Chuyển tới nội dung

Nghề "dựng" Swing

Golf Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh, mở ra cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn cho những ai tham gia vào lĩnh vực đào tạo, huấn luyện môn thể thao này.

Nghề "dựng" Swing

By Tạ Anh Chiến

Việt Nam đang chứng kiến thời kỳ golf tăng trưởng mạnh cả cung lẫn cầu, báo hiệu tương lai xán lạn ở một quốc gia mà môn golf còn nguyên sơ tiềm năng và cơ hội phát triển. Sự gia tăng mạnh mẽ các sân golf được xây mới trong giai đoạn hiện nay cho thấy các nhà kinh doanh rất mạnh dạn đón đầu xu hướng, bất chấp việc khai thác gặp khó khăn so với kỳ vọng do số lượng người chơi còn hạn chế nên doanh thu, lợi nhuận chưa tương xứng với tổng mức đầu tư. Thật thú vị khi sự nỗ lực của nguồn cung – các sân golf – đã có tác động to lớn, thúc đẩy nhiều người quan tâm và mong muốn được gia nhập vào làng golf này ngày một đông. Điều đó mở ra cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn cho những ai tham gia vào lĩnh vực đào tạo, huấn luyện kĩ năng chơi golf cho mọi trình độ và lứa tuổi ở Việt Nam. Chuyên mục GOLF CHAT kì này sẽ phác thảo vài nét chủ yếu về nghề truyền thụ môn golf còn khá mới mẻ để xem đâu là thuận lợi và thách thức của một nghề được cho là “hot” hiện nay.

Nghề "dựng" Swing

THỰC TRẠNG DẠY VÀ HỌC GOLF

Bức tranh tổng thể cho thấy trên thị trường golf hiện tại có đầy đủ các quy mô đào tạo từ những huấn luyện viên (HLV) hoạt động độc lập sẵn sàng một thầy một trò, cầm tay “dựng” swing; rồi đến các nhóm bao gồm nhiều HLV liên kết lại cùng nhau tổ chức giảng dạy và cuối cùng là mô hình các học viện golf có cơ sở đào tạo hiện đại. Vì lý do nhu cầu tập golf của mỗi người khác nhau cũng như căn cứ vào tuổi tác, điều kiện tài chính mà mỗi học viên có cách lựa chọn HLV hợp lý cho riêng mình. Nắm bắt đặc thù đó nên mỗi mô hình đào tạo cũng nhắm đến phân khúc khách hàng cụ thể. Chẳng hạn, các HLV độc lập tìm khách hàng qua sự giới thiệu của bạn bè hay học viên cũ và thông thường tổ chức khóa học ngắn hạn tối đa một vài người, ngược lại một số học viện có cơ sở vật chất và đội ngũ HLV đông đảo có thể tổ chức các khóa học dài hạn cho trẻ em năng khiếu và chiêu sinh các lớp học được công bố rộng rãi qua kênh truyền thông quảng cáo rất bài bản.

Như vậy có thể nhận thấy ở mọi nhu cầu đều đã có các mô hình đào tạo đón bắt xu thế người học và tương đương với đó sẽ có các HLV phù hợp với từng mô hình cụ thể. Ví dụ tại các học viện golf có tên tuổi lớn hiện nay thì HLV chủ yếu là người nước ngoài có bằng cấp hành nghề chuyên nghiệp giảng dạy theo giáo trình hiện đại cùng với cơ sở vật chất tập luyện như sân bãi, thiết bị đầy đủ và tất nhiên học phí cũng khá cao. Phổ biến hơn cả chính là các HLV đang hoạt động đơn lẻ hoặc theo nhóm tại các sân tập golf với số đông là HLV người Việt. Tuy thiếu lợi thế về bằng cấp, thiết bị bổ trợ nhưng vẫn đang được đông đảo khách hàng tìm đến nhờ sự giới thiệu của người thân quen, thêm vào đó là khả năng đáp ứng linh hoạt về chi phí, thời gian tập luyện, địa điểm thuận lợi cho học viên.

Quan sát thực tế từ sân tập golf, cũng như không khí trên các diễn đàn mạng xã hội có thể nói các HLV đang làm không hết việc bởi vì học viên không chỉ là người bắt đầu tập chơi mà nhiều golfer có thâm niên vẫn muốn “sửa” swing để nâng cao trình độ, đặc biệt nhu cầu đào tạo các lứa trẻ em theo hướng trở thành người chơi chuyên nghiệp thực sự là phân khúc đem lại thu nhập rất cao cho ai tham gia vào mảng đào tạo chuyên sâu này.

Nghề "dựng" Swing

LỢI THẾ VƯỢT TRỘI

Không phải ngẫu nhiên “thế giới golf” đổ về đây, thực tế Việt Nam là điểm sáng về tăng trưởng, một quốc gia đầy tiềm năng phát triển ngành golf đang tạo ra những cơ hội việc làm tốt với thu nhập đáng kể. Với mức chi phí vào khoảng từ 50 đến 120 USD/ giờ dạy cho người chơi golf nghiệp dư ở thời điểm hiện tại, thực sự hấp dẫn không chỉ đối với các HLV trong nước mà ngay cả các HLV có bằng cấp cao ở nước ngoài cũng đang mong muốn khám phá thị trường golf Việt.

