Chuyển tới nội dung

Fitting gậy và những hiểu nhầm thường gặp

Trong bất cứ trường hợp nào và ở bất cứ trình độ nào, bạn cũng cần nắm chính xác những kiến thức cơ bản để đưa ra quyết định đúng khi fitting và chọn mua gậy.

Chỉ cần fitting một lần duy nhất

Về cơ bản, fitting là quá trình đo các thông số liên quan đến chuyển động đầu gậy và đường bóng. Bằng việc đánh giá động tác swing của người chơi, các chuyên gia sẽ tổng hợp dữ liệu và đưa ra dự đoán về những kết cấu gậy phù hợp, để từ đó người chơi tiếp tục đánh thử và cảm nhận. Quá trình này lặp đi lặp lại cho đến khi cả chuyên gia fitting và người chơi tìm ra được những cây gậy sở hữu thông số tối ưu cho đường bóng (như góc độ tiếp đất, khoảng cách, độ xoáy, mức độ phân tán…) và mang lại cảm nhận tốt nhất khi sử dụng. 

Quy trình fitting sẽ là thiếu sót nếu gậy chỉ được lựa chọn căn cứ theo số đo cơ thể người chơi như chiều cao, chiều dài cánh tay, ngón tay… Chuyển động của người chơi cùng đặc điểm của từng động tác swing đóng vai trò không kém phần quan trọng ở đây, và đó lại là những yếu tố biến thiên theo thời gian, cho dù bạn có tập luyện thường xuyên hay không. Các yếu tố như tốc độ đầu gậy, góc độ tiếp cận bóng, nhịp điệu… có thể sẽ thay đổi, nếu không tinh ý sẽ khó nhận ra. Điều này lý giải trường hợp người chơi đã fitting một bộ gậy rất tốt nhưng một thời gian sau cảm thấy không phù hợp nữa. 

Vì vậy, tốt nhất hãy đo kiểm tra lại mỗi khi nâng cấp dụng cụ. Ngay cả khi không thay đổi gậy thì việc kiểm tra các thông số một cách định kỳ cũng giúp bạn nhận biết những thay đổi trong động tác chơi của mình. 

Người chơi tốt mới cần fitting gậy

Đa phần những người chơi tốt có thể sử dụng linh hoạt nhiều loại gậy khác nhau, trong khi những người chơi có handicap cao thì không thể làm được điều đó. Một bộ gậy được coi là phù hợp khi nó phát huy được hết khả năng của người chơi, đồng thời hỗ trợ người sử dụng khi tiếp xúc không trúng tâm. Vì vậy, mặc dù với người mới chơi, việc đo đạc các thông số có thể đơn giản hơn, thì điều đó cũng không có nghĩa là họ không cần lựa chọn những loại đầu gậy hoặc cán gậy phù hợp. 

Khi đã có một vòng swing đủ ổn định, đường bóng bắt đầu có những xu hướng bay nhất định, bạn có thể đi kiểm tra động tác và đo gậy, ít nhất nhờ vậy bạn sẽ biết được bộ gậy đang dùng có hỗ trợ mình tập luyện tốt hay không. 

3 gỗ là cây gậy không thể thiếu

Khi tìm mua một bộ gậy “full set”, có thể bạn sẽ được tư vấn nên trang bị luôn từ đầu cây gậy 3 gỗ vì “sau này sẽ cần”. Thực tế cho thấy với những cây gậy có độ mở mặt gậy ít như 3 gỗ (thông thường khoảng 15 độ), đa phần người chơi (đặc biệt là những ai mới tập và chưa có nhiều tốc độ đầu gậy) sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp xúc bóng trúng điểm ngọt trên mặt gậy, dẫn đến đường bóng không cất được lên cao và lăn nhiều trên mặt đất. Điều này khiến đường bóng không đạt hiệu quả về khoảng cách, rất khó để người chơi đánh bóng vượt qua bẫy trên sân. 

Vì thế, nếu cần đánh bóng ở khoảng cách xa, hãy thử những cây gậy gỗ có nhiều độ loft hơn như 5 gỗ, và chỉ trang bị gậy 3 gỗ nếu có sự khác biệt về khoảng cách và đường bay. 

