Chuyển tới nội dung

Annika Sorenstam: “Ms 59” từng thách thức cả Tiger Woods  

Annika Sorenstam không chỉ là một huyền thoại của làng golf nữ mà còn là một trong những biểu tượng lớn của thể thao thế giới. Với kỷ luật thép, tinh thần không ngừng vươn lên và tư duy sắc bén, cô đã định nghĩa lại giới hạn của một golfer nữ, thách thức cả những tên tuổi hàng đầu của PGA Tour như Tiger Woods. Dưới đây là những chia sẻ cởi mở của Annika Sorenstam về sự nghiệp huy hoàng, vai trò lãnh đạo trong làng golf hiện đại, cũng như những trận đấu ít người biết đến giữa cô và Tiger Woods.

Từ năm 1993 đến 2008, huyền thoại người Thụy Điển là golfer nữ xuất sắc nhất, thậm chí được ví như “Tiger Woods của golf nữ”. Cô giành 10 danh hiệu major, tổng cộng 90 chiến thắng chuyên nghiệp, đồng thời dẫn đầu bảng xếp hạng tiền thưởng mọi thời đại của LPGA với tỷ lệ thắng đáng kinh ngạc 23,5%.

Cô cũng là golfer nữ duy nhất trong lịch sử ghi điểm 59 trong một vòng đấu chính thức – kỳ tích mang lại cho cô biệt danh “Miss 59”. Thành công của Sorenstam đã mở đường cho các thế hệ golfer nữ tiếp theo, không chỉ qua các thành tựu trên sân đấu mà còn thông qua các giải đấu, quỹ học bổng và tổ chức mang tên cô.

“Tôi từng đánh bại Tiger Woods trên 9 hố ở Isleworth…” - Annika Sorenstam.

tiger-woods-and-annika-sorenstam.jpg (94 KB)
Annika Sorenstam và Tiger Woods có mối quan hệ thân thiết.

Q: Nhiều người thường so sánh chị với Tiger Woods. Chị có cảm thấy mình và anh ấy là hai đối thủ song hành không?

Annika Sorenstam: Chúng tôi thường đùa với nhau về điều đó. Thời điểm đầu những năm 2000, chúng tôi thường xuyên tập luyện cùng nhau hoặc nhắn tin trao đổi. 

Chúng tôi tập luyện chung vào những tuần không có giải đấu. Với tôi, đó là một điều tuyệt vời vì Tiger xuất sắc đến mức khiến tôi phải nhìn golf theo một cách hoàn toàn khác. Anh ấy cao hơn, mạnh mẽ hơn, nhanh hơn, nhưng điều đó không khiến tôi nản lòng.

Mục tiêu của tôi luôn là đạt đến phiên bản tốt nhất của chính mình. Trước đây khi chơi quần vợt, tôi luôn muốn đấu với những đối thủ giỏi hơn để thử thách bản thân. Và trong golf cũng vậy. Tôi muốn có ai đó giỏi hơn để thúc đẩy mình, giúp tôi nhìn nhận mọi thứ từ một góc độ khác. Tiger chính là người như vậy.

Q: Chơi golf cùng Tiger Woods có giúp trình độ của chị nâng cao hơn không?

Annika Sorenstam: Chắc chắn rồi! Anh ấy đánh bóng xa hơn tôi rất nhiều, nhưng điều đó lại khiến tôi muốn cải thiện kỹ năng của mình để thu hẹp khoảng cách. Chúng tôi nói chuyện rất nhiều về short game.

Tôi nhớ có lần cả hai cùng tập trong bunker, anh ấy bảo tôi cần tạo tốc độ đầu gậy nhanh hơn. Tôi không hiểu, liền hỏi lại: “Ý anh là sao?” Và rồi anh ấy chỉ cho tôi cách tạo độ xoáy và đánh bóng bay cao hơn. Tôi học được rất nhiều chỉ bằng cách quan sát Tiger – một người xuất sắc hơn mình. Tôi nghĩ điều đó đúng với bất kỳ golfer nào, ở bất kỳ trình độ nào.

tiger-woods-and-annika-sorenstam_(1).jpg (135 KB)
Thi đấu tại PNC Championship. 

Q: Hai người từng đấu với nhau bao nhiêu lần rồi? Chị có bao giờ thắng chưa?

Annika Sorenstam: Tôi từng đánh bại Tiger Woods trên 9 hố ở Isleworth – sân golf tại quê nhà của Tiger. Đây lại là thời kỳ đỉnh cao của anh ấy. Tôi chơi từ tee sau cùng và vẫn ghi điểm -2. Tôi rất tự hào về trận đấu đó.

Dĩ nhiên, Tiger thắng tôi hầu hết thời gian, nhưng cũng có vài lần chúng tôi hòa nhau.

