Cung – cầu golf ở Việt Nam: Bao giờ cân bằng?
Trong 10 nước Asean, giá thành chơi golf của Việt Nam tính trung bình thuộc loại cao nhất, hơn cả Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines và các nước còn lại. Trong khi đó, thu nhập bình quân đầu người theo danh nghĩa, Việt Nam chỉ đứng thứ 6 (10 755 usd/người), thấp hơn Singapore (95 603 usd/người) , Brunei (61 816 usd/người), Malaysia (27 287 usd/người), Thái Lan (18 073 usd/người) và Indonesia (12 921 usd/người). Như vậy, nếu tính theo giá thực tế trong khả năng thu nhập thì người chơi golf ở Việt Nam phải chịu đắt gấp 2 lần so với Thái Lan, và nhiều lần so với Singapore và Malaysia. Từ đó để thấy sự thua thiệt của “người tiêu dùng golf” ở Việt Nam. Và đây là rào cản số 1 làm chậm sự phát triển thể thao golf Việt Nam.
Trong các nước Asean, Thái Lan là quốc gia có nền thể thao golf phát triển nhất. Golf nữ Thái Lan thuộc nhóm đầu 5 các quốc gia mạnh nhất thế giới. Thái Lan có golf thủ nữ từng giữ vị trí số 1 thế giới, có hơn cả chục tay golf nữ chơi thường xuyên ở LPGA Tour, và gần chục tay golf nữ nằm trong nhóm đầu 200 bảng xếp hạng golf nữ thế giới. Golf Nam Thái Lan cũng thành công nhất Đông Nam Á với nhiều tay golf xuất sắc ở Asian Tour, được chơi ở cả DP World Tour và một số giải của PGA Tour. Thái Lan cũng là quốc gia có số lượng sân golf chiếm vị trí số 1 Đông Nam Á với khoảng 300 sân golf. Thể thao golf Việt Nam, muốn theo kịp Thái Lan, trong nhiều nhân tố có một nhân tố quan trọng là phải giảm giá thành chơi golf ở Việt Nam.
Muốn giảm giá thành chơi golf ở Việt Nam thì phải biết những thành tố nào hợp lại làm cho phí chơi golf cao để có giải pháp thích nghi tương ứng. Sau đây là một số thành tố chính đã “góp sức” đẩy phí chơi golf ở Việt Nam lên hàng cao bậc nhất Đông Nam Á.
Xây dựng và quản lý chưa hiệu quả
Khác với Trung Quốc và Hàn Quốc tự cung tự cấp hầu hết trong xây dựng sân golf, thì Việt Nam phải phụ thuộc phần lớn vào nước ngoài. Từ thiết kế sân golf cho đến các vật tư thiết bị sân golf đều hoàn toàn của nước ngoài. Điều này đẩy giá thành xây dựng, vận hành và bảo dưỡng sân golf lên cao. Thêm vào đó là ứng dụng tiến bộ công nghệ không ở mức hàng đầu, nên chi phí vận hành sân golf cao, năng suất lao động thấp. Ở các nước Úc, hay Âu Mỹ, số lượng người tham gia vận hành một sân golf rất ít, trong khi ở Việt Nam, từ lễ tân cho đến bảo dưỡng sân golf có số lượng nhân viên rất nhiều. Đó là chưa nói đến bộ phận caddie hàng trăm người. Tất cả gộp lại đưa đến hiệu quả lao động kém, dẫn đến tình thế khiến nhà đầu tư đẩy phí chơi golf lên cao để đảm bảo lợi nhuận định mức như mong muốn.
Chính sách thuế
Chính sách thuế giữ vai trò điều tiết quan trọng trong thúc đẩy hay kìm hãm sự phát triển của một ngành kinh tế. Ưu đãi về thuế sẽ khuyến khích phát triển. Thuế cao sẽ hạn chế phát triển. Thuế tiêu thụ đặc biệt đang áp dụng cho golf là không hợp lý. Phải nhìn nhận kinh doanh golf cũng giống như kinh doanh khách sạn nghỉ dưỡng, chưa nói đến golf là một môn thể thao. Thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng lên thể thao golf sẽ làm cho thể thao golf chậm phát triển, khiến du lịch golf trong nước và quốc tế khó tăng trưởng. Cần phải huỷ bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với golf.
Tương quan cung cầu
Cung nhiều hơn cầu thì giá giảm. Cầu nhiều hơn cung thì giá tăng. Số lượng sân golf tăng nhiều sẽ giúp giá thành chơi golf giảm xuống. Hiện nay Việt Nam có 80 sân golf đã đưa vào hoạt động. Số lượng này không đáp ứng đủ nhu cầu cho quốc gia có dân số 100 triệu người với mức thu nhập tăng bình quân mỗi năm khoảng 5%. Mặc dù hiện nay, nhiều dự án về golf đang được lên kế hoach, và có số liệu đã nói đến con số trên 300 sân golf. Nhưng xét về thực tế, trong vòng 21 năm nữa (1945), dự báo chỉ khoảng 200 sân golf sẽ được đưa vào hoạt động ở Việt Nam. Con số 200 sân golf vào năm 2045 sẽ không đáp ứng đu cho nhu cầu 120 triệu dân với mức thu nhập bình quân đầu người có thể tăng gấp 3 lần hiện nay.
