Chuyển tới nội dung

Thị trường dụng cụ golf: bức tranh đa sắc

Không chỉ phát triển về quy mô thị trường mà chất lượng, chủng loại sản phẩm cũng ngày càng phong phú, rõ ràng tiềm năng của thị trường dụng cụ golf ở đất nước trên 100 triệu như Việt Nam sẽ bùng nổ trong tương lai.
Ảnh minh họa

Thị trường thế giới

Hai tổ chức uy tín: Golf Datatech và Viện nghiên cứu Yano đã phối hợp nghiên cứu chuyên sâu , phân tích các dữ liệu của toàn ngành công nghiệp golf thế giới, đặc biệt quan tâm đến những nền golf phát triển mạnh mẽ như : Mỹ, Anh, Nhật Bản...vừa phát hành bản "Báo cáo Golf Thế giới năm 2023 " cho thấy bức tranh của ngành cung cấp dụng cụ golf đã suy giảm từ Quý 4 năm 2022 sau khi đạt đỉnh doanh số kỷ lục hơn 11,1 tỷ Usd vào năm 2021. Báo cáo chi tiết chỉ ra rằng những yếu tố liên quan đến chuỗi cung ứng, xung đột chiến tranh, lạm phát tại Mỹ, sự biến động của đồng usd...đã tác động không nhỏ đến sự tăng trưởng thị trường dụng cụ golf nhiều nước. Hiện tại Top 5 thị trường đạt doanh số bán hàng cao nhất thứ tự lần lượt thuộc về  : Hoa Kỳ; Nhật Bản; Hàn Quốc; Vương quốc Anh và Canada .Riêng nước Mỹ và Nhật Bản đã chiếm hơn 66% thị trường dụng cụ chơi golf thế giới , ngoài ra báo cáo cũng cho thấy người chơi golf Hàn Quốc tiếp tục chi tiêu nhiều tiền hơn so với thu nhập bình quân đầu người vào dụng cụ chơi golf và quần áo golf hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Các dự báo khả quan nền kinh tế thế giới sớm phục hồi và tiếp tục một chu kỳ phát triển mới, kết hợp với doanh số bán hàng (bóng chơi golf, gậy golf , phụ kiện chơi golf  và trang phục chơi golf ) tại thị trường Mỹ và Hàn Quốc vẫn đang duy trì được tốc độ tiêu thụ ngoạn mục sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng doanh số của ngành cung cấp dụng cụ golf toàn cầu trong những năm tới.

Việt Nam: thị trường tiềm năng

Thật khó xác định doanh số bán hàng dụng cụ golf tại thị trường Việt Nam bởi vì hiện nay nó được cung cấp từ nhiều nguồn khác nhau bao gồm: hàng chính hãng, hàng xách tay, đồ “second-hand” nhập khẩu, một phần rất nhỏ sản xuất trong nước và chưa có tổ chức nào thực hiện thống kê do mức độ tiêu thụ quá thấp so với các nước trong khu vực Đông Nam Á phát triển sớm môn golf như Thái Lan, Indonesia... chứ chưa kể đến những nền golf mạnh của Châu lục như Hàn Quốc, Nhật Bản. Tuy nhiên, nếu căn cứ vào tốc độ hoàn thành các dự án sân golf, sân tập golf, cũng như sự gia tăng nhanh chóng số lượng người chơi golf mới vài năm gần đây ở nước ta thì nhận xét thị trường dụng cụ golf Việt Nam đang tăng trưởng ở mức trên 10% hàng năm là khó có ý kiến trái chiều. Không chỉ phát triển về quy mô thị trường mà chất lượng, chủng loại sản phẩm cũng ngày càng phong phú, đa dạng khi hầu hết các thương hiệu lớn về thiết bị golf trên thế giới bằng cách này hay cách khác đều đã xuất hiện nên những nhà sản xuất và phân phối lĩnh vực này đều nhìn thấy tiềm năng của một thị trường golf Việt Nam trên trăm triệu dân vô cùng hấp dẫn và chắc chắn sẽ bùng nổ trong tương lai gần.

Các thương hiệu nổi tiếng chiếm thị phần lớn

Mặc dù mức độ tiêu thụ còn hạn chế nhưng thị trường dụng cụ golf non trẻ của Việt Nam cũng đang từng bước định hình, phân loại để phù hợp với quy luật cung cầu. Chiếm thị phần nhiều nhất hiện nay là các thương hiệu nổi tiếng đến từ nền golf lâu đời như: Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản...đã khá quen thuộc với số đông người chơi golf nên luôn được lựa chọn hàng đầu. Lợi thế của các hãng lớn là đa dạng sản phẩm (cho nhiều độ tuổi, cho người chơi tay trái); giá cả phù hợp với nhiều phân khúc khách hàng, dịch vụ tư vấn, hậu mãi, bảo hành tốt và quan trọng họ cung cấp được dải sản phẩm phong phú (bao gồm gậy golf & phụ kiện golf kèm theo) rất thuận lợi cho golfer mới chỉ cần mua sắm tại một cửa hang golf shop là thỏa mãn đầy đủ mọi nhu cầu. 