Q: Những trận đấu đó có ảnh hưởng đến quyết định thi đấu tại PGA Tour của chị không?

Annika Sorenstam: Tôi chỉ xem đó là một phần của quá trình phát triển và thử thách bản thân. Khi nhận được lời mời, tôi muốn xem mình sẽ thể hiện thế nào dưới áp lực và sự chú ý của dư luận. Có vài ý kiến trái chiều, nhưng với tôi, tất cả chỉ nhằm mục đích trở thành golfer giỏi hơn.

Lúc đó là năm 2003, tôi đã đứng số một thế giới vài năm và đang tìm kiếm động lực mới. Khi cơ hội đến, tôi có bốn tháng để chuẩn bị – và tôi đã làm việc cực kỳ chăm chỉ. Dù không vượt qua cắt, tôi có cơ hội gạt bóng ở hố cuối để đạt điểm even-par. Tôi đánh 72-74, vẫn xếp trên vài golfer nam. Nhưng quan trọng nhất, tôi học được rất nhiều về bản thân và cách thi đấu ở cấp độ cao nhất. Khi trở lại LPGA, tôi cảm thấy mình sẵn sàng hơn bao giờ hết.

“Tôi bước ra sân với suy nghĩ mình phải là ứng viên vô địch.”

annika-sorenstam-59.jpg (119 KB)

Q: Từ năm 1995 đến 2006, năm nào chị cũng thắng ít nhất hai giải. Có thời điểm nào chị ra sân mà gần như chắc chắn sẽ thắng không?

Annika Sorenstam: Có chứ! Không phải ngay từ đầu sự nghiệp, nhưng từ năm 2000 trở đi, tôi đã có cảm giác đó. Tôi làm việc cực kỳ chăm chỉ, tự đặt áp lực lên bản thân, và luôn ra sân với suy nghĩ: “Mình đã chuẩn bị kỹ, mình phải là ứng viên vô địch.”

Q: Golf chiếm bao nhiêu phần trăm cuộc sống của chị ở thời kỳ đỉnh cao?

Annika Sorenstam: Không hẳn 100%, nhưng rất gần. Tôi không chơi nhiều giải như các golfer khác, với tôi, chất lượng quan trọng hơn số lượng. Nhưng điều đó không có nghĩa là tôi ở nhà thư giãn. Tôi luôn bận rộn.

Golf là công việc toàn thời gian của tôi. Tôi nhớ khi mới thi đấu chuyên nghiệp, một người bạn ở Thụy Điển hỏi tôi làm nghề gì. Tôi đáp: “Tôi chơi golf.” Anh ấy không thể tin rằng đó là một công việc toàn thời gian. Nhưng tôi đã biến nó thành một nghề thực sự, làm việc không chỉ 40 hay 60 giờ mỗi tuần, mà có khi lên tới 75-80 giờ, giữa tập luyện và thể lực.

annika-sorenstam-us-senior-women.jpg (142 KB)
Annika Sorenstam vô địch US Senior Women.

“Tôi tin rằng phụ nữ cần có cơ hội, nhưng cũng phải chứng tỏ được năng lực.”

Q: Chị từng đấu với Tiger Woods, từng thi đấu tại PGA Tour, từng làm Chủ tịch IGF. Giờ đây, chị đang thiết kế sân golf. Nhưng danh mục dự án của chị khá ít, tại sao vậy?

Annika Sorenstam: Tôi muốn làm nhiều hơn! Hiện có vài dự án đang triển khai, một ở Estonia, một ở Mỹ. Nhưng lĩnh vực này phát triển chậm. Có lẽ nhu cầu về nhà thiết kế nữ chưa cao. Một số người vẫn nghĩ sân do phụ nữ thiết kế sẽ “ngắn và dễ”. Khi nghe điều đó, tôi lập tức phản bác: “Tôi từng vô địch không ít giải, đừng lo. Nếu các anh muốn sân 7.600 yard, chúng ta cứ xây. Tôi sẽ đấu với các anh từ tee sau cùng, rồi xem ai chịu nổi.”

annika-sorenstam-coaching-kids.jpg (169 KB)
Annika Sorenstam góp phần đào tạo golf trẻ.

Q: Chị nghĩ đâu là giải pháp?

Annika Sorenstam: Tôi tin rằng phụ nữ cần có cơ hội, nhưng cũng phải chứng tỏ năng lực. Tôi chưa bao giờ thích chính sách “đa dạng, công bằng và hòa nhập” (DEI). Tôi muốn thành công vì thực lực của mình, không phải vì giới tính.

Q: Chị có bao giờ tiếc nuối vì giải nghệ quá sớm không?

