Chuyển tới nội dung

TTK Hiệp hội Du lịch Golf Việt Nam: “Golf là cánh cổng đưa Việt Nam ra thế giới”  

Trong hành trình đưa Việt Nam trở thành điểm đến hàng đầu tại châu Á cho du lịch cao cấp, golf được lựa chọn như một chiến lược mũi nhọn. Trong cuộc trò chuyện đầy cảm hứng với bà Dịu Đỗ – Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Golf Việt Nam (VTGA), cùng khám phá tầm nhìn sâu rộng, những cơ hội đang hé mở và khát vọng lớn lao đằng sau sáng kiến “Visit Golf Vietnam”.
Mrs_Diu_Do.jpg (385 KB)
Bà Dịu Đỗ – Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Golf Việt Nam (VTGA)

Nếu ví du lịch golf Việt Nam như một “cuộc chơi lớn”, thì theo bà đâu là thế mạnh chiến lược của chúng ta?

Việt Nam đang sở hữu một "lá bài chiến lược" vô cùng tiềm năng: sự hội tụ hiếm có giữa ba yếu tố làm nên sức hút bền vững của một điểm đến golf đẳng cấp thế giới – đó là hệ thống sân golf đạt tiêu chuẩn quốc tế, khung cảnh thiên nhiên đa dạng ngoạn mục, và nền văn hóa – ẩm thực bản địa vô cùng đặc sắc.

Đến năm 2025, Việt Nam sẽ cán mốc 100 sân golf trên toàn quốc, trong đó có nhiều sân do các huyền thoại như Greg Norman, Jack Nicklaus hay Sir Nick Faldo thiết kế. Không chỉ đơn thuần là nơi để thi đấu, các sân golf ở Việt Nam thường được đặt giữa những bối cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp – từ đồi núi, sông suối đến bờ biển dài đầy nắng.

Quan trọng hơn cả là con người Việt Nam – nụ cười thân thiện, sự hiếu khách và văn hóa phục vụ tận tâm – chính là yếu tố không thể sao chép, làm nên bản sắc rất riêng cho du lịch golf Việt Nam.

Giữa một châu Á có nhiều “ông lớn” về golf như Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc… Việt Nam sẽ chơi vào khoảng trống nào để không chỉ cạnh tranh, mà còn tạo khác biệt?

Trong một thị trường châu Á đang có tính cạnh tranh cao, Việt Nam có thể "đánh chiếm" một khoảng trống độc đáo mà ít quốc gia nào có thể cùng lúc đáp ứng, bằng cách định vị mình là điểm đến hội tụ trải nghiệm tổng thể chứ không chỉ là golf:

  • Golf + Văn hóa + Ẩm thực: Hiếm nơi nào bạn có thể sáng chơi golf, trưa thăm di sản thế giới, tối dạo chợ đêm và thưởng thức ẩm thực đường phố hấp dẫn như ở Việt Nam.
  • Golf sinh thái – sang trọng: Phát triển mô hình nghỉ dưỡng golf thân thiện môi trường, lồng ghép vào thiên nhiên nguyên sơ, các di sản UNESCO hoặc khu bảo tồn sinh thái.
  • “Golf Coast of Asia”: Dải ven biển miền Trung Việt Nam từ Huế – Đà Nẵng – Hội An có thể định vị là "Bờ biển golf châu Á" – nơi tập trung nhiều sân golf đẳng cấp thế giới chỉ cách nhau 30–60 phút di chuyển.
  • Hub kết nối Châu Á – Úc: Vị trí địa lý lý tưởng để trở thành trạm trung chuyển golf cho khách từ cả Đông Á và châu Đại Dương.
  • Golf + MICE: Kết hợp tổ chức giải golf cùng các hội nghị, sự kiện doanh nghiệp, team building hay chương trình khen thưởng trong các khu nghỉ tích hợp như Đà Nẵng, Nha Trang hay Hồ Tràm.

Diu_do_4.jpg (591 KB)

“Visit Golf Vietnam” là một sáng kiến đầy tham vọng. Bà có thể chia sẻ về khoảnh khắc hình thành ý tưởng này?

"Visit Golf Vietnam" (VGV) ra đời từ một câu hỏi cốt lõi: "Tại sao một quốc gia như Việt Nam – có tài nguyên golf tuyệt vời và cảnh quan thiên nhiên đa dạng – lại chưa được nhận diện đúng mức trên bản đồ golf thế giới?"

Từ nhận thức đó, JG Golf Vietnam khởi xướng VGV – một sáng kiến inbound chiến lược nhằm đưa du lịch golf Việt Nam lên tầm cao mới. Với sự bảo trợ của Hiệp Hội Du Lịch Golf Việt Nam, JG Golf xây dựng đây không chỉ là một chuỗi sự kiện, mà là một chương trình tổng thể được xây dựng bài bản với ba trụ cột: golf đỉnh cao, trải nghiệm nghỉ dưỡng – văn hóa sâu sắc, và tiếp thị quốc tế chuyên nghiệp.

Nếu được trình bày “Visit Golf Vietnam” như một bản đồ hành trình, bà sẽ dẫn người đọc đi qua những chặng nào?