Mức độ quan tâm của khách hàng ở thị trường mới nổi cũng là lợi thế vượt trội mà các bộ môn khác không dễ có được. Tính hiếu học và khả năng chịu chi cho học tập của người Việt được đem vào môn golf gây ngạc nhiên lớn cho nhiều chuyên gia đến từ các nền golf phát triển như Âu – Mỹ. Ngoài việc mạnh dạn chi tiêu cho việc mua sắm trang thiết bị, họ cũng luôn sẵn sàng đầu tư các khóa học nâng cao, các kĩ thuật mới không tiếc công sức và tiền của. Vì thế, mặc dù tập golf chỉ để chơi nghiệp dư mang tính thể thao giải trí nhưng nhiều HLV cho biết họ vẫn có thêm thu nhập từ các đề nghị đào tạo lại của học viên cũ.

Vài thập niên trước, mảng đào tạo gần như tuyệt đối thuộc về các HLV ngoại quốc, những năm gần đây vai trò của họ vẫn chiếm ưu thế tuy nhiên đã có nhiều HLV người Việt quyết tâm đầu tư các khóa học ở nước ngoài, thu lượm được kiến thức mới mẻ trong công tác đào tạo và kết quả họ cũng đã có những “sản phẩm” không hề thua kém, thậm chí vượt trội so với HLV ngoại quốc đang đào tạo tại Việt Nam. Chính những thành quả đó kết hợp với khả năng hiểu tâm lý người Việt, không bị hạn chế bất đồng ngôn ngữ nên thực sự ngày càng có nhiều golfer tin tưởng và ưu tiên lựa chọn HLV trong nước. Đó cũng được coi là lợi thế cho những HLV người Việt đang theo đuổi nghề dạy golf.

Nghề "dựng" Swing


THÁCH THỨC KHÔNG NHỎ

Thời kỳ dạy golf bằng kinh nghiệm chỉ mang tính tạm thời do thiếu hệ thống đào tạo chuẩn mực. Cách “dựng” swing thủ công sẽ dần nhường chỗ cho những phương pháp huấn luyện hiện đại có sự trợ giúp của các thiết bị phân tích cú swing cũng như các bài tập bổ trợ giúp nâng cao kĩ năng và thể lực cho học viên. Xu hướng đó buộc HLV môn golf muốn hành nghề lâu dài phải trang bị kiến thức chuyên sâu qua các khóa học chuyên biệt thường được tổ chức ở nước ngoài. Vượt qua thử thách này cần phải bỏ ra một khoản chi phí cũng như tiêu tốn thời gian đáng kể để có sự hiểu biết thấu đáo về nghề thực sự chứ không đơn giản chỉ tìm kiếm một tấm bằng hay chứng chỉ để làm bùa hộ mệnh.

Ngay cả khi HLV có sự am tường về kĩ thuật swing thì cũng chưa chắc đã thành công bởi vì mỗi lứa tuổi, mỗi cơ thể khác nhau đòi hỏi phải có phương cách tiếp cận khác nhau. Do đó ngoài chuyên môn, người HLV còn phải dành nhiều công sức và thời gian để trau dồi khả năng sư phạm, xây dựng giáo án cho từng đối tượng học viên cụ thể. Điều đó đòi hỏi người HLV không chỉ coi dạy golf là một nghề kiếm sống, mà hơn hết họ phải tạo ra cho bản thân niềm đam mê truyền dạy, tác phong làm việc chuyên nghiệp và có đạo đức người thầy.Người HLV golf cần nỗ lực không ngừng và có khả năng chịu áp lực cao mới có thể đáp ứng được yêu cầu cao của công việc.

TƯƠNG LAI BÙNG NỔ

Chiến tranh và nghèo khó liên miên khiến cho Việt Nam – vốn là một quốc gia vô cùng yêu thích thể thao – trở lại với môn golf quá muộn màng như một thứ của để dành. Lỗi của lịch sử trở thành cơ may cho người đương thời, một tương lai rộng mở đối với golf Việt là điều không cần bàn cãi. Hãy nhìn sang những nước gần gũi với chúng ta như Thái Lan, Hàn Quốc… để tự tin với nghề. Sự thành công vang dội của nhiều golfer người Hàn, người Thái tại các giải golf chuyên nghiệp thế giới được đào tạo bởi chính các HLV “nội địa” cho thấy hướng đi, ước mơ như mô hình của họ không phải câu chuyện tầm phào.

Đón tương lai không chỉ bằng cái nhìn hiện tại mà ngoài ra còn các dữ liệu về dân số, thu nhập đầu người, tăng trưởng kinh tế, điều kiện địa lý khí hậu v.v… là những dấu hiệu khách quan cho thấy Việt Nam đang tiềm tàng một cơn bùng phát golf trên mọi phương diện trong một tương lai rất gần. Sẽ cần bao nhiêu HLV golf để đáp ứng hết nhu cầu phổ cập khi mà đã thấy những chuyển động tích cực từ khu vực các trường đại học và thậm chí ở cấp học phổ thông. Hãy đừng đứng đợi khi tương lai đang vẫy gọi, hết lòng với công việc thì dạy golf chính là một nghề “cuốc vàng” trên cỏ xanh.

Tác giả Tạ Anh Chiến

0 lượt thích989 lượt xem

Tin bài khác