Annika Sorenstam: Không hẳn. Tôi có thể giành thêm vài chiến thắng, nhưng đến năm 2007, tôi không còn mục tiêu tự nhiên nào nữa. Khi bạn phải “bịa” ra mục tiêu, nó không còn ý nghĩa. Tôi không có động lực để bật chế độ “quyết thắng” nữa. Đó là lúc tôi hiểu rằng mình cần bước sang một chương mới.

"Điều quan trọng là các giải đấu nữ có thể học hỏi từ Augusta để xây dựng lịch sử riêng của mình."

Q: Với tư cách là Chủ tịch Liên đoàn Golf Quốc tế (IGF), chị có tiếng nói quan trọng trong việc định hình các nội dung thi đấu Olympic cho cả nam và nữ. Chúng ta đã tiến gần đến việc có một sự kiện golf hỗn hợp tại Olympic Los Angeles 2028 chưa?

Annika Sorenstam: Thành thật mà nói, tôi không nghĩ có ai phản đối ý tưởng này cả. Nhưng vấn đề không chỉ là chúng tôi muốn gì, mà phải làm việc với Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) để đảm bảo sự kiện phù hợp với các quy định của họ. Họ có những nguyên tắc riêng, và chúng tôi cần tìm cách để điều chỉnh cho phù hợp. Tuy nhiên, tôi rất hy vọng rằng đến năm 2028, chúng ta sẽ được chứng kiến điều đó. Chắc chắn sẽ rất thú vị!

annika-sorenstam-at-augusta.jpg (181 KB)

Q: Chúng ta đã có Augusta National Women’s Amateur, vậy tại sao lại không có The Masters dành cho nữ?

Annika Sorenstam: Thực tế là chúng tôi đã có những giải đấu quan trọng không kém, dù không mang tên The Masters. Trước đây, có Dinah Shore, nay là Chevron Championship, hay KPMG Women’s PGA Championship – những sự kiện được coi là major hàng đầu của golf nữ.

Tôi không nghĩ golf nữ cần đến Augusta để nâng tầm. Điều quan trọng là các giải đấu nữ có thể học hỏi từ Augusta để hoàn thiện và xây dựng lịch sử riêng của mình.

Q: Chị có cảm thấy phiền lòng khi chỉ có một số ít phụ nữ được làm thành viên của Augusta National không?

Annika Sorenstam: Không hề, vì phụ nữ vẫn có thể chơi golf ở đó. Trước khi trở thành thành viên, tôi đã từng được mời đến chơi và luôn cảm thấy rất được chào đón. Khi được mời trở thành thành viên, tôi hoàn toàn bất ngờ vì không hề biết trước. Tôi nghĩ Augusta National đã thay đổi rất nhiều. Giờ đây, tôi thấy có nhiều phụ nữ chơi ở đó hơn.

"Tôi cảm thấy mình có trách nhiệm làm cho golf trở nên tốt hơn trong tương lai."

Q: Chị có muốn một lần nữa làm đội trưởng Solheim Cup không?

Annika Sorenstam: Không, tôi rất thích trải nghiệm tại Solheim Cup 2017 dù chúng tôi thua ở Des Moines. Nhưng vai trò đội trưởng đòi hỏi sự cam kết rất lớn, và tôi đã có cơ hội của mình rồi. Giờ đây, có rất nhiều cái tên xứng đáng như Anna Nordqvist hay Mel Reid, và tôi muốn trao cơ hội cho họ. Tôi không muốn mình trở nên tham lam.

sorenstam-solheim-cup.jpg (102 KB)
Đội trưởng Solheim Cup 2017.

Q: Còn những vai trò lãnh đạo khác thì sao? Cô có muốn làm cố vấn cho một trong các Tour đấu hoặc cho R&A không?

Annika Sorenstam: Tôi luôn sẵn sàng lắng nghe. Giữ vai trò Chủ tịch IGF giúp tôi có cơ hội đưa ra quan điểm và đóng góp cho sự phát triển của golf. Tôi yêu bộ môn này, và nếu không có golf, tôi sẽ không có được ngày hôm nay.

Tôi cảm thấy mình có trách nhiệm làm cho golf trở nên tốt hơn trong tương lai. Tôi thích xây dựng, sáng tạo và thúc đẩy sự phát triển. Đặc biệt, khi có thể tạo ra ảnh hưởng tích cực đến mọi người, tôi tin rằng đó là điều thực sự đáng giá.

Dù không còn thi đấu chuyên nghiệp, Sorenstam vẫn tiếp tục đóng góp cho sự phát triển của golf qua vai trò thiết kế sân, tổ chức giải đấu và đào tạo thế hệ trẻ. Dấu ấn của cô không chỉ nằm ở những danh hiệu, mà còn ở sự thay đổi mà cô mang lại cho môn thể thao này - một sân chơi công bằng hơn, chuyên nghiệp hơn và giàu cảm hứng hơn.

0 lượt thích 459 lượt xem

Tin bài khác