Hành trình VGV từ 2025–2027 sẽ bao gồm 9 điểm đến trải dài từ Bắc tới Nam, đại diện cho từng vùng golf trọng điểm và đặc trưng văn hóa của Việt Nam. Mỗi điểm sẽ tổ chức một sự kiện cách nhau 3–4 tháng, tạo nên vòng tròn trải nghiệm suốt năm:

  1. Hải Phòng – Khởi đầu hành trình, thành phố biển với kiến trúc Pháp và hệ sinh thái đảo.
  2. Hà Nội – Thủ đô lịch sử, nơi golf tinh hoa gặp gỡ văn hóa ngàn năm.
  3. Hạ Long – Di sản thiên nhiên thế giới với khung cảnh độc đáo cho golf ven biển.
  4. Đà Nẵng – Trung tâm golf miền Trung với các sân đạt giải quốc tế, bên cạnh bãi biển tuyệt đẹp.
  5. Hội An – Thành phố cổ UNESCO, nơi golf và ẩm thực giao thoa.
  6. Nha Trang – Điểm đến sôi động với sân golf hướng biển và đời sống đêm náo nhiệt.
  7. Đà Lạt – Cao nguyên mộng mơ, khí hậu mát mẻ quanh năm, thích hợp nghỉ dưỡng và chơi golf.
  8. Hồ Chí Minh – Đô thị hiện đại, sôi động, trung tâm thương mại và golf công nghệ cao.
  9. Phú Quốc – Hòn đảo thiên đường, nơi hội tụ giữa nghỉ dưỡng hạng sang và sân golf bên bờ biển.

Diu_do_3.jpg (577 KB)

Bên cạnh yếu tố thể thao, bà kỳ vọng chuỗi sự kiện này sẽ tạo ra hiệu ứng lan tỏa gì cho ngành du lịch Việt Nam nói chung?

Du lịch golf không chỉ là một phân khúc ngách, mà là động lực thúc đẩy ngành du lịch chất lượng cao và phát triển kinh tế địa phương. Tác động của VGV có thể lan tỏa trên nhiều phương diện:

  • Thúc đẩy đầu tư vào cơ sở hạ tầng du lịch cao cấp: sân golf, resort 5 sao, dịch vụ vận chuyển cao cấp.
  • Tạo việc làm cho các ngành liên quan: hướng dẫn viên, caddie, nhân viên lễ tân, quản lý sân cỏ…
  • Phát triển du lịch nội địa cao cấp với các gói “Stay & Play”, khuyến khích người Việt khám phá đất nước qua golf.
  • Quảng bá văn hóa và hình ảnh quốc gia thông qua sự kiện, truyền thông quốc tế và trải nghiệm trực tiếp của khách du lịch.
  • Góp phần phát triển vùng sâu vùng xa – nơi có sân golf được đầu tư – tạo động lực tăng trưởng bền vững và thu hút FDI.

Nếu được "vẽ" một sân golf lý tưởng cho inbound tour, những yếu tố nào không thể thiếu?

  1. Cảnh quan biểu tượng: Sân golf phải được đặt tại vị trí có giá trị biểu tượng – gần di tích lịch sử, thiên nhiên hùng vĩ hoặc điểm nhìn độc đáo – tạo nên trải nghiệm không thể lặp lại ở nơi khác.
  2. Thiết kế đa năng: Layout cần thân thiện với người mới nhưng vẫn mang tính thử thách cho golfer chuyên nghiệp. Sự cân bằng này giúp mở rộng tệp khách và duy trì chất lượng thi đấu.
  3. Hệ sinh thái dịch vụ tích hợp: Golf không đứng một mình. Sân cần kết nối với resort cao cấp, spa, nhà hàng, khu mua sắm và mạng lưới giao thông thuận tiện để tối ưu trải nghiệm khách hàng.

80d47275d7eb63b53afa.jpg (509 KB)

Ở cương vị người kết nối chiến lược tại VTGA, tầm nhìn của bà cho golf Việt Nam đến năm 2030 là gì?

Tôi hình dung đến năm 2030, Việt Nam không chỉ là một điểm đến chơi golf, mà sẽ là một điểm đến phong cách sống nơi khách có thể kết hợp golf, khám phá di sản, nghỉ dưỡng cao cấp, chăm sóc sức khỏe và tận hưởng văn hóa bản địa. Việt Nam sẽ nằm trong top những điểm đến yêu thích của cộng đồng golfer quốc tế – không chỉ vì sân golf đẹp, mà vì trải nghiệm toàn diện: đẳng cấp – bản sắc – chân thành.

Nếu chỉ có 10 giây để mời một golfer quốc tế đến Việt Nam, bà sẽ dùng 3 từ khoá nào để mô tả Việt Nam với họ?

An toàn – Hùng vĩ – Khó quên
(Safe – Stunning – Unforgettable)

Việt Nam là nơi bạn có thể chơi golf giữa thiên nhiên tráng lệ, đón nhận sự hiếu khách chân thành, và mang về những ký ức không thể tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới.

Profile

Mrs. Isabelle Dịu Đỗ

  • Chức vụ: Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Golf Việt Nam (VTGA)
  • Vai trò: Người khởi xướng “Visit Golf Vietnam”
  • Handicap: 20
  • Kinh nghiệm: 20 năm trong ngành golf
  • Sở thích: Du lịch, thể thao
  • Tuyên ngôn cá nhân: “Golf để lắng nghe bản thân, du lịch để thấu hiểu thế giới.”
  • Mô tả Việt Nam trong mắt du khách: An toàn – Hùng vĩ – Khó quên
0 lượt thích 315 lượt xem

Tin bài khác