Gậy hoặc cán gậy càng đắt tiền càng tốt

Với sự phát triển của công nghệ hiện nay, người mua ngày càng có nhiều lựa chọn gậy golf tùy theo ngân sách. Được sản xuất từ những chất liệu, phương pháp và quy trình phức tạp, các “siêu phẩm” gậy đa phần sở hữu những tính năng vượt trội, và có mức giá cao tương ứng. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa những sản phẩm có chi phí phải chăng là không tốt. Đa phần các cây gậy trên thị trường ngày nay đều có độ bền cao và người chơi gần như không cần quan tâm đến việc bảo dưỡng gậy nhiều. Những cán gậy được các hãng sử dụng làm cán tiêu chuẩn theo từng dòng sản phẩm đều có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, và khi sản xuất với số lượng nhiều, chi phí sẽ giảm đáng kể so với những chiếc cán gậy được thửa riêng.

Hãy tỉnh táo và thực tế, sở hữu những cây gậy đắt tiền không có nghĩa là bạn sẽ chơi tốt hơn. Điều quan trọng bạn nên để ý tới vẫn là sự cải thiện và ổn định của đường bóng so với gậy bạn đang sử dụng. 

Grip là thành phần không mấy quan trọng

Nếu đầu gậy là nơi tiếp xúc với bóng, cán gậy là trục truyền năng lượng khi swing, thì grip là điểm kết nối duy nhất giữa bàn tay người chơi và gậy, có thể ảnh hưởng đến cả lực và hướng trong khi chơi. 

Chất liệu grip đóng vai trò quan trọng trong việc giúp người chơi cầm gậy được chắc hay không, nhất là với những người có nhiều mồ hôi tay. Lựa chọn chất liệu grip cũng phụ thuộc vào chất liệu găng tay mà bạn đang sử dụng; nếu lựa chọn hợp lý, bạn sẽ có cảm giác chắc chắn khi cầm gậy mà không cần sử dụng nhiều lực ở các ngón tay. 

Ngoài ra, kích cỡ grip không chỉ mang lại cảm giác tốt cho người chơi, mà còn có thể gián tiếp thay đổi quỹ đạo đường bóng. Tay cầm grip nhỏ giúp cổ tay xoay chuyển linh hoạt hơn, người chơi sẽ dễ đóng mặt gậy hơn. Ngược lại, tay cầm lớn làm hạn chế vận động cổ tay, người chơi sẽ dễ giữ mặt gậy mở nếu như đang bị đóng nhiều quá. 

Độ phóng tối ưu khi phát bóng bằng gậy driver là 45 độ

Thực tế, với góc phóng đó, đường bóng sẽ bay quá cao và không đạt khoảng xa tối ưu. Về cơ bản, góc phóng lý tưởng nên là 10 – 13 độ. Dĩ nhiên, mỗi người có một góc phóng khác nhau, tùy theo tốc độ đầu gậy và độ xoáy của trái bóng mà xê xích đi khoảng vài độ. Góc phóng tối ưu sẽ mang lại góc tiếp đất tối ưu (dưới 40 độ) giúp bóng có độ lăn nếu không gặp phải nền đất quá mềm. Với góc phóng 45 độ, bóng sẽ tiếp đất ở một góc dựng và không lăn tiếp, dẫn đến khoảng cách không được xa.

Cán gậy driver càng dài càng có lợi thế

Đúng là cán gậy driver dài giúp tốc độ đầu gậy nhanh hơn, tuy nhiên, những golfer có kinh nghiệm lại hay sử dụng cán gậy driver ngắn hơn 45,5’’. Bởi thay vì tốc độ, họ muốn ưu tiên khả năng kiểm soát đường bóng. Không những thế, cán gậy ngắn còn đảm bảo tư thế setup không bị đứng quá, giúp người chơi gần bóng hơn. 

Gậy rescue dùng để cứu bóng

Cái tên rescue dễ khiến nhiều người nhầm tưởng cây gậy này chỉ được cần tới trong trường hợp cứu bóng, nhưng thực ra, nó có thể được sử dụng ở nhiều tình huống, và để cứu bóng hiệu quả, còn cần kết hợp cả những cây gậy khác nhằm biến hóa các đường bóng khác nhau. Hybrid có lẽ là một tên gọi trung tính, đúng hơn với loại gậy được thiết kế lai giữa gậy sắt và gậy gỗ này. Mục đích chính của gậy hybrid là để thay thế những cây gậy sắt dài trong trường hợp người chơi khó cất được đường bóng lên cao do mặt gậy không có nhiều độ loft. Lúc này, thiết kế dạng bầu của hybrid sẽ đưa trọng tâm gậy xuống thấp giúp đường bóng đạt độ bổng. 

