Chuyển tới nội dung

Dalat Golf Club: “Linh hồn” của cao nguyên Lang Biang

Câu chuyện về Dalat Golf Club như một cuốn phim tua chậm, ghi lại lịch sử của một thành phố, gắn liền với những thăng trầm và biến động của Việt Nam từ thời vua Bảo Đại.

Sân golf “trăm tuổi” ở Đà Lạt 

Những ai đã từng tới Đà Lạt chơi golf, khó có thể hình dung một ngày nào đó nơi đây không còn Dalat Golf Club nữa, bởi sân golf không chỉ được ví như trái tim, lá phổi của thành phố cao nguyên xinh đẹp này mà nó còn ẩn chứa trong mình hơi thở của thành phố và những dấu ấn lịch sử vô cùng giá trị.  

Được mệnh danh là “quê hương của golf Việt”, Da Lat Golf Club là sân golf lâu đời nhất trên đất nước hình chữ S. Sân có lịch sử đầy màu sắc có thể nhìn thấy và cảm nhận qua từng hố golf tuyệt đẹp. Dalat Golf Club giống như một cuốn phim ghi lại lịch sử của đất nước bởi sự ra đời, tồn tại và phát triển của sân gắn liền với những thăng trầm của Việt Nam từ thời vua Bảo Đại – vị vua cuối cùng của nước Nam. 

Sân được xây dựng từ năm 1930 sau khi vua Bảo Đại lên ngôi, nhưng ít ai biết rằng, ý tưởng và thiết kế của sân đã nằm trong quy hoạch xây dựng thành phố Đà Lạt của người Pháp từ trước đó gần chục năm.  

Năm 1893, bác sĩ người châu Âu Alexandre Yersin đã khám phá ra vùng đất Đà Lạt. Chính ông là người đã đưa ra ý tưởng xây dựng thành phố này khi Paul Doumer, toàn quyền Đông Dương thuộc Pháp thời bấy giờ, đang tìm kiếm một vùng đất có địa thế cao để xây dựng khu nghỉ mát cho người da trắng ở Đông Dương. Đà Lạt được xây dựng vào năm 1912 và nhanh chóng trở thành nơi nghỉ dưỡng yêu thích của người dân châu Âu, đặc biệt là các quan chức Pháp. Người Pháp đã quy hoạch cho thành phố này những biệt thự cổ kính và các con phố đẹp. Có thời điểm trong thời Pháp thuộc, khoảng 20% dân số Đà Lạt là người nước ngoài, bằng chứng là có khoảng 2500 biệt thự kiểu lâu đài nằm rải rác quanh thành phố. 

Năm 1923, trong đồ án quy hoạch thành phố đầu tiên của kiến trúc sư E. Hébrard, một sân golf cùng với một đấu trường thể thao đã được lên thiết kế nằm đối diện với hồ nhân tạo (hồ Xuân Hương). Và đó chính là những dấu ấn đầu tiên về sự ra đời của sân golf Đồi Cù – sân Dalat Golf Club hiện giờ. Vậy là tính ra, sân golf này đã hiện diện trên bản đồ Đà Lạt được tròn 100 năm, tính từ khi được lên thiết kế. 

Không ai biết Đồi Cù có tên từ bao giờ và ý nghĩa nguyên thủy của tên gọi nghĩa là gì. Có người nói rằng những ngọn đồi ở đây nhấp nhô như lưng những con cừu khổng lồ khi nhìn từ xa nên người dân địa phương gọi là “đồi Cù” (phát âm gần với từ “cừu” trong tiếng Việt). “Cù” cũng là tên tiếng Việt của “golf”, đồi Cù là nơi chơi golf, một môn thể thao quý tộc mà người Việt gọi là “chơi cù”. 

Sân golf của vị vua nước Nam cuối cùng 

Năm 1926, Bảo Đại trở thành hoàng đế của nhà Nguyễn. Và Đà Lạt có lẽ là địa điểm quan trọng nhất đối với vị vua này sau Hoàng thành Huế, bởi đây chính là nơi ông gặp gỡ và có chuyện tình say đắm với Hoàng hậu Nam Phương, cũng chính là nơi để ông thỏa đam mê chơi golf. Vua Bảo Đại có một số cung điện mùa hè ở đây, bây giờ được gọi là Cung điện I, II và III. 

