Chuyển tới nội dung

Sứ mệnh thế hệ mở đường

Việc các golf thủ chuyên nghiệp lớn tuổi, khởi nghiệp trong lĩnh vực golf không đua kịp với các cháu thiếu niên nghiệp dư tại các giải đấu đỉnh cao là phù hợp quy luật, là điều rất mừng cho golf chuyên nghiệp Việt Nam. Các "pro" hiện thời có công làm nên các giải golf chuyên nghiệp, góp sức đào tạo ra nhiều golf thủ trẻ giỏi, có thể tự hào là đã hoàn thành vẻ vang sứ mệnh của thế hệ mở đường.

Nhiều “Pro" thế giới xuất thân từ caddie

Lịch sử làng golf thế giới ghi nhận nhiều tay golf nổi tiếng bắt đầu sự nghiệp từ vị trí caddie. Không phải chỉ các nước thu nhập thấp như châu Á mới có các golfer chuyên nghiệp xuất thân từ caddie như Vijay Singh (Fiji), Liang Wen Chong (Trung Quốc),… mà ngay ở các nước giàu có như Mỹ, Đức, công việc caddie cũng cho “ra đời” các tay golf cự phách như Ben Hogan, Byron Nelson, Bernhard Langer,... Ở đây, xin được đề cập sơ lược đến hai golfer ngoài 50 tuổi còn đương chơi trên PGA Tour Champions là Bernhard Langer và Vijay Singh.

Bernhard Langger (sinh năm 1957) trải qua tuổi thơ ở một thị trấn nhỏ miền Nam nước Đức. Để kiếm thêm thu nhập, từ khi còn là cậu bé, anh đã làm caddie, kéo túi gậy cho người chơi golf ở CLB Augsburg, bang Bavaria. Nhờ đó, tài năng và niềm đam mê golf đã được nuôi dưỡng, đưa Bernhard Langer trở thành một tay golf cự phách. Anh hiện có 122 chiến thắng nhà nghề, trong đó 2 lần giành quán quân Master (1885, 1993). Bernhard Langer giữ vị trí số 1 thế giới năm 1986 khi lần đầu tiên bảng xếp hạng golf thế giới được công bố. Bernhard Langer hiện là tay golf thành công nhất trong lịch sử PGA Tour Champions và là golfer vĩ đại nhất nước Đức.

Bernhard Langer hiện là tay golf thành công nhất trong lịch sử PGA Tour Champions và là golfer vĩ đại nhất nước Đức.

Vijay Singh (sinh năm 1963) bắt đầu sự nghiệp golf bằng nghề caddie và đã đạt được những thành tựu chói sáng. Vijay Singh có 65 chiến thắng nhà nghề, giữ vị trí số 1 thế giới 32 tuần trong các năm 2004-2005, được ghi tên vào Lâu đài Danh vọng Golf năm 2006, và đứng đầu bảng xếp hạng tiền thưởng vào năm 2003, 2004, 2008. Chen chân được vào vị trí số 1 thế giới thuộc giai đoạn chói sáng của Tiger Woods là một minh chứng về tài năng golf kiệt xuất của Vijay Singh.

Vijay Singh bắt đầu sự nghiệp golf bằng nghề caddie và đã đạt được nhiều thành tựu golf chói sáng.

Ảnh hưởng của tiền thưởng đối với sự phát triển golf chuyên nghiệp

m

Theo nghề golf chuyên nghiệp là kiếm sống bằng nghề golf, đi thi đấu ở giải nhà nghề là để kiếm tiền. Vì thế, ở đấu trường golf chuyên nghiệp, không có điểm chấp. Còn ở golf nghiệp dư, không phải thi đấu vì mục đích kiếm tiền, nên mới có điểm chấp và có giới hạn về mức tiền thưởng.

Đã là thi đấu vì tiền, thì giải thưởng càng cao càng lắm người tài giỏi tham gia thi đấu, càng khó chiến thắng. Càng có cơ hội kiếm được nhiều tiền thì càng thúc giục nhiều người đeo đuổi. Giải thưởng cho golf chuyên nghiệp càng lớn thì càng nhiều thiếu nhi đặt mục tiêu trở thành vận động viên chuyên nghiệp.

