Chuyển tới nội dung

Chris Gray - Chủ tịch AGIF: "Golf Việt chắc chắn sẽ có tên trên bản đồ thế giới"

Sau Hội nghị Liên đoàn Công nghiệp Golf châu Á tại Đà Nẵng, ông Chris Gray - Chủ tịch AGIF đã có những chia sẻ về vai trò của liên đoàn và tiềm năng của golf Việt.
Ông Chris Gray là chủ tịch đương nhiệm của AGIF và là Trưởng bộ phận Nông nghiệp và phát triển golf bền vững khu vực châu Á-TBD của R&A.

Đầu tiên, ông có thể chia sẻ đôi điều về bản thân?

Tên tôi là Chris Gray đến từ Úc và đã có hơn 30 năm sống và làm việc tại châu Á. Công việc chuyên môn của tôi là chuyên gia nghiên cứu về nông học, quản lý sân golf và các dự án golf ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Trung Á và Trung Đông. Hiện tôi đang đảm nhiệm cương vị Trưởng bộ phận Nông nghiệp và phát triển golf bền vững khu vực châu Á-TBD của R&A. Tôi gia nhập R&A tháng 3 năm 2020 đồng thời là Chủ tịch đương nhiệm của AGIF, cũng như thành viên hội đồng quản trị của AGIF từ 2012.

Ông biết chơi golf từ khi nào?

Tôi bắt đầu chơi golf khi còn là thiếu niên ở Úc và tôi đã có may mắn được chơi ở rất nhiều sân golf tuyệt vời trên toàn thế giới.

Vậy golf đang mang lại cho ông những lợi ích gì?

Tôi yêu tất cả mọi thứ về golf và có điều gì đó thật đặc biệt khi được chơi golf trên nhiều loại sân trong các điều kiện khí hậu khác nhau. Tôi cũng rất may mắn được làm việc trong ngành golf trong suốt sự nghiệp của mình cho đến nay và điều tôi yêu thích nhất ở golf là lịch sử, truyền thống của môn thể thao này cũng như lịch sử của các sân golf. Tôi đã gặp nhiều người tuyệt vời khi làm việc trong ngành golf và khi chơi golf, vì vậy tình bạn lâu dài chính là lợi ích quan trọng nhất mà golf mang lại cho tôi.

Trên cương vị chủ tịch AGIF ông có gặp phải những khó khăn, thách thức gì không?

Tôi đảm nhận vị trí Chủ tịch AGIF tháng 3/2021 và giống như nhiều các tổ chức khác, chúng tôi phải đối mặt với rất nhiều thách thức do dịch bệnh Covid. Trước đại dịch, AGIF đã tổ chức nhiều hội thảo giáo dục trong khu vực và các sự kiện kết nối mạng lưới nhằm gắn kết ngành công nghiệp golf địa phương với các thành viên của liên đoàn. Tuy nhiên những hạn chế đi lại trong thời kỳ đại dịch đã khiến chúng tôi không thể tổ chức các hoạt động này và việc tiếp tục chức đầy đủ các sự kiện vào năm 2024 sẽ là ưu tiên hàng đầu của Liên đoàn.

Ông Chris Gray và các đồng nghiệp tại R&A.

Những hoạt động chính và lịch sử của AGIF có gì đặc biệt?

AGIF được thành lập năm 2010 trên tư cách là một Liên đoàn phi lợi nhuận với các thành viên và đối tác tham gia vào tất cả các khía cạnh của ngành công nghiệp golf trên khắp châu Á. AGIF mong muốn hỗ trợ ngành công nghiệp golf ở châu Á phát triển hướng tới một ngành bền vững. Cùng với việc ra mắt Chứng chỉ về Greenkeeping hợp tác cùng The R&A, AGIF còn là Đối tác liên kết của Hiệp hội Quản lý Các CLB của Hoa Kỳ (CMAA) ở châu Á, điều hành chương trình đào tạo Quản lý các CLB được Chứng nhận. Chúng tôi cũng tổ chức các buổi đào tạo về quản lý câu lạc bộ và bảo dưỡng sân golf ở nhiều quốc gia châu Á nhằm liên kết quản lý tổng thể, tăng cường tính bền vững về kinh tế và môi trường, nghiên cứu và phát triển các sáng kiến với môn golf. Giống như Hội nghị AGIF được tổ chức tại Đà Nẵng trong hai năm qua, những nền tảng này mang đến cơ hội kết nối vô giá cho tất cả những người tham gia vào ngành công nghiệp golf.

