HLV golf Lương Xuân Phú: "TPI giúp tôi chạm tới ước mơ!"
Tin bài liên quan
Anh và golf đã đến với nhau như thế nào?
Mình bắt đầu chơi golf năm 2003, khi đó mình mới 9 tuổi. Thời gian đầu chủ yếu là mình đi cùng bố mẹ tới sân tập golf ở 16 Láng Hạ (nay đã đóng cửa) và Hanoi Club ở Yên Phụ. Lúc đó thì mình chưa thích thú với bộ môn này lắm, và đôi khi do bị ép nhiều quá nên lúc lên sân thậm chí còn khóc và đòi về! nhưng mình nhớ có 1 thời điểm tầm năm 2006 mình được best score thời điểm đó là 16 gậy khi đang handicap 22, cảm giác đó đã thôi thúc mình quyết tâm chinh phục bộ môn này và cuối cùng mình đã có thể xuống handicap 5 tee đen ở sân Chí Linh vào năm 2008, và thời điểm đó với sự hạn chế về việc học hành bài bản thì mình coi đó là 1 thành công rất lớn của bản thân.
Nếu dùng một từ mô tả về golf, theo anh đó là gì?
Thử thách. Bộ môn golf sẽ thử thách tính kiến nhẫn, sự kiên trì, khả năng tập trung, khả năng cam kết tới mục tiêu, và thử thách tâm lý của người chơi. Mình tin chính sự thử thách rất riêng này đã khiến cho ngày càng nhiều người đam mê với bộ môn này hơn và không ngừng trau dồi kỹ năng cá nhân để hoàn thiện khả năng chơi golf của mình.
Kỷ niệm khó quên nhất của Phú với golf?
Lần đầu tiên tham gia giải golf trẻ quốc tế tổ chức tại Thái Lan năm 2008, khi mình được đánh cặp với Atiwit Janewattananond (Hiện tại đang đánh trên PGA Tour với cái tên "Jazz Janewattananond"). Thời điểm đó mặc dù nhỏ tuổi nhưng Jazz đã sở hữu những cú đánh có độ chính xác rất cao, khả năng xử lý cú đánh ngắn và gạt bóng tuyệt vời. Chỉ có một lần Jazz thực hiện cú gạt bóng trượt trong khoảng cách 3ft, và bố mẹ của Jazz đã ném chai nước đi và bắt Jazz phải nhặt để uống. Đây cũng không phải là phương pháp mình muốn các bậc cha mẹ áp dụng cho con cái của mình vì điều đó sẽ có thể đánh mất đi niềm đam mê thi đấu của con. Tuy nhiên, hình ảnh đó giúp mình hiểu ra sự khắc nghiệt của thể thao đỉnh cao, và cho dù sớm hay muộn thì bất kỳ tay golf trẻ nào cũng sẽ phải đối mặt với nó. Jazz sau đó đã vượt qua được và thực hiện cú birdie ở hố ngay sau đó với hai hàng nước mắt. Đó có lẽ là cú birdie gây ám ảnh cho mình tới tận bây giờ.
Khi bắt đầu học golf, anh gặp những khó khăn gì? Vì sao anh gắn bó đến bây giờ?
Thời gian đầu, khi golf ở VN vẫn còn khá mới mẻ thì mình có rất ít cơ hội được học và tập bài bản, tất cả chỉ mang tính tự phát. Mình vẫn nhớ những lần tập huấn và đi thi đấu cùng đội tuyển, chứng kiến các tuyển thủ của nước bạn như Thái Lan, Singapore, Malaysia với đội ngũ Huấn Luyện Viên đi theo hướng dẫn chỉ bảo trong khi hầu hết thời gian mình đều chỉ tự tập khiến mình rất "ghen tị" với họ. Vậy nên mặc dù mình chuyển hướng sang làm HLV Golf chưa lâu nhưng mình luôn mong rằng mình có thể góp chút sức nhỏ của mình giúp lứa golf trẻ của Việt Nam dần được tiếp xúc với giáo trình đào tạo bài bản, chuyên nghiệp hơn, được cập nhật những kiến thức, công nghệ mới nhất để không thua thiệt so với nước bạn nữa.
Anh dành thời gian bao nhiêu tiếng 1 ngày cho golf? Ngoài thời gian dành cho golf, anh thường làm gì?
