Trao thưởng tiền mặt trong golf nghiệp dư: Có phạm luật không?
Tin bài liên quan
Đây là câu hỏi đáng quan tâm, đặc biệt với ban quản lý các câu lạc bộ và người chơi thường xuyên tham gia thi đấu phong trào.
Luật quốc tế nói gì về giải thưởng tiền mặt?
Theo Luật Tư cách Nghiệp dư do R&A và USGA ban hành (áp dụng toàn cầu, kể cả Việt Nam), người chơi nghiệp dư được giới hạn rất rõ về giá trị giải thưởng và hình thức trả thưởng.
- Trong các giải có handicap (thi đấu theo điểm chấp) – vốn là loại hình phổ biến tại các CLB – người chơi không được nhận tiền mặt dưới bất kỳ hình thức nào.
- Thay vào đó, được phép nhận quà tặng hiện vật hoặc phi tiền mặt như phiếu quà tặng, voucher, đồ chơi golf… với giá trị không vượt quá 23 triệu đồng (tương đương £700 hoặc 1.000 USD) cho mỗi giải.
- Với các giải “scratch” (không tính handicap) – nơi mọi người thi đấu trên cùng một mặt bằng trình độ – người thắng được phép nhận giải thưởng tiền mặt trong cùng giới hạn giá trị nêu trên.
Nếu vượt qua các giới hạn này, người chơi sẽ bị mất tư cách nghiệp dư, và chỉ được phục hồi nếu làm hồ sơ xin khôi phục theo quy trình riêng.
CLB trao tiền mặt: tiện cho người chơi, nhưng lại sai luật
Không ít sân golf tại Việt Nam vẫn tổ chức giải phong trào hoặc giải hội viên hàng tháng và chi thưởng trực tiếp bằng tiền mặt. Dù điều này tiện lợi và được người chơi ưa chuộng, nhưng nếu giải đó có yếu tố handicap, thì việc trả thưởng bằng tiền là trái với luật quốc tế.
Ngay cả khi giá trị chỉ vài trăm nghìn hay một triệu đồng – ví dụ: "nhất bảng B nhận 1 triệu tiền mặt" – thì điều này cũng đủ khiến người chơi mất tư cách nghiệp dư nếu bị phát hiện và ghi nhận.
Trong đợt sửa đổi luật gần nhất, R&A từng cân nhắc hợp thức hóa việc chi thưởng tiền mặt, nhưng sau khi tham vấn các hiệp hội và CLB toàn cầu, đề xuất này đã bị loại bỏ vì lo ngại ảnh hưởng đến tính minh bạch và tinh thần thể thao của bộ môn golf.
Các buổi "roll-up", "outing" có vi phạm không?
Khác với các giải chính thức, những buổi roll-up hoặc sweepstake do hội viên tự tổ chức (thường dưới hình thức cược nhẹ, như góp “quỹ” để chia thưởng) không được coi là giải đấu handicap và không vi phạm luật – miễn là đáp ứng các điều kiện sau:
Tất cả người chơi đều quen biết nhau, tham gia tự nguyệnKhông bắt buộc góp tiền
- Giải thưởng (dù là tiền mặt) đều xuất phát từ chính người tham gia, không có nhà tài trợ hay đơn vị tổ chức chuyên nghiệp đứng sau
Hình thức này được xem như một dạng cá cược nhỏ trong nhóm, và luật hiện hành cho phép điều này trong golf nghiệp dư, miễn là không ảnh hưởng đến kết quả handicap chính thức hoặc gây tranh cãi trong CLB.
Thi đấu "2 gậy" (2s) có tính là vi phạm?
Hầu hết các sân tại Việt Nam đều tổ chức kèm cuộc thi "2 gậy" – tức người chơi ghi điểm Birdie tại hố Par 3 sẽ được chia thưởng. Phí tham gia thường từ 50.000–100.000 đồng/người, trích luôn trong lệ phí thi đấu.
Hình thức này cũng được xem là hợp lệ nếu:
- Người chơi có quyền chọn tham gia hoặc không
- Không chi trả bằng tiền mặt từ phía CLB, mà do người chơi tự góp quỹ và chia nhau
Về bản chất, đây là hình thức tự cá cược vào chính mình, nên không vi phạm luật nếu được tổ chức đúng cách.
Đừng để một phần thưởng nhỏ làm mất tư cách lớn
Với nhiều người chơi golf tại Việt Nam, việc nhận vài trăm nghìn đồng tiền thưởng sau một buổi roll-up có thể chỉ là niềm vui nhỏ. Nhưng với các giải đấu chính thức, việc không nắm rõ luật có thể khiến người chơi vô tình đánh mất tư cách nghiệp dư – yếu tố quan trọng nếu sau này muốn thi đấu quốc tế, tham gia giải chuyên nghiệp hoặc làm việc trong ngành golf.
Vì thế, các CLB và ban tổ chức cần chủ động rà soát lại cơ cấu giải thưởng trong các giải đấu của mình, đặc biệt là giải có tính handicap, đồng thời khuyến nghị người chơi hiểu đúng về giới hạn luật lệ - tránh để một hành vi tưởng như vô hại làm ảnh hưởng đến tư cách nghiệp dư của người chơi.. Bởi với golf, sự công bằng không chỉ nằm ở cú swing, mà còn ở cách ta tuân thủ luật chơi.