Mr. Vũ Phương: “Golf là niềm vui và là truyền thống gia đình.”
Tin bài liên quan
VĂN HÓA GOLF XƯA KHÁ “GENTLEMENT”.
Ông đến với golf trong hoàn cảnh nào?
Tháng 4 năm 1994, tôi được mời làm giám khảo quốc tế cho cuộc thi Siêu Mẫu châu Á – Thái Bình Dương - Mega Models of The World 1994 tại Guam. Cuộc thi có 3 người mẫu của Việt Nam là Vũ Cẩm Nhung, Trần Bảo Ngọc và Dương Thanh Chấn tham gia. Sau 3 ngày quan sát các hoạt động của các thí sinh, BTC đã mời ban giám khảo chơi một vòng golf để giao lưu và trao đổi công việc nhưng tôi không tham gia được vì không biết chơi. Trước vòng sơ khảo, trưởng BTC có đưa tôi danh sách sơ bộ các thí sinh lọt vào vòng trong đã được ban giám khảo cơ bản thống nhất trên sân golf, lúc đó tôi rất buồn và phản đối vì mình chưa được đóng góp ý kiến. Có lẽ phản ứng của tôi hơi mạnh nên đến vòng chấm thi chính thức, phần thi của Vũ Cẩm Nhung với trang phục Áo Dài ấn tượng đã được BGK chấm điểm tốt. Đây là lần đầu tiên người mẫu Việt Nam đã có mặt trong top Finalist của cuộc thi. Sau cuộc thi này những người bạn Hàn Quốc đã “lôi” tôi ra sân tập ở Seoul để “giải ngố golf” và thế là tôi biết đến golf từ đó (cười).
Ông đã chơi bao nhiêu sân và kỷ niệm nào ông nhớ nhất?
Biết đến golf từ năm 1994 nhưng thực sự tôi chỉ bắt đầu chơi golf thường xuyên từ năm 2005 khi rủ được cả nhà đi tập và sau đó là lên sân hàng tuần. Tôi đã chơi thường xuyên được 18 năm và hiện đã trải nghiệm được 427 sân golf ở 56 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Hiện nay, tôi là hội viên của sân Đại Lải Golf Club nên thường chơi ở sân này nhiều. Tuy nhiên, sân golf tôi có ấn tượng đầu tiên là sân Barnbougle Lost Farm. Đây là một cụm sân Links rất đẹp và hoang dã ở Đảo Tasmania – Úc.
Về những sân golf có nhiều kỷ niệm, có lẽ đầu tiên phải kể đến sân Qutab Golf Club ở thủ đô New Delhi, Ấn Độ vì tôi đã ghi được HIO ở đây. Tiếp theo là sân Harmony Golf Park ở tỉnh Bình Dương, sân golf đánh dấu cột mốc trong bộ sưu tập thứ 300 và cũng là sân tôi chứng kiến vợ mình ghi được HIO lần đầu tiên. Sau đó là sân Hoiana Shores Golf Club, Quảng Nam vì tôi lại được chứng kiến vợ có HIO lần thứ hai. Kỷ niệm gần đây nhất là ở sân Ushuaia Golf Club tại vùng đất cực nam tận cùng của thế giới, thị trấn Ushuaia, Argentina. Thật vui khi giám đốc sân nói nhóm chơi của tôi là những golfer Việt Nam đầu tiên đến đây trải nghiệm.
Golf ngày xưa có gì thú vị và đáng nhớ?
Thời tôi học golf lúc đầu cũng chỉ do các bạn người Hàn Quốc và Singapore hướng dẫn. Năm 2005 khi cả nhà cùng tập golf thì cùng học theo đĩa VCD của David Leadbetter. Thời đó người chơi golf cũng không quá nhiều nên hầu hết biết nhau và hay chỉ bảo cho nhau trên sân tập. Điều mà tôi nhớ nhất là được gặp chụp ảnh và xin chữ ký của David Leaderbetter - người thầy golf huyền thoại khi được mời tham dự lễ khai trương học viện mang tên ông tại Ciputra Golf Club.
Theo ông, văn hóa golf xưa và nay có khác nhau nhiều không?
Trước đây, tôi chơi golf chủ yếu là rèn luyện sức khỏe và hiếm khi có độ, nếu có cũng chỉ là “búng tai” cho vui thôi. Các golfer thời đó thường hay làm quen và thân thiết với nhau trên sân tập rồi cùng rủ nhau lên sân vào mỗi cuối tuần. Văn hóa của golfer thời đó cũng khá “gentlement”.
Còn thời nay văn hóa golf thực sự đáng báo động. Có lẽ do golf Việt phát triển quá nhanh nên người dạy/học chơi golf thế hệ sau này hình như chỉ tập trung vào dạy/học swing mà quên hẳn về văn hóa golf.
Ông đánh giá thế nào về cách chơi của người trẻ?
Tôi thường chơi golf với bạn quen cùng trang lứa hoặc với những người có sở thích “Trà xanh” giống mình. Đối với các golfer trẻ hiện nay, tôi thấy họ được học swing khá bài bản, đường swing uy lực, đánh xa khá tốt, nhưng có lẽ nhiều golfer trẻ không quan tâm đến văn hóa golf mà chỉ thích chơi độ.
Nói vậy không có nghĩa tất cả golfer trẻ đều như vậy. Tôi rất vui khi hiện nay có một số cháu nhỏ đã được gia đình quan tâm đầu tư cho học bài bản, được rèn luyện kỹ thuật, văn hóa golf, luật golf, thể lực từ rất sớm nên đã bắt đầu đạt được kết quả đáng khích lệ trong các giải đấu trong và ngoài nước.
Đặc biệt là SEA Games 32 vừa qua đội tuyển golf của chúng ta với tuổi đời trung bình còn rất trẻ đã lần đầu tiên giành được huy chương. Tôi tin thành tích này sẽ tạo một cú hích lớn trong cộng đồng golf Việt và là tấm gương để các trẻ nhỏ phấn đấu. Hy vọng một ngày không xa nữa golf Việt Nam sẽ rút ngắn khoảng cách với các cường quốc golf trong khu vực.
Ông có hay chơi giải phong trào không?
Trước đây tôi cũng thường hay tham gia các giải đấu phong trào vì thời đó golfer chưa có nhiều và giải được tổ chức chủ yếu vui là chính. Nhưng khoảng 5 năm gần đây, tôi hầu hết chỉ dành thời gian chơi golf để rèn luyện sức khỏe và đi du lịch golf khám phá các sân golf và các di sản văn hóa trên thế giới.
Golf đóng vai trò như thế nào với cuộc sống và công việc của ông?
Golf thực sự đã có tác động đến bản thân tôi cũng như gia đình rất nhiều. Đối với gia đình, golf chính là nhân tố gắn kết các thành viên. Vượt qua giới hạn tuổi tác, các con tôi thường coi ba mẹ như những người bạn thân và có thể tâm sự, học hỏi hay xin lời khuyên. Tôi nghĩ trước tiên golf đã dạy cho các con tính trung thực và khả năng tự quyết định… Trước đây khi các con còn bé, cả nhà tôi thường cùng nhau dậy rất sớm và lên sân vào mỗi cuối tuần hay như cùng nhau say sưa bàn về các cú đánh, các tình huống trên sân cả buổi mà không hề biết chán. Golf cũng giúp tôi có thêm nhiều người bạn Việt Nam và quốc tế có cùng sở thích.
Giờ đây khi đã ở tuổi lục tuần, ông thấy golf đã mang lại cho mình những gì?
Đầu tiên là sức khỏe. Golf đã giúp sức khỏe và sức bền của tôi khá lên rất nhiều. Cho đến tuổi này tôi vẫn có thể dễ dàng tự kéo xe và đi bộ chơi 18 hố hoặc chơi 36 hố khi sử dụng xe điện trong một ngày và có thể chơi golf cả 6 ngày liên tiếp trong tuần.
GOLF LÀ CẦU NỐI GẮN KẾT GIA ĐÌNH.
Ai là người thầy dạy golf đầu tiên của Long và Nguyên?
