"Không Thầy đố mày làm nên!"
Tin bài liên quan
Tầm sư học đạo
Quỷ cốc tiên sinh ẩn mình trên núi cao mà có những học trò xuống núi nổi danh lừng lẫy như Tôn Tẫn, Bàng Quyên, Tô Tần, Trương Nghi - giúp cho các bậc quân vương xưng bá thiên hiên hạ.
Khổng Tử mới có đến 3000 môn sinh từ khắp nơi trong thiên hạ đến theo học. Và cho dù bị khốn trên hành trình của mình ở các nước Lỗ, Tề, Ngô, Chu mà 72 môn sinh vẫn kiên trì đi theo Khổng Tử. Nên mới đào tạo được các học trò xuất sắc như Tăng Tử, Nhan Hồi, Mạnh Tử, Tử Cống, Tử Lộ.
Leonardo da Vinci có học trò xuất sắc như Giorgio Vasari. Ludwig van Beethoven có các học trò kỳ tài như Carl Czerny và Ferdinand Ries. Hippocrates có Galen. Hải Thượng Lãn Ông có Lê Quý Đôn.
Không chỉ các cá nhân, mà các trung tâm đào tạo danh tiếng là “lò luyện đan” cho tốt nghiệp nhiều tài năng xuất chúng. Ví như Học viện Quân sự West Point (Hoa Kỳ) “xuất xưởng” các tướng lĩnh tài ba như Ulysses S. Grant, Robert E. Lee, Douglas MacArthur, Dwight D. Eisenhower. Còn Học viện Quân sự Saint-Cyr (Pháp) thì “cho ra lò” những thiên tài như Napoleon Bonaparte, Charles de Gaulle. Với Học viện Quân sự Hoàng gia Sandhurst (Anh) thì đó là các bậc kỳ tài như Winston Churchill, Bernard Montgomery.
Có thể viện dẫn ra hàng ngàn thí dụ về các tài năng được đào tạo từ những người thầy tài năng và từ các trung tâm đào tạo danh tiếng. “Tầm sư học đạo”, dù phải lên núi cao, dù phải qua biển lớn, vẫn là con đường kinh điển để tiếp thu kiến thức tinh hoa trong hành trình chinh phục đỉnh cao.
Truyền nhân và đại chúng
Bất kỳ quốc gia nào, bất kỳ bộ môn nào cũng cần đến hệ thống đào tạo. Hệ thống đào tạo càng tốt càng có nhiều học sinh xuất sắc. Thời xa xưa, sự ‘tầm sư học đạo’ thường tìm đến những người thầy xuất sắc đơn lẻ, thậm chí chỉ 1 trò 1 thầy. Còn cực đoan hơn nữa là cách đào tạo ‘truyền nhân’. Nghĩa là cả cuộc đời chỉ truyền kiến thức quý giá nhất (bí kíp) cho một người. Điều này thường xảy ra trong y học, hay là những bí mật gia truyền về một lĩnh vực hoặc đối tượng nào đó, chẳng hạn như chế biến thực thẩm. Cách đào tạo này hạn chế sự phổ cập tri thức, dẫn đến hạn chế sự tiến bộ. Có khi dẫn đến thất lạc các tri thức quý giá.
Vào thời đại ngày nay, việc truyền bá kiến thức thường được phổ biến rộng rãi, công khai qua nhiều phương tiện. Quá trình đào tạo có sự trợ giúp tuyệt vời của khoa học và công nghệ. Nhưng vai trò của người thầy không vì thế mà kém giá trị, ngược lại, vẫn còn “đắt giá”. Sự “đắt giá” nằm ở chỗ “cầm tay chỉ việc” và “bốc thuốc đúng người đúng bệnh”. Những kỹ thuật khó, sự “cầm tay chỉ việc” chính xác của người thầy nhanh chóng đưa đến kết quả tốt nhất. Người thầy giỏi luôn “bốc thuốc đúng người đúng bệnh”. Học với thầy giỏi tiến bộ nhanh hơn, đạt được kết quả tốt hơn.
