Chuyển tới nội dung

HLV Bạch Cường Khang: "Việc so sánh golfer Chuyên nghiệp với Nghiệp dư là khập khiễng!"  

Được sự đồng ý của HLV Bạch Cường Khang, VGL trích dẫn bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của anh trên một diễn đàn golf đang thu hút sự quan tâm của cộng đồng golf Việt gần đây về một nghịch lý đang diễn ra tại các đấu trường golf chuyên nghiệp của Việt Nam khi thành tích của các golfer nghiệp dư có phần "lấn át" hơn.
HLV Bạch Cường Khang sẽ là trưởng đoàn của Đội tuyển Việt Nam tham dự giải Vô địch Nghiệp dư Đông Nam Á cuối tháng 8 này.

PRO VS AMATEUR

Mấy hôm nay có chủ đề so sánh Pro vs Am ở giải VĐQG 2023 có rất nhiều bình luận, thấy tự dưng “nhột nhột” nên viết đôi dòng.

Mình cũng là “pro” được 7-8 năm nay rồi. Chính xác thì mình đã mất “tình trạng nghiệp dư” (non-amateur status). Kể từ khi mình chính thức nhận tiền để dạy golf thì mình tự ý thức việc mất “tình trạng nghiệp dư” này. Mọi người có thể tìm hiểu thêm bài viết về luật tình trạng nghiệp dư tại Page FB Hội Đồng Trọng Tài Golf Quốc Gia. 

Việc này cũng khá quan trọng với các bạn xác định sinh sống và làm việc với “nghề golf”. Một khi bạn đã chấp nhận đánh mất “tình trạng nghiệp dư” thì bạn sẽ không còn được tham gia các sân chơi chỉ dành riêng cho golfer nghiệp dư nữa.

Mình mất tình trạng nghiệp dư nhưng mình không phải là một thành viên của bất kỳ tổ chức golf chuyên nghiệp nào, mình không có thẻ PGA, không có thẻ tour,… tuy vậy mình vẫn được xem là một “pro” và mình chỉ được tham gia đánh các giải có điều lệ quy định cho Pro mà thôi.

Một thực tế cần thấy là ở Việt Nam hiện nay chủ yếu là “pro” như mình mà thôi. Công việc chủ yếu là làm HLV.

Một số ít các pro ở Việt Nam là có thẻ PGA của các Hiệp hội golf các nước như Úc, Thái nhưng không nhiều, số lượng có thể đếm trên đầu ngón tay và ngón chân!

Hiện nay ở Việt Nam nổi lên các golfer trẻ nghiệp dư rất có tài năng như Nguyễn Anh Minh, Lê Khánh Hưng, Đoàn Uy, Nguyễn Nhất Long, Nguyễn Đặng Minh, Nguyễn Tuấn Anh, Nguyễn Đức Sơn,…Các cháu đã thể hiện rất tốt ở các giải trong nước và khu vực, đặc biệt là các giải chuyên nghiệp khi có các golfer “pro” tham gia thi đấu, các cháu đã tỏ ra lấn lướt các chú.

Vậy có nên so sánh các golfer pro với các golfer nghiệp dư trẻ của Việt Nam hay không? Nên chứ, so sánh để thấy hiện tại các golfer pro ở Việt Nam rất khó có thể cạnh tranh với các cháu, khi những giải đấu chuyên nghiệp gần đây các cháu đã giành chiến thắng thuyết phục.

Vậy câu hỏi thứ hai cần đặt ra là, có nên đánh giá thấp năng lực của các golfer pro ở Việt Nam hay không? Điều này cần phải có một cái nhìn khách quan hơn.

Đầu tiên cần tìm hiểu xem các golfer chuyên nghiệp ở Việt Nam tới từ đâu và trưởng thành như thế nào?

