Chuyển tới nội dung

Thuế tiêu thụ đặc biệt: Mức nào cho ngành golf Việt?  

"Khai thông" dòng thuế tiêu thụ đặc biệt cho ngành golf là một mũi tên trúng nhiều đích. Không chỉ giúp golf Việt Nam có cơ hội bứt phá vươn tầm thế giới, lan tỏa thương hiệu quốc gia mà còn chắp cánh cho người đam mê golf tiếp cận bộ môn này ở mức chi phí dễ thở hơn.

Golf du nhập vào Việt Nam cách đây hơn 100 năm, dưới thời Vua Bảo Đại, nhưng ngành dịch vụ kinh doanh golf chỉ mới thực sự nở rộ vài thập niên gần đây. Khởi sự vào thời điểm nền kinh tế nước ta còn khó khăn nên với tính chất xa xỉ, mặc nhiên golf được những nhà làm chính sách xếp vào diện chịu Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB). Hay nói cách khác đây là rào cản chính sách hạn chế người chơi golf, vì theo đó họ phải trả chi phí đắt đỏ mới có thể tham gia môn thể thao này. 

Golf du nhập vào Việt Nam cách đây hơn 100 năm (Ảnh minh hoạ)

Thuế tiêu thụ đặc biệt ngành golf cao hơn kinh doanh xổ số 

Theo Thông tư 195/2015/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 108/2015/NĐ-CP, hướng dẫn Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành, các dịch vụ kinh doanh golf phải chịu thuế TTĐB ở mức 20%, cao hơn cả thuế TTĐB cho dịch vụ kinh doanh xổ số (15%). 

Từ khi Luật thuế TTĐB 2008 và Luật thuế TTĐB sửa đổi 2014 có hiệu lực và được áp dụng, thực tế đã có nhiều tổ chức, đơn vị truyền thông và cá nhân hoạt động trong ngành golf kiến nghị về việc gỡ bỏ hoặc điều chỉnh mức thuế TTĐB hợp lý cho dịch vụ kinh doanh golf để phù hợp với nhu cầu phát triển của ngành golf trong giai đoạn mới. Đặc biệt, khi Covid-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế, đặc biệt là ngành du lịch, càng làm dấy lên nhiều ý kiến mong muốn sớm điều chỉnh thuế TTĐB, như một động lực góp phần thúc đẩy cả hệ sinh thái golf phục hồi. 

Đề xuất miễn thuế tiêu thụ đặc biệt với kinh doanh golf 

Đã đến lúc chúng ta không nên tiếp tục coi kinh doanh golf chỉ thuần túy là loại hình dịch vụ xa xỉ cần phải đánh thuế TTĐB

Đã đến lúc chúng ta không nên tiếp tục coi kinh doanh golf chỉ thuần túy là loại hình dịch vụ xa xỉ cần phải đánh thuế TTĐB. Trước tiên ngành này doanh thu còn rất khiêm tốn nên nguồn thuế thu được chưa đáng kể, kế đến cần nhìn nhận thoáng hơn để thấy được những giá trị vô hình và vai trò tương hỗ với các lĩnh vực khác mà golf với lợi thế đặc thù đã và đang là cầu nối hết sức hiệu quả. 

Gần đây đã có nhiều tín hiệu đáng mừng khi câu chuyện thuế TTĐB của golf được đề cập tới thường xuyên hơn. Đơn cử: tại hội thảo về TTĐB của sân golf do Hiệp hội Golf Việt Nam (VGA) tổ chức vào tháng 8/2020 với sự hiện diện của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung, VGA đã đề xuất hoãn, miễn thuế TTĐB để tháo gỡ khó khăn cho các sân golf trước mắt và trong dài hạn. Ngày 13/6/2022 vừa qua UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã có công văn gửi các bộ ngành xem xét bãi bỏ TTĐB với dịch vụ golf  nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp du lịch… Tuy nhiên nếu chỉ dừng lại ở những tiếng nói đơn lẻ là chưa đủ, ngành golf cần có thêm nhiều động thái hơn nữa để có thể đưa ra giải pháp triệt để, hoặc lộ trình cắt giảm mức thuế (% ) đến khi gỡ bỏ hoàn toàn.  

Giải pháp nào cho ngành golf Việt Nam? 

Đánh giá toàn diện đưa ra cái nhìn tổng thể, mạnh dạn "thả con săn sắt, bắt con cá rô", phải chăng đó mới là tầm nhìn tạo cú hích đột phá đưa ngành golf lên tầm cao mới. Nhiều dự án sân golf đã góp phần biến đổi những khu vực đất đai khô cằn và khí hậu khắc nghiệt thành vùng đất xanh tươi, thu hút khách du lịch và tạo cơ hội việc làm cho người dân. Vậy nên, nếu chỉ nhìn vào ngành golf bằng cặp mắt "sưu thuế" là chưa thấy hết được giá trị của một ngành dịch vụ tiềm năng sở hữu nhiều thế mạnh khác biệt to lớn. 

Với bờ biển dài hơn 3.260 km, địa hình đa dạng, Việt Nam là đất nước có lợi thế phát triển các loại hình du lịch phong phú, trong đó có du lịch golf. Thậm chí, nhiều chuyên trang, tổ chức lữ hành uy tín về golf đánh giá Việt Nam có đầy đủ tiềm năng và cơ hội để trở thành "thiên đường golf của châu Á". Cơ hội đã có, song, để thúc đẩy tăng trưởng xứng đáng kỳ vọng, trách nhiệm không thể trông chờ từ doanh nghiệp mà cần sự chung tay của nhà nước, thể hiện qua những chính sách bám sát thực tiễn. Cụ thể ở đây là việc xem xét liệu TTĐB còn phù hợp với ngành golf không? 

Một khi bài toán TTĐB được giải, doanh nghiệp kinh doanh golf mới có điều kiện thuận lợi để xây dựng các chính sách giá ưu đãi thúc đẩy tần suất khách hàng quen thuộc đến sân golf và gia tăng số lượt người chơi mới dễ dàng hơn. Doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp tăng, đồng nghĩa, nguồn thu thuế cũng sẽ tăng theo. 

Thông tư 195/2015/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 108/2015/NĐ-CP, hướng dẫn Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành quy định: "Đối với kinh doanh golf (bao gồm cả kinh doanh sân tập golf) là doanh thu chưa có thuế GTGT về bán thẻ hội viên, bán vé chơi golf, bao gồm cả tiền bán vé tập golf, tiền bảo dưỡng sân cỏ, hoạt động cho thuê xe (buggy) và thuê người giúp việc trong khi chơi golf (caddy), tiền ký quỹ (nếu có) và các khoản thu khác liên quan đến chơi golf do người chơi golf, hội viên trả cho cơ sở kinh doanh golf...".  

0 lượt thích 5444 lượt xem

Tin bài khác