Chuyển tới nội dung

Bàn về phát triển phong trào golf ở Việt Nam

Golf là công cụ hữu ích thu hút các nhà đầu tư, thúc đẩy du lịch và là biểu trưng của một quốc gia văn minh và phát triển. Nhưng làm thế nào để có thể phát triển phong trào golf trên đất nước hình chữ S dường như vẫn là câu hỏi còn để ngỏ…

man
Phong trào golf ở Việt Nam chỉ thực sự bắt đầu khi sân Đồng Mô ở Hà Nội đi vào hoạt động cách đây hơn 20 năm. Các golfer nước ngoài công tác tại Việt Nam, quan chức ngoại giao và doanh nhân là những người đầu tiên khởi động phong trào này.

Từ chỗ trắng xóa trên bản đồ golf thế giới, đến nay Việt Nam đã có hàng vạn người chơi golf, gần 60 sân golf đã đi vào hoạt động và có đến vài chục sân tập golf tại các thành phố lớn. Đó là những thành công rất đáng khích lệ nhưng với những lợi thế về điều kiện tự nhiên vốn có, cùng với mức thu nhập bình quân ngày càng tăng cao, Việt Nam cần có quy mô và tốc độ phát triển golf mạnh mẽ hơn nữa để sánh kịp với các nước khác trong khu vực Đông Nam Á.

Cho tới hiện tại, việc phát triển phong trào golf ở Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn như giá chơi cao so với mặt bằng các nước trong khu vực, các tỉnh nghèo có giao thông không thuận tiện chưa có cơ hội phát triển golf do các nhà đầu tư chỉ tập trung vào các thành phố lớn, sân luyện tập golf phần lớn là tạm thời do không có quỹ đất và chi phí đầu tư khá cao, và Việt Nam chưa có khả năng phát triển môn chơi trong hệ thống các trường học dẫn đến đối tượng trẻ em và học sinh sinh viên không có cơ hội được tiếp cận với golf.

Tuy vậy, vẫn có một số giải pháp hữu hiệu nhằm đưa phong trào chơi golf ngày càng phổ biến hơn nữa ở Việt Nam. Dưới đây là một vài gợi ý:

1.   MÔ HÌNH CÂU LẠC BỘ (CLB)
Đây là hình thức giúp phát triển phong trào golf nhanh chóng nhất ở Việt Nam, được hình thành dựa trên những điểm chung về quan hệ, địa lý hoặc các ràng buộc tập thể để lập ra các nhóm chơi từ hơn chục người đến hàng trăm thành viên. Mô hình CLB dựa trên cơ sở phi lợi nhuận và là nơi tập hợp những người cùng sở thích nên các hoạt động khá bền vững và phong phú như giao lưu, tổ chức giải đấu, tổ chức tour du lịch golf, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật chơi và trao đổi các dụng cụ golf. Thông qua CLB, các thành viên nhận được sự ưu đãi từ các nhà cung cấp dịch vụ golf nhờ các hợp đồng liên kết “các bên cùng có lợi” giữa CLB, sân tập golf và sân golf. Những nhà hoạch định chiến lược và quản lý golf của Việt Nam cần có kế sách hỗ trợ và nhân rộng hơn nữa những mô hình CLB golf, hội golf... và đó chính là kênh nhanh nhất để đẩy mạnh sự tăng trưởng cho phong trào golf tại Việt Nam.

Golfer-Boy

2.   YẾU TỐ CHI PHÍ CHƠI GOLF
Sẽ còn rất lâu nữa Việt Nam mới có sân golf công cộng (public) đúng nghĩa giống như tại các nước mà golf là môn chơi phổ biến. Vì vậy để nhiều người tới sân chơi hơn nữa thì mức chi phí chơi cần phù hợp với thu nhập của người chơi. Ngoài ra, việc kết hợp với các đối tác ngoài ngành golf nhằm tạo thêm nhiều lựa chọn cho người chơi là rất cần thiết như các liên kết phát hành thẻ ưu đãi của các ngân hàng, kêu gọi tài trợ cho các giải thưởng Eagle, Hole-in-one hoặc ưu đãi nghỉ dưỡng đối với các sân bất lợi về mặt địa lý. Chỉ khi nào các chi phí chơi sát với khả năng chi trả dài hạn của người chơi thì phong trào chơi golf mới thực sự phát triển bền vững.

