Chuyển tới nội dung

Câu chuyện nghề của các nhà vô địch giải Vietnam Caddies Championship  

Trở lại với công việc caddie bận rộn, mãi đến bây giờ, 3 nhà vô địch của giải Vietnam Caddie Championship miền Bắc – Trung – Nam mới có những phút trải lòng cùng VGL về tình yêu golf và sự gắn bó với nghề.

Dương Quốc Việt – Ước mơ được chắp cánh

  • Sinh năm: 1988
  • Sân golf: Hoàng Gia (Ninh Bình)
  • Số năm làm nghề: 10
  • Handicap: 3.7
  • Số lần tham gia Vietnam Caddies Championship: 3/5
  • Vô địch Vietnam Caddies Championship khu vực miền Bắc (2023); giải Nearest to the Pin (2022)

Học trường Cao đẳng Hóa chất ra, trong lúc chờ việc, Việt xin làm ở sân golf gần nhà. Không ngờ vào sân thích quá lại theo nghề luôn. Là người trong cuộc, Việt thấm thía caddie là nghề “vô cùng khó khăn, mệt nhọc”. Ban đầu đây thuần túy chỉ là một nghề mang lại thu nhập, trang trải cuộc sống. Cho tới khi “bập” vào golf - mà như Việt thổ lộ: “Nói thẳng ra là tôi ‘nghiện’ golf”, thì tình yêu nghề trong anh nhen nhóm và lớn dần cùng những háo hức học hỏi, khám phá. Nhìn lại hành trình đã qua, chứng kiến sự phát triển của golf trong những năm gần đây, Việt vững lòng: “Coi như mình đang đi đúng hướng”. 

Chia sẻ về giải thưởng nhận được trong mùa Vietnam Caddies Championship năm nay, Việt nói rất bất ngờ, dù bản thân nỗ lực, nhưng “nhiều người đánh hay lắm, không nghĩ mình được”. Bên cạnh trình độ, theo Việt, golf còn cần đến cả sự may mắn; chỉ cần thiếu chút may mắn, “trượt 1 quả hố cuối là tôi cũng chả có gì” – Việt chia sẻ. Quả vậy, 1% may mắn dù rất nhỏ nhưng sẽ làm nên những cú twist ngoạn mục, khiến cơn say chiến thắng trở nên ngất ngây hơn. “Nhận được giải và phần thưởng, tôi sướng đúng một tuần trời” – Việt kể lại mà vẫn không giấu được sự hân hoan trong giọng nói.

“Giải Vietnam Caddies Championship có tên ‘Chắp cánh ước mơ’ làm mình cũng có một ước mơ gì đấy”, Việt tâm sự về mục tiêu nghề nghiệp muốn làm caddie kiêm huấn luyện viên cho các vận động viên chuyên nghiệp trong tương lai. Suất học bổng đào tạo huấn luyện viên của Học viện 72+ vì thế càng có ý nghĩa hơn khi trao đúng tay người nhận, giúp những ước mơ được chắp cánh bay xa.

Phạm Hồng Quân – Thích làm caddie hơn kế toán

  • Sinh năm: 1992
  • Sân golf: FLC Quy Nhơn Golf Links
  • Số năm làm nghề: 7
  • Handicap: 6
  • Số lần tham gia Vietnam Caddies Championship: 1/5
  • Vô địch Vietnam Caddies Championship khu vực miền Trung năm 2023

“Nếu không làm caddie, có khi giờ này tôi đang là một kế toán bù đầu với những con số” – cựu sinh viên tài chính ngân hàng chia sẻ về lựa chọn nghề nghiệp của mình. Cho rằng lúc đầu do “dòng đời xô đẩy”, nhưng càng làm, Quân càng thấy đây là một lựa chọn phù hợp với mình. Anh thích làm nghề dịch vụ, và hơn thế, khi làm ở sân golf anh được học hỏi, thử sức ở nhiều vị trí (starter, marshall, caddie, nhân viên sân tập,…), môi trường mở, có thêm nhiều mối quan hệ.