Các con đường dẫn tới nghề dạy golf
Muốn trở thành một huấn luyện viên golf cần có những điều cơ bản sau:
- Kỹ năng chơi golf tốt.
- Kiến thức vững về thể thao golf.
- Khả năng sư phạm tốt.
- Chứng chỉ từ các tổ chức golf chuyên nghiệp, nghiệp dư về thi đấu hay đào tạo golf.
- Kinh nghiệm thi đấu và giảng dạy.
- Sức khoẻ.
- Đam mê golf.
Trong thực tiễn, các huấn luyện viên golf thường có xuất phát từ các nguồn sau:
- Các tay golf từng thi đấu trên các hệ thống giải đấu golf chuyên nghiệp.
- Thành viên của các hiệp hội golf chuyên nghiệp.
- Được đào tạo và có chứng chỉ từ các cơ sở đào tạo huấn luyện viên golf hợp pháp.
- Đối với các nước có nền golf mới phát triển, còn một nguồn cung cấp huấn luyện viên golf nữa: Tự học.
Trong giai đoạn đầu mới phát triển, do chưa có thầy, chưa có hệ thống đào tạo bài bản, lại do kinh phí hạn hẹp, nên có người làm trong lĩnh vực golf “học mót”, mày mò tự học, tự luyện tập rồi bước vào lĩnh vực dạy golf. Thường là những người có chí và ít nhiều có năng khiếu. Số lượng này không nhiều.
Những cách học golf lợi và hại
Golf là một môn không rẻ, tưởng là đơn giản nhưng phức tạp. Nên cần phải tìm đến thầy giỏi. Thực tế ở Việt Nam đang có các xu hướng học golf không thúc đẩy đến kết quả tốt nhất. Sau đây là phân loại về một số cách học golf thường thấy:
Thứ nhất là tự học
Nhiều người chỉ nhìn qua người khác chơi, tìm hiểu qua sách vở, video, hay được nghe chỉ bảo của vài người, rồi mày mò tự học. Con đường học này rất có hại. Vì học sai. Phải sửa đi sửa lại nhiều lần mà cũng không đúng. Trong khi đó thì chi phí chơi golf rất đắt. Hậu quả là chơi golf nhiều năm, nhưng liên tục phải sửa cách đánh mà kết quả không tiến bộ đáng kể. Chưa nói là phong cách đánh golf rất xấu.
Một đặc điểm khác thường thấy ở những người thích tự học là hay thích làm thầy. Nghĩa là mới chơi golf một vài buổi nhưng lại muốn dạy cho người khác. Không nghĩ rằng đang mang cái sai của chính mình đi truyền bá cho người.
Đối với môn thể thao golf cần người đứng ngoài quan sát để nhìn thấy người chơi golf sai như thế nào. Mà “chất lượng quan sát” lại phụ thuộc vào trình độ người quan sát. Điều này lý giải mức độ giá trị của người thầy. Bản thân một người chơi golf giỏi cũng không tự nhận biết mình đã sai như thế nào trong quá trình thực hiện một cú đánh. Golf là minh chứng sắc bén cho quan hệ giữa tính khách quan đối trọng với tính chủ quan. Người tự học golf, một cách vô tình, để cho tính chủ quan trở thành nhân tố áp đảo. Vì không có đối trọng từ tính khách quan là người thầy, người quan sát, đứng ngoài cuộc so với người tự học golf. Đây là sự biện chứng giải thích tại sao tự học golf hại nhiều hơn lợi. Vì chỉ có chủ quan mà không có khách quan. Với golf, tự học là vạn bất đắc dĩ, khi không có điều kiện học với thầy.
Thứ hai là học nửa vời
Nghĩa là chỉ học thầy một số buổi. Rồi sau đó tự mày mò cải tiến, tự rút kinh nghiệm. Kết quả cũng không khá hơn hoàn toàn tự học là mấy.
