Golfer mê sưu tầm tranh Nguyễn Đức Tiến: "Golf và Hội họa đều hướng tới sự hoàn mỹ!"
Tin bài liên quan
PHẢI KIẾM SỐNG TRƯỚC, RỒI MỚI TÍNH ĐẾN CHUYỆN “CHƠI”
Điều gì đã khiến một nhà đầu tư tài chính như anh lại “mê” sưu tầm tranh?
Với tôi, làm việc trong ngành tài chính là nghiệp, ở đó không có sự bay bổng mà chỉ có kỷ luật. Tôi tìm đến nghệ thuật bởi nó đem lại cho tôi sự cân bằng và thả lỏng.
Hội họa chính là đam mê đích thực của tôi. Mạch nguồn có lẽ đến với tôi từ nhỏ khi ngày ngày xem ông ngoại vẽ tranh truyền thần cũng như được đọc những cuốn sách nghệ thuật về Michelangelo, Picasso,… khi chỉ mới 8-9 tuổi. Sau này, khi có điều kiện tài chính, sang Hong Kong xem những phiên đấu giá nghệ thuật, được tận mắt ngắm nhìn các bức tranh thời kỳ Đông Dương, tôi như bị mê hoặc và thế là hành trình sưu tầm tranh bắt đầu.
Vì sao dòng tranh Đông Dương có sức hút mạnh mẽ với anh?
Thứ nhất, do vẻ đẹp của tạo hình mang màu sắc thời gian, mang giá trị lịch sử. Thứ hai, là dân tài chính, tôi ý thức được giá trị quý hiếm của dòng tranh này.
Hiện anh đã có trong tay bao nhiêu tác phẩm?
Xin phép không tiết lộ con số cụ thể, tuy nhiên, tôi nghĩ với gần 20 năm sưu tầm thì có lẽ bất cứ nhà sưu tập nào cũng đã tích góp cho mình một kho tác phẩm kha khá.
Tôi chỉ có năng lực, thời gian nghiên cứu một số ít tên tuổi như Trần Văn Cẩn, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Tạ Tỵ… Đặc biệt, trong số bộ sưu tập của tôi có tranh sơn mài của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm vẽ múa cổ. Múa cổ là đề tài tôi yêu thích và đã sưu tập được nhiều trong những năm qua.
Hành trình “nuôi” đam mê này hẳn rất tốn kém?
Tiếp xúc với những nhà sưu tập lớn nhất Việt Nam, kể cả những nhà sưu tập có gia thế lừng lẫy từ thời Pháp thuộc, thành thật mà nói không ai có thể mua được bất cứ bức tranh nào mình muốn. Có hai lý do: thứ nhất là không đủ tiền, và thứ hai là có nhiều tiền chưa chắc đã mua được.
Vậy anh đã làm cách nào?
Để sưu tập tranh Đông Dương, tôi bắt đầu bằng công việc môi giới tranh. Ví dụ, tôi từng theo đuổi một bức tranh sơn mài kích thước lớn nhất của họa sĩ Phan Kế An, từ lúc tôi trả giá 50 nghìn đô la Mỹ, người chủ không chịu bán, cho đến 8 năm sau, tôi đã môi giới thành công bức tranh. Nhà sưu tập mới đã móc hầu bao một triệu đô la Mỹ trả cho tác phẩm.
Mỗi lần “xuống tiền” mua tranh, anh có cần nhờ đến sự tư vấn của chuyên gia không?
Chuyên gia thẩm định tốt nhất là chính bản thân mình, không phải ai khác, vì mình chính là người trực tiếp chịu trách nhiệm với khoản đầu tư.
Cách đây tròn 10 năm, tôi là người Việt đầu tiên tham dự các khóa học của Sotheby’s Institute of Art, New York. Tôi đã dành một năm theo học 3 khóa ở đây, để nắm được lĩnh vực kinh doanh nghệ thuật chuyên nghiệp cần những gì.
Anh đã học được gì ở đó?
Tôi thu lượm được cái nhìn tổng thể về thị trường tranh thế giới, và thị trường tranh Việt không nằm ngoài dòng chảy đó. Ví như, tranh Việt chỉ có thể lên giá khi chính người Việt mua tranh. Bằng chứng là cách đây khoảng 5 năm chúng ta mới chỉ có bức tranh đầu tiên cán ngưỡng triệu đô (tính cả thuế) của Nguyễn Phan Chánh, thì giờ đã có những tranh hơn ba triệu đô, tất cả đều do các nhà sưu tập Việt mua.
Đã bao giờ anh đứng trước lựa chọn khó khăn giữa việc là nhà sưu tầm hay môi giới?
Tôi vẫn luôn song hành cả hai vai trò. Tuy nhiên, nếu phải phân định, thì môi giới là nghề nghiệp kiếm sống, phải kiếm sống trước đã, rồi mới tính đến chuyện “chơi” (sưu tập nghệ thuật) được. Ngược lại, việc người môi giới tích lũy tranh cho bản thân được coi như lời khẳng định của sự trưởng thành trong nghề. Vậy nên thay vì chỉ hướng tới mục tiêu thương mại, người môi giới cũng nên giữ lại cho mình những tác phẩm trong tầm khả năng tài chính để chơi. Tựu trung, năng lực tài chính từng thời điểm sẽ dẫn tới lựa chọn nên là nhà môi giới hay sưu tập.
