Chuyển tới nội dung

Bình chọn sân golf tốt nhất Việt Nam: hành trình xuyên Việt

Những nhận xét sắc sảo của David Townend, giám đốc Tập đoàn Troon Golf Asia, thành viên Ban giám khảo cuộc Bình chọn sân golf Tốt nhất Việt Nam 2010-2011 qua chuyến đi thị sát các sân golf tại Việt Nam vừa qua.

Tôi rất vui và có được vinh dự đặc biệt khi được Tạp Chí Golf Việt Nam mời tham gia là thành viên ban giám khảo cuộc Bình chọn Sân golf Tốt nhất. Cùng với Ban giám khảo gồm ông Đoàn Mạnh Giao, Chủ tịch Hiệp hội Golf Việt Nam, ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch Hội golf thành phố Hồ Chí Minh, ông Trần Chiến Thắng, Chủ tịch Hội golf Hà Nội và ông Nguyễn Ngọc Chu, Tổng thư ký Hiệp hội Golf Việt Nam, chúng tôi đã đến thăm, chơi thử và đưa ra đánh giá các sân golf trong cả nước.

Trước đây, tôi cũng từng có dịp chơi một vài sân golf ở Việt Nam nhưng đã khá lâu rồi. Do đó, đến Việt Nam lần này, tôi có cách nhìn và cảm nhận hoàn toàn mới mẻ, giống như một golfer lần đầu đến Việt Nam. Tôi được biết là lịch sử golf tại Việt Nam bắt đầu từ rất sớm, kể từ khi sân golf Đà Lạt được xây dựng thời Pháp năm 1922, nhưng môn chơi mới thật sự phát triển kể từ những năm 1990. 

Hiện nay, Việt Nam có 24 sân golf đã đi vào hoạt động và khoảng 10.000 người chơi - con số tương đối khiêm tốn so với các nước láng giềng. Thái Lan hiện có 190 sân golf và 600.000 người chơi, trong khi Malaysia có 200 sân với 320.000 người chơi, Phillipines có 70 sân với 150.000 người chơi và Indonesia có 130 sân với 150.000 người chơi. Môn thể thao này rõ ràng đang phát triển tại Việt Nam, tuy nhiên các con số thống kê trên đây cho thấy các sân golf tại Việt Nam cần phải thu hút một lượng lớn khách du lịch chơi golf từ nước ngoài để có thể hoạt động hiệu quả.

Tôi dám chắc rằng, Chính phủ Việt Nam đã đề ra một chính sách phát triển golf rõ ràng nhất trong số các quốc gia châu Á, khi công bố đến năm 2020 sