Chuyển tới nội dung

Xây dựng văn hóa xem golf ở Việt Nam

Chủ đề kỳ này bàn về một khía cạnh còn ít được quan tâm trong bối cảnh giải golf ở Việt Nam chưa nhiều, khán giả mê golf còn thưa thớt, đó là xây dựng văn hóa xem golf như thế nào để tiệm cận được các chuẩn mực của golf thế giới và phát triển những nét đẹp riêng phù hợp với tập quán thưởng thức thể thao của người Việt Nam?

Đi tìm khán giả cho môn golf 

Khi xem các giải đấu chuyên nghiệp trên thế giới, dù là trực tiếp hay qua truyền hình, thì ngoài sự quan tâm đến các golfer đang thi đấu, chúng ta còn bị hút vào hình ảnh khán giả cổ vũ có mặt ở khắp nơi - trên khán đài khu phát bóng, đứng dọc theo các fairway, hay di chuyển theo nhóm mà thần tượng đang thi đấu, đặc biệt quây kín xung quanh green...và chắc rằng ai cũng ước một ngày được lẫn vào trong không khí cổ vũ như vậy ngay trên sân golf nước ta.  

Kể từ giải Hồ Tràm Open 2015 do Asian tour tổ chức với sự góp mặt của số 12 thế giới khi ấy là Sergio Garcia - giải golf quốc tế lớn gần đây nhất có nhiều khán giả đến xem, thì tính đến nay đã 8 năm nhưng vẫn có quá ít những giải golf uy tín, chất lượng chuyên môn cao được tổ chức để có thể thực sự thu hút người xem bộ môn golf vốn đã khá kén khách ở Việt Nam đến cổ vũ và thưởng thức. 

Thực tế cho thấy, quan sát các giải golf có yếu tố golfer nước ngoài tham gia như các giải nhà nghề thuộc hệ thống VGA, hay theo dõi cuộc thi tài của bộ môn golf ở SEA Games 31 năm ngoái với sự góp mặt của nhiều golfer hàng đầu Việt Nam và các nước Đông Nam Á, thì số lượng khán giả xem trực tiếp tại sân golf vẫn chủ yếu là những người liên quan đến sự kiện như gia đình các golfer, nhà tài trợ, hãng truyền thông, thành viên trong ban tổ chức,…chứ chưa có nhiều những người hâm mộ thực thụ, gác lại công việc cá nhân để đi xem trực tiếp trên sân golf. 

Xây dựng văn hóa dự khán golf như nào? 

Sẽ có ý kiến cho rằng, trong tình hình các giải golf tầm cỡ, chất lượng cao ở Việt Nam còn như " lá mùa thu" và cả nước chưa có nổi một vài người chơi tại các giải chuyên nghiệp quốc tế thì bàn tới câu chuyện văn hóa dự khán vào thời điểm này liệu có quá sớm hay không? Thực tế là, văn hóa là một quá trình rèn luyện nên cần được “tập dượt” từ thuở ban đầu ngay tại các giải golf quốc nội để trong tương lai khi có các giải quốc tế tổ chức tại Việt Nam sẽ có ngay những lớp khán giả "chuyên nghiệp" đến xem golf đúng quy tắc như chúng ta vẫn thường thấy ở các giải thế giới. 
 
Khi tham khảo ý kiến nhiều người hâm mộ Việt Nam có điều kiện đi nước ngoài xem các giải golf lớn của thế giới, thì để trở thành người "biết" xem golf trực tiếp trên sân không khó, ngoài chuyện đọc kỹ quy định của giải đấu thì bạn chỉ cần thực hiện đúng các hướng dẫn và chỉ báo trên sân của ban tổ chức. Sở dĩ khán giả Việt Nam hay "phạm lỗi" là do hiếm khi đi xem giải golf nên không có thói quen để ý đến quy định, hướng dẫn trên sân golf. 

Bên cạnh đó, thói quen duy trì kỷ luật cộng đồng của người Việt chúng ta còn yếu, nên thường gây phiền toái cho nhân viên điều hành và đặc biệt ảnh hưởng đến sự tập trung của vận động viên đang thi đấu. Lấy ví dụ, ở giải dành cho trẻ em, kể cả cấp Quốc gia, chuyện cha mẹ đi theo con cổ vũ nói to tiếng, gây ồn ào và thậm chí tiến sát vị trí các cháu đang thi đấu để chỉ đạo cũng không phải hiếm gặp. Gần đây nhất là tình trạng khán giả đứng cổ vũ sai vị trí và nói chuyện to gây phân tâm cho golfer đang thi đấu tại SEA Games 31, hay sự cố đặc biệt tại vòng cuối giải Lexus Challenge 2023 vừa qua khi một golfer đang chuẩn bị thực hiện cú đánh quan trọng thì phải dừng lại do một khán giả bất ngờ di chuyển đến gần để chụp ảnh gây nên một cuộc tranh luận rộng khắp cộng đồng golf. 

Môn golf vốn rất kén khán giả. Vì golf khá phức tạp về cách chơi, luật lệ, và những nguyên tắc ứng xử nên khán giả trước khi lên sân xem giải cần tìm hiểu về môn chơi và có thể tham khảo lời khuyên từ những người hiểu biết để không trở thành "con nai vàng ngơ ngác, đạp lên văn hóa xem…”.  

Các cơ quan truyền thông golf , các câu lạc bộ và hiệp hội golf cần tăng cường công tác truyền bá, kêu gọi cộng đồng tích cực tham gia cổ vũ các giải golf vừa là thưởng thức và đồng thời cũng là cơ hội học hỏi kinh nghiệm từ các golfer đang thi đấu.  

Bên cạnh đó, về "phần cứng” - phía sân golf trong tương lai gần, nên chuẩn bị làm quen với việc sẽ ngày càng có nhiều khán giả đến sân khi tổ chức giải, vì thế cần bố trí sớm cơ sở vật chất, thiết lập quy trình điều hành giải đấu với yếu tố khán giả tham gia như một phần tất yếu của cuộc chơi.  

Cần kiến tạo văn hóa xem golf ở Việt Nam sao cho tuân thủ được các tiêu chuẩn chung của golf thế giới và vẫn thể hiện được nét đặc trưng riêng của Việt Nam; ví dụ như hình ảnh khán giả nữ đội nón truyền thống xem golf sẽ là trang phục khá thú vị đối với khán giả nước ngoài.  

Tất nhiên, để tạo ra một thói quen đạt chuẩn văn hóa là quá trình cần mất nhiều thời gian và phụ thuộc vào sự hợp sức của cả cộng đồng golf. Giống các bộ môn thể thao khác đã được phổ biến thành công ở Việt Nam, để hướng đến một nền golf phát triển thực thụ thì cần nhắm tới phát triển khán giả đại chúng, không nhất thiết phải người biết chơi golf mới thích đi xem giải golf, mà cả người "ngoại đạo" cũng mong muốn đến xem chỉ vì đam mê, tạo nên sự đa dạng, phong phú về khán giả. Đây chính là lý do văn hóa xem giải golf nên được xây dựng càng sớm càng tốt để mọi đối tượng yêu mến bộ môn này đều trở thành các khán giả chuyên nghiệp. 

By Tạ Anh Chiến

0 lượt thích3196 lượt xem

Tin bài khác