Lịch sử golf và các dụng cụ golf cổ
Tin bài liên quan
Có nhiều nghiên cứu và bằng chứng được đưa ra về nguồn gốc thực sự của Golf
Golf bắt nguồn từ đâu?
Nguồn gốc thực sự của golf cho đến nay vẫn
là một vấn đề gây nhiều tranh cãi với những giả định về sự hiện diện của các
trò chơi tương tự golf ở nhiều nơi trên thế giới và thậm chí có từ thời cổ đại.
Thời Ai Cập/ La Mã cổ đại
Trò chơi với gậy và bóng giống Golf hiện đại được cho là đã có từ năm 2600 TCN ở miền trung Ai Cập, được thể hiện trên các bức tranh ở những ngôi mộ và các bức phù điêu cho thấy hình ảnh những người đàn ông với gậy và bóng. Một quan điểm khác của các nhà sử học cho rằng Golf có nguồn gốc từ trò chơi Paganica của La Mã cổ đại, trong đó một quả bóng da hoặc lông vũ được đánh bằng những gậy gỗ cong tới một mục tiêu là tảng đá hoặc cây xanh.
Các bức phù điêu thời Ai Cập cho thấy hình ảnh môn chơi giống với Golf
Trò chơi Chuiwan của Trung Quốc
Bên cạnh đó cũng có những quan điểm cho rằng nguồn gốc thực sự của Golf phát triển từ trò chơi Chuiwan thời nhà Minh (1368 – 1644) ở Trung Quốc, trong đó luật của môn chơi này được cho là giống với Golf hiện đại khi người chơi sử dụng một bộ 10 gậy đánh vào quả bóng gỗ tới các lỗ được đặt trên những địa hình có độ khó khác nhau và được đánh dấu bởi những lá cờ nhiều màu sắc. Các học giả theo quan điểm này cho rằng Chuiwan được du nhập vào châu Âu bởi giới thương gia ở cuối thời Trung Cổ.
Trò chơi Chuiwan tại Trung Quốc từ những năm 1000
Trò chơi Chole/ Colf/ Kolf của Hà Lan – Bỉ
Xét trên khía cạnh Golf đồng đội thì trò
chơi Chole được cho là có nhiều khả năng là nguồn gốc của Golf và hiện vẫn đang được chơi ở miền Nam nước Bỉ.
Đây là một môn chơi đồng đội cổ xưa của người
Hà Lan – Bỉ, trong đó quả bóng bằng gỗ sồi được hai đội đánh tới một mục
tiêu có khoảng cách xa, đội đưa bóng tới mục tiêu trước sẽ là đội chiến thắng.
Cũng tại Hà Lan, có một môn chơi tên gọi là Colf và có nhiều điểm tương đồng nhất với Golf hiện đại. Một nhà nghiên cứu tên Van Henkel đã “truy tìm” những bài viết của người Hà Lan về môn chơi nay diễn ra trong ngày Boxing Day năm 1927 tại Loenen aan de Vecht, miền Bắc Hà Lan. Theo đó, người dân ở thị trấn đã chơi 4 “hố” tất cả với tổng chiều dài 4,950 yard bằng gậy gỗ dài có đầu kim loại và bóng da – giống với dụng cụ chơi của Golf hiện đại thời kỳ đầu tại Scotland. Tuy nhiên, thay vì chơi qua các “hole” như Golf ngày nay, người chơi sẽ đánh qua 4 “door” gồm một tòa lâu đài, một cối xay gió, một căn bếp, và một tòa án. Đến đầu thế kỷ 18, Colf biến mất và được thay thế bằng Kolf – phiên bản đơn giản hơn và được chơi trên một sân chơi có chiều dài bằng sân Cricket 22 yard.
Trò chơi Colf tại Hà Lan
Golf ở Scotland
Dù có nhiều giả định về nguồn gốc thực sự của Golf và chắc chắn có nhiều hình thức chơi tương tự Golf từng được chơi ở nhiều đất nước trong những khoảng thời gian trước đó, nhưng cho đến cuối cùng đất nước Scotland vẫn được cả thế giới công nhận là “quê hương của Golf bởi đó là nơi khởi đầu và phát triển những thể thức thi đấu golf hiện đại từ năm 1457. Không chỉ vậy, việc hình thành sân golf 18 hố như là một thiết kế tiêu chuẩn cũng bắt nguồn tại St Andrews vào năm 1764.
