Chuyển tới nội dung

Đào tạo nghề golf – Khi câu chuyện xuất phát từ các gia đình

Rất nhiều các golfer tài năng của làng golfer Việt đã thành công nhờ sự nỗ lực và sự đầu tư nghiêm túc từ chính gia đình. Cùng VietnamGOLF&Leisure lắng nghe những chia sẻ vô cùng tâm huyết từ những bậc làm cha mẹ trong việc định hướng đi cho con đối với nghề golf.

PGA Nguyễn Đình Châu

PGA Nguyễn Đình Châu

Vì sao anh lại muốn con cái đi theo nghề golf? 

Là người chơi golf và trực tiếp dạy golf, tôi nhận thấy golf là một nghề rất tốt cho tương lai của các cháu.

Những thuận lợi và áp lực gì cha mẹ cần biết để hướng con đi theo nghề này? 

Vì tôi đang là một golf pro cho nên tôi có nhiều thuận lợi cho các con theo học golf. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi là khá nhiều áp lực, trong đó nhiều nhất đó chính là tài chính và luôn luôn phải sát sao với các con trên suốt hành trình học tập và thi đấu.

Có phải chỉ những người có tố chất, thể lực, tính cách phù hợp mới theo được nghề golf? 

Golf pro cần phải có thể chất tốt mới đi theo được con đường golf chuyên nghiệp để thi đấu đỉnh cao, còn nếu bạn chỉ muốn theo nghề golf thì thể chất không quan trọng.

Kế hoạch anh đang áp dụng cho hai con như thế nào?

PGA Nguyễn Đình Châu và hai con

Gia đình chúng tôi đã có kế hoạch chuẩn bị kỹ lưỡng từ khi cháu chỉ 3-4 tuổi, bao gồm từ việc đầu tư dinh dưỡng, tích góp tài chính đủ để cho các cháu đi theo con đường golf pro. Theo đó, tôi đặt mục tiêu con trai cần cao tối thiểu 1,75m còn con gái phải cao 1,65m. Về tài chính, dự kiến mỗi cháu sẽ phải cần khoảng 1 triệu đô để theo học golf chuyên nghiệp. Thời gian luyện tập trung bình khoảng 10 năm cho một golfer trở thành Pro.

Tiềm năng phát triển nghề golf ở Việt Nam ra sao?

Tôi thấy, tương lai golf ở Việt Nam rất lớn, do đó chúng ta rất cần nhiều golf pro để quản lý, điều hành và giảng dạy.

Mức thu nhập trung bình của một PGA ở Việt Nam là bao nhiêu? 

Trung bình, một giáo viên có chứng chỉ PGA có thu nhập tại Việt Nam vào khoảng 5000-15,000 đô la/1 tháng.

Những cơ hội nào sẽ mở ra cho những con em đi theo nghề golf? 

Như tôi đã nói ở trên, golf là môn thể thao tiềm năng ở Việt Nam, vì vậy sẽ có rất nhiều cơ hội và việc làm cho các golfer pro trên đất nước hình chữ S này.

Lời khuyên dành cho các bậc cha mẹ muốn con đi theo nghề golf? 

Thực sự, golf pro là một nghề rất tốt cho các con em. Nên nếu cha mẹ và các gia đình có điều kiện, hãy đầu tư thời gian, kinh tế cho con được theo học nghề golf nếu các cháu thực sự đam mê và có tố chất. Bởi nghề golf chính là hiện tại và tương lai của chúng ta.

Golfer Nguyễn Huy Tiến

Golfer Nguyễn Huy Tiến và con gái Thảo My

Anh có thể chia sẻ kinh nghiệm thực tế về việc định hướng con theo nghề golf?