Người chơi có tốc độ đầu gậy tốt không nên chọn cán graphite cho gậy sắt

Thực tế, cán graphite hay cán sắt chỉ khác nhau về mặt chất liệu. Cán graphite làm từ sợi carbon với ưu điểm lớn nhất là trọng lượng nhẹ. Trong khi đó, cán sắt làm bằng thép, không gian điều chỉnh trong quá trình sản xuất ít hơn cán graphite, bù lại chi phí sản xuất thấp hơn. Đặc tính phổ biến của hai loại cán là vậy, nhưng đôi khi cũng có những ngoại lệ, cán graphite nặng hơn cán thép, và cũng có loại cán thép nhẹ hơn, ví dụ Mitsubishi MMT 90 (graphite: 98g), OT Iron 105 (graphite: 105g), Fujikura Axiom 125 (graphite: 130g), Nippon NS Pro Zelos 6 (thép: 68g)… Ngoài ra, tốc độ đầu gậy không phải là yếu tố duy nhất quyết định bạn nên dùng cán graphite hay cán sắt. Quan trọng là cần lựa chọn loại shaft nào mang lại đường bóng cao, khoảng cách tốt và độ phân tán hẹp. 

Phần đáy gậy sắt lúc nào cũng phải nằm phẳng trên mặt đất

Khi đứng vào tư thế set up, nhiều người sẽ nhận ra phần đáy gậy không tiếp xúc trọn vẹn với mặt đất, và phần đầu gậy thường hướng lên trên nhiều hơn so với gót gậy. Góc độ của cán gậy so với mặt đất – hay còn được gọi là lie angle (độ nằm) – là yếu tố hay được nhắc đến. Lie angle phù hợp là đáy gậy tiếp xúc trọn vẹn với mặt đất khi mặt gậy tiếp xúc với bóng. Nhưng điều đó không có nghĩa đáy gậy phải ở vị trí đó ngay khi người chơi đứng vào tư thế. Vị trí gậy lý tưởng, bao gồm cả phần cán gậy và mặt gậy, khi vào bóng không giống với vị trí gậy lúc người chơi đứng vào tư thế, vậy nên việc lựa chọn lie angle theo set up có thể không thực sự chính xác và hiệu quả. 

Chọn một độ cứng (flex) cho tất cả các gậy 

Trong một bộ gậy, các loại gậy khác nhau thì xu hướng sử dụng cũng khác nhau – điều đó là hiển nhiên. Ví dụ, driver là cây gậy dài nhất trong khi bạn lại không muốn cảm giác swing nhẹ nhàng quá; gậy sắt đòi hỏi khả năng linh hoạt để điều tiết các khoảng cách khác nhau; gậy wedge hay được sử dụng trong các cú đánh không phải full swing với nhiều tình huống ở khoảng cách ngắn. Chỉ riêng việc tác động lực nhiều hay ít khi sử dụng cũng đủ khiến bạn suy nghĩ về flex thực sự của mỗi cây gậy nên là cứng hay mềm. Các golfer chuyên nghiệp thường sử dụng cán gậy rất cứng (TX hoặc X) với gậy đánh xa như driver hay gỗ, và flex mềm hơn (X hoặc S) với các gậy ngắn như gậy sắt, wedge. 

Ngoài ra, mỗi hãng lại có một cách đánh dấu độ cứng mềm của gậy khác nhau. Thường chúng ta cũng ít khi sử dụng tất cả cán gậy của cùng một hãng, nhất là giữa gậy dài và ngắn, nên việc lựa chọn theo một flex chung có thể sẽ không chính xác. Nếu bạn đang sử dụng cán gậy driver có flex SR của hãng Honma, thì cán R cho bộ gậy sắt của Ping/TaylorMade/Titleist có thể là lựa chọn tương đương. Rất khó quy đổi trực tiếp flex của các loại cán gậy trên thị trường và so sánh với nhau chỉ dựa vào ký hiệu ghi trên thân cán vì thực tế mỗi loại có một tần số rung khác nhau. Trải nghiệm thử, đo thông số và quan sát đường bóng vẫn là cách hiệu quả nhất khi lựa chọn. 

Tốc độ đầu gậy quyết định độ cứng hay mềm của cán gậy

Thường những người chơi golf có tốc độ cao sẽ sử dụng cán gậy cứng và ngược lại. Tuy nhiên, không ít người chơi có tốc độ đầu gậy rơi ở “vùng giữa” hai loại cán, có thể sử dụng cả cán gậy cứng hoặc mềm (S hoặc R), vậy họ nên chọn loại nào?