Những tác phẩm nào được anh đặc biệt giữ làm “của riêng”?
Tranh múa cổ của Nguyễn Tư Nghiêm và tranh thiếu nữ của Trần Văn Cẩn là những tác phẩm tôi rất yêu quý, không thể rời tay.
Tôi say đắm những bức họa thiếu nữ mang tính hàn lâm, duy mỹ và vô cùng thuần khiết của họa sĩ Trần Văn Cẩn. Tôi đã may mắn sưu tập được một tác phẩm thiếu nữ bên hoa vẽ cách đây hơn 40 năm của danh họa.
Còn nhắc tới Nguyễn Tư Nghiêm, thì đó lại là một “mệnh đề đứng riêng” (trích lời nhà nghiên cứu và phê bình nghệ thuật Thái Bá Vân) trong hội họa Việt Nam. Vì sao ư? Bởi ông là họa sĩ duy nhất trong thế hệ Đông Dương dùng ngôn ngữ (bút pháp tạo hình) hiện đại trên nền vốn cổ văn hóa dân tộc Việt để vẽ nên những kiệt tác lập thể và biểu hiện.
Ngoài tranh Đông Dương, anh có sưu tập những dòng tranh khác?
Có chứ, tôi vẫn “săn tìm” các họa sĩ đương đại khi “đánh hơi” thấy tiềm năng đầu tư hay giá trị lịch sử, thời cuộc.
Năm 2011-2012, tôi từng rời vị trí Giám đốc Trung tâm thẻ ngân hàng VIB để dành 1 năm lao động cùng họa sĩ Bùi Văn Khoa, nhà điêu khắc Lê Đình Quì, hoàn thành 21 tác phẩm sơn dầu cộng 1 tác phẩm điêu khắc về “phù thủy” công nghệ Steve Jobs - người sáng lập hãng Apple. Sau đó, tôi phối hợp cùng Đại sứ quán Mỹ tổ chức triển lãm “Tư duy khác biệt” (Think Different) nhân kỷ niệm 1 năm ngày mất của Steve Jobs (5/10/2012). Toàn bộ số tác phẩm nghệ thuật đó tôi đã sưu tập cho mình.
Anh có dự định mở triển lãm cá nhân?
Trên thế giới và ngay cả ở Việt Nam, các nhà sưu tầm khá kín tiếng về những tác phẩm đang có trong bộ sưu tập của mình, đó được coi như một nguyên tắc, trừ khi nhà sưu tập mở bảo tàng mỹ thuật tư nhân thì sẽ tiết lộ một phần công khai. Tôi cũng không phải ngoại lệ (cười).
ĐẾN VỚI GOLF ĐỂ TÌM NIỀM VUI
Câu chuyện của anh với golf thì sao? Nó bắt đầu từ khi nào?
Hơn 10 năm trước, tôi đã có điều kiện tiếp cận môn golf. Khi đó những người bạn đã nhiệt tình “lôi kéo”, nhưng thú thật lúc ấy công việc chiếm hết quỹ thời gian của tôi. Chỉ đến khi đại dịch Covid-19 bùng phát, thấm thía tính hữu hạn của cuộc sống, tôi mới quyết định cần biết sớm hơn những điều cần biết, và golf nằm trong số đó.
Và anh đã “biết” gì khi chính thức tìm hiểu về golf?
Tôi nhớ lần đầu ra sân là một ngày “hành xác” nhưng rất vui. Bạn tôi tiếp “đạn” (bóng golf) liên tục vì tôi "bắn" xuống nước nhiều quá... Tôi là “thợ” bơi mà cứ đến hố nào có nước lại thấy hoảng hồn vì lo mất bóng. Trận đầu tiên ấy bận rộn đúng như “nhà có giỗ”… Mãi rồi chúng tôi cũng kết thúc được 18 hố. Và tôi còn nhớ mình đã lẩm nhẩm trong đầu rằng golf hay thế mà “chả biết để chơi sớm hơn” (cười).
Golf “hay thế” là hay như thế nào?
Ngoài golf, tôi còn tập luyện nhiều môn thể thao khác, nhưng quả thật, golf có nhiều ưu thế vượt trội. Nhờ các động tác swing mà những bó cơ “ngủ quên” của cơ thể tôi được đánh thức. Ngoài ra, các cuộc chơi luôn diễn ra ngoài trời, kéo dài nhiều giờ đồng hồ, với địa hình di chuyển không bằng phẳng… giúp rèn luyện sức khỏe dẻo dai. Đặc biệt, điều tôi tâm đắc nhất đó là khi chơi, golf luôn ẩn chứa những tình huống giống như các cung bậc cuộc sống, công việc... mà ở đó chỉ có duy nhất mình bạn phải đối diện, tự quyết định đúng sai và chịu trách nhiệm. Golf đã giúp phát lộ ra nhiều ưu nhược điểm của bản thân mà trước đây tôi chưa thực sự đánh giá được đầy đủ về chính mình.
Từ ngày chơi golf, bên cạnh sức khỏe, anh thấy mình được gì nữa?
Golf là bộ môn rèn luyện cơ thể kết nối tất cả các chức năng, từ tư duy tới hành vi, một cách liền mạch trong một khoảng thời gian cực ngắn. Việc liên tục lặp đi lặp lại rèn luyện tinh-trí-lực làm tăng khả năng tập trung cao độ của tôi, để từ đó có thể ra quyết định dứt khoát. Thêm nữa, người làm ngành nghệ thuật như tôi thường có tính cách bay bổng, ngẫu hứng, golf đưa tôi vào kỷ luật, bằng cách lặp đi lặp lại một chuỗi hành động nhằm đạt hiệu quả cao nhất.
Golf hay là vậy, liệu anh có muốn theo golf “chuyên nghiệp”?
Thích là một chuyện, nhưng tôi xác định mình đến với golf để tìm niềm vui hơn là trở thành golf thủ trên sân.
Anh có tham gia các câu lạc bộ hay giải golf không?
Tôi tham gia một vài câu lạc bộ nhỏ, chủ yếu liên quan đến nhóm bạn bè và đối tác. Dù rất muốn tham gia các buổi outing của câu lạc bộ, nhưng công việc bận rộn nên tôi mới chỉ đạt mức ra sân 1 trận/tuần.
Tôi không phủ nhận golf là một bộ môn khó, nhưng bản thân tôi đang tiến bộ hơn mỗi ngày nhờ sự quyết tâm, kiên trì và tâm huyết theo đuổi đam mê đến cùng. Tôi tập đều, chỉ tiếc là thời gian "bay" trên sân còn ít. Vậy nên khi thu xếp được thời gian lên sân là tôi chuẩn bị kỹ lắm và rất háo hức. Tôi thích kiếm mấy ông bạn cùng gu, vừa chơi golf vừa giao lưu, chia sẻ về tranh.
Nhắc đến tranh, theo anh, golf và hội họa có gì tương đồng?
Golfer là tác giả của những đường gậy di chuyển, “vẽ” nên cung đường bóng vút lướt trên thảm cỏ, hồ nước, hố cát, trong nắng, gió. Còn họa sĩ là người cầm cây cọ vẽ nên những nét màu, hình khối bởi sự chắt lọc của ánh mắt, tư duy thẩm mỹ và tâm hồn phiêu diêu. Và thật thú vị, cả golfer và họa sĩ đều chủ yếu độc thoại với nội tâm, đối diện với những cảm xúc bản năng, để tự trưởng thành về trực giác, rồi tìm ra con đường khác biệt cho cuộc đời mình.
Tóm lại, golf và tranh quả thực có sự bổ trợ cho tôi giữa công việc và giải trí vì chúng đều hướng tới sự hoàn mỹ.
Profile
- Họ tên: Nguyễn Đức Tiến
- Nghề nghiệp: Đầu tư tài chính, nhà môi giới, sưu tầm tranh
- Sở thích: Sưu tầm tranh, chơi golf
- Dòng tranh yêu thích: tranh Đông Dương
- Chất liệu tranh yêu thích: Sơn mài và bột màu. Đây là hai chất liệu giữ được gần như trọn vẹn sự nguyên sơ như khi họa sĩ vẽ, trong khi tranh sơn dầu và lụa sẽ bị “lão hóa” theo thời gian.
- Handicap: Newbie
- Sân tập golf: Ciputra - gần nhà.
- Thời gian tập golf: 60 phút/ngày, vài buổi trong tuần khi tranh thủ được thời gian rỗi.
- Phương pháp tập golf: chia theo chuyên đề - hôm tập long game, hôm chỉ chuyên về chip, putt,…
- Cây gậy ấn tượng: gậy sắt - cú vung gọn gàng, dễ thực hiện.
- Cây gậy để lại nhiều cảm xúc nhất: driver – sợ nhất, hấp dẫn nhất và cũng dễ gây nản nhất.
- Best score: 15 “que” (trận chơi ở sân Tam Đảo).
Cá tính nhân vật: Là người nguyên tắc, anh Tiến xếp thứ tự ưu tiên rõ ràng: Gia đình – Công việc – Đam mê (sưu tầm tranh + chơi golf). Tuy nhiên, có đôi lúc niềm đam mê trong anh bùng cháy; sắp đến giờ đi ngủ, nhận được điện thoại đầu Sài Gòn reng reng, anh ngay lập tức lên đường để sáng hôm sau kịp giờ cà phê với ông chủ tranh. “Rất may là vợ tôi chưa thấy golf ‘nguy hiểm’ như bộ môn sưu tầm tranh”, anh Tiến cười chia sẻ.