Do xuất thân từ dân thể thao nên mong muốn đầu tiên của tôi với hai con đó là vấn đề sức khỏe. Ngay từ bé tôi đã định hướng cho các con chơi thể thao. Việc con thành công với môn thể thao nào đó thì rất khó nói trước, tuy nhiên, vì tôi đã học và mê golf nên tôi cũng quyết tâm muốn con học môn thể thao này. Đó là năm 2009, khi đó tôi đi tập golf và mang theo hai con đi cùng. Ban đầu, mục tiêu của tôi cho con là học và chơi thể thao, nhưng khi chứng kiến những tố chất của con bộc lộ qua quá trình luyện tập, đó là năng khiếu và sự đam mê, tôi đã dần định hướng cho con chuyên sâu hơn vào con đường golf. Với trẻ con, để có được đam mê học golf là điều rất khó, còn khó hơn cả việc dạy golf, nên tôi càng quyết tâm dành thời gian đầu tư golf cho con hơn, cho các con đi tập nhiều hơn. Tức là sau khoảng 3 năm tập chơi golf cùng bố, tôi mới chính thức định hướng cho các con theo con đường golf bài bản, chuyên nghiệp sau khi nhìn thấy đam mê của My và Thắng với golf. 

Tôi vẫn nói với hai con rằng làm việc gì cũng vậy, dù là ca sỹ hay chính trị gia thì mục đích cuối cùng vẫn là hướng tới sự hạnh phúc mà hạnh phúc ở đây chính là được làm công việc mình đam mê và được sống bằng chính đam mê của mình. Tôi đã phân tích điều này cho con và may mắn là cả hai đứa đều hiểu nên rất kiên trì và chịu khó luyện tập golf. 

Trong quá trình này, liệu đã có những bài học đúng và chưa đúng được rút ra?

Thật ra có một tâm lý chung của các bậc phụ huynh đó là “luôn luôn kỳ vọng vào con của mình”, luôn muốn đốt cháy giai đoạn và muốn con thành đạt sớm. Tất nhiên, tôi cũng vậy, nhưng vì tôi là dân chơi thể thao nên tôi hiểu được điều này. Thể thao cần quá trình rèn rũa lâu dài để đúc kết, nó cần trình tự từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, từ amateur đến chuyên nghiệp cần có từng giai đoạn không thể vội vàng. Tuy nhiên, cái khó là làm sao áp dụng vào trẻ cho hiệu quả vì các con vẫn còn có gánh nặng học hành, thi cử. Sẽ khá mệt mỏi khi các con phải vừa học rồi vừa đi tập. May mắn là My và Thắng đều có nhận thức tốt và tập luyện rất chuyên tâm khi được bố định hướng. Việc học hành cũng tốt không để bố phải lo lắng. 

Thảo My từng chia sẻ “bố vừa là người thầy vừa là người bạn thân thiết”, vậy điều gì giúp anh trở thành người bố lý tưởng trong mắt con?

Thảo My từng chia sẻ “bố vừa là người thầy vừa là người bạn thân thiết”

Thật ra, việc tôi định hướng, huấn luyện và nghiêm khắc với con cái cũng là một trong những nhiệm vụ của tôi. Trong thể thao dạy trẻ đã khó, việc bố mẹ dạy con lại càng khó hơn. Giống như người ta vẫn hay nói “Bụt chùa nhà không thiêng”, con cái nhiều khi ỷ lại vào cha mẹ mà không chịu nghe lời. Nhưng với tôi thì khác, tôi vừa là HLV, vừa mang vai trò bố mẹ. Tuy nhiên, tôi cho rằng mình là một người khá kiên nhẫn và tôi cũng biết phương pháp giảng dạy để có được My và Thắng ngày hôm nay.

Anh có thể chia sẻ quan điểm về nghề đào tạo golf hiện nay?