“Tôi biết chơi golf, cầm gậy quơ quơ từ năm 2017, nhưng tập nhiều, chơi thật sự thì từ 2018-2019”, và Quân ham học tới nỗi “nhìn người ta swing nhiều mình bị nhiễm, ai hay mình bắt chước, cuối cùng mình như…nồi lẩu thập cẩm”. Cơ hội ra sân ít, nhưng tận dụng mỗi lần ra sân Quân đánh thật kỹ, nên chỉ trong 2 năm, handicap của anh đã xuống single và duy trì cho tới hiện tại. 

Lần đầu tham dự Vietnam Caddies Championship, Quân đã “rinh” ngay chức vô địch với số điểm khá ấn tượng 75 gậy trên sân golf links. Ở FLC Quy Nhơn Golf Links, đa số hội viên đều biết đến Quân. Sau khi đạt giải, “độ nổi tiếng” của Quân càng vang xa hơn. Trước mắt, Quân tạm mãn nguyện với cuộc sống hiện tại, khi sở thích và công việc song hành.       

Lê Hồng Phong – Nhà vô địch điềm tĩnh 

  • Sinh năm: 1991
  • Sân golf: Long Thành
  • Số năm làm nghề: 12
  • Handicap: 6
  • Số lần tham gia Vietnam Caddies Championship: 5/5
  • Vô địch Vietnam Caddies Championship khu vực miền Nam năm 2018, 2023

Tiếp xúc với Phong, có thể thấy anh là một người điềm đạm, kiệm lời. Phong tự nhận đây là nhược điểm của mình. Tuy nhiên, vào nghề golf, điểm yếu lại hóa điểm mạnh. Bởi khi trên sân, một caddie điềm tĩnh sẽ là người bạn đồng hành đáng tin cậy với golfer. Và khi cầm gậy đánh golf, điều đó càng là yếu tố quyết định cho những vòng chơi bất ngờ vào phút cuối, như Phong chia sẻ: “Nếu không may ở 1 hố, mình vẫn giữ bình tĩnh ở các hố khác, thì kết quả có thể không đến nỗi quá tệ, còn nếu nóng tính lên, buông xuôi là hỏng hết!”. 

Đó có lẽ cũng chính là bí quyết giúp Phong đạt Best Gross của Vietnam Caddies Championship khu vực miền Nam năm nay. Phong kể: “Trong game hôm đó, từ đầu cho tới hết hố 15, tôi đang có số điểm 5 gậy, các ‘single’ khác ‘bể’ hết rồi, cứ nghĩ mình không còn đối thủ. Sau kẹt đường, lên vòng trên, có 1 bạn đánh rất tốt, ngang gậy với tôi. Ở hố cuối, tôi đánh driver hư, bị ‘xịt’ line vào lùm cây, cứu không được, đánh triple 3 gậy,… Chỉ đến khi thông báo kết quả, tôi mới biết mình đã vô địch”. Kịch tính như vậy nên “không những nhớ mà ấn tượng luôn” là cảm xúc của Phong về mùa giải năm nay.

Tham gia Vietnam Caddies Championship cả 5 lần, không sót mùa giải nào, và đã 1 lần sang Thái du đấu, Phong chia sẻ: “Chỉ toàn kỷ niệm vui thôi!”. Nếu như ở mùa đầu tiên, Phong tự đăng ký và lên đường với suy nghĩ “tham gia cho vui”, rồi không ngờ mình đạt giải, thì năm nay, anh tham dự với tinh thần thi đấu quyết giành chức vô địch. Sự trưởng thành trong nghề nghiệp, cùng khả năng tiến bộ của Phong đã thể hiện rõ qua từng mùa giải.

Sự trùng lặp thú vị

Một cách tình cờ, khi được hỏi về những ngày đầu làm quen với golf, các nhân vật đều có những câu trả lời khá giống nhau. 

  • Sân tập đầu tiên: bờ ruộng, bãi đất hoang.
  • Người thầy đầu tiên: tự tập là chính; “học lỏm” từ khách chơi golf; anh em tự chỉ cho nhau, người biết nhiều chỉ người biết ít, người biết ít chỉ người không biết gì.
  • Bộ gậy golf đầu tiên: sắm từng cái một bằng cách xin/mua lại gậy cũ từ bạn bè, người quen; có khi phải mất 2-3 năm mới đủ 1 bộ.
1 lượt thích 2185 lượt xem

Tin bài khác