GM Sân golf Ngôi sao Yên Bái: “Công việc GM khá đặc thù và phức tạp!”
Tin bài liên quan
Tôi quản lý sân golf dựa trên nguyên tắc: “Những điều mình không thích khi đi chơi golf thì sẽ cố gắng không để nó xuất hiện trên sân mình quản lý”.
Kỳ 1: Chia sẻ của anh Nguyễn Văn Hưng - GM Sân golf Ngôi sao Yên Bái
Cơ duyên nào đưa anh đến với vị trí GM sân golf?
Từ khi biết đến môn golf, bản thân tôi rất yêu thích môn thể thao thú vị này vì nó giúp tôi rèn luyện sức khỏe, phát triển các mối quan hệ và thậm chí tôi đã có một gia đình nhờ golf. Còn vị trí GM, do yêu cầu của gia đình cần tìm một người để thay mặt bố mẹ quản lý sân nên mình may mắn được đảm nhiệm vị trí này. (cười)
Theo anh, GM cần tố chất gì?
Bất kỳ một công việc nào dù lớn hay nhỏ đều có những yêu cầu riêng của nó. Tuy nhiên, công việc GM cho một sân golf khá đặc thù và phức tạp. Theo kinh nghiệm của bản thân, tôi thấy để có thể làm tốt vai trò GM, trước hết bạn cần có sự tỉ mỉ, chỉn chu bởi vì chỉ riêng việc chơi golf cũng đã phép xã giao và nhiều tiêu chuẩn khắt khe, chưa nói đến việc quản lí hoạt động của cả một sân golf. Thứ hai, đó là sự khéo léo, bạn phải cân bằng các mối quan hệ với khách hàng, nhân viên, đồng thời vẫn phải giữ được sự tôn nghiêm của môn golf. Điều này rất khó đặc biệt trong môi trường golf của Việt Nam. Cuối cùng là sự đam mê. Bạn không chơi golf, không đam mê với nó bạn sẽ không thể hiểu và quản lý tốt được. Ngược lại khi đã đam mê, golf cũng sẽ giúp ích rất nhiều trong việc quản lý vận hành sân cũng như quan hệ với khách hàng.
Anh đánh giá hoạt động quản lý các sân hiện nay ở Việt Nam như nào?
Golf Việt Nam đang trong giai đoạn hình thành và phát triển, nếu so sánh chỉ riêng với các nước trong khu vực cũng đã đi sau rất nhiều. Việc quản lý sân ở Việt Nam hiện đang khó khăn hơn các nước khác. Do đây là nghề mới, nhân sự có kinh nghiệm còn ít nên nếu không hiểu, sát sao với công việc rất dễ phải trả giá đắt. Ngoài ra, do nhiều chủ đầu tư có tiền xây sân nhưng lại chưa thực sự hiểu và tôn trọng những quy tắc trong golf dẫn đến người điều hành rất khó khăn trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh như trường hợp đồng ý cho khách đánh nhóm 5, thậm chí nhóm 6 người. Điểm cộng duy nhất là nguồn nhân sự thiếu, trong khi số lượng sân golf phát triển nhanh nên những người có chuyên môn, hiểu nghề rất dễ xin việc với mức thu nhập tương đối cao so với mặt bằng xã hội bây giờ.
Vậy kinh nghiệm quản lý của bản thân anh?
Tôi quản lý sân golf dựa trên nguyên tắc: “Những điều gì mình không thích đi chơi golf thì sẽ cố gắng không để nó xuất hiện trên sân mình quản lý”. Từ đó, tôi truyền đạt điều này đến trưởng quản lý bên dưới và đội ngũ nhân viên. Ngoài ra BLĐ sân golf Ngôi sao Yên Bái cũng đưa ra tiêu chí hoạt động của sân là “Trung thực - Tận tâm - Thân thiện” và mọi hoạt động của sân căn cứ trên 3 tiêu chí trên để triển khai từng nhân viên và giúp khách hàng cảm nhận được những điều này.
Vậy người Việt hay người nước ngoài làm GM sân sẽ tốt hơn?
Người Việt làm được chứ! Không chỉ golf mà người Việt đã chứng minh là chúng ta có thể thành công trong các lĩnh vực khác. Một dẫn chứng tiêu biểu trong golf là nữ GM Quách Thị Thanh Thuần, chị là người Việt đầu tiên thành công khi giúp sân golf mình quản lí trở thành sân golf tốt nhất ở Úc. Tôi nghĩ, về mặt ngắn hạn, chúng ta vẫn cần tuyển những nhân viên người nước ngoài để bổ sung những vị trí còn thiếu cũng như học hỏi thêm các kiến thức từ họ. Nhưng về lâu dài, theo đánh giá của tôi, sau 10 năm nữa, người Việt sẽ gần như đảm nhiệm hết tất cả các công việc trong hầu hết sân golf tại Việt Nam.