Giải golf chuyên nghiệp có mức tiền thưởng phụ thuộc vào mức độ giàu có của mỗi quốc gia. Giải Asian Tour có mức thưởng thấp hơn European Tour và PGA Tour. Thi đấu ở Asian Tour dễ hơn European Tour và PGA Tour. Bởi thế, đấu trường golf chuyên nghiệp danh giá với tiền thưởng lớn như PGA Tour là ước mơ sự nghiệp cuộc đời của bao nhiêu golfer nhà nghề, được nhen nhúm từ thuở bắt đầu cầm gậy golf ở tuổi thiếu nhi.

Bản thân đấu trường PGA Tour cũng không ngừng tìm cách nâng mức tiền thưởng. Khởi đầu ở mức 100.000–200.000USD/giải vào thập niên 1970, nâng lên 4-5 triệu USD/giải giai đoạn năm 2000, và tiến đến mức trung bình 10 triệu USD/giải thời điểm hiện tại. 

Khi LIV Golf ra đời, với giải thưởng 20-50 triệu USD/giải đã lấy mất một loạt các golf thủ hàng đầu của PGA Tour, dẫn đến cuộc chiến khốc liệt giữa hai phía, mãi mới đây hai bên mới giảng hòa, kết hợp với nhau.

Một cách ngắn gọn, tiền thưởng ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của golf chuyên nghiệp. Tiền thưởng càng lớn, golf chuyên nghiệp phát triển càng nhanh. Cùng với đó là mức khốc liệt và độ danh giá của đấu trường golf chuyên nghiệp tỷ lệ thuận theo mức tiền thưởng.

Golf chuyên nghiệp Việt Nam và các nước đang phát triển 

Các nước ASEAN, Trung Quốc, Ấn Độ nói riêng, và những nước đang phát triển nói chung thuộc khu vực golf chuyên nghiệp chậm phát triển. Có lẽ chỉ có golf nữ Thái Lan là ngoại lệ, lọt vào top 5 các nước có nhiều nữ golfer chơi trên giải nhà nghề LPGA Tour. Còn lại, các golfer chuyên nghiệp nam ở các nước ASEAN, Trung Quốc, Ấn Độ hiện có mặt bằng thấp hơn khá nhiều so với châu Âu và Mỹ.

Giải golf nhà nghề của Việt Nam khi mới ra đời, cũng giống như các nước trong khu vực ASEAN và Trung Quốc, người chơi phần lớn là những người làm việc tại các sân golf, khá nhiều tuổi. Số lượng những golfer chuyên nghiệp được học golf từ bé không nhiều. Số golf thủ chuyên nghiệp dưới 25 tuổi càng ít. Vì thế, mặt bằng chuyên môn thấp. Đó là quy luật chung cho golf chuyên nghiệp ở các nước đang phát triển, khi mức sống còn chưa cao, thì trò chơi golf vẫn còn ở xa tầm với của đại đa số thiếu nhi.

Nhưng cùng với thời gian, tỷ lệ các thành phần và tuổi tác chơi golf ở giải chuyên nghiệp sẽ thay đổi. Nhóm golfer trẻ tuổi được đào tạo bài bản từ bé, trở thành golfer chuyên nghiệp ngày càng đông, sẽ dần dần tiến tới vị trí thống soái ở giải golf chuyên nghiệp. Nhóm các golfer chuyên nghiệp lớn tuổi, vốn dĩ là những người làm việc trong ngành golf, sẽ không thể tiếp tục thi đấu trên giải nhà nghề nữa.

Giải golf chuyên nghiệp Việt Nam, với VPGA Tour ra đời vào năm 2017 mở đầu bằng FLC Master, tiếp sau đó là VGA Tour, đã mở ra một chân trời mới cho nền golf chuyên nghiệp. Chỉ trong vòng mấy năm, golf chuyên nghiệp Việt Nam đã có những bước dài tiến bộ. 