Scotland được coi là "quê hương của Golf"
Dụng cụ Golf cổ
Bóng golf
Bóng lông vũ (Featherie) là loại bóng đầu tiên dùng để chơi golf và là loại đặc biệt nhất trong số các loại bóng golf. Featherie bắt đầu xuất hiện tại Scotland từ đầu thế kỷ XVI và đến giữa thế kỷ XVIII, nó chính thức là loại bóng golf tiêu chuẩn dành cho các golfer. Để tạo nên một quả bóng lông vũ, đầu tiên người ta sẽ luộc lông lên trong vài giờ để làm lông mềm và ướt, sau đó nhét chúng thật chặt vào quả bóng da và khâu lại. Khi lông bên trong quả bóng khô lại chúng sẽ “nở” ra, trong khi lớp da bên ngoài quả bóng sẽ co lại, cuối cùng tạo nên một quả bóng vô cùng cứng và chắc. Quá trình tạo nên quả bóng lông vũ hoàn toàn bằng thủ công và đòi hỏi độ khéo léo, tỉ mỉ cao nên nó là loại có giá trị cao nhất trong các bộ sưu tầm bóng golf cổ của các tín đồ golf ngày nay. Bóng lông vũ có thể đánh với khoảng cách xa (tối đa 361 yard) nhưng lại dễ bị thấm nước khiến bóng không đạt tới khoảng cách mong muốn và dễ bị méo mó, hư hỏng khi đánh bằng gậy sắt. Bởi vậy, từ năm 1848 bóng Featherie dần được thay thế bởi các loại bóng khác tối ưu hơn, chi phí sản xuất thấp hơn, và mang lại hiệu quả cao hơn cho người chơi như bóng Gutty (gôm dẻo), bóng Haskell (cao su), và bóng nhựa ngày nay (lõi nhựa cứng và vỏ bọc Surlyn).
Gậy golf
Nói về gậy Golf cổ không thể không nhắc đến các loại gậy gỗ “mũi dài” (Longnose Club) thời kỳ đầu của Golf. Từ cuối những năm 1700 khi các hội golf và sân golf mọc lên nhiều hơn đã làm xuất hiện nhiều nhà sản xuất gậy golf. Người chơi golf của những năm 1800 thường sử dụng một bộ gậy gồm khoảng 10 loại gậy gỗ khác nhau, bao gồm một gậy “Play Club” (tương đương gậy Driver ngày nay), một gậy “Grass Driver” đánh trên fairway, hai đến ba gậy “Spoon” dùng khi ra khỏi fairway, một gậy “Niblick” sử dụng trong những trường hợp bóng khó, và hai đến ba gậy “Putter”. Các loại gậy này đều là loại “mũi dài” với độ dài khác nhau và phù hợp một cách hoàn hảo với loại bóng lông vũ thời kỳ đầu của Golf.
Tuy nhiên cho đến thời bóng Gutty thay thế cho bóng lông vũ, gậy Longnose được thay thế bởi loại gậy từ năm 1880 với thiết kế đầu gậy ngắn hơn, chắc chắn hơn, có mặt gậy tròn và lồi để phù hợp với loại bóng Gutty. Đa phần các loại gậy gỗ thời kỳ đầu của golf đều được làm bằng chất liệu gỗ sồi, táo, hoặc gỗ của cây nhựa ruồi của vùng Scotland. Nhưng đến những năm 1890 các nhà sản xuất gậy golf đã chuyển sang sử dụng loại gỗ của cây Hồng vàng (Persimmon) cho đầu gậy, và đến những năm 1980 các loại cán gậy đều được thay bằng loại gỗ của cây mại châu (Hickory) du nhập từ Mỹ như là một thiết kế tiêu chuẩn. Đầu gậy Persimmon và cán gậy Hickory được cho là mang đến sự kết hợp hoàn hảo giữa sức mạnh, độ bền, độ chắc chắn, và tối ưu hiệu quả đánh bóng cho người chơi.