3.   VẤN ĐỀ DẠY CHƠI GOLF
Tại Việt Nam, mỗi sân tập golf đều có các huấn luyện viên (HLV), bao gồm cả các chuyên gia nước ngoài, và có các học viện golf tên tuổi như: Jack Nicklaus, David Leadbetter... Như vậy, để "tạo ra” một golfer không còn quá khó khăn như nhiều năm trước nhưng để phong trào chơi golf phát triển hơn nữa thì chi phí thuê HLV phải giảm xuống và có nhiều hỗ trợ đối với người tập hơn nữa. Ngoài ra, cũng cần thêm các buổi dạy miễn phí cho trẻ em nhằm tạo ra những gia đình "hạt nhân", cả nhà biết chơi golf sẽ rất thú vị và là hình mẫu cho nhiều gia đình khác noi theo.

4.   CHI PHÍ MUA SẮM DỤNG CỤ
Không phải ai cũng sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền lớn trang bị đầy đủ các dụng cụ thiết yếu để chơi golf. Vì vậy, mua dụng cụ cũ hoặc nâng cấp dần là giải pháp hữu hiệu nếu nguồn "ngân sách" cho golf còn hạn hẹp, và khi đã "đầu tư" nghiêm túc thì khả năng bỏ cuộc sẽ rất thấp. Chính vì vậy những nhà kinh doanh "golf shop" cần có thêm nhiều dịch vụ linh hoạt như cho đánh thử, cho thuê, và đa dạng hóa sản phẩm để không ai không đến được với golf  chỉ vì lý do không vượt qua được áp lực chi phí mua sắm dụng cụ.

Untitled

5.   VAI TRÒ CỦA TRUYỀN THÔNG
Tại Việt Nam còn rất nhiều người chưa có hiểu biết cơ bản về môn golf, trên thị trường tài liệu sách báo về golf cũng rất hiếm, các kênh chính thống như báo đài của nhà nước cũng chưa có người để thực hiện truyền thông đúng mức về golf. Vì vậy, công tác quảng bá những lợi ích của golf ở Việt Nam cần phải được đề cao hơn nữa. Ở góc độ nào đó, các mạng xã hội với lợi thế ưu việt đang làm rất tốt vai trò định hướng và dẫn dắt phong trào chơi golf, giúp cho phong trào ngày càng lan rộng trong tương lai.

6.   ẢNH HƯỞNG CỦA CÁC GIẢI ĐẤU
Những giải đấu golf là một sinh hoạt cộng đồng luôn hấp dẫn người tham gia nên cần tạo thêm nhiều cơ hội để tổ chức và đây chính là động lực to lớn thúc đẩy phong trào golf phát triển. Kết nối, giao lưu và chia sẻ mọi khía cạnh của cuộc sống với không khí thân thiện, vui vẻ là những giá trị đích thực mà một giải golf mang lại.


KỲ VỌNG VÀO TƯƠNG LAI
Phong trào chơi golf ở Việt Nam chắc chắn sẽ bùng nổ trong một thập niên tới. Trong khi để phát triển golf trẻ và golf chuyên nghiệp hiện nay còn gặp rất nhiều khó khăn do thiếu các điều kiện và cần thời gian đáng kể thì việc tập trung đẩy mạnh phong trào chơi golf nghiệp dư lại có thể thực hiện trên bình diện cả nước. Phát triển tốt môn golf ở cấp độ phong trào sẽ là nền tảng nuôi dưỡng những giấc mơ lớn cho lớp trẻ sau này.

0 lượt thích1613 lượt xem

Tin bài khác