Chuyển tới nội dung

Ms. Vũ Thị Thuận: “Đầu tư vào Caddie là khoản đầu tư giá trị!”

Kể lại chặng đường 20 năm trong nghề, chị Vũ Thị Thuận - Trưởng bộ phận Điều hành Sân golf FLC Hạ Long nhớ từng cột mốc ngày tháng năm chi tiết, như thể mọi thứ mới chỉ xảy ra hôm qua. Có thể ban đầu chị tới với nghề (caddie) là một sự đưa đẩy tình cờ, song để đi lâu dài cho tới hôm nay, thì dù không nói ra, qua câu chuyện, có thể thấy ở chị nỗi niềm tâm huyết, đau đáu với nghề.
Chị Vũ Thị Thuận - Trưởng Bộ phận Điều hành Sân golf FLC Hạ Long

NGHỀ CADDIE NẾU “KỂ CÔNG” THÌ NHIỀU LẮM!

Chị biết tới nghề caddie từ khi nào, liệu có phải “vì yêu mà tới” như một số người vẫn lựa chọn làm nghề mình yêu thích hay không? 

(Cười) Phải nói thật, ban đầu vì… lương mà đến mới đúng. Năm 2003, tròn 19 tuổi, tôi bắt đầu học nghề caddie tại sân Chí Linh Star Golf & Country Club; đến lúc đó tôi mới biết về golf. Còn trước đấy, golf là gì, caddie là gì, nào tôi đã biết. Tôi làm ở xí nghiệp may, một người bạn cùng tổ với tôi khi đó nhà ở gần dự án sân golf sắp mở biết được thông tin tuyển dụng, vậy là chúng tôi rủ nhau ứng tuyển.

Nghe có vẻ là một cơ hội nghề nghiệp ngẫu nhiên?

Nói vậy chứ ngày đó tiêu chí tuyển chọn đầu vào rất khắt khe, phải có ngoại hình cao, khỏe, nhanh nhẹn, ưa nhìn và biết giao tiếp tiếng Anh cơ bản. Tôi là caddie số 100 trong tổng 108 người được lựa chọn.

Các chị đã được học “vỡ lòng” về golf như thế nào?

Có quá nhiều lý thuyết và quy định cần học. Thầy Lars Holden và chị Trường - master caddie lúc đó – là những người trực tiếp đứng lớp giảng dạy. Đó là may mắn của chúng tôi khi ngay từ đầu được đào tạo bài bản bởi những chuyên gia giỏi.

Tại thời điểm đó, tôi chưa có gia đình, nên ban ngày tôi dành thời gian học nghề caddie trên sân, tối tôi đi học thêm tiếng Anh và ôn lại lý thuyết lớp caddie. Tháng đầu học việc, chúng tôi phải rèn luyện thể lực bằng cách đi bộ từ hố số 1 đến hố số 18 mỗi sáng trong khoảng 1 tiếng rưỡi đồng hồ, sau đó vào lớp học lý thuyết golf. Sau 1 tháng, thể lực chúng tôi được cải thiện bền bỉ, dẻo dai, nhanh nhẹn hơn.

Xem ra nghề caddie không hề dễ dàng, nhất là với phụ nữ?

Đúng thế, những bạn nữ sức khỏe yếu hoặc đã có gia đình, con nhỏ, thì lịch học và cường độ tập luyện như vậy là một trở ngại, nhiều bạn không theo được đã bỏ cuộc. Song bù lại, caddie nữ lại có ưu thế trong việc giao tiếp nhỏ nhẹ, khéo léo, duyên dáng, lại chăm chỉ, chu đáo.

Một caddie thời đó có thu nhập bao nhiêu?

Khi học nghề, chúng tôi không có lương, chỉ được hỗ trợ ăn trưa 5.000VND/buổi. Sau 3 tháng học việc, bắt đầu làm chính thức, tôi được trả lương 375.000VND/tháng, cộng với tiền tip thì tổng thu nhập rơi vào khoảng gần 3.000.000VND. Đó là mức tương đối cao so với mặt bằng chung khi đó. Lúc tôi làm công nhân may, cả tháng trời mới kiếm được 500.000-700.000VND, thậm chí còn phải làm ca đêm. 