Golf trẻ ở Việt Nam chỉ mới phát triển khoảng 15 năm trở lại đây. Từ thế hệ đầu tiên của Hà Nội như Thái Dương, Đức Phạm, Vũ Nguyên, Xuân Phú cho đến các gương mặt hiện tại như Thảo My, Khuê Minh, Đoàn Uy, Anh Minh, Đặng Minh… Ban đầu, chủ yếu các cháu học theo hướng tự phát, bố mẹ chơi golf và cho con cái học theo. Năm 2009 tôi về phụ trách bộ môn golf ở Hà Nội và bắt tay làm từ con số 0 tròn chĩnh. Sau một thời gian nỗ lực đào tạo và vận động thì hệ thống giải golf trẻ của Hà Nội được hình thành năm 2013 để các cháu có sân chơi cọ sát hàng tháng. Đến bây giờ, các cháu cũng đã được thi đấu ở nhiều hệ thống giải hơn từ giải phong trào, giải amateur đến các giải chuyên nghiệp. Qua quá trình nhiều năm đồng hành cùng golf trẻ, tôi nhận thấy việc đào tạo cần phải được xây dựng một cách bài bản và có lộ trình cụ thể.

Trong nhiều năm tham gia đào tạo golf, điều gì khiến anh tâm đắc nhất?

Điều khiến tôi tâm đắc nhất khi tôi về với golf của Hà Nội, đó là tập hợp được một đội tuyển golf trẻ rất đồng đều, đoàn kết và có tổ chức. Mỗi dịp hè, các cháu được đi tập huấn golf 2-3 tháng tại Đà Nẵng hoặc Sầm Sơn, chi phí chương trình được sân golf tài trợ. Với cách làm này, rất nhiều các VĐV ở những địa phương khác đã thấy và muốn được đầu quân thi đấu cho tuyển Hà Nội. Điều tâm đắc tiếp theo đó là nhờ cách làm đúng đắn, thể thao golf Hà Nôi đã khẳng định được vị trí khi giành các huy chương tại Đại hội Thể dục Thể thao năm 2014 và 2018.

Sau thành công của My ở giải Lexus, anh có tiếp tục hướng con theo con đường golf chuyên nghiệp?

Đối với thể thao đỉnh cao, tâm lý rất quan trọng, và tôi đánh giá chỉ có My có thể vượt qua được điều này, còn Thắng có tố chất phù hợp nghề HLV golf hơn. Tôi và My cùng có chung quan điểm là được thử sức ở môi trường chỉ chuyên tâm tập luyện và thi đấu. My cũng chia sẻ với bố mong muốn được đánh ở Eupean Tour hoặc trở lại Mỹ thi đấu trong thời gian tới.

HLV Nguyễn Thị Thu Hà

HLV Nguyễn Thị Thu Hà

Vì sao chị lại quyết định cho cả hai con theo học golf?

Rất đơn giản vì tôi đã làm nghề golf nhiều năm, tôi yêu golf, thích golf nên muốn hai con cũng theo học môn thể thao này để truyền đam mê đó cho con. Lý do thứ hai là tôi nhìn thấy golf sẽ phát triển rất mạnh trong tương lai. Golf không chỉ là môn thể thao mà còn là một nghề rất hay để hướng nghiệp. Golf giúp con người hoàn thiện mình hơn. Bản thân một đứa trẻ nếu có thể chơi golf tốt thì nó đã có một cơ hội rèn luyện tính kiên nhẫn để áp dụng vào cuộc sống thực tế sau này. Golf là một môi trường rất chọn lọc những đối tượng người chơi cùng nhau. Người chơi golf đa phần đều là những người có văn hóa. Do đó, khi bạn đưa con cái vào môi trường tốt như thế thì không có lý do gì các bé không trở nên tốt hơn. 

Trong quá trình giảng dạy golf, chị có thể chia sẻ những bí quyết của mình?

Thực ra, nói bí quyết thì hơi quá cao siêu vì với tôi quan điểm cuộc sống này đơn giản lắm. Để dạy được trẻ em, điều đầu tiên, bạn phải thực sự có tình cảm với chúng. Tôi có rất nhiều học viên nhí và tôi luôn mong muốn những gì tốt đẹp nhất sẽ đến với các em. Thứ hai, bạn cần phải là người hết sức kiên nhẫn vì bản thân trẻ con thường không tập trung được lâu và rất nhanh chán. Nếu bạn không sẵn sàng chơi với chúng và học cách ứng biến lanh lợi thì rất khó để khiến chúng có thể nghe lời. Một yếu tố quan trọng nữa mà hiện nay mọi người vẫn chưa chú trọng, đó là dạy văn hóa và luật golf cho trẻ em. Hiện nay, tôi mới chỉ thấy khoảng 50% phụ huynh quan tâm đến điều này cho con mình. 

Vậy khi áp dụng với các con, chị có sợ “Bụt chùa nhà không thiêng”?

HLV Nguyễn Thị Thu Hà và con gái Yến Vi

Tôi vẫn nhớ khi mình bắt đầu dạy con, có đến 90% mọi người đều nói với tôi rằng “Dao sắc sẽ không gọt được chuôi”. Đến khi hai con đã đánh khá tốt rồi, rất nhiều người vẫn nói với tôi câu đó và khuyên “Hãy mang con đến thầy A, B, C để thầy dạy cho con”. Nhưng tôi luôn nhấn mạnh với hai con rằng “Mẹ sẽ gọt đến khi nào gọt được thì thôi”. Đây là nguyên tắc của tôi và hai đứa con rất hiểu tính mẹ nên đã không ngừng nỗ lực. Thực tế, đây là điều hay gặp ở nhiều gia đình có con nhỏ khi bố mẹ nói con thường không nghe và cãi lại nên mình cần hiểu để điều chỉnh lại bản thân trước. Nhiều lúc khi nắn chỉnh động tác cho con nhưng chưa làm được, tôi sẽ là người buông để khi nào con bình tĩnh hơn sẽ cùng tập tiếp. Hay những khi phải tập nhiều rất mệt, con đã dỗi mẹ và khóc, nhưng sau tất cả, các con vẫn hiểu mẹ làm vậy cũng chỉ là muốn tốt cho hai đứa. Cùng lúc tôi phải kiêm rất nhiều vai trò, là mẹ, là HLV, là nhà tài trợ, HLV thể lực… nhưng trải nghiệm thời gian luyện tập bên con vẫn quan trọng hơn rất cả.

Cho đến thời điểm hiện tại, chị đánh giá năng lực golf của hai con như thế nào?

Ngoài chị cả Kim Chi đã trở thành HLV golf giống mẹ, tôi có thể cảm nhận được em út Yến Vi không phải là người đam mê thành tích và con chơi golf chủ yếu vì sở thích và niềm vui. Nhiều lúc ngay cả mẹ cũng không hiểu vì sao trong từng ấy năm mình vẫn dạy được một bạn lười tập, không mê thành tích mà giờ đánh được handicap 5 trong khi thời gian tập trên sân tập của con không bằng 1/10 của nhiều bạn trẻ khác. Vì không có thời gian lên sân nhiều nên tôi lại chú trọng vào những bài tập giúp xây dựng kỹ năng cho con. Mong muốn của tôi là Yến Vi có thể chơi ở handicap 1-2 và sau khi tốt nghiệp đại học con có thể tham gia vào nhiều lĩnh vực khác của ngành golf như BĐS sân golf, resort, nghỉ dưỡng golf, GM sân golf.

Chị có muốn truyền nghề dạy golf cho con?

Tôi nghĩ cái này không thể gượng ép, tôi sẽ chỉ truyền nghề, còn việc các bạn có mong muốn học và vận dụng vào cuộc sống hay không, đó còn là duyên của các con. Ví dụ với bạn lớn, với thể lực và thân hình to khỏe, Kim Chi thích hợp làm HLV golf trong khi bạn bé Yến Vi vì hiền và nhát hơn nên chưa chắc đã hợp với nghề dạy. Thực ra, tôi cũng đã dự phòng những đội ngũ kế cận mình tiếp tục công việc giảng dạy, những người có mong muốn thực sự trở thành HLV giống chị.

1 lượt thích

Tin bài khác