Chuyển tới nội dung

Quy trình fitting gậy Wedge

Gậy kỹ thuật (wedge) đóng vai trò quan trọng trong vô vàn tình huống trên green, do đó người chơi cần lựa chọn đúng khi trang bị cho mình một bộ gậy hoàn chỉnh.
Gậy Wedge là cây gậy được sử dụng trong nhiều tình huống nhất trên sân.

Gậy wedge là một chủ đề hấp dẫn ngay cả với những người thợ fitting hay sửa chữa gậy, bởi vốn dĩ đây là cây gậy được sử dụng trong nhiều tình huống nhất trên sân. Nếu như gậy driver chỉ được dùng khi người chơi đặt bóng trên tee và thực hiện cú phát bóng từ địa hình bằng phẳng, thì gậy wedge lại mang tính quyết định khi bóng nằm ở những khu vực ngắn quanh green. 

Bước 1. Số lượng

Điều đầu tiên bạn nên để ý tới đó là việc có thể mang theo bao nhiêu cây gậy wedge. Luật golf chỉ cho phép golfer sử dụng 14 cây gậy khi chơi, nên nếu dùng nhiều gậy dài thì sẽ hạn chế số lượng gậy wedge. Các cây gậy wedge thường bắt đầu từ 48° và tăng dần đều. Một bộ gậy chỉ có 2 cây wedge sẽ khiến bạn phải “biến hóa” trong rất nhiều tình huống, vì vậy nên cố gắng có ít nhất 3 cây gậy wedge để có nhiều lựa chọn hơn cho mỗi tình huống quanh green. Tuy nhiên, tùy theo từng sân mà bạn có thể cân nhắc lựa chọn thêm gậy dài hoặc gậy wedge. 

Nên cố gắng có ít nhất 3 cây gậy wedge trong túi gậy.

Bước 2. Dải độ loft

Mỗi cây gậy wedge nên cách nhau 4°-6°, trong đó sự chênh lệch 4° được coi là tiêu chuẩn vì điều này mang lại sự khác biệt đồng đều về khoảng cách giữa các gậy và người chơi sẽ tùy biến dễ dàng hơn. Một cách lựa chọn hiệu quả để bạn không bị hổng một khoảng cách nào không có gậy đánh, đó là tính toán độ loft cây gậy wedge đầu tiên và cây gậy wedge cuối cùng. Ví dụ, cây gậy wedge đầu tiên có độ mở 48°, và bạn cảm thấy cần phải có gậy 58° để đánh những cú bổng. Trong trường hợp này, cây gậy wedge phù hợp ở giữa sẽ là 53° và bạn có thể sẽ phải tác động điều chỉnh độ mở của cây 52° hoặc 54° để về được độ loft 53° như mong muốn. Lưu ý là điều này sẽ ảnh hưởng tới độ bounce ở đáy gậy. 

Mỗi cây gậy wedge nên cách nhau 4°-6°, trong đó sự chênh lệch 4° được coi là tiêu chuẩn.

Hoặc một ví dụ khác, nếu cây gậy wedge đầu tiên là 48° nhưng bạn nhất định phải có gậy lob wedge 60° để thực hiện những cú đánh bóng bổng, thì phù hợp nhất là bổ sung thêm gậy 52° và 56°. Tuy nhiên, bạn sẽ lựa chọn ra sao nếu quy định về số lượng gậy không cho phép bạn chọn cả hai cây? Lúc này độ loft ở chính giữa 48° và 60° là 54° - bạn có thể lựa chọn cây gậy này, song bạn sẽ phải khéo điều chỉnh để có được những khoảng độ mong muốn. Đến đây hẳn bạn đã nhận thấy được điểm hạn chế của những cây gậy wedge có độ mở lớn, việc trang bị những cây gậy này có thể khiến bạn đau đầu giải bài toán về dải độ loft hợp lý giữa các gậy. Vì vậy, hãy chỉ chọn những cây gậy wedge nhiều hơn 58° nếu thực sự cần thiết.

Hãy chỉ chọn những cây gậy wedge nhiều hơn 58° nếu thực sự cần thiết.

Bước 3. Bounce và grind 

Khái niệm bounce có thể phức tạp với những người chơi golf phổ thông và việc lựa chọn dễ khiến bạn bị rối lên với các yếu tố kỹ thuật của cây gậy wedge. Hãy cứ nhớ đơn giản bounce là độ mở của đáy mặt gậy, và tùy thuộc vào cách sử dụng của bạn mà chọn những độ bounce tương ứng. Với cách đánh lướt ngang mặt đất khi xử lý tình huống, nên lựa chọn những cây gậy có bounce từ 6° trở xuống. Với cách đánh tấn công vào bóng nhiều từ trên xuống, hãy cân nhắc bounce trên 12°. Tuy nhiên, nên lưu ý không phải tình huống hoặc địa hình nền đất nào cũng phù hợp với cách đánh sở trường của bạn. Ví dụ, với cách tấn công cắm vào bóng, bạn sẽ thấy hạn chế ở các sân golf có nền đất cứng, khi đó việc thay đổi kỹ thuật hoặc vị trí bóng trong khi đánh sẽ là cần thiết để tiếp xúc được hiệu quả hơn. Đó cũng là lý do nếu bạn không thiên về một cách đánh cụ thể nào, thì những lựa chọn bounce trung bình (8° hoặc 10°) sẽ cho bạn không gian để tùy biến trong rất nhiều tình huống mà không phải thay đổi kỹ thuật quá nhiều. Nói cách khác đó cũng là những độ bounce đa dụng và thân thiện. 

Bên cạnh đó, những tùy chọn về grind (độ mài của đáy gậy) cũng là một yếu tố bạn nên biết mặc dù không nhất thiết phải để ý quá kỹ. Đáy gậy mài nhiều giúp cây gậy lướt ngang mặt cỏ dễ hơn, nếu đó là cách đánh của bạn. Về cơ bản, độ mài này sẽ phụ thuộc nhiều vào thiết kế bounce của từng gậy, và bạn có thể dễ dàng quan sát độ mài khi nhìn vào phần đáy cạnh sau của gậy. 

Bước 4. Lie angle 

Cũng giống như gậy sắt, lie angle là một yếu tố rất quan trọng của gậy wedge. Độ nằm của cây gậy (lie angle) ảnh hưởng nhiều tới tương tác của đáy gậy và mặt đất khi tiếp xúc. Nếu lie angle không phù hợp, nó cũng có thể khiến đường bóng bay lệch hướng. Có thể kiểm tra lie angle như khi fit gậy sắt, và bạn đặc biệt không nên bỏ qua bước này.

Độ nằm của cây gậy (lie angle) ảnh hưởng nhiều tới tương tác của đáy gậy và mặt đất khi tiếp xúc.

Bước 5. Cán gậy

Không nên lựa chọn các loại cán gậy cứng và nặng giống gậy sắt vì wedge là những cây gậy kỹ thuật được sử dụng trong rất ít các tình huống cần full swing. Khi chỉ cần một vòng swing nhỏ và chậm cho các cú đánh tinh tế quanh green thì cán gậy phù hợp sẽ là các loại nặng và mềm, vừa đảm bảo độ búng mang lại cảm giác khi đánh, vừa có độ đầm tay.

Không nên lựa chọn các loại cán gậy cứng và nặng giống gậy sắt.
1 lượt thích1723 lượt xem

Tin bài khác