FLC Vietnam Masters là một trong những giải đấu khởi đầu của hệ thống golf chuyên nghiệp Việt Nam.

Trước hết là số lượng golfer chuyên nghiệp. Từ tầm 60-80 golfer thì nay tăng lên hơn 120 golfer trong mỗi giải đấu. Số lượng giải đấu cũng tăng thêm hàng năm, bắt đầu từ 1-2 giải/năm, nay đã có khoảng 8-10 giải/năm ở thời điểm hiện tại.

Điều đặc biệt cần nhấn mạnh đó là chất lượng. Nhờ hệ thống giải đấu chuyên nghiệp ra đời, các golf thủ chuyên nghiệp có đấu trường để tôi luyện kỹ thuật, kinh nghiệm và phong cách thi đấu, nên ở mọi phương diện, mặt bằng chuyên môn được không ngừng nâng cao. Các nhà tổ chức, vì thế, cũng tạo dựng sân thi đấu mỗi ngày một khó hơn - kéo xa thêm khoảng cách, làm cỏ rough cao hơn, để green có tốc độ nhanh hơn.

Điều mừng nhất là việc gia tăng số lượng tham gia của các golf thủ trẻ có trình độ chuyên môn cao. Những golf thủ nghiệp dư được đào tạo bài bản từ bé, nay đang ở độ tuổi 15-18, là thành viên đội tuyển golf quốc gia, đang dẫn đầu trên giải golf chuyên nghiệp Việt Nam. 

Thời kỳ mà ở hầu hết các giải đấu nghiệp dư, giải tổng điểm thấp nhất (best gross) thuộc về người lớn tuổi, đã qua. Từ giờ về sau, giải tổng điểm thấp nhất ở các giải đấu nghiệp dư đa phần sẽ thuộc về golfer trẻ. Và còn mừng hơn, cũng từ đây, tại các giải golf chuyên nghiệp Việt Nam, vị trí đầu bảng sẽ thuộc về các golfer trẻ, nghiệp dư hay chuyên nghiệp, chứ không thuộc về các golf thủ luống tuổi.

Việc các golf thủ chuyên nghiệp lớn tuổi, khởi nghiệp trong lĩnh vực golf không đua kịp với các cháu thiếu niên nghiệp dư tại giải golf chuyên nghiệp là phù hợp quy luật, và là điều rất mừng cho golf chuyên nghiệp Việt Nam. Trong ít năm nữa, Nguyễn Anh Minh, Lê Khánh Hưng, Nguyễn Đặng Minh, Nguyễn Nhất Long, Đoàn Uy… sẽ chuyển sang thi đấu chuyên nghiệp. 

Đội tuyển Golf Quốc gia Việt Nam đang ghi dấu ấn mạnh mẽ tại các đấu trường khu vực.

Đó là lớp golf thủ chuyên nghiệp được đào tạo bài bản, có khả năng tiếp cận trình độ quốc tế, có cơ hội thi đấu trên các giải nhà nghề thế giới danh giá. Và các lớp golfer trẻ nghiệp dư sau nữa sẽ tiếp tục trưởng thành, bổ sung vào đội ngũ golf thủ chuyên nghiệp, đưa giải golf chuyên nghiệp Việt Nam lên một tầm cao mới. Các golf thủ chuyên nghiệp hiện thời có công làm nên giải golf chuyên nghiệp, góp sức đào tạo ra nhiều golf thủ trẻ giỏi, có thể tự hào là đã hoàn thành vẻ vang sứ mệnh của thế hệ mở đường.

Điều cần lưu ý rất quan trọng nữa là tiền thưởng. Giải golf chuyên nghiệp Việt Nam cần có quỹ tiền thưởng lớn. Nó sẽ là liều thuốc bổ kỳ diệu giúp golf chuyên nghiệp Việt Nam “lớn nhanh như Thánh Gióng”.

By Dr. Nguyễn Ngọc Chu

1 lượt thích2053 lượt xem

Tin bài khác