Nếu còn phân vân với câu hỏi trên, bạn hãy cân nhắc dựa theo cao độ và nhịp swing của mình. Cán gậy cứng luôn đi kèm với độ xoắn vặn (torque) ít hơn nên cảm giác đánh bóng cũng sẽ cứng hơn, đồng thời kick point (điểm uốn cong) nằm trên cao sẽ mang lại đường bóng thấp. Ngoài ra, nếu nhịp swing của bạn càng mượt mà, đặc biệt ở giai đoạn chuyển từ backswing xuống downswing, thì cán gậy sẽ càng uốn cong ít; do đó, lựa chọn cán gậy mềm sẽ giúp cây gậy trở nên “dễ bảo” hơn. Những vòng swing chuyển nhanh, kéo gậy xuống nhanh hoặc gắt hơn về tốc độ thì cần cán gậy cứng hơn. 

Cắt ngắn gậy không ảnh hưởng gì nhiều 

Việc lỡ mua gậy tiêu chuẩn sau đó thấy chiều dài không phù hợp là tình trạng khá phổ biến với những người mới chơi golf. Cắt ngắn đi có vẻ là giải pháp nhanh gọn nhất. Tuy nhiên, bạn nên cân nhắc một vài yếu tố trước khi quyết định cắt. 

Thứ nhất, cắt ngắn gậy sẽ ảnh hưởng đến độ cứng của cán. Điều này không quá quan trọng với putter; nhưng với driver, gậy gỗ hay sắt thì có thể ảnh hưởng không nhỏ, cán gậy càng ngắn sẽ càng cứng, và nếu cắt quá nhiều sẽ có thể khiến gậy chuyển sang flex mới. 

Thứ hai, việc cắt ngắn ảnh hưởng đến độ cân bằng (swing weight) của gậy. Swing weight quyết định một phần cảm giác của người chơi, vì vậy nếu độ cân bằng thay đổi, bạn sẽ thấy nhẹ hơn ở phía đầu gậy khi swing. Mặc dù swing weight không ảnh hưởng nhiều đến quỹ đạo đường bóng, nó vẫn có thể gây ra cảm giác “hụt hẫng” và cần thời gian làm quen lại. 

Ngoài ra, với gậy sắt, thay đổi chiều dài sẽ ảnh hưởng tới độ nằm (lie angle) của gậy. Mặc dù không tác động trực tiếp vào cổ gậy, việc cắt ngắn sẽ làm góc nằm trở nên flat hơn với gậy sắt và gậy wedge, đáy gậy sẽ tiếp cận mặt đất ở góc độ khác và quỹ đạo đường bóng sẽ thay đổi theo. Điều này chưa hẳn đã là không tốt, nhưng cũng là yếu tố nên cân nhắc nếu bạn đang hài lòng với đường bóng của mình. 

Người chơi tốt thường thích dùng gậy sắt dài 

Gậy sắt dài số nhỏ cỡ 2, 3, 4 thường ít thấy, và ngay cả trong các tour thi đấu lớn nhất, những cây gậy này cũng ngày càng ít phổ biến. Tất nhiên việc gì cũng có lý do của nó. Với những mẫu gậy sắt dài cấu trúc nhỏ cỡ đó, sẽ rất khó để đưa trọng tâm CG của gậy xuống vị trí thấp – trong khi đây lại là một yếu tố quan trọng giúp cất đường bóng lên cao. Đây cũng là lý do tại sao các “tour pro” thiên về lựa chọn các dòng gậy sắt khổ lớn (utility), hoặc hybrid/rescue, gậy gỗ. Các thiết kế bầu gậy giúp đặt CG xuống thấp, hỗ trợ người chơi đánh bóng cao. Vì vậy, nếu muốn sử dụng gậy sắt dài, trước tiên hãy cân nhắc tốc độ và kỹ năng kiểm soát đường bóng của mình. 

Lựa chọn gậy theo số đo cơ thể là đủ

Fitting gậy nên được hiểu là việc chọn gậy căn cứ theo swing (chuyển động của người chơi) để có được kết quả tốt nhất. Ngoài U.S. Kids dành cho các golfer nhí, không hãng nào lựa chọn thông số gậy cho người chơi chỉ dựa trên chiều cao và các số đo cơ thể. Nguyên tắc chung là người chơi có hình thể cao lớn nên sử dụng cán gậy dài; tuy nhiên các thông số về độ cứng, độ mở mặt gậy hay lie angle, bounce… đều không nên lựa chọn chỉ dựa theo số đo chung, vì mỗi người có một cách sử dụng gậy khác nhau. Khi tới các hãng gậy lớn, bạn có thể thấy họ luôn trang bị cả các thiết bị đo thông số đường bóng. Vậy nên, trước khi mua gậy, hãy đảm bảo bạn đã có cơ hội đánh thử và hiểu thông số đường bóng mà cây gậy đó có thể mang lại. 

0 lượt thích1649 lượt xem

Tin bài khác