Những nguyên tắc hoạt động của AGIF?

Là một tổ chức phi lợi nhuận, AGIF chủ yếu hoạt động dựa vào phí thành viên được đóng hàng năm. Những khoản phí này cho phép AGIF tổ chức các sự kiện hỗ trợ mang tính giáo dục, đặc biệt dành cho các giám đốc sân golf thông qua Chứng chỉ Greenkeeping – một chương trình cũng được hỗ trợ tài chính bởi The R&A và đối tác thành viên lâu năm của AGIF như Jacobsen, Jebsen & Jessen, John Deere, Syngenta và Toro.

Trong 5 năm tới AGIF sẽ có những mục tiêu gì?

Mục tiêu của AGIF rất rõ ràng – tiếp tục là tổ chức bảo trợ cho ngành công nghiệp golf ở châu Á. Một trong những mục tiêu cốt lõi của liên đoàn là cung cấp những lập trình viên giáo dục đẳng cấp thế giới (cho các sự kiện đặc biệt hay hội thảo chuyên ngành) cũng như các tài liệu để đáp ứng nhu cầu giáo dục đa dạng cho các thành viên trong Liên đoàn và những bên liên quan. AGIF cũng sẽ tập trung vào việc giải quyết các vấn đề chính liên quan đến sân golf và ngành công nghiệp cỏ như bảo vệ sở hữu trí tuệ, tính bền vững của môi trường và sự phát triển của môn thể thao golf.

Ông đánh giá như thế nào về hội nghị lần thứ 2 của AGIF tại Đà Nẵng?

Chúng tôi vẫn đang trong giai đoạn đánh giá sau hội nghị. Trong những tuần tới, chúng tôi sẽ tổ chức các cuộc họp và trao đổi nội bộ, nêu bật những gì hiệu quả và những gì có thể cải thiện cho các hội nghị trong thời gian tới. Chúng tôi rất coi trọng phản hồi từ các đại biểu và diễn giả và tôi vui mừng khi biết rằng những phản hồi ban đầu là rất tích cực. Sau khi quá trình đánh giá hoàn tất, chúng tôi sẽ đưa ra đề cương cho Hội nghị AGIF năm 2024.

Ông Chris Gray tại Hội nghị AGIF Đà Nẵng 2023.

Theo ông, những vấn đề nào nên được ưu tiên trước sau hội nghị?

Có rất nhiều chủ đề quan trọng trong ngành golf cần được làm sáng tỏ. Tất cả đều cần được ưu tiên. Điều quan trọng là tập trung nhiều vào lĩnh vực chính như giáo dục, tính bền vững, phát triển du lịch golf trong các quốc gia châu Á, giúp cho môn thể thao golf trở nên dễ tiếp cận hơn và giá cả phải chăng hơn… cũng như khuyến khích phụ nữ chơi golf nhiều hơn. Có rất nhiều việc phải làm – và không có thời gian để nghỉ ngơi trên chiến thắng của mình.

Làm thế nào để thu hút đại biểu trong các năm tới?

Để thu hút các đại biểu trong và ngoài nước, có rất nhiều yếu tố cần được xem xét. Đầu tiên và quan trọng nhất, đó là phải có những chủ đề mang thời sự trong chương trình nghị sự cùng với những diễn giả uy tín. Cơ sở hạ tầng và khả năng tiếp cận cũng là yếu tố cần quan tâm – địa điểm tổ chức có các chuyến bay thẳng, nhiều khách sạn, nhà hàng và cửa hàng giải trí ở gần nhau không? Đối với hầu hết người tham dự, chi phí là một yếu tố đáng lưu tâm (chuyến bay, chỗ ở, phí đại biểu, đồ ăn và đồ uống cũng như thời gian tham gia sự kiện. Ngoài ra, từ những phản hồi nhận được, việc tạo cơ hội cho các đại biểu và các diễn giả kết nối với nhau cũng là một điểm quan trọng.

Vậy thì Việt Nam sẽ có những lợi ích gì khi đăng cai tổ chức AGIF?