Như vậy chị đã gắn bó với nghề vì mưu sinh? 

Nói thế cũng không sai. Tuy nhiên, cũng nhiều lần tôi muốn chuyển nghề đấy, vì áp lực công việc, vì những khó khăn mà chỉ người trong cuộc mới hiểu hết. Ngoài ra, tôi cũng thấy có lỗi vì bận rộn công việc mà chưa tròn vai với gia đình.

Ca làm hành chính từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều, song chúng tôi ai cũng cố gắng sắp xếp đi 2 ca/ngày, mỗi ca 8-10 tiếng, nên tính ra chúng tôi lúc nào cũng có mặt trên sân từ 5 giờ sáng tới 10 giờ đêm. Nghề caddie phụ thuộc vào giờ khách lên sân và còn tùy thuộc thời tiết. Khách chơi golf mỗi người một kiểu, nhưng đa phần đều rất kỹ tính, chúng tôi phải lựa theo khách mà phục vụ, áp lực công việc vì thế rất cao. Thời tiết thì khi mùa đông lạnh giá thấu xương, khi thì ướt nhẹp mưa phùn, lúc lại nắng nóng giữa trưa hè đổ lửa, dù có thế nào, chúng tôi vẫn đều đặn ra sân với tinh thần vui vẻ, tận tâm phục vụ.

Cái nghề của chúng tôi nếu “kể công” thì nhiều lắm, lại phục vụ toàn khách VIP. Tuy nhiên, đôi khi nó chưa được ghi nhận xứng đáng!

Xin được chia sẻ với chị những khó khăn của nghề “làm dâu trăm họ”. Vậy điều gì đã níu chân chị ở lại với nghề? 

Trong quá trình làm việc, tôi được tiếp xúc với những bậc thầy của sự tinh tế, các doanh nhân thành đạt, các lãnh đạo cấp cao. Tôi ngưỡng mộ phong thái của những golfer ấy. Ngoài ra, tôi cũng muốn góp phần vào việc phát triển nghề golf. 

Đặc biệt, bên cạnh khó khăn, vẫn có những kỷ niệm đẹp lưu dấu. Có một câu chuyện tôi nhớ mãi, ngay từ thời mới bước chân vào nghề, là có lần chúng tôi phải chăng bạt, ngăn nước từ trên đồi cao chảy xuống không gây xói mòn, sạt hỏng bãi cỏ. Thầy Lars, chị Trường và hàng trăm cô gái caddie mặc áo sơ mi trắng, quần tây đen, đi giày thể thao đứng che chắn cho bãi cỏ dưới cơn mưa to, chúng tôi ướt hết nhưng thầy trò đều cười vang khi cứu được cỏ. Hình ảnh đó mãi ở trong tâm trí tôi.

CADDIE LÀ BỘ MẶT CỦA SÂN GOLF

Bắt đầu từ công việc của một caddie, chị đã có những bước chuyển nghề nghiệp như thế nào?  

Ngay từ khi bắt đầu, trong quá trình đào tạo, tôi và 3 bạn nữa có vẻ nhanh nhẹn, có số điểm kiểm tra nhỉnh hơn một chút so với các bạn khác, nên sau đó, chúng tôi được “chọn mặt gửi vàng” làm caddie supervisor. Tức là chúng tôi có nhiệm vụ vừa quản lý, sắp xếp công việc hàng ngày cho bộ phận, vừa ra sân phục vụ khách khi hết ca trực. Tôi làm ở cương vị tổ trưởng caddie của sân Chí Linh Star Golf & Country Club trong khoảng 10 năm, tại đây tôi đã tham gia đào tạo hàng nghìn caddie có tiếng.

Sau này, tôi rời Chí Linh đầu quân cho The Bluffs Hồ Tràm Strip với vai trò caddie master. Ở đây tôi được học các khóa quản lý, quản trị, và có cơ hội tham gia vận hành giải Hồ Tràm Open - giải golf danh giá do Asian Tour tổ chức. Năm 2018, tôi về FLC Hạ Long xây dựng một đội ngũ nhân viên caddie, đến bây giờ lứa caddie đó vẫn được khen là ngoan, lễ phép, hiểu công việc và có chuyên môn tốt.

