Chuyển tới nội dung

Hiểu hơn về khái niệm “Mobility” và “Flexibility” trong golf  

Golfer đã không còn lạ lẫm với những cụm từ như sự linh hoạt hay sự mềm dẻo và từng nghe qua về giáo án tập như Mobility training, Flexibility training, vậy chúng ta đã thực sự hiểu về những khái niệm này hay cách tập luyện cho nó trở nên hiệu quả?

Trong bài viết này, hãy cùng tìm hiểu rõ về khái niệm “Mobility” và “Flexibility” và từ đó biết được khi nào chúng ta cần tập luyện cho yếu tố này, cũng như Sự linh hoạt (Mobility) và  sự mềm dẻo (Flexibility) như thế nào thì được đánh giá là tốt.

Khái niệm “Mobility” và “Flexibility”

Đầu tiên, khi muốn hiểu về Mobility và Flexibility, bạn cần hiểu ý nghĩa của từng loại.

Mobility ở đây muốn nói tới là sự linh hoạt của Xương khớp, còn Flexibility nói tới là sự mềm dẻo của cơ bắp. 

Có một yếu tố chúng ta cần quan tâm tới đó là biên độ chuyển động, hay còn được hiểu là tầm vận động của các khớp trên cơ thể. Để các khớp này có khả năng tăng tầm vận động, hay nói cách khác là vùng khớp đó có khả năng xoay, di chuyển được tốt thì cơ bắp ở vùng đó cần có sự mềm dẻo, khả năng co giãn của cơ bắp tốt. 

Từ đó, xuất hiện khái niệm chúng ta cần hiểu ở đây là ROM (Range of motion) hay còn gọi là biên độ chuyển động của khớp được đo theo đơn vị độ (góc) và được kí hiệu bằng ° (độ).

ROM thể hiện khả năng linh hoạt của một khớp, do đó được dùng để đánh giá sơ lược trong thăm khám hoặc chẩn đoán thể trạng của cơ thể người, từ đó thu thập dữ liệu đưa ra kết quả, phương án giúp cải thiện tốt hơn.

 ROM được chia làm 2 loại: 

  • Mobility - ROM chủ động 
  • Flexibility - ROM bị động

Sự khác biệt giữa Mobility và Flexibility

  • Về Mobility

Mobility (sự linh hoạt) là khả năng trượt lên nhau của các khớp nối trước khi bị các mô liên kết hạn chế lại (dây chằng, cơ bắp) nhưng không có sự tham gia của ngoại lực thúc đẩy quá trình chuyển động. 

Sự linh hoạt quyết định biên độ chuyển động của các bài tập cơ bắp và là một yếu tố thiết yếu cho việc tập luyện bất kì môn thể thao nào. Trong golf, khi thực hiện backswing các vùng như đốt sống lồng ngực, hông, đốt sống cổ, vùng vai cần được linh hoạt để từ đó giúp golfer thực hiện dễ dàng hơn. Downswing cũng tương tự, khi các khớp linh hoạt golfer sẽ vận động linh hoạt hơn và hiệu quả cú đánh cũng được cải hiện, đồng thời giảm nguy cơ gây chấn thương.

  • Về Flexibility

Flexibility (độ dẻo dai) là khả năng thực hiện phạm vi chuyển động tối đa cho phép của một khớp dưới sự hỗ trợ của các ngoại lực (trọng lực, người hỗ trợ) để thực hiện chuyển động. 

Độ dẻo dai được đòi hỏi cao trong các bộ môn Yoga hoặc các bộ môn nghệ thuật trình diễn như thể dục dụng cụ cho nữ. Flexibility tốt cho thấy việc xoay tách cơ thể của golfer được tốt hơn, giúp cho quá trình Backswing có thể xoay vặn tốt hơn và quá trình đồng thời giúp tải lực được tốt. 

Ví dụ: Các mô cơ vùng lưng có sự mềm dẻo, giãn nhiều hơn giúp quá trình Backswing được xoay vặn xoắn nhiều.

Kết luận

Mobility là một phần biên độ của Flexibility mà cơ bắp có khả năng đạt được thông qua lực tự phát. 

Sự tương quan của Mobility và Flexibility. Do Mobility là một phần của Flexibility nên chúng ta có thể hiểu rằng tăng Flexibility có thể tăng tiềm năng biên độ của Mobility.  

Mobility còn phụ thuộc vào cách các thần kinh điều khiển và phối hợp chuyển động. Do đó, để tăng Mobility thì việc tập Flexibility là chưa đủ mà ta cần phải vận động và tập các bài tập cải thiện sự linh hoạt để cơ thể làm quen được phối hợp cơ thể một cách thuần thục.

Những yếu tố ảnh hưởng tới biên độ khớp

  • Cấu trúc của Khớp
  • Độ co giãn của mô liên kết
  • Bệnh lý xương khớp
  • Tuổi tác
  • Mức vận động
  • Tiền sử chấn thương

Các dạng bài tập cải thiện

  • Dynamic stretching (Cải thiện Mobility)
  • Static stretching (Cải thiện flexibility)

Các bằng chứng cho thấy không có sự khác biệt lên biên độ chuyển động (ROM) giữa tập luyện sức mạnh, và giãn cơ (Stretching). Nghiên cứu chỉ ra cần thực hiện các động tác giãn ít nhất 5 - 10 phút tổng mỗi buổi tập hoặc lâu hơn để có hiệu quả tăng biên độ.

By HLV Trọng Hưng Bùi - Sola Golf & Fitness Academy

3 lượt thích 1599 lượt xem

Tin bài khác