Với công việc hiện tại thì đa số thời gian tại học viện thì mình đều hướng dẫn kỹ thuật cho học viên, chia sẻ kinh nghiệm cho các Huấn Luyện Viên khác và có thể tập luyện golf một chút. Hiện tại đây là công việc chính của mình nên chắc chắn mình sẽ không thể tập golf từ sáng tới tối theo đam mê như thời gian trước được, tuy nhiên mình vẫn dành nhiều thời gian hơn cho công tác nghiên cứu, trau dồi kiến thức để phục vụ công tác giảng dạy hiện tại của mình.
Cơ duyên nào đưa anh đến với nghề HLV golf? Nghề huấn luyện viên golf có áp lực gì khó nói không?
Trước đây khi mới hoàn thành Bằng Cử nhân Tài chính, mình có đi làm tại một số công ty thuộc các ngành nghề lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên mọi chuyện thực sự bắt đầu khi một người bạn mình (hiện cũng đang công tác trong ngành golf Việt Nam) đặt vấn đề với mình và nhờ hướng dẫn golf cơ bản vì bạn mình lúc đó đang khá quan tâm tới bộ môn này. Lúc đó mình chỉ nghĩ mình sẽ truyền lại những gì đã biết cho bạn mình trên góc độ chia sẻ kinh nghiệm tập luyện hiệu quả. Tuy nhiên, theo thời gian, mình thấy như vậy là không đủ, nên mình bắt tay nghiên cứu sâu hơn để tìm ra cách làm thế nào để giảng dạy golf hiệu quả nhất, và trong quá trình này mình mới nhận ra đây thực sự là đam mê của mình. Cá nhân mình cảm thấy hết sức thoải mái khi có người nào đó nghe theo sự hướng dẫn của mình trong golf và có thể đạt được kết quả tốt lên trông thấy, đó cũng chính là động lực đi làm công việc giảng dạy mỗi ngày của mình.
Đây vừa là động lực, và cũng vừa là thử thách đối với nghề Huấn Luyện Viên golf nói chung khi bạn phải luôn cập nhật kiến thức và liên tục nghiên cứu chuyên sâu để đảm bảo chất lượng giảng dạy của cá nhân và đồng thời "nói có sách, mách có chứng".
Theo anh tố chất của một người thầy dạy golf cần gì?
Đối với một Huấn Luyện Viên golf, điều quan trọng nhất là người đó phải đủ khả năng để khai mở và phát huy các tiềm năng mà bất kỳ một golfer nào sở hữu. Theo triết lý đào tạo của TPI, mỗi con người khi sinh ra đều có một đặc điểm thể chất khác nhau, sức khoẻ khác nhau, khả năng điều khiển vận động khác nhau, tư duy khác nhau, v.v. và TPI tin rằng có vô vàn cách khác nhau để thực hiện cú swing, nhưng sẽ có một phương pháp thực hiện cú swing hiệu quả nhất cho một tay golf và điều đó dựa trên những gì mà cơ thể tay golf đó đáp ứng được. Nhìn chung, một người thầy dạy golf cần liên tục trau dồi kiến thức và kỹ năng để nâng cao trình độ cho học viên theo cách tối ưu nhất cho họ, và với cá nhân mình thì TPI là một trong những phương án tốt giúp mình thực hiện được điều đó.
Bảng profile của anh khá “khủng” với hàng loạt các chứng chỉ golf, vậy để đạt được điều này, anh đã bỏ thời gian, tâm sức ra sao?
Mình thấy những chứng chỉ mình có chỉ là một phần, và mình tin rằng bên ngoài cũng có rất nhiều Huấn Luyện Viên giỏi và có kinh nghiệm chuyên sâu. Tuy nhiên, cá nhân mình cảm thấy thấy việc đi học các chứng chỉ là để hệ thống lại các kiến thức mà mình đã có để việc giảng dạy trở nên chuyên nghiệp hơn.
Trong giảng dạy, mình tối kỵ "ăn cắp chất xám"" hoặc ""ăn không nói có"", vậy nên mặc dù tốn nhiều thời gian công sức và cả thử nghiệm thực tế để kiểm nghiệm, khi đã được hệ thống hóa kiến thức thì việc giảng dạy của bản thân cũng sẽ chuyên nghiệp và chuẩn chỉ hơn. Mình tin rằng khi các Huấn Luyện Viên chấp nhận đầu tư ban đầu cho việc học hành bài bản thì những gì mọi người nhận lại được sau này trong quá trình giảng dạy là hoàn toàn xứng đáng.