Có thể điểm danh rất nhiều golfer chuyên nghiệp ở Việt Nam, đa phần đều trưởng thành từ các công việc liên quan tới sân golf như caddie, điều hành sân, nhân viên sân tập,… và gần như đều biết tới golf rất muộn khi tuổi đã vị thành niên. Đặc biệt, đa số đều không được học hành bài bản, tập luyện đầy đủ hay được thi đấu thường xuyên. Tuy nhiên để thành công và gắn mác “pro” thì họ đã rất nỗ lực cố gắng chắt chiu mọi điều kiện, vừa làm vừa tập, vừa học vừa thi đấu, vừa nuôi gia đình vừa cố gắng duy trì đam mê chinh chiến tại các giải golf chuyên nghiệp vốn rất ít ỏi tại Việt Nam. Nhiều golfer chuyên nghiệp thậm chí chỉ được thực sự ra sân mỗi khi có giải đấu, còn khoảng thời gian giữa các giải đấu chỉ “cày ải” trên các sân tập với công tác huấn luyện. Mình đã từng nghe rất nhiều câu chuyện cảm động về những golfer “pro” đã tập luyện như thế nào để có thành công hôm nay (sẽ kể các câu chuyện đó ở một dịp khác).

HLV Bạch Cường Khang và golfer nhí tài năng Võ Tá Hoàng Nguyên - con trai của Pro Võ Tá Thủy - một người đã từng đi thi đấu Seagame/AAC/Asiad với bộ gậy xin mỗi người vài cây, bóng tập thì phải đi nhặt của sân tập giấu trong rừng để có cơ hội tập luyện. 

Còn các cháu nghiệp dư trẻ thì sao? 

Gần như những cháu điểm tên ở trên đều tập golf khi từ còn rất bé, từ 7-10 tuổi, cá biệt có cháu còn từ 5-6 tuổi. Các cháu được gia đình đầu tư tập những HLV tốt nhất có thể ở Việt Nam, những học viện với trang thiết bị vật chất hàng đầu, được đưa đi thi đấu tất cả những giải đấu trong nước, thậm chí quốc tế để cọ xát và phát triển.

Đọc qua những dòng trên thì hiển nhiên các bạn đã có thể nhìn ra kết quả khi so sánh hai lực lượng này.

Việc so sánh là khập khiễng, vì vậy chúng ta cần nhìn toàn cảnh sự phát triển golf Việt Nam thời gian vừa qua rồi cùng định hình xem PRO có trước hay AM có trước. 

Nên nhớ từ rất lâu rồi chúng ta chỉ có những gương mặt được học hành, đào tạo đầu tư bài bản về golf từ Nghiệp Dư đến Chuyên Nghiệp như Trần Lê Duy Nhất, Thái Dương, Đức Phạm, Trương Chí Quân, Thảo My,… còn lại là lực lượng “pro” như mình đã nói ở trên. 

Chính những lực lượng “pro” này mới là đội ngũ thúc đẩy phong trào golf mạnh mẽ trong những năm vừa qua. Nếu không có họ cần mẫn đào tạo các học viên, chăm chỉ tập luyện và chịu khó tham gia các giải đấu thì nói thật lòng golf Việt Nam cũng không thể được như ngày hôm nay.

Tuy nhiên, cần phải nói xuất phát điểm của họ không cao cũng là nhược điểm. Nếu như họ không tiếp tục cố gắng phát triển hơn nữa thì sắp tới họ sẽ lại chính là rào cản đưa golf Việt Nam có thể thăng hoa hơn. Qua đây cũng kêu gọi các “pro” như mình hãy cùng cố gắng trau dồi kỹ năng, học tập thêm chuyên môn để có thể phát triển bản thân hơn nữa, để có thể tạo ra nhiều lứa như Anh Minh, Khánh Hưng, Đặng Minh,… Từ đó giúp golf Việt Nam có cơ hội cạnh tranh trên đấu trường Quốc Tế.

Mong lắm thay!

0 lượt thích 2327 lượt xem

Tin bài khác