Mở ra nhiều vấn đề từ Hội nghị trực tuyến Toàn Quốc về quản lý Golf
Buổi hội thảo trực tuyến diễn ra tại hai đầu cầu là sân golf Long Biên, Hà Nội và sân golf Tân Sơn Nhất, Tp Hồ Chí Minh đã có sự tham gia của các lãnh đạo Tổng cục TDTT, Hiệp hội Golf Việt Nam, cùng đại diện của một số sân golf và các golfer.
Hai vấn đề chính được đưa ra trong buổi sáng nay là quản lý Huấn luyện viên golf tại các sân tập và vấn đề về cấp giấy phép tổ chức giải.
Trong bối cảnh hiện nay đang có quá nhiều các Huấn luyện viên golf làm công việc dậy golf kiếm tiền tại các sân tập mà không có giấy phép hay chứng chỉ hành nghề. Được hỏi về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Hùng – Trưởng bộ môn golf có chia sẻ: “Tới đây, các sân tập golf nên có bảng niêm yết danh sách những Huấn luyện viên có bằng cấp và chứng chỉ hành nghề đăng ký dậy tại sân tập của mình. Việc này phục vụ cho những người có nhu cầu muốn học golf có thể dễ dàng tìm được huấn luyện viên cho mình.”
Vấn đề được đăt ra là, hiện nay Việt Nam chưa có đủ trình độ để đào tạo các huấn luyện viên golf, nhiều người tìm sang các nước có nền công nghiệp golf phát triển hơn như Thái Lan, Úc để học lấy bằng Huấn luyện viên về Việt Nam giảng dậy. Hay những người nước ngoài đã có bằng PGA đang sống bằng nghề dậy golf, hoặc có những “thầy” do chơi golf lâu năm, có một chút kinh nghiệm nên chuyển sang dậy golf. Vậy phải quản lý vấn đề này thế nào?
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết: "Do chưa có chế tài để quản lý và xử phạt nên vẫn chưa thể quản lý được vấn đề huấn luyện viên golf tại Việt Nam. Tới đây, chúng tôi sẽ rà soát lại, những trường hợp không có chứng chỉ hay có bằng cấp nước ngoài nhưng không được Tổng cục TDTT và Hiệp hội golf Việt Nam xác nhận thì cũng không được giảng dậy. Các HLV đã có bằng vẫn phải thông báo qua Tổng cục và Hiệp hội golf Việt Nam để kiểm tra và cấp giấy phép giảng dậy tại Việt Nam."
Tổng cục TDTT đã phối hợp với Hiệp hội golf Việt Nam và học viện golf EPGA đã tổ chức được hai khóa huấn luyện và cấp chứng chỉ dạy golf chuyên nghiệp Train the Trainer cho các huấn luyện viên golf Việt Nam.
Vấn đề làm nóng hội nghị sáng nay chính là quy định về tổ chức giải golf tại Thông tư 09/2012/TT-BVHTTDL. Thông tư này đã có từ năm 2012 nhưng chỉ mới gần đây những người chơi golf và tổ chức sự kiện golf tại Việt Nam mới biết đến sau khi có việc hai công ty tổ chức sự kiện golf bị xử phạt vì tổ chức giải không có giấy phép.
Có rất nhiều câu hỏi được đặt ra cho thông tư này, ông Trần Ngọc Hải – Giám đốc Công ty CPĐT Long Biên hỏi: "Khi một giải golf được tổ chức thì sân golf có phải xin phép không hay chỉ Ban tổ chức giải xin phép? Trong một tháng, có nhiều giải golf tổ chức tại sân chúng tôi, việc mỗi giải phải xin phép trước 15 ngày sẽ mất rất nhiều thời gian. Có những giải phát sinh trước 1 tuần, vậy không thể xin phép được."
Bà Vũ Vân Yến – Phó tổng Biên tập Tạp chí Golf Việt Nam chia sẻ: "Cần phải có quy định cụ thể giải quy mô thế nào thì phải xin phép, giải nào không phải xin phép. Vì thực tế, có những giải tổ chức có hàng trăm người chơi, nhưng có những giải chỉ là một nhóm bạn tổ chức vài chục người chơi, hay giải do doanh nghiệp tổ chức tri ân khách hàng. Các giải golf cũng góp phần thúc đẩy phong trào golf, nên nếu có quá nhiều thủ tục thì e rằng sẽ kìm hãm sự phát triển phong trào."
Chủ tịch hội Golf Vũng Tàu, ông Nguyễn Thanh Phong thì chia sẻ: "Để phát triển phong trào golf nên tạo điều kiện khi tổ chức giải chỉ cần thông báo cho Sở VH TTDL chứ không cần phải xin phép để tiết kiệm thời gian."
Trả lời về vấn đề này, ông Vũ Trọng Lợi – Nguyên phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch cho biết: "Khi tổ chức một giải đấu thể thao, đơn vị tổ chức giải sẽ là bên phải xin phép chứ không phải nơi diễn ra sự kiện đi xin. Không phải giải đấu nào cũng phải xin cấp phép, chỉ những giải có quy mô toàn quốc, tỉnh hay thành phố trực thuộc Trung ương, tỉnh. Những giải có sự tham gia của các vận động viên nước ngoài do cơ quan, tổ chức Việt Nam mời, hay những giải mà đơn vị tổ chức có đứng ra thu tiền của người chơi thì cần phải có giấy phép, hoặc có thông báo bằng văn bản gửi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Việc này để Sở nắm được tình hình và có thể báo lại cho Ban tổ chức những tình hình đang diễn ra tại địa điểm diễn ra sự kiện. Hơn nữa là để đảm bảo quyền lợi cho những người tham gia giải, vì khi giải không có giấy phép, nếu xảy ra tranh chấp giữa BTC và người chơi thì không có căn cứ để giải quyết."
Những giải thích của ông Vũ Trọng Lợi phần nào đã giải đáp những thắc mắc mà những đơn vị tổ chức sự kiện golf đang còn áy náy bấy lâu nay.
Có một vấn đề nữa mà ông Lợi nhắc tới là vấn đề chăm sóc y tế tại giải golf, cần phải có cán bộ y tế tại mỗi sự kiện thể thao để phòng những trường hợp hy hữu xảy ra. Ngoài ra thì mỗi golfer cần phải có chứng nhận đảm bảo sức khỏe trước khi tham dự giải. Đây có lẽ là một vấn đề cần quan tâm cần có ở mỗi giải golf thời gian tới, đặc biệt là những giải đấu diễn ra nhiều ngày.
Cuối buổi hội thảo sáng nay, ông Nguyễn Huy Tưởng – Chủ tịch hội golf TP Hà Nội có nhắc đến vấn đề Vai trò của Hiệp hội golf Việt Nam trong việc quản lý giá chơi golf tại Việt Nam. Trong thời điểm, giá chơi golf đang tự do “nhẩy múa” như hiện nay, đây sẽ là vấn đề rất cần được đưa ra bàn thảo trong thời gian tới.
Các bạn có thể tham khảo các thông tư tại đây: