Hành trình golf Việt vươn ra biển lớn
Tin bài liên quan
Ông Bạch Cường Khang đang đảm nhiệm nhiều vai trò quan trọng tại Hiệp hội Golf Việt Nam (VGA). Vị Phó Tổng thư ký này chính là người đứng đầu Hội đồng Trọng tài Quốc gia cũng như chương trình phát triển golf trẻ, đồng thời cũng là một thành viên cốt cán trong ban huấn luyện của Đội tuyển Quốc gia.
Không "tham lam", nhưng ông vẫn khao khát có thêm hai chiếc mũ nữa trong tủ sưu tập - một chiếc có logo The Masters và chiếc còn lại có logo The Open. Và ông muốn mua chúng khi đồng hành cùng với người chơi đầu tiên của Việt Nam tham gia hai giải nhà nghề này.
"Đó không chỉ là giấc mơ của riêng tôi, mà còn là của Hiệp hội Golf Việt Nam. Tôi muốn treo hai bức ảnh trên tường làm việc ở văn phòng của mình... một bức ảnh chụp một người chơi Việt Nam đang thực hiện cú đánh tại Augusta National Golf Club trong giải The Masters, và bức còn lại là đại diện quốc gia của chúng tôi đang thi đấu ở một trong những sân golf links đẳng cấp nhất thế giới tại giải Open Championship”, Chủ tịch Hội đồng Trọng tài Quốc gia tiết lộ.
Tình cờ biết tới golf từ năm 2010, nhưng 3 năm sau ông Bạch Cường Khang mới bắt đầu chơi và thực sự nghiêm túc với bộ môn, vì nhận ra rằng môn thể thao này giúp mở rộng các mối quan hệ, phát triển tiềm năng kinh doanh. Rồi càng chơi golf, ông lại càng bị cuốn hút đến mức bỏ cả công việc kinh doanh lúc bấy giờ để chuyển sang một lĩnh vực hoàn toàn mới. Sau 11 năm, ông Bạch Cường Khang từ một người “mới vào nghề” giờ đây đã trở thành tiếng nói quan trọng của nền công nghiệp golf quốc gia, và chắc chắn ai cũng sẽ nhận thấy niềm tự hào trên khuôn mặt ông nếu có dịp ngồi cùng nghe ông nói về sự phát triển của golf tại Việt Nam.
“Tôi sẽ kể cho mọi người nghe một câu chuyện vừa buồn vừa cười. Năm 2019, tôi đưa Đội tuyển Quốc gia đến Đại hội thể thao Đông Nam Á [SEA Games], và tôi cảm thấy rất tệ vì các tuyển thủ của chúng tôi là những người duy nhất không có đồng phục cũng như những bộ trang thiết bị thi đấu chất lượng. Đó là những ngày mà chúng tôi luôn dẫn đầu… nếu tính từ dưới lên”, ông Bạch Cường Khang kể lại.
“Chúng tôi đã trở lại và thực hiện được lời hứa phải thay đổi. Và đó là khoảnh khắc vô cùng tự hào đối với tất cả chúng tôi khi tại Đại hội thể thao Đông Nam Á năm ngoái ở Campuchia, Lê Khánh Hưng đã giành huy chương Vàng cá nhân, đội tuyển Việt Nam giành huy chương Bạc ở đồng đội và Nguyễn Anh Minh giành huy chương Đồng cá nhân.”
Mọi quốc gia đều cần thời gian để phát triển bất kỳ môn thể thao nào, nhưng sự chuyển mình của môn thể thao golf ở Việt Nam diễn ra rất nhanh chóng - kết quả tại SEA Games chính là dẫn chứng cụ thể nhất cho bước tiến thần tốc này.
Đương nhiên, vẫn còn đó rất nhiều bằng chứng cho sự tiến bộ của golf Việt Nam trong những năm gần đây.
Cho đến giữa năm 2022, chúng ta không có một người chơi nào được xếp hạng trong Top 1000 của Bảng xếp hạng Golf nghiệp dư thế giới (WAGR). Nhưng điều đó đã thay đổi khi Nguyễn Anh Minh trở thành gương mặt đầu tiên của nước nhà lọt vào Top 1000 trên WAGR vào tháng 6 năm 2022 sau loạt danh hiệu và thành tích ấn tượng, bao gồm cả hạng 6 SEA Games 31.
Trong khoảng thời gian ngắn ngủi hai năm, Việt Nam hiện có sáu người chơi trong Top 1000, dẫn đầu là Anh Minh, golfer 17 tuổi, xếp ở vị trí thứ 84. Lê Khánh Hưng, 16 tuổi, được xếp hạng 191. Cả hai cũng đã được ghi danh vào đội tuyển International Junior Presidents Cup năm nay và sẽ đại diện cho Việt Nam bên cạnh Nguyễn Đức Sơn thi đấu tại Giải Nghiệp dư châu Á - Thái Bình Dương (Asia-Pacific Amateur). Cùng tuổi với Nguyễn Anh Minh, Đức Sơn với biệt danh “Sư tử núi” đã chứng minh được tài năng và thực lực của bản thân khi giành chiến thắng Faldo Series Asia Grand Final vào tháng 4 năm nay, đánh bại ngôi sao đang lên của Nhật Bản Masato Sumiuchi trong trận play-off.
“Đó chưa phải tất cả. Quan trọng hơn là Việt Nam có đã có thêm lứa tuyển thủ trẻ mới. Năm 2022, số lượng golfer trẻ chỉ đếm trên đầu ngón tay”, ông Bạch Cường Khang chia sẻ.
“Hiện tại, Việt Nam có 56 tuyển thủ ghi danh VGA ở lứa tuổi U9; 16 tuyển thủ lứa U11 Nữ, 69 tuyển thủ lứa U11 Nam, 24 tuyển thủ lứa U13 Nữ, 78 tuyển thủ lứa U13 Nam; tổng cộng 56 VĐV U15, 31 VĐV U18 Nữ và 69 VĐV U18 Nam. Như vậy, có gần 400 cầu thủ trẻ hiện đang chơi golf trong nước.”
Một điều nữa là số lượng sân golf trong nước đã tăng đáng kể. Trong hai năm qua, gần 30 sân golf mới đã được xây dựng, nâng tổng số sân golf lên 80. Ông Bạch Cường Khang tin rằng con số đó sẽ tăng lên 150 trong ba hoặc bốn năm tới vì nhiều sân đang trong giai đoạn lên kế hoạch và triển khai xây dựng.
Ngọn lửa golf ở Việt Nam đã cháy rực rỡ hơn bao giờ hết sau những chiến tích vang dội của đội tuyển quốc gia tại SEA Games, và bức tranh đưa lá cờ Việt bay cao trên đấu trường golf quốc tế đã tươi sáng hơn khi Anh Minh về đích ở vị trí T-7 Giải vô địch nghiệp dư châu Á - Thái Bình Dương tại Royal Melbourne GC vào tháng Mười năm ngoái, và Khánh Hưng về đích trong hạng 25 - hai kết quả tốt nhất từ trước đến nay của đại diện Việt Nam tại giải.
“SEA Games có ý nghĩa rất lớn đối với chúng tôi. Việt Nam không phải là quốc gia thiên về thể thao, vì vậy chúng tôi không giỏi hầu hết các môn thể thao. Và rồi điều này xảy ra ở Campuchia. Tôi nghĩ sự quan tâm bắt đầu tăng lên vì người Việt Nam chưa bao giờ tưởng tượng rằng bản thân có thể giỏi đến vậy ở một môn thể thao được chơi ở tầm quốc tế”, ông Bạch Cường Khang chia sẻ với phóng viên Joy Chakravarty.
“Và rồi chúng tôi đã làm rất tốt ở Melbourne và tạo nên nhiều dấu ấn hơn nữa. Hai giải đấu đó đã thay đổi cách mọi người nhìn nhận về môn golf”.
Ông cũng cho biết một yếu tố quan trọng quyết định thành công của Hiệp hội Golf Việt Nam chính là công tác tư tưởng gia đình và luôn sát cánh, đồng hành cùng gia đình có con trẻ đam mê golf.
“Giống như nhiều quốc gia khác, người Việt Nam cũng coi golf là môn thể thao dành cho giới thượng lưu. Chúng tôi phải nói với các gia đình rằng con cái họ có thể chơi môn thể thao này. Thành công của chúng tôi ở cấp độ khu vực và châu Á đã cho họ thấy rằng đây là một môn thể thao mà chúng tôi có cơ hội cạnh tranh với các nước phương Tây”, ông nhấn mạnh.
Ông Bạch Cường Khang giữ quan điểm rất tích cực về cơ hội của Việt Nam tại AAC năm nay được tổ chức tại Nhật Bản từ ngày 3 đến ngày 6 tháng 10.
“Tôi không biết được liệu chúng tôi có thể vô địch giải đấu năm nay không. Điều đó quá tuyệt vời, nhưng mục tiêu mà chúng tôi đặt ra tại giải năm nay thực tế hơn, đó là có ít nhất hai VĐV quốc gia lọt top 15. Tại một giải đấu tầm cỡ như thế này, kết quả như vậy cũng chính là điều đáng khích lệ để chúng tôi tiếp tục nỗ lực những gì đang làm”, ông tiết lộ về kỳ vọng của đoàn Việt Nam tại AAC 2024.
“Giờ đây, chúng tôi đã bắt đầu mơ đến một ngày nào đó Việt Nam có đại diện vô địch AAC. Và điều đó rất quan trọng, bởi vì dám ôm những ước mơ to lớn chính là bước đầu tiên trong hành trình biến nó thành hiện thực.”