Luật Golf giải đáp: Có thể đắp bùn hoặc mùn cưa thay cho tee khi phát bóng?
Tin bài liên quan
Quay ngược lịch sử, khi các mẫu tee hiện đại chưa hiện hữu
Quay về thời kỳ sơ khai của golf, người chơi không hề có những chiếc tee gỗ hay nhựa tiện dụng như ngày nay. Trước khi các loại tee gỗ, nhựa hoặc tre trở nên phổ biến như hiện nay, người chơi golf trong quá khứ thường sử dụng cát để vun thành ụ nhỏ và đặt bóng lên.
Đây là cách tee bóng phổ biến ở những thập niên đầu thế kỷ 20, trước khi các mẫu tee hiện đại được phát minh và cấp bằng sáng chế, khởi đầu là mẫu tee dạng tấm cao su năm 1889, tiếp đến là tee dạng cắm xuống đất của Percy Ellis vào năm 1892.
Luật golf quy định gì về “tee thủ công”?
Luật 6.2b(2) trong Luật Golf hiện hành quy định: Người chơi được quyền phát bóng từ mặt đất hoặc từ một tee trong khu vực phát bóng. Điều này đồng nghĩa với việc, bạn không nhất thiết phải dùng tee thương mại. Bạn hoàn toàn có thể đặt bóng trực tiếp lên mặt đất, hoặc sử dụng các vật liệu tự nhiên như cát, bùn, mùn cưa để tạo nên một “tee thủ công”.
Thậm chí, Luật 6.2b(3) còn cho phép người chơi được tác động vào mặt đất trong khu vực teeing area, ví dụ như dùng chân hoặc gậy tạo vết lõm để đặt bóng. Điều này càng khẳng định quyền linh hoạt của người chơi khi phát bóng.
Trong trường hợp sử dụng tee peg chuyên dụng, Luật Thiết bị 6.2 (Equipment Rule 6.2) quy định rõ các yêu cầu đối với một tee hợp lệ: không dài quá 4 inch (101,6 mm), không được thiết kế để chỉ hướng đánh, không được ảnh hưởng bất thường đến chuyển động của bóng, và không được hỗ trợ người chơi thực hiện cú đánh theo cách không hợp lệ.
Ngoài khu vực phát bóng, việc vun đất hay tạo ụ bằng bùn hoặc cát để hỗ trợ bóng là vi phạm Luật 8.1 vì đã cải thiện điều kiện ảnh hưởng tới cú đánh. Điều này áp dụng cho mọi vị trí khác trên sân, bao gồm fairway hay rough.