Là người Việt Nam thứ hai đạt chứng chỉ TPI level sau PGA Phạm Minh Đức, anh cảm thấy như thế nào?
Mình cảm thấy rất vinh dự khi trở thành một trong những người đầu tiên đạt chứng chỉ TPI Golf Level 3 và TPI Power Level 3 tại Việt Nam. TPI là cụm từ viết tắt của Titleist Performance Institute - là một trong những tổ chức nghiên cứu hàng đầu thế giới về cách thức hoạt động của cơ thể con người liên quan đến kỹ thuật golf trên khía cạnh Giải Phẫu và Cơ Sinh Học. Việc học tới cấp độ cuối cùng của chứng chỉ sẽ giúp cho người học được quan sát dữ liệu của các golfer chuyên nghiệp trên thế giới, nhận ra xu hướng, những đặc điểm chuyển động tốt mà họ thường sở hữu, qua đó học viên có thể nắm bắt được những phương pháp tối ưu hóa kỹ thuật cho một người chơi. Với mục tiêu liên tục nâng cao chất lượng giảng dạy cho cá nhân mình nói riêng và EveryGolf nói chung, mình mong muốn ngày càng có nhiều golfer được định hướng phương pháp tập luyện golf bài bản hơn và phòng tránh chấn thương - một trong những ưu tiên hàng đầu để có thể chơi golf lâu dài.
Nếu các golfer muốn tư vấn đề đạt chứng chỉ này, anh có lời khuyên nào dành cho họ?
Ngoài vấn đề kinh phí, việc liên tục trau dồi kiến thức qua giáo trình của TPI là một điều cần thiết. Những câu hỏi trong đề thi của TPI thường sẽ không quá dài nhưng rất lắt léo, đòi hỏi người học phải nắm vững kiến thức chuyên sâu để có thể hoàn thành bài thi tốt. Bên cạnh đó, sau khi học và thi đỗ các chứng chỉ vừa rồi, các golfer cũng cần liên tục tham gia các hội thảo online của TPI để được cập nhật kiến thức mới nhất thường xuyên hơn.
Những dự định golf và cá nhân trong thời gian tới của anh?
Mình mong có thể trở thành một Huấn Luyện Viên trong top đầu tại Việt Nam trong thời gian tới, đồng thời liên tục nâng cao kinh nghiệm bản thân để có thể xây dựng một lứa golf trẻ mới được đào tạo bài bản từ nhỏ.
Profile
Fullname: Lương Xuân Phú |
Career: HLV tại học viện EveryGolf |
DOB: 02/07/1994 |
Handicap: 4 |
Bảng thành tích - Handicap: 4 | |
- TPI Certified Power Level 3. | |
- TPI Certified Golf Level 3. | |
- TPI Certified Junior Level 2. | |
- TPI Certified Fitness Level 2 | |
- Scott Cowx Advanced Certified Instructor | |
- Tyler Ferrell's Level 2 Certified Instructor | |
- Swing Catalyst Certified level 2 | |
- Trackman Certified Professional Level 2. | |
- Peak Professional Training Level 2 | |
- U.S. Kids Golf Certified Instructor | |
- Dr. Kwon's Golf Biomechanics Instructor Training Program Level 2 | |
- Vietnam Golf Association (VGA) Certified Instructor Level 1. |
Thông tin thêm:
Thần tượng: Rory Mcilroy |
Bộ gậy đang sử dụng: Mix set của Titleist và Mizuno Một từ mô tả về golf: Thử thách Quick chat Long game hay short game? Short game. Sở trường driver hay gậy sắt? Gậy sắt. Sân link course hay mountain course? Mountain course. “Không thầy đố mày làm nên” hay “Học thầy không tày học bạn”? Học thầy không tày học bạn. Nếu không phải golf, anh sẽ chọn nghề gì? Có thể tôi sẽ mở một nhà hàng Âu vì tôi khá đam mê ẩm thực Pháp (cười). Một ngày không golf sẽ là...? Dành thời gian cho gia đình, gặp gỡ bạn bè, chơi billiards. |