Chuyển tới nội dung

Golf thế giới cho người Việt  

Asian Development Tour (ADT) và Asian Tour (AT), nếu nói về kinh nghiệm thì có lẽ không ai có thể hiểu rõ về hai giải đấu này hơn Trần Lê Duy Nhất.

Tay golf này bắt đầu thi đấu ở hệ thống golf nhà nghề hàng đầu châu Á từ năm 2008 với hai giải khi đó là Hana Bank Vietnam Master và Johnnie Walker Cambodian Open. Sau hơn 1 thập kỷ, Trần Lê Duy Nhất tham dự tổng cộng 77 giải ở ADT và AT. Để tìm một golfer khác của Việt Nam như Trần Lê Duy Nhất thi đấu là không có. Người ta đã gắn anh với những cụm từ “người độc hành của golf chuyên nghiệp Việt trên trường quốc tế” hoặc “Trần Lê Duy Nhất vẫn là… duy nhất”.

Sòng phẳng mà nói, để làm được điều mà Trần Lê Duy Nhất đã làm trong nhiều năm qua, không phải ai cũng làm được. Một golfer nhà nghề đòi hỏi nhiều thứ: trình độ, tài chính và có thể sắp xếp được thời gian để di chuyển thi đấu dài ngày. Việt Nam không phải là không có các golfer chuyên nghiệp khác, nhưng số lượng còn ít, khả năng thi đấu đỉnh cao còn yếu và việc lo được chi phí đi lại thi đấu còn rất hạn chế.

Trong bối cảnh như vậy, Trần Lê Duy Nhất là cái tên rất hiếm hoi không những vượt lên về đẳng cấp mà còn giúp golf chuyên nghiệp Việt Nam có một vài dấu ấn trên đấu trường lớn. Golfer này từng xuất sắc đăng quang giải Ciputra Golfpreneur 2015 (ADT), mang về danh hiệu nhà nghề thứ hai trong sự nghiệp với tiền thưởng 17,5 ngàn đô la Mỹ. Cũng trong năm 2015, anh góp mặt tại Hồ Tràm Open để thi đấu cùng với nhiều tên tuổi hàng đầu thế giới như Sergio Garcia, Daren Clark.

Trong 3 năm gần đây, Trần Lê Duy Nhất bất ngờ giảm tần suất thi đấu trên Tour, riêng năm 2019, golfer này góp mặt ở đúng một sự kiện Yeangder TPC 2019. Theo giải thích của Trần Lê Duy Nhất, anh muốn dành nhiều thời gian cho gia đình, muốn đi sâu vào công tác giảng dạy cũng như kinh doanh. Bên cạnh đó, vấn đề tài chính cũng đóng vai trò quyết định khi mà thi đấu ở nước ngoài với chi phí đi lại, ăn ở thường rất tốn kém.

Giai đoạn cân nhắc khả năng giải nghệ, Trần Lê Duy Nhất lại tìm được cảm hứng thi đấu khi bắt đầu từ năm 2018 góp mặt ở hệ thống giải đấu được bảo trợ truyền thông bởi Báo VietNamNet.

Mùa giải FLC Vietnam Masters năm đó, Trần Lê Duy Nhất cán đích ở vị trí Á quân, trước khi thăng hoa với hai chức vô địch liên tiếp trong năm 2019. Đỉnh cao là FLC Vietnam Masters 2019 khi Trần Lê Duy Nhất vượt qua Park Sang Ho và đoạt ngôi vô địch ở lượt hố phụ cân não.

Chỉ hơn 1 tháng sau, tại Laguna Lăng Cô, với tổng điểm -1 sau bốn ngày đấu, Trần Lê Duy Nhất lên ngôi giải Lexus Challenge 2019. Golfer kinh nghiệm này hơn nhóm đứng thứ 2(+1) gồm Trương Chí Quân và Doãn Văn Định 2 gậy cách biệt. Trần Lê Duy Nhất mang về thêm khoản tiền thưởng 270 triệu đồng.

Trần Lê Duy Nhất lúc này không phải đi đâu xa khi chính tại Việt Nam đã có một hệ thống giải đấu với khoản tiền thưởng lớn ngang một giải ADT. Chính golfer này cũng chia sẻ rằng, nếu hệ thống giải đấu này được tổ chức thường niên thì sẽ không chỉ thu hút được nhiều golfer chuyên nghiệp mới của Việt Nam, mà còn tạo cho golf Việt thành điểm đến mới thi đấu của nhiều golfer trong khu vực và châu lục. Mặc dù FLC Vietnam Masters, Lexus Challenge hiện chỉ dành các golfer đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam, nhưng tương lai là những giải đấu tiền đề cho hệ thống ADT Việt Nam. Các golfer trong nước sẽ có cơ hội cọ xát, học hỏi với các golfer ở đẳng cấp cao, từ đó hoàn thiện mình.

Với sự phát triển bùng nổ của golf Việt trong vòng 5 năm qua về số lượng golfer cũng như sân golf, Việt Nam đang là thị trường tăng trưởng nóng nhất khu vực. Sự thành công của các giải đấu thuộc VPGA Tour cùng sự ủng hộ lớn của truyền thông trong và ngoài nước đang giúp golf chuyên nghiệp Việt nhận thấy những bước đi mới rất rõ ràng, đầy hứa hẹn. Golf chuyên nghiệp đỉnh cao luôn là thước đo tốt nhất cho sự phát triển golf của mỗi quốc gia. Đây là ngọn tháp cao nhất trong tiến trình nâng tầm golf Việt.

0 lượt thích 5676 lượt xem

Tin bài khác