Chuyển tới nội dung

Muốn đột phá: Hãy bắt đầu từ các chủ sân Golf

Chỉ khi biến học viện golf thành trường học và ngược lại thì làng golf Việt mới tìm được những học trò xuất chúng. By Dr. Nguyễn Ngọc Chu

Muốn đột phá: Hãy bắt đầu từ các chủ sân Golf

Golf trở lại Việt Nam đã 26 năm kể từ khi sân golf đầu tiên khai trương vào năm 1993. Trong 10 năm đầu, ở phía Bắc chỉ có vẻn vẹn hai sân golf là Đồng Mô và Chí Linh; còn ở phía Nam có các sân golf Thủ Đức, Vũng Tàu, Sông Bé, Đồng Nai, Phan Thiết, và Đà Lạt.

Golf Việt Nam chỉ bùng nổ thực sự trong 5 năm trở lại đây, khi các tập đoàn đầu tư bất động sản lớn bắt đầu chiếm lĩnh vực golf. Đó là sự mở rộng của BRG, sự vươn lên mạnh mẽ của FLC và Vingroup, sự tham gia cuộc chơi của những nhà đầu tư bất động sản khác ở Hà Nội, TP. HCM và các tỉnh. Hàng chục sân golf mới ồ ạt xuất hiện, đưa tổng số các sân golf ở Việt Nam vượt mốc 50 và tiến đến con số 80 trong khoảng chừng 10 năm nữa. Đầu tư nước ngoài vào golf ở Việt Nam đang dần trở nên lép vế trước các nhà đầu tư trong nước.

Cùng với việc xây dựng sân golf là sự ra đời của Hiệp hội Golf Việt Nam (2007) và hàng loạt các hội golf địa phương và các câu lạc bộ. Số lượng người chơi cũng tăng đáng kể trong những năm gần đây. Bắt đầu chỉ với vài trăm người trong thập niên 90, con số người chơi golf ở Việt Nam (bao gồm người nước ngoài) hiện nay đã vào khoảng 40,000-50,000 người.

Sự bùng nổ về số lượng sân golf, tăng tiến về số lượng người chơi, sự nhân rộng của các hội golf và các câu lạc bộ, thế mà golf Việt Nam vẫn không có đột biến về chất lượng. Chẳng những không có ấn tượng gì trong khu vực và trên thế giới, mà ngay cả trong nước, golf Việt Nam cũng chưa được cộng đồng quan tâm đáng kể.

VAI TRÒ CỦA CÁC HỘI GOLF

Ở Việt Nam, các Hội golf (bao gồm bình diện quốc gia và bình diện địa phương) là các tổ chức xã hội nghề nghiệp. Trong khi tại các nước có nền công nghiệp golf phát triển như Mỹ, các hội golf được tổ chức dưới dạng các công ty. Đó là sự khác biệt về bản chất dẫn đến sự khác biệt căn bản về phương thức hoạt động và hiệu quả hoạt động.

Muốn đột phá: Hãy bắt đầu từ các chủ sân Golf 2

Các hội golf ở Việt Nam không có kinh phí và rất khó làm ra kinh phí. Hội phí không phải là phương tiện hiệu quả để phát triển một tổ chức như là một doanh nghiệp. Đã không có kinh phí, lại là một tổ chức xã hội nghề nghiệp không có dấu quốc huy, nên mệnh lệnh không mấy uy lực, ít người quan tâm. Tổng thể lại, cố gắng mấy thì hiệu quả hoạt động cũng bị giới hạn.

VAI TRÒ CỦA CÁC CHỦ SÂN GOLF

Ngược lại với các hội golf, các chủ sân golf là các doanh nghiệp, vừa có tài chính vừa có mệnh lệnh. Vì vậy hiệu quả hoạt động cũng rất khác với các hội golf.

Thế nhưng mặc dù từ khi mới xây dựng sân golf, các chủ sân golf phần lớn đều có học viện golf riêng mà vẫn chưa mang lại sự tiến bộ đột phá cho golf nước nhà. Bởi lẽ các học viện golf này hoạt động dưới dạng giao cho người đào tạo và thu phí giảng dạy. Đã hàng chục năm rồi, các học viện golf này chưa có trong tay nhiều học trò xuất sắc.

MUỐN ĐỘT PHÁ: HÃY BẮT ĐẦU TỪ CÁC CHỦ SÂN GOLF

Đã đến lúc phải xuất hiện các hình thức học viện golf khác: Trường học trong học viện golf và học viện golf trong trường học.

Chỉ khi biến học viện golf thành trường học và ngược lại, thì chúng ta mới có những học trò xuất chúng. Chúng ta cần tuyển chọn những học sinh có năng khiếu golf trên toàn quốc, cấp học bổng vừa học golf vừa học văn hóa trong một trường nội trú. Như vậy, sau 10 năm nữa, Việt Nam sẽ có lớp golf thủ xuất sắc thức tỉnh khu vực và có thể làm kinh động châu lục.

Muốn đột phá: Hãy bắt đầu từ các chủ sân Golf 3

Làm được điều này, có lẽ chỉ có thể là các tập đoàn lớn đầu tư vào golf như FLC, Vingroup, BRG, các nhà đầu tư golf, các chủ sân golf tiềm năng khác nữa – những người không chỉ kinh doanh golf mà có tầm nhìn xa rộng về môn thể thao này với niềm đam mê cháy bỏng cùng tình yêu màu cờ sắc áo mãnh liệt.

*Lưu ý: Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

0 lượt thích

Tin bài khác