Đà Lạt là nơi Vua Bảo Đại gặp gỡ và có chuyện tình say đắm với Hoàng hậu Nam Phương

Sau khi trở về từ Pháp - nơi ông đã khám phá ra môn thể thao golf ở Normandy và vùng ngoại ô sang trọng Senlis-Chantilly của Paris, thì đến đầu những năm 1930, vua Bảo Đại đã quyết định xây dựng sân golf của riêng mình ở Đà Lạt, vì nó đã được đánh dấu trong quy hoạch thành phố từ năm 1923. Từ đây, sân golf Đồi Cù chính thức ra đời. Thời điểm đó, sân chỉ có 6 lỗ và một nhà câu lạc bộ nhỏ. Ngày nay, sân cổ này đã được cải tạo lớn và bạn vẫn có thể trải nghiệm nó ở Dalat Golf Club. 

Việc vua Bảo Đại mê đánh golf đã được chính nhà vua khẳng định trong cuốn hồi ký “Con rồng An Nam”, được xuất bản bằng tiếng Pháp tại Pháp năm 1980. Nhà vua viết: “Tùy từng mùa, tôi cũng chơi golf. Cạnh kinh thành Huế, giữa những đồi cỏ êm đềm, tôi cho lập một sân golf, không khác gì các sân golf trứ danh ở châu Âu, để thường xuyên tập dượt”. Bên cạnh đó, vua Bảo Đại cũng có nhiều thú chơi thể thao khác như quần vợt, lướt ván, đua thuyền, lái ô tô tốc độ, thậm chí cả lái máy bay thể thao… 

Trên báo Trong Khuê Phòng số tháng 3/1936, tác giả ký tên A.M (bút danh của nhà báo Nguyễn Tiến Lãng, nguyên bí thư của Toàn quyền Đông Dương Eugène Jean Louis René Robin và đến năm 1936 là bí thư của Hoàng hậu Nam Phương) đã viết: “Về môn thể thao này, Ngài là một tay kiện tướng. Lúc ở Pháp, khi nghỉ mát tại tỉnh Vichy, Ngài hay đánh chơi với những tay thiện nghệ bên ấy”. 

Bài báo “Đức Bảo Đại với đại biểu thể thao” đăng trên Hà Thành Ngọ báo số 2295, ra ngày 21/4/1935, cũng mở đầu rằng: “Đức Bảo Đại chẳng những chỉ bắn tài, mà chơi golf cũng giỏi.” 

30 năm thăng trầm cùng lịch sử chiến tranh Việt Nam 

Khi Hoàng đế Bảo Đại thoái vị vào năm 1945, sân golf Đồi Cù bị bỏ hoang, các fairway và green bị “xóa sạch” bởi thảm thực vật. Cho đến tận 15 năm sau, một bác sĩ tên Đào Huy Hách từ Hà Nội vào định cư tại Đà Lạt. Ông từng chơi golf ở Sài Gòn nên khi đến đây, ông nhận ra điều mà các golfer “hoàng gia” đã biết từ mấy chục năm nay rằng: khí hậu mát mẻ của Đà Lạt rất lý tưởng để chơi golf. Ông Hách đã kêu gọi một số nhà tài trợ xây dựng lại sân, mỗi nhà tài trợ một hố. Cuối cùng, sân được xây dựng lại có 8 hố với hai tee-box khác nhau ở hố số 8 do ông chỉ tìm được 8 nhà tài trợ. 

Hình ảnh Nhà CLB sân golf Đà Lạt những năm 1950-60

Khi cải tạo sân, tiến sĩ Hách từng chia sẻ rằng: “Phần khó nhất là làm sao nhìn ra được các green, bởi chúng đã bị bao phủ bởi thảm thực vật. Chúng tôi phải sử dụng ảnh chụp từ trên không của Viện Địa lý Quốc gia. Sử dụng máy cắt bằng tay để tái tạo lại các fairway.” Hố đầu tiên được khôi phục vào năm 1959, toàn bộ 9 hố được hoàn thành vào năm 1965. 

Bản đồ Dalat Golf Course năm 1960

Sân golf Đồi Cù bắt đầu trở nên nổi tiếng khi Billy Casper, một trong những nhà vô địch nhiều giải PGA Tour nhất lịch sử, đến cổ vũ quân đội Mỹ chơi golf ở đây. Sân có khoảng 40 thành viên trong suốt những năm 1960, hầu hết là nhân viên đại sứ quán và các công ty xây dựng nước ngoài trong khu vực.  

Tuy nhiên, đến năm 1975 sau khi chiến tranh Đông Dương kéo dài 30 năm kết thúc, Việt Nam hoàn toàn thống nhất đất nước, sân golf lại bị bỏ hoang lần thứ hai và tưởng chừng bị chìm trong quên lãng ở xứ sở sương mù. 

