Chuyển tới nội dung

Đổi đời với nghề dạy golf: dễ hay khó?

Nghề dạy golf hứa hẹn nhiều cơ hội công việc hấp dẫn, và là lựa chọn mang tính “đổi đời” cho những ai nắm bắt được nhu cầu thị trường.

Không giống như những môn chơi phổ biến khác, golf là một trong số ít môn thể thao khó có thể tự mình tập luyện được, kể cả những ai có năng khiếu cũng cần sự hỗ trợ của người có kinh nghiệm hoặc huấn luyện viên chuyên nghiệp. Hiện nay, golf Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ, thống kê cho thấy số lượng golfer tăng trưởng ở mức phần trăm hai con số, không chỉ tập trung ở Hà Nội và Tp.HCM mà còn lan tỏa đến nhiều tỉnh thành nhờ các dự án xây dựng sân golf mới phân bổ khắp cả nước. Trước bối cảnh đó, nghề dạy golf hứa hẹn nhiều cơ hội công việc hấp dẫn, và là lựa chọn mang tính “đổi đời” cho những ai nắm bắt được nhu cầu thị trường.

Nhìn lại những ngày đầu

Khởi điểm vài chục năm về trước, những golfer “chập chững” mới chơi chủ yếu nhờ bạn bè, những người chơi trước chỉ dẫn. Sau đó, khi số lượng golfer tăng lên, đã hình thành những nhóm chơi (mô hình câu lạc bộ), ở đó mọi người cùng nhau tìm tòi kỹ thuật (trên sách vở, qua internet), rồi trao đổi, học tập kinh nghiệm lẫn nhau. Mãi tới khi một vài huấn luyện viên chuyên nghiệp người nước ngoài sang Việt Nam, nghề dạy golf ở nước ta mới thực sự nhen nhóm, một số golfer Việt có trình độ và đam mê mới rục rịch chuyển qua nghề giáo. 

Ảnh minh họa./ Nguồn: 72+ Golf Academy

Giai đoạn đầu, các huấn luyện viên nội chưa được tín nhiệm, công việc khá bấp bênh, vì thế không ít người đã bỏ cuộc. Không chỉ chịu áp lực về chuyên môn, những định kiến xã hội cũng gây mệt mỏi không kém. Môn golf du nhập vào Việt Nam đã bị xếp vào môn chơi của giới nhà giàu, tạo ra những suy nghĩ nhạy cảm, trong khi đó, do chưa có trường lớp đào tạo, huấn luyện viên golf phần lớn xuất phát từ các vị trí khá khiêm tốn đi lên. 

Ban đầu công tác giảng dạy chủ yếu diễn ra ở các sân tập (driving range), huấn luyện viên mạnh ai nấy dạy theo cách của mình, đa phần là kiểu “cầm tay chỉ việc”. Đến nay, hầu khắp các vùng miền đều có trung tâm đào tạo (golf academy) với cơ sở vật chất, thiết bị, giáo trình đầy đủ và bài bản; đội ngũ huấn luyện viên cũng đã khác xưa, đều có trong tay những chứng chỉ uy tín trong và ngoài nước.

Những “trái ngọt” hấp dẫn

Nhìn vào thành tích của golf trẻ gần đây, các bậc phụ huynh sẽ tin tưởng hơn vào khả năng của những huấn luyện viên nội để gửi gắm con em đến tập luyện./ Ảnh: TTXVN

Quan sát cho thấy huấn luyện viên golf đang là nghề “hot” ở Việt Nam. Nhiều người sẵn sàng từ bỏ công việc hiện tại, quyết định rẽ ngang, đầu tư thời gian và công sức để thi lấy chứng chỉ dạy golf. Điều này cũng dễ hiểu, vì nghề huấn luyện viên không chỉ hấp dẫn bởi mức thu nhập khá cao và ổn định, mà còn mang đến nhiều lợi ích kèm theo như: gia tăng các mối quan hệ chất lượng, có thêm cơ hội phát triển những công việc khác... Thực tế, một số huấn luyện viên chia sẻ với bước ngoặt chuyển đổi nghề, cuộc sống của họ đã có những thay đổi tích cực thấy rõ.

Trong hệ sinh thái của ngành công nghiệp golf, mảng đào tạo giữ vị trị bắt đầu của chuỗi giá trị, là “lò sản xuất” golfer. Số lượng golfer tăng thì các mảng dịch vụ khác mới thuận đà bứt phá theo. Vì vậy, ngoài giá trị tạo công ăn việc làm cho các huấn luyện viên, các học viện đào tạo đóng vai trò quan trọng trong tiến độ tăng trưởng của ngành golf. Những năm gần đây, hàng loạt cơ sở đào tạo mới liên tục được mở với cơ sở vật chất ngày càng nâng cấp, đội ngũ huấn luyện viên cũng tích cực nâng cao trình độ chuyên môn để đón sóng cơ hội. 

Những “trái ngọt” đầu tiên từ lò đào tạo trong nước đã cho ra lứa golfer tài năng trẻ hiện nay. Nhìn vào thành tích của golf trẻ gần đây, các bậc phụ huynh sẽ tin tưởng hơn vào khả năng của những huấn luyện viên nội để gửi gắm con em đến tập luyện. Bên cạnh các trung tâm quy mô nhỏ và chuyên sâu, những “tay chơi” lớn cũng đang ngấp nghé sẵn sàng tham gia khai thác thị trường đào tạo golf với mô hình: hệ thống trường đại học, chuỗi sân golf,… Những dự án này chắc chắn sẽ tạo ra vô vàn lựa chọn việc làm cho các huấn luyện viên.

“Đường dài mới biết ngựa hay”

HLV  Nguyễn Thái Dương và học trò Nguyễn Đặng Minh tại Asiad 19./ Ảnh: 72+ Golf Academy

Thị trường đào tạo golf đầy tiềm năng và rộng mở, cơ hội đã thấy rõ, song thách thức cạnh tranh cũng không hề nhỏ. Để trụ vững và thăng tiến với nghề, lời khuyên cho các huấn luyện viên Việt là hãy tận dụng tối đa lợi thế sân nhà, vốn văn hóa và hiểu biết - không ai hiểu người Việt hơn chính người Việt, dựa trên sự tương đồng về tâm lý, thể trạng, cấu trúc cơ thể. 

Bên cạnh đó, cần không ngừng nâng cao kiến thức chuyên môn và đầu tư trang thiết bị, chất lượng dịch vụ. Việc “dựng” swing giờ đây không chỉ dựa trên mỗi cách truyền dạy kinh nghiệm. Muốn đạt hiệu quả đào tạo tốt, người huấn luyện viên phải thấu hiểu nguyên lý chuyển động của cú swing, nắm rõ về giải phẫu cơ thể, ứng dụng thiết bị đo đạc hiện đại để phân tích thông số cú swing, thêm vào các bài tập thể lực bổ trợ,… Như vậy, tương lai sẽ không còn chỗ cho những người làm nghề nửa vời, chỉ những ai tâm huyết và quyết tâm đeo đuổi dài hơi mới mong thành công với nghề.

By Tạ Anh Chiến 

1 lượt thích2201 lượt xem

Tin bài khác