Tôi là người đã đưa cả gia đình đến với golf và có lẽ là người đầu tiên cầm tay chỉ bảo cho vợ cùng hai con tập golf. Bài học đầu tiên tôi dạy cho các con là sự điềm tĩnh khi bắt đầu cầm gậy. Các cháu bắt đầu chơi golf khi tuổi còn nhỏ, chúng khá nghịch ngợm, thích đánh kiếm bằng mọi loại gậy trong tay, chúng sẵn sàng đập hoặc vứt gậy nếu không đánh được bóng theo ý mình. Cùng với việc rèn luyện kỹ thuật, tôi luôn dạy và nhắc nhở các con văn hóa golf, cả trên sân tập và ngoài sân golf. Nguyên có khả năng đánh xa và luôn cố gắng đánh xa bằng mọi cách mà không quan tâm đến kỹ thuật, còn Long thì có thể chơi nhiều môn thể thao khác nên không mê golf lắm, do đó mà sự điềm tĩnh, tập trung khi cầm gậy rất quan trọng với các bạn ấy.
Ba cha con có thường đi chơi golf với nhau và góp ý cho nhau?
Cả nhà tôi là vừa đủ một flight. Trước đây cả gia đình tôi thường xuyên đến Hanoi Golf Club vào 3 buổi tối trong tuần để tập luyện và lên sân vào sáng sớm các thứ Bẩy hoặc Chủ nhật hàng tuần. Thường trong khi chơi trên sân tôi hay quan sát mọi người chơi và góp ý trong bữa ăn trưa sau golf. Sau này khi trình độ đánh golf cả nhà khá lên, Nguyên là người chơi tốt nhất vì con có đam mê và chăm chỉ luyện tập.
Khi cả nhà cùng chơi golf thì có lẽ đây chính là chủ đề duy nhất mà mọi người có thể cùng nói chuyện, tranh luận mà không chán. Tất nhiên là cũng có tranh cãi và bất đồng ý kiến nhưng thường tôi hay để các con thoải mái đưa ra các ý kiến của mình và sau đó khuyến khích cả nhà cùng tìm lời giải.
Việc cả hai con đều theo golf, đó là một sự định hướng của gia đình?
Tôi may mắn có được nhiều bạn chơi golf và làm về lĩnh vực golf ở nước ngoài nên cũng có cơ hội tiếp cận với các lĩnh vực liên quan đến golf ở Hàn Quốc, Úc, Malaysia và Thái Lan. Thời đó khi được các bạn mời qua xem các giải đấu đỉnh cao của khu vực và thế giới tôi đã có một ước mơ về golf Việt và chia sẻ với gia đình điều này. Lúc đó cả Long và Nguyên đều ở trong gia đội tuyển golf trẻ Hà Nội do golfer Nguyễn Huy Tiến làm chủ nhiệm. Nguyên là người đầu tiên bày tỏ niềm đam mê và khát khao đó sau khi con giành được giải thưởng đầu tiên do Trung tâm huấn luyện và thi đấu TDTT Hà Nội tổ chức.
Được biết hai cháu trai của chú cũng đang theo ông nội học golf, đây có phải sẽ truyền thống gia đình?
Tôi luôn muốn truyền tải niềm đam mê golf của mình tới các thành viên trong gia đình vì rõ ràng golf đã mang lại nhiều điều tốt từ thực tế của bản thân. Rất vui là cháu nội đầu tiên Vũ Khôi (Finn) đã sớm có được niềm đam mê golf từ bé. Mới hơn 6 tuổi mà cháu có thể chơi và tập golf cả buổi mà không biết chán. Cháu nội thứ hai là Vũ Anh Minh (Fio) tuy còn rất bé và chưa biết nói nhưng cứ nhìn thấy bóng golf ở đâu thì đòi cầm và dùng gậy nhựa đánh vào bóng bằng được.
Vậy Finn và Fio đã từng bước làm quen với golf như thế nào?
