùng cho bảo trì định kỳ 6 tuần/lần.

11h30 sáng: Phòng ngừa bệnh bằng trí tuệ nhân tạo

RLFTPUaHucbfuPc6ySFHrK-768-80.jp.jpg (97 KB)

Trở về văn phòng, tôi được giới thiệu hệ thống AI có tên Maya, trợ lý thông minh theo dõi điều kiện đất tại mỗi green. Hệ thống này phân tích độ ẩm, độ mặn, nhiệt độ... để dự báo khả năng phát sinh bệnh nấm như anthracnose. Khi phát hiện rủi ro, Maya sẽ gửi thông báo cho Jake và đội. Điều này giúp đội ngũ chủ động ngăn ngừa thay vì chữa trị, một cuộc cách mạng trong bảo dưỡng sân golf hiện đại.

“Trước đây chúng tôi chỉ chữa bệnh khi thấy dấu hiệu. Giờ thì có thể phòng ngừa, nhờ AI. Đó là bước tiến cực lớn cho ngành greenkeeping,” Jake hào hứng chia sẻ.

12h30 trưa: Tổng kết ngày làm việc

geg7CFETzifuqHUSHBFxiY-768-80.jp.jpg (159 KB)

Sau một buổi sáng làm việc hăng say, tôi và Jake cùng ngồi uống cà phê tại clubhouse, tận hưởng ánh nắng cuối hè rải khắp mặt sân xanh mướt. Với tôi, đây là một trong những “văn phòng ngoài trời” đẹp nhất mà tôi từng đặt chân đến.

Jake chia sẻ: “Đây là nghề tuyệt vời. Dù đôi khi thời tiết không thuận, nhưng những ngày đẹp như hôm nay là phần thưởng. Và nghề này không chỉ là cắt cỏ như nhiều người nghĩ. Chúng tôi sử dụng công nghệ, tính toán chính xác, và chăm chút từng chi tiết nhỏ nhất để mang lại trải nghiệm golf tốt nhất cho hội viên.”

Golf có thể là cuộc chơi của những cú đánh tuyệt kỹ, nhưng vẻ đẹp của nó bắt đầu từ một nơi khác, từ những người dậy sớm hơn mặt trời, và đi về khi chẳng ai kịp nhìn thấy. Một ngày trải nghiệm của tôi kết thúc, nhưng sự trân trọng với nghề greenkeeper thì mới chỉ bắt đầu.

(ảnh: Future và Howard Boylan)

0 lượt thích 52 lượt xem

Tin bài khác