Tỷ phú Larry Hillblom và sự hồi sinh của sân golf 

Sau năm 1975, hoạt động chơi golf tại Đồi Cù biến mất, khu vực này trở thành địa điểm lý tưởng để người dân địa phương và du khách tổ chức cắm trại, dã ngoại cũng như là điểm hẹn lãng mạn của các cặp đôi trẻ. 

Mãi cho đến năm 1993, một tỷ phú tên Larry Hillblom, người đồng sáng lập Danao International Holdings Limited (DHL) – một công ty chuyển phát nhanh nổi tiếng thế giới với khối tài sản gần 6 tỷ đô, đã thực hiện một cuộc cải tạo lớn cho 9 hố đầu tiên của sân Đồi Cù một lần nữa. Không chỉ vậy, ông còn biến nó trở thành một sân 18 hố đầy đủ mà ngày nay đã trở thành một trong những sân golf hàng đầu châu Á. Sân được đặt tên là Dalat Pine Lake Golf Club vào năm 1993, sau đó đổi tên Dalat Golf Club vào năm 1995.  

Với niềm đam mê golf và quá say đắm vùng đất Đà Lạt, vị tỷ phú này được cho là đã chi 40 triệu USD để trùng tu khách sạn Dalat Palace và sân golf Đồi Cù. Không chỉ vậy, các khoản đầu tư khác của ông tại Việt Nam có thể kể đến khách sạn Novotel Đà Lạt, Novotel Phan Thiết, sân golf Ocean Dunes nổi tiếng châu Á và căn hộ ven sông bên ngoài TP. Hồ Chí Minh.  

Tỉ phú Larry Hillblom là người đã làm hồi sinh lại sân golf Dalat Golf Club. 

Larry Hillblom, sinh năm 1943 và tử nạn năm 1995 vì một tan nạn máy bay, từng là một lãng tử phiêu lưu lừng danh ở nước Mỹ. Ông giàu có, tài hoa, đa tình nhưng bạc mệnh. Là người giàu năng lượng, thông minh, Hillblom có máu say mê golf và các trò chơi mạo hiểm, đặc biệt là các loại máy bay du lịch. Ông đặc biệt yêu thích một chiếc thủy phi cơ kiểu Catalina và đặt tên là “con ong biển”. Chính chiếc thủy phi cơ này đã vùi ông xuống vùng biển Anatahan vào ngày 21/5/1995, khi ông trên đường từ Saipan đến đảo Pagan để xem… núi lửa phun. Tìm kiếm suốt một tuần lễ nhưng không thấy xác, tỷ phú Hillblom mãi mãi biến mất để lại khối tài sản khổng lồ gần 1 tỷ đô la Mỹ, cùng với đó là cuộc tranh chấp pháp lý kéo dài cả chục năm sau mới có cơ hội khép lại. Trong đó phải kể đến việc có hơn 10 cháu bé trên khắp thế giớinhận là con rơi của ông đứng ra tranh chấp tài sản.  

Điều đáng nói là cho đến cuối cùng, dù đã mất nhưng cái duyên nợ của Larry Hillblom với Việt Nam vẫn còn khi 1 trong 4 người con rơi của ông là một cậu bé người Việt tên Nguyễn Bé Lory - là kết quả của mối tình chớp nhoáng giữa cô hầu phòng Nguyễn Bé của khách sạn Vĩnh Thụy (nay là Novotel Phan Thiết) với ngài tỷ phú. Cậu bé Việt bỗng dưng trở nên giàu có khi được nhận tiền thừa kế đến gần 100 triệu USD khi tròn 21 tuổi (năm 2015).   

100 năm lịch sử và những bước thăng trầm đầy kịch tính đã làm nên giá trị có một không hai cho Dalat Golf Club, để sân golf mãi chiếm trọn “trái tim” của người chơi khi tới thành phố này.

Lịch sử sân Dalat Golf Club 

  • 1923: Có tên trong thiết kế quy hoạch thành phố của kiến trúc sư E. Hébrard 
  • 1930: Chính thức được xây dựng bởi vua Bảo Đại (6 hố)  
  • 1945: Vua Bảo Đại thoái vị, sân bị bỏ hoang  
  • 1960: Được khôi phục lại bởi bác sĩ Nguyễn Huy Hách (8 hố)  
  • 1975: Bị bỏ hoang lần 2  
  • 1993 – nay: Được khôi phục và hoàn thiện 18 hố bởi tỷ phú Mỹ Larry Hillblom 
2 lượt thích1580 lượt xem

Tin bài khác