Chuyển tới nội dung

Golf thế giới: Căng thẳng chính trị gõ cửa sân golf  

Mỗi mùa đông, hàng nghìn golfer Canada lại đổ về Palm Springs để tránh rét và tận hưởng những vòng golf trong nắng ấm. Nhưng năm nay, sân cỏ vắng lặng hơn thường lệ. Chính trị căng thẳng, chi phí tăng cao và cảm giác không còn được chào đón đang khiến nhiều “chim di cư” phương Bắc suy nghĩ lại về điểm đến quen thuộc, đe dọa đến cả một ngành công nghiệp golf giữa sa mạc California.

Những bóng cờ phong đỏ trên những sân golf Mỹ

Coachella Valley, dải đất vàng trải dài 40 dặm sa mạc miền Nam California từ lâu đã là “ngôi nhà thứ hai” của hàng ngàn người Canada tránh đông. Nơi đây có tới 120 sân golf và hàng trăm cộng đồng cư dân định hình quanh gậy sắt và cỏ mượt. Trong số đó, người Canada, chủ yếu đến từ các tỉnh bang phía Tây như Alberta hay British Columbia chiếm hơn 7% chủ sở hữu bất động sản trong vùng.

1746631226850.jpg (733 KB)
Coachella Valley có nhiều ngôi nhà nằm dọc theo fairway của 120 sân golf trong khu vực.

Theo thống kê từ năm 2017, khách du lịch Canada đã mang lại hơn 300 triệu USD cho nền kinh tế Coachella Valley mỗi năm. Với lạm phát và sức chi tiêu năm 2025, con số này có thể lên tới 400 triệu USD, mang lại hơn 2.000 việc làm địa phương, phần lớn liên quan đến dịch vụ, sân golf và bất động sản. Tuy nhiên, “mùa di cư” năm nay đang chứng kiến những khoảng trống bất thường trên sân cỏ.

“Thông thường vào tháng 3, chúng tôi phải đặt giờ chơi golf trước cả tuần,” Barry Clark, một người Canada sở hữu nhà tại The Resorter suốt 13 năm chia sẻ. “Năm nay thì khác hẳn. Sân vắng lạ thường. Nhiều khi tới sớm, người giữ sân chỉ nói: ‘Cứ vào chơi đi, chẳng ai cả đâu.’”

acca_0037_hole9green_hero_8518d1.jpg (193 KB)
Mỗi mùa đông, hàng nghìn golfer Canada đổ về Palm Springs tận hưởng những vòng golf trong nắng ấm. Nhưng năm nay, sân cỏ vắng lặng hơn thường lệ.

Căng thẳng từ chính quyền Mỹ - Canada

Vấn đề không nằm ở thời tiết, mà là không khí giữa hai quốc gia. Những căng thẳng từ chính quyền Mỹ, bao gồm việc áp thuế 25% lên hàng hóa Canada, kiểm soát gắt gao người nhập cảnh, và cả phát ngôn gây sốc từ Tổng thống Donald Trump về việc “sáp nhập Canada thành tiểu bang thứ 51” đã làm dấy lên làn sóng bất an từ phía người dân xứ lá phong.

Theo Cơ quan Thống kê Canada, lượng người Canada lái xe sang Mỹ trong tháng 3/2025 đã giảm tới 32% so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng khách đi bằng đường hàng không cũng giảm 13,5%.

1746630999460.jpg (471 KB)
( Ảnh minh họa: Olga Trehub)

“Dù chúng tôi yêu ngôi nhà, yêu cuộc sống ở đây, nhưng không ai muốn cảm thấy bị xúc phạm,” Dave Majeski, một snowbird đến từ Edmonton, Alberta nói. “Khi chính trị khiến chúng tôi thấy bất an, đó là lúc chúng tôi phải cân nhắc rời đi.”

Donna Evans, cư dân Palm Desert từ năm 1999 chia sẻ rằng bà và chồng đã suýt bán căn nhà gắn bó suốt 17 năm. “Chúng tôi chưa từng nghĩ tới chuyện cho thuê, nhưng giờ thì đang cân nhắc. Tình hình chính trị khiến mọi thứ không còn đơn giản nữa.”

Một phần nguyên nhân đến từ những thủ tục nhập cảnh ngày càng phức tạp. Người Canada ở lại Mỹ trên 30 ngày hiện phải mang giấy đăng ký theo người, nếu không sẽ bị phạt tới 5.000 USD hoặc thậm chí là ngồi tù. Chính những điều ấy đã khiến nhiều người cảm thấy xa lạ với vùng đất từng là nơi trú đông ấm áp. Và thị trường địa ốc Coachella Valley cũng bắt đầu có dấu hiệu phản ánh thực tại ấy: số nhà mới rao bán trong tháng 3 đạt mức cao nhất trong 3 năm qua. Nhiều căn biệt thự trong cộng đồng golf đang nằm im trên thị trường tới 55 ngày, lâu gấp 5 lần so với thời kỳ 2021-2022.

Lời mời gọi từ phía bên kia biên giới

Nhưng giữa làn sóng hoài nghi và buồn bã, vẫn còn những cử chỉ ấm lòng. Tháng 4 vừa qua, chính quyền Palm Springs đã treo 40 băng-rôn đỏ rực mang dòng chữ “Palm Springs ♥ Canada” trên đại lộ chính. Cùng lúc đó, sân bay Palm Springs phát đi thông điệp tương tự. Những hình ảnh ấy được gửi về khắp các thành phố Canada.

6469a12d44bef6e0afaf.jpg (216 KB)

Cùng thời điểm, Thống đốc Gavin Newsom cũng phát động chiến dịch quảng bá nhằm thu hút du khách Canada trở lại California, sau khi lượng du khách từ quốc gia láng giềng giảm 12% trong tháng 2. Quốc hội Mỹ cũng có động thái xoa dịu, với việc đưa ra dự luật Canadian Snowbird Visa Act, đề xuất kéo dài thời gian lưu trú cho công dân Canada sở hữu bất động sản tại Mỹ từ 182 lên 240 ngày mỗi năm.

0 lượt thích 28 lượt xem

Tin bài khác