Chuyển tới nội dung

Nữ caddie golf: Nghề vất vả lại nhiều thị phi

Có rất ít caddie gắn bó với nghề lâu dài, đặc biệt là nữ giới. Tuy nhiên cũng có những nữ caddie trụ với nghề, họ gắn bó vì golf là đam mê và đã trở thành một phần của cuộc sống.

Nhắc đến golf người ta sẽ nghĩ ngay đến những gì thật tinh tế và hào nhoáng. Từ loạt cú đánh đẹp mắt, những động tác lịch lãm hay hệ thống sân golf đẳng cấp quốc tế. Tuy nhiên, không phải ai làm việc ở môi trường môn thể thao quý tộc cũng đều hào nhoáng như người ta vẫn nghĩ.

Ít ai biết rằng để có được những hình ảnh đẹp trên sân, ngoài các golfer còn có sự đóng góp thầm lặng của rất nhiều người. Trong đó caddie (hay còn gọi caddy) đóng một vai trò vô cùng quan trọng, là những người không thể thiếu với cả golf nghiệp dư lẫn chuyên nghiệp.

Ở Việt Nam hầu hết caddie đều là nữ. Làm caddie đã vất vả, caddie nữ lại càng vất vả hơn. Phải có được niềm đam mê với bộ môn golf như thế nào họ mới có thể giữ lửa nghề và cống hiến. Thế nhưng ngoài sân cỏ caddie nữ cũng có những góc khuất nghề nghiệp không ai thấu.

Những nữ caddie có những góc khuất nghề nghiệp không ai thấu

Yêu cầu cao nhưng tuổi nghề chỉ 3-5 năm

Caddie là từ được dùng để chỉ những nhân viên phục vụ trên sân golf. Nhiệm vụ của những người này là đồng hành cùng golfer, nhặt bóng, hỗ trợ bảo quản túi đựng golf và những phụ kiện họ mang theo. 

Để được làm việc trên các sân golf, caddie phải đáp ứng được những yêu cầu hết sức nghiêm ngặt từ chuyên môn, ngoại hình, sức khỏe cho đến khả năng giao tiếp. Nghe thì có vẻ đơn giản, nhưng để được chính thức đứng trên sân, các caddie phải trải qua khoảng thời gian tập luyện vô cùng khó khăn. Đặc biệt với caddie nữ thì những gian khổ này còn nhiều hơn gấp nhiều lần.

Những caddie phải làm việc trên sân bất kể trời nắng hay mưa

Để có thể theo golfer đi từ hố golf đầu tiên đến hố thứ 18, trên tay kéo theo bộ gậy golf từ 12 đến 15kg, không những thế phải cầm ô che cho golfer khi nắng mưa, thì những caddie phải có sức khỏe cực dẻo dai và bền bỉ. Không những vậy họ cũng cần có kiến thức về golf: sửa lại điểm phát bóng để khách thuận lợi khi chơi, lau chùi gậy và bóng khi cần thiết, theo dõi đường bóng, ghi điểm, đánh dấu khi bóng vào lỗ… 

Những caddie phải làm việc trên sân bất kể trời nắng hay mưa. Không những vậy họ cũng phải di chuyển nhiều và liên tục, mỗi ngày từ vài km đến vài chục km là chuyện bình thường. Vì phải đi đứng nhiều nên caddie thường bị các vấn đề về khớp gối, chân. Theo đó tuổi nghề này cũng rất thấp, chỉ kéo dài từ 3 đến 5 năm.

Caddie nữ - Nghề làm dâu trăm họ

Có thể nói caddie là một nghề làm dâu trăm họ. Không kể đến caddie riêng của những golfer nổi tiếng thế giới, caddie trên sân sẽ phải tiếp xúc và làm việc với rất nhiều người khác nhau. Dù làm việc trực tiếp với nhiều doanh nhân, người nổi tiếng, những người giàu có nhưng caddie cũng chỉ được xem là người làm nghề dịch vụ, đối diện trực tiếp với vui buồn, sự hài lòng hoặc tức giận của người chơi. 

Nếu may mắn gặp người chơi có tính cách dễ chịu thì caddie cũng thoải mái hơn và ngược lại, không ít trường hợp người chơi mất bình tĩnh khi đánh bóng hỏng, thua trận và sẵn sàng trút cơn giận dữ lên caddie. 