Cũng từ khi bóng Gutty được sử dụng, loại gậy sắt cũng được sử dụng phổ biến hơn và được gọi là các gậy “Cleek”. Thực tế gậy sắt đã xuất hiện từ thế kỷ XVIII nhưng hiếm khi được sử dụng bởi chúng dễ làm hỏng loại bóng lông vũ. Cho đến năm 1890 đã có rất nhiều loại gậy sắt ra đời giúp cho các golfer có thể xử lý được nhiều loại tình huống bóng khi lên sân, bởi vậy nên trong một bộ gậy của golfer số gậy sắt thường nhiều hơn gậy gỗ. Cụ thể, ngoài ba loại gậy gỗ là Driver, Mashie, Spoon, thì có thêm cá loại gậy sắt như Driving Iron (tương đương gậy Sắt 1 ngày nay), Cleek (Sắt 2), Mid Maskie (Sắt 3), Mashie Iron (Sắt 4), Mashie (Sắt 5), Spade Mashie (Sắt 6), Mashie Niblick (Sắt 7), Pitching Niblick (Sắt 8), Niblick (đánh cát)…Cho đến ngày nay gậy Driver không còn bằng gỗ mà chủ yếu bằng chất liệu Titanium và các loại gậy sắt đa phần đều có mặt gậy Aluminum và cán bằng thép hoặc than chì.
Các dấu mốc quan trọng của lịch sử Golf
- 1421: Golf bắt đầu xuất
hiện tại Scotland, được cho là du nhập từ trò chơi Colf/ Kolf của người Hà Lan.
- 1457 –
1491: Golf bị cấm chơi tại Scotland dưới thời vua James II, James III,
James IV để quân sĩ tập trung cho các kỹ năng bắn cung trong huấn luyện quân sự.
- 1502: Lệnh cấm chơi được
dỡ bỏ bởi vua James IV khi chính ông cũng trở thành một tay golf. Ông được cho
là người đầu tiên đặt mua dụng cụ chơi golf từ một nhà cung cấp tại Perth,
Scotland.
- 1553: Golf xuất hiện tại
thành phố St Andrews của Scotland và được đức Tổng giám mục của thành phố ban
hành quyết định cho phép người dân được chơi tại các sân ven biển của St
Andrews.
- 1567: Mary, Nữ hoàng
Scotland, được nhìn thấy chơi golf ngay sau cái chết của chồng bà - Lord
Darnley, là nữ golfer đầu tiên được biết đến.
- 1620: Bóng lông vũ ra đời
và được làm bởi nhà sản xuất James Melvill với độc quyền bán trong 21 năm.
- 1682: Andrew Dickson,
người mang gậy cho Công tước York trong trận đấu quốc tế giữa Scotland và Anh,
là caddie đầu tiên được ghi nhận.
- 1754: St Andrews Club ra đời (sau này được gọi
là The Royal & Ancient Golf Club) được thành lập bởi 22 thành viên của Hiệp
Hội Golfer của St Andrews.
- 1834: Vua William IV cấp
cho St Andrews Club danh hiệu Royal & Ancient Golf Club (R&A) và có chức
năng quan trọng là lập nên luật golf chung cho cả thế giới.
- 1811: Giải đấu golf đầu
tiên dành cho phụ nữ được tổ chức tại Musselburgh Golf Club, Scotland, giữa những
người bán cá ở thị trấn.
- 1848: Sự ra đời của bóng
“Gutty’ có khả năng bay xa hơn và tốn ít chi phí sản xuất hơn bóng lông vũ. Đây
được coi là cuộc cách mạng trong sự phát triển của môn golf.
- 1860: Giải
golf lâu đời nhất còn tồn tại, và cũng là giải major đầu tiên - The Open
Championship, diễn ra lần đầu tại câu lạc bộ golf Prestwick thuộc Ayrshire,
Scotland với những chức vô địch major đầu tiên thuộc về người Scotland.
