Chuyển tới nội dung

Golfer và Caddie Việt Nam: Duyên hay Nợ?

Golfer và caddie luôn được coi là những người bạn đồng hành không thể thiếu trên sân golf. Thế nhưng thực tế ngày càng có những vấn nạn tiêu cực đang làm “xuống cấp” mối quan hệ tốt đẹp này của môn thể thao golf, trong đó có bạo hành tinh thần, và thậm chí cả thân thể. Vậy đâu là gốc rễ của vấn đề?

Những vết thương tinh thần 

Những ngày qua, câu chuyện "Gậy driver gãy trên đầu nữ caddie" ở sân golf BRG Đà Nẵng đã làm rung động không chỉ trong cộng đồng golfer và caddie Việt Nam mà còn được báo chí, truyền hình chính thống trong và ngoài nước đăng tải liên tục. Rất nhiều nhà báo, luật sư, đại biểu Quốc hội và các diễn đàn golf trên mạng xã hội phân tích, mổ xẻ tình huống dưới nhiều góc nhìn khác nhau. Hầu hết các ý kiến đều phản đối thái độ và hành vi mang tính bạo lực của người chơi golf đối với nhân viên phục vụ trên sân golf. 

Đây mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Trên thực tế, mặc dù có khá ít các trường hợp caddie bị golfer hành hung thân thể nhưng biểu hiện xâm hại phẩm giá (chửi bới vô cớ), uy hiếp tinh thần (dọa khuyến nghị sân golf sa thải), thậm chí là "sàm sỡ" bằng ngôn từ khiếm nhã,…đang khá phổ biến trên các sân golf Việt Nam hiện nay. Điều này đã đẩy công việc của caddie vốn dĩ đã vất vả trở nên ngày càng áp lực, đặc biệt đối với các nhân viên nữ. 

Vết thương trên thịt da rồi cũng sẽ chữa lành, nhưng vấn nạn bạo hành tinh thần vẫn đang âm ỉ diễn ra thường xuyên trên sân golf. 

Mối quan hệ “tay ba” giữa golfer, sân golf, caddie 

Đặc thù kinh doanh dịch vụ chơi golf ở nước ta rất khác so với những quốc gia có ngành công nghiệp golf đã phát triển lâu đời trên thế giới. Cụ thể, khi chơi golf ở Việt Nam, sân golf luôn phân công một nhân viên caddie đi hỗ trợ golfer và điều này là bắt buộc. Nhiệm vụ của caddie ngoài việc phục vụ các yêu cầu cần thiết như: chuẩn bị dụng cụ, tư vấn địa hình sân golf, theo dõi vị trí bóng rơi,...họ còn có phần trách nhiệm thay mặt sân golf thực thi các qui định về thời gian chơi ở mỗi hố golf, giữ khoảng cách an toàn giữa các nhóm chơi, cào cát và xử lý các vết divot,...và vô vàn công việc lặt vặt khác. Nhưng rất ngạc nhiên khi biết rằng hiện nay mức lương caddie do chủ sân golf thực trả khá thấp so với mặt bằng lao động chung của địa phương xung quanh sân golf. Tuy vậy, bất chấp công việc vất vả mà lương thấp, họ vẫn sẵn sàng ứng tuyển làm caddie vì theo tập quán, khoản tiền thưởng, hay còn gọi là tiền tip, mà golfer sẽ trả cho caddie sau mỗi vòng golf mới là thu nhập kỳ vọng.  

Tiền "tip" là khoản chi không hề có quy định bắt buộc nhưng thực tế nó đang là bắt buộc ở các sân golf Việt Nam, là nguồn thu đương nhiên và chủ yếu của caddie. Với mức "tip" như hiện nay, trị giá cao hơn nhiều lần so với thù lao một ngày công nhận từ sân golf và nếu so sánh với giá chơi golf ngày thường thì "tiền tip" tương đương 30% - một khoản trả thêm đáng kể. 

Chính vì tiền "tip" được hiểu là thu nhập chính của caddie - mà khoản này lại được chi trả bởi golfer, nên dẫn tới mâu thuẫn phát sinh từ đây.  

Golfer đáng lý ra sau khi đã trả chi phí chơi golf bao gồm cả thù lao cho caddie phục vụ, thì tiền thưởng chỉ là tùy tâm, tùy theo khả năng từng golfer, nhưng thực tế không phải vậy nên nhiều golfer có xu hướng coi caddie như nhân viên hay thậm chí người hầu hạ của mình. Vì thế khi không hài lòng họ lập tức phản ứng ngay bằng lời nói khó nghe, bày tỏ thái độ cáu giận và tệ hơn là sẵn sàng xâm hại thân thể như vụ việc ồn ào gần đây.  

Về phần caddie, do ý thức được nguồn thu nhập chính phụ thuộc vào golfer nên có tâm lý cam chịu,  nhìn đâu cũng thấy "vùng bẫy", hỏi sao không áp lực cho được?  

Tóm lại, với cách thức khai thác dịch vụ chơi golf như hiện nay, các sân golf vô hình chung đã tạo nên mối quan hệ "tay ba" rất dễ bị hiểu sai về trách nhiệm và quyền hạn của mỗi bên khi thực hiện hợp đồng. 

Chừng nào mối quan hệ về lợi ích không được sắp xếp rõ ràng, lúc đó nguy cơ xung đột và hiện trạng bất bình đẳng vẫn sẽ tiếp tục xảy ra trên sân golf trong thời gian tới.

Giải pháp nào cho vấn nạn? 

Từ những phân tích ở trên có thể rút ra rằng, cần trả lại mối quan hệ giữa golfer và caddie ở Việt Nam theo đúng bản chất của nó. Chỉ có như vậy mới có khả năng giải quyết được các xung đột nội tại khi mỗi chủ thể đều được phân định rõ vai trò của mình. 

  • Golfer là người sử dụng dịch vụ 
  • Caddie là nhân viên được đào tạo chuyên nghiệp đại diện cho sân golf, hỗ trợ cho golfer, giúp golfer hoàn tất một vòng golf đạt thành tích tốt nhất.  
  • Các nhà quản trị và khai thác sân golf nhất thiết phải nghiên cứu để sửa đổi và thiết kế thêm nhiều gói sản phẩm mới để golfer thỏa mãn lựa chọn.  

Chẳng hạn, phần lớn các sân golf đang đánh giá công việc của caddie theo ba mức (Tốt - trung bình - kém ) như hiện nay khá chung chung, nên chăng đưa ra phương pháp tính điểm chi tiết, công bố công khai xếp hạng tín nhiệm caddie hàng tháng và niêm yết minh bạch để các golfer có thể “book” caddie theo nhu cầu. Bằng cách đó sẽ giúp golfer tìm được nhân viên caddie phù hợp với mục tiêu cho từng trận golf của mình.  

Phong trào chơi golf tại Việt Nam đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ, bên cạnh đó du lịch golf cũng phục hồi nhanh chóng sau đại dịch Covid-19. 

Thiết nghĩ đã đến lúc các sân golf cần có biện pháp cải thiện mối liên hệ giữa golfer & caddie đảm bảo các bên tham gia thực hiện đúng, đủ quyền hạn và trách nhiệm một cách sòng phẳng, tôn trọng lẫn nhau, chỉ có vậy mới hy vọng những sự việc bạo hành cả về thể xác và tinh thần trên sân golf sẽ không tái diễn phổ biến trong tương lai. 

0 lượt thích3780 lượt xem

Tin bài khác