Caddie là một nghề làm dâu trăm họ

Đơn cử kể đến trường hợp một golfer đánh caddie đến mức nhập viện đang gây xôn xao làng golf Việt những ngày gần đây. Sự việc xảy ra vào ngày 6/12, golfer này cùng nhóm bạn đánh golf tại sân BRG Đà Nẵng. Trong quá trình chơi, do bất đồng với nữ caddie trong việc tính số gậy chơi trong một hố, ông này đã dùng gậy driver đập vào người caddie. Hành động này khiến cây gậy bị gãy làm đôi, nữ nhân viên bất tỉnh và được đưa đi cấp cứu tại một bệnh viện ở Đà Nẵng.

Đáng lưu ý đây không phải lần đầu tiên xảy ra vụ việc như trên, cả ở Việt Nam và thế giới. Năm 2013, cũng đã có vụ việc xảy ra tại sân golf Tam Đảo được báo chí nhắc đến khi golfer là chủ tịch HĐQT một công ty lớn dùng gậy putter đập vào đầu caddie chỉ vì báo gậy sai. Tháng 5/2022, tại sân golf Bà Nà cũng xảy ra sự việc người chơi chửi bới, tác động gây thương tích cho caddie vì bị ngăn cản phát bóng.

Rhein Gibson, tay golf chuyên nghiệp người Úc, cũng từng mất bình tĩnh nặng lời, ném bao gậy vào mặt caddie của mình và sa thải anh này ngay lập tức khi đang thi đấu. Nguyên nhân Gibson bị phạt 1 gậy do lỗi của caddie khiến anh về đích ở vị trí thứ ba thay vì thứ hai.

Có một sự thật rằng, việc người chơi chửi, mắng caddie là điều thường gặp và dùng gậy hay vật thể lạ để trút giận lên caddie cũng đã xảy ra rất nhiều.

Để đối mặt với những điều này, caddie phải vượt qua được cảm xúc cá nhân để đem đến sự hài lòng cho khách chơi golf. Caddie là người đồng hành cùng golfer, họ cần nhận được sự tôn trọng. Có thể trong quá trình chơi, sự tương tác giữa golfer và caddie không phù hợp với nhau, người chơi hoàn toàn có quyền đổi caddie khác thay vì có những hành động không đúng mực.

Thu nhập khá nhưng nhiều thị phi 

Hiện nay, tại Việt Nam, đa phần chỉ có nữ tham gia làm công việc này. Làm việc trong môi trường hằng ngày tiếp xúc với nhiều nam giới thuộc tầng lớp thượng lưu, không ít những cô gái làm nghề này bị gièm pha, dị nghị đủ điều. Suy nghĩ tiêu cực này cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến những caddie chân chính.

Theo khảo sát, lương cứng của caddie golf tại Việt Nam dao động từ 3 - 5 triệu đồng/tháng. Tiền tip của khách chơi golf trung bình khoảng 300.000-500.000 đồng/vòng đấu và mức này có thể cao hơn đối với khách nước ngoài. Nếu caddie giỏi và gặp được khách “sộp”, thu nhập có thể đến hơn 30 triệu/tháng.

Caddie trên sân golf có mức thu nhập khá nhưng cũng nhiều thị phi

Đương nhiên để có được mức thu nhập này cũng đòi hỏi caddie phải chuyên nghiệp, có kiến thức, biết ý người chơi chứ không chỉ nhờ vào ăn may. Ngoài ra caddie cũng phải đầu tư thời gian và công sức, nắng hay mưa chỉ cần khách còn chơi trên sân golf là caddie còn phải làm việc. 

Hầu hết caddie làm việc trên sân là những cô gái trẻ độc thân, có nhiều thời gian cho công việc. Họ làm việc trong vài năm để lấy kinh nghiệm rồi chuyển sang công việc khác đỡ ảnh hưởng đến sức khỏe hơn. Có rất ít người gắn bó với nghề lâu dài, đặc biệt là nữ giới, vì họ cần có thời gian cho gia đình, sinh con. Tuy nhiên cũng không thiếu những caddie theo nghề, họ gắn bó vì golf là đam mê và đã trở thành một phần cuộc sống. 

Cùng Vietnamgolfmagazine xem thêm những tin tức mới nhất về golf:

>>Hàng loạt sân golf, câu lạc bộ golf tẩy chay golfer hành hung caddie

>>Golfer đánh caddie nhập viện tại sân BRG Đà Nẵng

0 lượt thích6329 lượt xem

Tin bài khác