Ảnh minh họa

Sự xuất hiện của nhiều hãng cung cấp mới

Hiện nay có vẻ như hầu hết những nhãn hiệu xuất hiện tại giải golf quốc tế được golfer chuyên nghiệp sử dụng và quảng bá đều đã có ở Việt Nam. Nhưng cuộc chơi mới bắt đầu, nhiều hãng cung cấp dụng cụ golf ở Châu Á cũng khá chất lượng đang khảo sát để thâm nhập thị trường Việt Nam, đặc biệt các nhà sản xuất đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc dự báo sẽ lấn sân nhanh chóng nhờ nhiều ưu điểm về thiết kế, mẫu mã, giá cả phù hợp với người Việt Nam hơn. 

Hàng “second-hand" liệu còn được ưu chuộng?

Bên cạnh những nhà cung cấp chính hãng kể trên, hiện nay thị trường còn có sự tham gia của nhà cung cấp sản phẩm cũ (chủ yếu là gậy golf) được nhập khẩu từ nguồn thu gom ở nước ngoài, sau đó mang về Việt Nam tân trang lại và sắp xếp thành từng bộ golf (full set) với ưu điểm giá bán thấp, nhưng để lựa chọn được bộ gậy ưng ý khá mất thời gian. Dự đoán về lâu dài thị phần của dòng gậy cũ này sẽ giảm mạnh vì thực tế hiện nay nhiều nhà phân phối đã lên kệ bộ gậy golf mới tinh với giá cả vô cùng cạnh tranh với gậy cũ. Nguồn cung dụng cụ golf dồi dào, đa dạng và phong phú như hiện nay cũng là nguyên nhân gần như xóa sổ loại hình mua sắm theo hình thức xách tay như trước đây. Họa chăng chỉ tồn tại với trường hợp tìm kiếm dụng cụ golf thuộc dòng cao cấp hay yêu thích mà thôi. 

Như vậy, thị trường dụng cụ golf ở Việt Nam đang phụ thuộc hoàn toàn về các thương hiệu nước ngoài. Nếu ước tính số lượng golfer hiện nay vào khoảng 100.000 người và chi phí cho dụng cụ golf tầm 50 triệu vnđ/golfer thì sân chơi này cũng là một "miếng bánh" không hề nhỏ chút nào.

Ảnh minh họa

Dụng cụ golf "Made in Việt Nam"

Theo thống kê vào năm 2021, tỷ lệ người chơi golf so với dân số của Nhật, Mỹ và Hàn Quốc lần lượt là: 5.7%, 8% và 10%. Vậy ai đó đã đưa ra mốc Việt Nam sẽ hướng tới 1% dân số chơi golf đâu phải là cái đích quá xa xôi. Một dự báo đủ để doanh nghiệp nào quan tâm đến việc sản xuất dụng cụ golf hay phụ kiện golf có thể bắt đầu được rồi. Lấy ví dụ câu chuyện của thương hiệu NASON, sau 5 năm ít nhiều đã gặt hái được thành công khi đưa được gậy golf vào thị trường. Vẫn còn đầy rẫy khó khăn nhưng hãng cho biết sẽ quyết tâm phát triển sản phẩm đến cùng như một niềm tự hào của người Việt Nam. 

Ngẫm cho kỹ thì tại sao Việt Nam không sản xuất ra các dụng cụ golf của người Việt khi chúng ta đang có sân nhà đầy lợi thế, thị trường đang ở thế tăng trưởng rõ ràng và nguồn vốn, công nghệ để tham gia vào phân khúc sản xuất dụng cụ golf không phải rào cản khó vượt qua. Nếu tạo ra được tiếng nói cạnh tranh từ sản phẩm trong nước sẽ có hy vọng kéo chi phí đầu tư cho dụng cụ chơi golf giảm xuống và đó cũng là cách giúp đẩy nhanh được tiến trình phổ cập môn golf, bởi vì tiền bạc cũng là vấn đề đáng kể đối với nhiều người mê golf song hạn hẹp về ngân sách. Chắc chắn với tình hình này, các doanh nghiệp, doanh nhân quan tâm golf sẽ không chịu bỏ lỡ cơ hội để tham gia và chiếm giữ một tỷ trọng đáng kể trong chuỗi cung ứng dụng cụ golf ngay tại thị trường Việt Nam.

Lời kết

Quay lại nội dung bản báo cáo thường nên về golf thế giới 2023 khi họ cho biết người chơi golf toàn cầu hàng năm đã bỏ ra khoảng 20 tỷ usd chi cho việc mua sắm dụng cụ golf và quần áo (golf apparel) để thấy đây là một con số quá lớn được chi trả bởi tệp khách hàng có thu nhập tốt nên doanh số bán hàng rất ổn định. Như vậy xét trên bình diện toàn ngành công nghiệp dịch vụ golf thì nhu cầu về dụng cụ golf sẽ là lĩnh vực luôn luôn sôi động. Tất nhiên thị trường địa phương như Việt Nam cũng sẽ không nằm ngoài diễn biến đó. Đầy tiềm năng nhưng cạnh tranh quyết liệt đó chính là ánh nhìn tổng quan về thị trường dụng cụ golf ở Việt Nam trong thời gian sắp tới.

By Tạ Anh Chiến

0 lượt thích727 lượt xem

Tin bài khác