Trải nghiệm ở nhiều cương vị khác nhau đem lại cho chị điều gì?

Sau nhiều năm làm việc ở cả 2 vai trò, tôi hiểu sâu sắc nhân viên cần gì ở người quản lý và golfer cần gì từ caddie. Từ đó, tôi lên giáo án đào tạo quy trình công việc, cách ứng xử, xử lý tình huống, rèn luyện nâng cao giao tiếp cũng như luật golf chuyên môn sát với thực tế nhất.

Chị đã làm gì để hỗ trợ tiếng nói của cộng đồng caddie?

Đi lên từ caddie, hơn ai hết tôi hiểu rõ những mong muốn, nhu cầu của các bạn caddie. Tôi luôn suy nghĩ làm sao để mọi caddie khi đến sân golf làm việc đều mang tâm thế sẵn sàng, vui vẻ, không áp lực. Muốn vậy, người quản lý cần phải chia sẻ, hỗ trợ kịp thời nhất có thể. 

Bằng cách trang bị kiến thức cho caddie, tôi giúp các bạn tự tin và có trách nhiệm với công việc. Tôi đề xuất với ban lãnh đạo sân tạo điều kiện tổ chức những giải nội bộ sau mỗi khóa đào tạo caddie mới để các bạn có cơ hội trải nghiệm thực tế và tăng thêm tinh thần đồng đội.

Ngoài ra, tôi cũng đồng hành cùng các bạn caddie tham gia giải Vietnam Caddies Championship. Tại Vietnam Caddies Championship 2023, FLC Hạ Long đã giành 2 giải cao và đoạt 1 vé đi Thái Lan tham dự giải caddie vào tháng 9 tới. Tôi mong sẽ có nhiều hơn những cuộc thi đấu như vậy để các bạn caddie mạnh dạn phát triển hơn nữa.

Chị có đóng góp, đề xuất gì cho những giải đấu caddie? 

Thực tế, khi caddie tham gia những hoạt động golf, các bạn sẽ được trải nghiệm là golf thủ, được các caddie khác phục vụ, từ đó các bạn sẽ có con mắt khách quan đánh giá chất lượng dịch vụ và bồi đắp những phần còn thiếu sót, dần hoàn thiện bản thân chỉn chu hơn. Tham gia những giải đấu này, rõ ràng các bạn được lợi rất nhiều.

Tuy nhiên, một rào cản lớn là chi phí tham dự cũng như trang phục và dụng cụ vẫn còn ở mức khá cao so với thu nhập của các bạn. Tôi tha thiết kêu gọi sự hỗ trợ nhiều hơn từ phía ban lãnh đạo sân và các nhà tài trợ. Caddie chính là bộ mặt của mỗi sân golf, đầu tư vào caddie là khoản đầu tư mang tính nhân văn và giá trị. 

Nếu so với thời kỳ của các chị, chị thấy nghề caddie hiện tại như thế nào?

Tôi thấy nghề caddie ngày nay đã được hỗ trợ nhiều, giá trị cũng được trân trọng hơn. Đó là niềm vui chung và là động lực cho cộng đồng caddie ngày càng phát triển.

Profile

Họ tên: Vũ Thị Thuận

Chức danh: Trưởng bộ phận Điều hành sân golf FLC Hạ Long

Handicap: 10

  • Mỗi tuần chơi 1-2 trận golf 18 hố (nhằm đào tạo, kiểm tra, nâng cao tay nghề cho caddie)
  • Thích chơi theo nhóm, tham gia các giải phong trào, đồng đội
  • Đạt 2 HIO, nhiều Best Gross, giải Ba Vô địch các CLB Hà Nội mở rộng năm 2022, và nhiều giải cá nhân khác
  • Đã trải nghiệm hơn 30 sân golf tại Việt Nam
13 lượt thích1871 lượt xem

Tin bài khác