- 1860: Giải British Open
đầu tiên được tổ chức. Golf bắt đầu lan rộng trên toàn thế giới.
- 1867: The Ladies' Golf
Club tại St. Andrews được thành lập, là câu lạc bộ golf đầu tiên dành cho phụ nữ.
- 1868: Young Tom Morris,
17 tuổi, vô địch lần đầu tiên trong 4 lần vô địch liên tiếp của ông tại giải
British Open Championship (các năm 1868, 1869, 1870, 1872).
- 1894: Hiệp hội Golf Hoa
Kỳ (USGA) được thành lập. Các thành viên của hội khi đó gồm Chicago Golf Club,
The Country Club, Newport Golf Club, St. Andrews Golf Club, and Shinnecock
Hills Golf Club.
- 1895: Giải U.S Open đầu
tiên được tổ chức với Willie Anderson là nhà vô địch. Cùng năm đó, giải U.S.
Women's Amateur đầu tiên được tổ chức với nhà vô địch là Mrs. Charles S. Brown.
- 1900: Golf được đưa vào là
một trong những môn thi đấu tại Thế vận hội Olympic lần thứ 2 tại Paris.
- 1916: PGA của Mỹ được
thành lập bởi 82 thành viên và Giải vô địch PGA đầu tiên được diễn ra với James
Barnes là nhà vô địch.
- 1927: Trận đấu Ryder Cup
đầu tiên diễn ra giữa Anh và Mỹ và Mỹ là đội vô địch
- 1934: Giải đấu Masters đầu
tiên được tổ chức với nhà vô địch là Horton Smith.
- 1946: Giải đấu U.S
Women’s Open được tổ chức. Petty Berg là nhà vô địch đầu tiên.
- 1950: LPGA (Ladies
Professional Golf Association) được thành lập, thay thế cho Women’s
Professional Golf Association
- 1953: giải golf đầu tiên
được phát trên sóng truyền hình quốc gia Mỹ
- 1971: Golf là môn thể
thao đầu tiên và là một trong hai môn duy nhất tính đến nay được chơi trên mặt
trăng
- 1990: Luật Golf được
tiêu chuẩn hóa trên toàn thế giới
- 1996 –
1997: Đánh dấu sự xuất hiện của Tiger Woods trong môn thể thao golf, mở ra
một kỷ nguyên mới về sự phổ biến của môn chơi này và sự gia tăng về tiền thưởng
các giải đấu. Tiger tiếp tục thống trị golf chuyên nghiệp trong 12 năm tiếp
theo, cho đến khi liên tục gặp phải những chấn thương dai dẳng và cả những bê bối
đời tư.
- 1851 – đến nay: Sự hình thành và phát triển không ngừng của hàng loạt câu lạc bộ golf, hiệp hội golf, các giải đấu chuyên nghiệp và nghiệp dư trên khắp thế giới, sự ra đời của các thương hiệu thời trang, dụng cụ golf,…đưa golf trở thành một môn chơi toàn cầu.
Lịch sử golf tại Việt Nam
Dalat Palace Golf Club là sân golf đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam
Golf được du nhập về Việt Nam dưới thời Vua Bảo Đại – vị vua cuối cùng của triều Nguyễn tại Việt Nam, khi ông đi du học tại Pháp đã khám phá ra môn thể thao này và mang về Việt Nam năm 1920. Khi đó golf được biết đến là môn thể thao xa xỉ chỉ dành cho vua chúa và không phải ai cũng biết đến. Cũng chính vua Bảo Đại là người đã xây dựng sân golf Đồi Cù - sân golf đầu tiên tại Việt Nam, nay là sân Dalat Palace Golf Club. Phải đến năm 1990, golf mới được biết đến nhiều hơn, nhưng vẫn được xem là dành cho tầng lớp thượng lưu.
Cho đến hiện nay, phong trào golf đã ngày càng phát triển hơn ở Việt Nam với số lượng sân golf ngày càng tăng với gần 100 sân trên khắp cả nước và hàng trăm nghìn khách golf nước ngoài đến chơi mỗi năm.