Thứ ba là học không đúng thầy
Điều này thường xuất phát từ kinh phí một phần, một phần khác là do nhận thức. So sánh kinh phí và thường chọn nơi có học phí thấp. Kết quả khả dĩ vì được học với thầy có chuyên môn. Nhưng cũng sẽ gặp lỗi, phải sửa lại cách đánh. Và thiệt thòi hơn là không đi được đến tới hạn khả năng của chính mình.
Vậy nên học golf như thế nào?
Nên học với thầy giỏi hoặc rất giỏi
Nếu trong học văn hoá, nhiều người đồng ý với đường lối nên học với thầy giỏi hoặc rất giỏi, thì trong học golf rất ít người đi theo đường lối này. Họ không để ý đến 4 lợi thế khi học với người thầy giỏi hoặc rất giỏi:
- Không sai về kỹ thuật. Chỉ người thầy giỏi hay rất giỏi mới hướng dẫn mọi thứ không sai về kỹ thuật.
- Chỉ được đúng lỗi sai cho mỗi học trò và có cách sửa thích hợp.
- Khai thác tối đa khả năng của học trò. Điều này cực kỳ quan trọng. Chỉ có người thầy rất giỏi mới giúp cho học trò đạt tối đa khả năng của mình. Đa phần các thầy, dù chuyên nghiệp, khó giúp cho học trò đạt đến cực đại khả năng.
- Nhanh đạt đến tới hạn kết quả. Tiết kiệm thời gian. Tiết kiệm chí phí. Học với thầy giỏi hoặc rất giỏi tưởng là đắt, nhưng trên thực tế là tối ưu. Vì nhanh đạt được kết quả cao nhất. Ít lỗi. Ít phải sửa lại.
- Phong cách đánh lại chuyên nghiệp.
Cần học đủ giáo trình, đủ thời gian
Văn ôn võ luyện. Golf là môn thể thao kỳ công. Không thể đi tắt. Lần trước thực hiện đúng, nhưng lần sau thực hiện sai. Nên không chỉ học đủ giáo trình, mà còn phải thực hành đi thực hành lại nhiều lần dưới sự giám sát và sửa lỗi của người thầy. Phần lớn học sinh chỉ học với thầy một vài cua, rồi “tự mình làm thầy”. Đây là điều phải tránh. Minh chứng cụ thể là các tay golf lừng danh như Tiger Woods, Phil Mickenson, Rory Mcllroy hay bất cứ một tay golf cự phách nào khác trên PGA Tour luôn luôn có thầy dù đã đạt đến đỉnh cao.

Không thầy đố mày làm nên
Từ xa xưa tiền nhân đã truyền dạy: Không thầy đố mày làm nên. Bất cứ trong lĩnh vực nào cũng cần đến thầy. Có thầy mới tiến được xa. Có thầy mới đi nhanh đến đích. Thầy càng giỏi trò tiến càng xa. Thầy càng giỏi trò tiến càng nhanh.
Golf là môn thể thảo mà sự học và cuộc chơi đòi hỏi sự quan sát khách quan. Người thầy là nhân tố khách quan để tính chủ quan của người chơi golf không trở thành nhân tố thống trị.
Golf là môn thể thao tốn kém nên phải tìm đến thầy giỏi. Tưởng là giá thành cao, nhưng thực ra đó là cách tiết kiệm nhất.
Golf là môn thể thao không chỉ tốn kém mà còn tinh xảo. Đối với người muốn tiến xa, muốn đi đến tới hạn khả năng của mình, phải tìm đến thầy giỏi.
Golf là môn thể thao quý tộc. Cần một phong cách chơi golf quý tộc. Người thầy giỏi sẽ giúp cho học trò có một phong cách chơi golf quý tộc.
By Dr. Nguyễn Ngọc Chu