Chuyển tới nội dung

Quản lý sân Golf: "Tây" hay "Ta" sẽ tốt?

Với số lượng sân Golf ngày càng tăng thì chất lượng quản lý của các sân Golf cũng là một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm. Câu chuyện đáng bàn lúc này là nên " chịu chi" tuyển dụng người nước ngoài hay đặt niềm tin vào khả năng của người việt?

Quản lý sân Golf: "Tây" hay "Ta" sẽ tốt

Như thường lệ, chủ đề lần này Vietnam Golf Magazine đặt viết lại khiến tôi phải đau đầu suy nghĩ… “Làm thế nào để trở thành một Giám đốc sân golf và người Việt có khả năng nắm giữ chức vụ này không?”

Như thể là tôi ngu ngốc đến nỗi tự đưa đầu mình vào miệng sư tử… Nhưng, tôi cũng có chút ngốc nghếch, vậy nên…

Câu trả lời cho phần đầu của câu hỏi khá dài và phức tạp, tuy nhiên tôi sẽ cố gắng thể hiện một cách rõ ràng và ngắn gọn nhất có thể. Phần hai của câu hỏi thậm chí còn phức tạp hơn và tôi không chắc mình có câu trả lời làm tất cả mọi người hài lòng.

Nếu trước đây mọi người hỏi tên chức vụ của tôi chính xác là gì, tôi đã có thể dễ dàng trả lời là “Chuyên gia quản lý con người về giao thoa văn hóa” hoặc tương tự vậy. Một cách mô tả chính xác hơn về công việc của tôi đó là “Chuyên gia đưa ra các giải pháp “cứu cánh” vào phút cuối cho các vấn đề không thể giải quyết được do người khác gây ra”.

Tại một sân golf năm 2003, tôi nhớ rằng có người đã quan sát tôi xử lý hai khiếu nại từ các nhóm dân tộc thù ghét nhau; và một tình huống khác “đã có thể rất nghiêm trọng nếu không được xử lý kịp thời” trên sân golf trong vòng 15 phút. Và người đó đã nói: “Tôi không bao giờ có thể làm được công việc của anh!”

Lí do tôi còn nhớ là vì anh ta lúc đó đang làm việc cho Liên Hợp Quốc…!

Để trở thành một Giám đốc sân golf thành công, bạn phải có khả năng hiểu sự đa dạng văn hóa của các khách hàng và biết họ đến từ đâu để có thể mang đến môi trường thoải mái ở sân golf và trải nghiệm tốt nhất có thể. Không chỉ vậy, bạn còn cần phải là một chuyên gia về Hoạt động F&B (Thực phẩm & Đồ uống) và nhu cầu của các nhóm khác nhau, về Tài chính và Kế toán, Kinh doanh và Tiếp thị, Nhân sự và Quản trị, Bảo trì sân golf và, tất nhiên là cả Vận hành sân golf.

Và khi tôi nói “chuyên gia” thì có nghĩa là người Giám đốc sân golf có thể tự mình quản lý hiệu quả hoạt động của từng bộ phận khi cần thiết. Bạn không thể quản lý người khác nếu bạn không hiểu biết về công việc của họ bằng hoặc nhiều hơn họ.

Một điều quan trọng bạn cần phải nhớ khi làm quản lý câu lạc bộ là bạn không được có tự ái cá nhân. Đúng vậy đó! Người quan trọng duy nhất là những người sẽ chi trả một số tiền lớn để đến sân golf. Họ là những ngôi sao. Họ mới là người bạn phải quan tâm chứ không phải bản thân bạn. Hãy giữ cái tôi của bạn ở nhà.

Vấn đề lớn nhất với phần thứ hai của câu hỏi là nó không liên quan gì đến trí thông minh, mà chủ yếu đến từ việc học hỏi và rất nhiều kinh nghiệm – loại kinh nghiệm chỉ có thể có được qua nhiều năm làm việc ở nhiều lĩnh vực khác nhau trong kinh doanh golf cho đến khi đạt đến vị trí cao nhất.

Có rất nhiều người tôi gặp trong nhiều năm qua nói rằng họ có “10 năm kinh nghiệm”, nhưng khi xem xét kỹ thì thực ra là “10 lần của Một năm kinh nghiệm”.

Công việc này khó hơn rất nhiều so với vẻ ngoài của nó, nhưng công bằng mà nói, nhiều người nước ngoài làm công việc này trông có vẻ rất dễ dàng, đơn giản là bởi sự đào tạo chúng tôi nhận được và kinh nghiệm chúng tôi đã đạt được ở nhiều thị trường đa dạng khác nhau.

Điều này dẫn đến phần thứ hai của phần thứ hai của câu hỏi – chúng ta đang nói về thị trường nào?

Việt Nam có hai thị trường golf rất khác biệt – địa phương và quốc tế/ khách du lịch. Yêu cầu của hai nhóm này có thể giống nhau ở một số khía cạnh, nhưng lại rất khác nhau ở hầu hết các khía cạnh khác, và người quản lý sân golf phải xử lý tất cả các yêu cầu khác nhau này.

Có một số nghi ngờ rằng một sân golf mang phong cách “điểm đến du lịch quốc tế” thì khó quản lý hơn nhiều so với một sân golf công cộng địa phương, đơn giản là bởi sự đa dạng khách hàng, thường là những người rất giàu có và đã chơi golf tại nhiều sân golf hàng đầu trên thế giới. Đây chắc chắn là lúc bạn cần một người quản lý nước ngoài có kinh nghiệm dày dặn.

Ngay cả các sân golf địa phương cũng có thể được hưởng lợi từ việc có người quản lý người nước ngoài, đơn giản vì chúng tôi biết nhiều phương pháp để tối đa hóa doanh thu và giảm chi phí. Một lần nữa, điều này là thông qua kinh nghiệm.

Thật không may, khá nhiều câu lạc bộ ở Việt Nam không cho phép người quản lý thực sự làm công việc quản lý của mình. Chủ sở hữu khăng khăng tự đưa ra mọi quyết định. Khi chủ sở hữu không có kinh nghiệm thực sự trong ngành công nghiệp golf, điều này có thể gây ra nhiều đau đầu cho người quản lý, nhân viên và khách. Nó cũng ảnh hưởng đến lợi nhuận và việc thua lỗ của sân golf. Các chủ sở hữu sáng suốt nhất sẽ tuyển dụng người quản lý tốt nhất mà họ có thể tìm thấy (và đủ khả năng) và để họ thực hiện công việc của mình.

Và giờ, người Việt có thể trở thành người quản lý câu lạc bộ không? Câu trả lời tất nhiên là “Có”.

Nếu đó là những gì họ muốn làm, thì tốt nhất là nên làm từ những vị trí thấp nhất. Tìm cho mình chương trình đào tạo tốt nhất, ở nước ngoài nếu có thể, sau đó trau dồi càng nhiều kinh nghiệm tại càng nhiều sân golf càng tốt vì đó là những kiến thức vô giá. Hãy đặt ra các câu hỏi và hiểu là có nhiều cách để giải quyết một vấn đề.

Sẽ có lúc người Việt có thể tự quản lý mọi sân golf trong nước, tương lai ấy chưa diễn ra, nhưng sẽ xảy đến sớm thôi!

0 lượt thích2261 lượt xem

Tin bài khác