Muốn có một dự báo lạc quan hơn cho golf, nhưng rất khó. Ví dụ, muốn năm 2055 sẽ có 300 sân golf được đưa vào hoạt động ở Việt Nam thì từ nay cho đến năm 2045, bình quân mỗi năm phải có thêm 10 sân golf được đưa vào hoạt động. Nhưng đây là điều khó trở thành hiện thực!
Phân tích ở trên cho thấy, cho đến năm 2045, tương quan cung cầu về golf ở Việt Nam không đổi. Cung thấp hơn cầu. Và giá chơi golf sẽ không giảm nếu không có những biện pháp thích hợp.
Độc quyền
Cung thấp hơn cầu là điều kiện thuận lợi để duy trì sự độc quyền về nâng giá chơi golf. Không có thoả thuận nào được công khai, ngoại trừ một vài sân golf ở vị trí chưa thuận lợi phải áp dụng chính sách ưu đãi, còn đại đa số các sân golf đều “đồng lòng” giữ mức giá chơi golf ở xu hướng tăng mà không hề giảm. Sự độc quyền ngầm không chỉ cho phép giữ và tăng giá chơi golf, mà còn tiêu cực hơn khi một số sân golf tự đưa các quy định riêng tuỳ tiện, cửa quyền. Chẳng hạn như mức phạt khi người chơi golf và người phục vụ trên sân golf làm hư hại thiết bị của sân golf hay vi phạm quy định nội bộ riêng của sân golf. Những quy định này nhiều khi khác biệt với chuẩn mực của hoạt động golf trong nước và quốc tế.
Đến năm 2045 cung không đủ cầu, không có lẽ giá chơi golf ở Việt Nam chỉ có tăng mà không có giảm. Không có lẽ sự độc quyền trong golf duy trì bền vững trong 2 thập niên nữa?
Cung không đủ cầu làm giá tăng là quy luật thị trường. Không thể can thiệp vào quy luật thị trường trong thời gian dài được; càng không thể bao cấp để giảm giá. Vậy giải pháp nằm ở đâu?
Cung không đủ cầu thì giá tăng là đúng theo quy luật thị trường. Nhưng giá golf ở Việt Nam cao không chỉ do cung ít hơn cầu, mà còn do sự độc quyền đã ngầm vận dụng để duy trì sự phi lý giữa thu nhập và chi tiêu. Thu nhập ở Việt Nam thấp. Phí chơi golf ở Việt Nam lại cao. Đây chính sự phi lý giữa thu nhập và tiêu dùng golf ở Việt Nam. Muốn giảm giá golf ở Việt Nam, cần phá vỡ sự độc quyền ngầm, mà quan trọng hơn nữa là phá vỡ sự phi lý giữa thu nhập và tiêu dùng golf.
Để phá vỡ sự phi lý giữa thu nhập và tiêu dùng golf thì trước hết là phải tăng thu nhập và song song là phải giảm giá tiêu dùng golf. Tăng thu nhập cần nhiều năm theo sự tăng trưởng của nền kinh tế. Giảm giá tiêu dùng golf, thì phải giảm ở các mục 1-3 nêu trên. Nhưng vẫn chưa đủ, mà phải có Luật chống độc quyền.
Luật chống độc quyền ở Việt Nam, có thể nhìn lấy, nhiều năm nữa chưa được đưa vào thực tiễn. Không có lẽ vẫn phải bó tay ngồi nhìn giá tiêu dùng golf tăng cao? Không. Các nước đi trước đã có giải pháp. Vấn đề là vận dụng các giải pháp đó ở Việt Nam chậm đến mức độ nào thôi.
Việt Nam cần có nhiều sân golf công cộng. Công cộng đúng theo nghĩa của nó - ở đó người chơi golf chỉ phải trả phí “green fee” mà không phải trả “caddie fee”. Nghĩa là người chơi golf không cần caddie, tự vác hoặc kéo túi gậy, hoặc sử dụng xe buggy.
Sân công cộng có mức quản lý, vận hành và bảo dưỡng thấp. Sân công cộng không cần caddie. Không chỉ giá tiêu dùng golf giảm xuống, mà sân công cộng mở ra cơ hội để hàng vạn, hàng triệu thiếu nhi học sinh của nhiều thế hệ được tiếp cận với golf. Đó là nơi gieo mầm và nuôi dưỡng hàng vạn thiếu niên đam mê golf để chắt lọc ra hàng trăm tài năng golf xuất chúng!
By Dr. Nguyễn Ngọc Chu