Đối với một số đại biểu tham dự hội nghị, đây là lần đầu tiên họ đến thăm Việt Nam. Tôi biết họ rất ấn tượng với những gì họ thấy và nghe. Khi trở về quê hương, chắc chắn họ sẽ chia sẻ những trải nghiệm ấn tượng của mình ở Việt Nam. Đó chính là cách sự quảng bá được lan truyền. Những lời nói này được nhân lên với hàng chục cá nhân, bạn sẽ thấy nó trở thành một công cụ lan tỏa mạnh mẽ biết chừng nào. Tôi nghĩ Việt Nam cũng được hưởng lợi từ việc xuất hiện trên các phương tiện truyền thông do hội nghị mang lại, không chỉ về mặt đưa tin của các báo đài truyền thống về golf mà còn thông qua các bài đăng trên mạng xã hội của các đại biểu, khách mời tham gia sự kiện. Tất cả những điều này sẽ thu hút nhiều người chơi golf từ khắp nơi trên thế giới đến Việt Nam với tư cách là khách du lịch chơi golf trong những năm tới.

Tính đến thời điểm hiện tại ông đã chơi bao nhiêu sân golf ở Việt Nam?

Lần đầu tiên tôi đến làm việc tại Việt Nam là năm 1995 để hỗ trợ xây dựng sân golf Ocean Dunes ở Phan Thiết, đáng tiếc là sân golf giờ đã được tái phát triển thành khu bất động sản. Lần thứ hai tôi trở lại đất nước xinh đẹp này là năm 2008 để phát triển CLB Golf Montgomerie Links ở Đà Nẵng. Tôi thấy mình thật may mắn khi được đến thăm nhiều sân golf lâu đời và cả những sân mới đây. Việt Nam sở hữu nhiều cảnh quan golf đa dạng và ấn tượng nhất so với các quốc gia trong khu vực, từ các sân links ven theo bờ biển tuyệt đẹp, đến các sân trong rừng và trên núi cao hùng vĩ, thật khó để chọn ra sân golf yêu thích nhất. Tuy nhiên, tôi thực sự yêu thích nét di sản, phong cảnh núi non và khí hậu của Dalat Palace ở cao nguyên miền trung thơ mộng.

Việt Nam có những tiềm năng phát triển ngành công nghiệp và du lịch golf không?

Tiềm năng về du lịch golf và ngành công nghiệp golf ở Việt Nam là rất lớn. Golf vẫn còn ở giai đoạn sơ khai ở Việt Nam, nhưng những dấu hiệu cho thấy sự tăng trưởng ổn định trong thập kỷ tới là rất đáng khích lệ. Từ những chia sẻ của các diễn giả đến từ Hiệp hội Golf Việt Nam và Trung tâm xúc tiến Du lịch Golf Đà Nẵng tại hội nghị AGIF, có thể thấy số lượng người chơi golf và sân golf ở Việt Nam đã gia tăng đáng kể trong thập kỷ qua, cùng với những dự đoán về mức độ tăng trưởng liên tục trong những năm tới.

Ông Chris Gray nhận định Việt Nam sở hữu nhiều cảnh quan golf đa dạng và ấn tượng nhất so với các quốc gia trong khu vực.

Những giải pháp để phát triển du lịch golf ở Việt Nam?

Việc tổ chức nhiều giải golf tầm cỡ sẽ giúp quảng bá điểm đến chơi golf ở Việt Nam. Tôi rất ấn tượng với chia sẻ của diễn giả Cho Min Thant, Ủy viên và Giám đốc điều hành Asia Tour tại sự kiện. Xin được trích dẫn lại 100% những chia sẻ của anh: “Xét về cảnh quan, về điều kiện sân và sự háo hức đón nhận môn golf thì không có quốc gia nào ở châu Á sánh kịp Việt Nam. Các bạn có đường bờ biển rất đẹp cùng khí hậu thật tuyệt vời. Việc Việt Nam trở thành điểm đến được biết đến nhiều trong bản đồ du lịch golf thế giới có lẽ chỉ còn là vấn đề thời gian.” 

Trong những năm tiếp theo AGIF có trở lại Đà Nẵng?

Liên đoàn rất vui nếu được Hội nghị AGIF trở lại Việt Nam năm 2024 và đây là điều mà Ủy ban điều hành của chúng tôi sẽ tập trung vào những tháng tới nhằm đảm bảo Hội nghị AGIF tiếp theo sẽ lớn hơn để tập trung vào việc đưa những người trong ngành đến gần nhau hơn nữa.

Cảm ơn những chia sẻ của ông!

Profile

Full name: Chris Gray

Position: Head of Sustainable Golf & Agronomy, The R&A

Hobbies: Playing Golf and Golf Course Architecture

Famous quote: "Be yourself; everyone else is already taken." - Oscar Wilde

1 lượt thích1195 lượt xem

Tin bài khác