Finn làm quen với golf từ những đồ chơi bằng bông khi còn sơ sinh. Vợ chồng Long cho cháu chơi cùng bóng bông và gậy chất liệu thay đổi phù hợp với từng độ tuổi. Khi cháu 14 tháng bắt đầu đánh gậy nhựa trúng bóng bằng một tay. Từ đó, golf là trò chơi hàng ngày giữa ba con Long. Long kiên nhẫn và nghĩ ra nhiều trò chơi từ golf hấp dẫn Finn. Rồi cháu cũng “nghiện” golf như ông bà và ba Long lúc nào không hay. Hiện Finn đã hơn 6 tuổi và có thể chơi golf “sòng phẳng” cùng cả gia đình. Finn có thần tượng là Rory McIIroy và có ước mơ chơi golf thật giỏi để kiếm tiền nuôi ba mẹ (cười).
Còn Fio - con của Nguyên cũng vậy. Cháu bắt đầu với gậy và bóng bằng bông rồi gậy nhựa của anh được bé sử dụng triệt để. Ngay từ khi đi chưa vững thì bóng golf đã là niềm đam mê của bé. Nếu nhìn thấy bóng ở trong gầm bàn, gầm giường là bé chui vào lấy bằng được. Khác với anh Finn bé Fio cầm được gậy bằng 2 tay và khua bất kỳ quả bóng nào khi nhìn thấy.
Một gia đình ba thế hệ cùng chơi golf sẽ như thế nào?
Do tính chất công việc của vợ chồng Long và Nguyên nên rất hiếm để có thể bố trí đầy đủ đại gia đình ba thế hệ cùng ra sân để thực sự chơi golf. Tôi nhớ gia đình mới có đủ flight một lần duy nhất ở sân golf Đại Lải. Còn những lần khác chủ yếu là ở sân tập Ciputra hoặc gia đình đi xem và cổ vũ cháu Finn đi thi đấu trong các giải golf do VGA và HNGA tổ chức.
Vũ Nguyên vừa trở thành tân Tổng thư ký trẻ nhất của VGA, ông có điều gì gửi gắm tới Nguyên?
Những đóng góp của Nguyên cho golf Việt đã và đang được giới làm golf quốc tế đánh giá cao và bây giờ là đến VGA. Tuy trẻ nhưng Nguyên hoàn toàn có đủ phẩm chất, khả năng và trình độ để đảm nhiệm công việc của một Tổng thư ký. Từ trước đến nay tôi vẫn luôn theo sát và góp ý cho cả Long và Nguyên về công việc làm golf và ý thức cống hiến cho xã hội và cộng đồng.
Điều tôi luôn muốn nhắc nhở Nguyên là trong bất cứ công việc gì, ở cương vị nào cũng đều cần giữ tầm đi đôi với tâm, bản lĩnh đặt lợi ích chung lên trên và luôn tuân thủ pháp luật.
VN Golf Centre có phải là giấc mơ của ông và gia đình để phát triển phong trào golf trẻ?
Trung tâm Quảng bá và Phát triển Golf Việt Nam (VN Centre) là tâm nguyện của gia đình tôi. Mục tiêu của trung tâm là xây dựng và phát triển một cộng đồng golf Việt có một triệu golfer theo đúng với giá trị và tinh thần của môn golf. Hiện trung tâm đang giới thiệu, phổ cập golf ở cộng đồng đặc biệt là trẻ nhỏ. Độc giả có thể tham khảo tại: www.vncentre.net.
Cảm ơn chú vì những chia sẻ vô cùng thú vị!
Profile
Tên đầy đủ: Vũ Phương
Công tác: Từng làm tại Quỹ Văn hóa Hà Nội và hiện hỗ trợ VN Centre
Handicap Index: 16.1
Năm sinh: 1961
Thời gian chơi golf: 18 năm.
Điểm mạnh của gia đình: Cùng đam mê golf
Điểm yếu khi chơi golf: Long game.
Câu nói yêu thích nhất/Phương châm sống: Hãy luôn tin ở chính mình.
Sở thích: Lưu giữ score của từng sân golf đã chơi để làm BST
Đam mê ngoài golf: Chơi nhạc và sáng tác bài hát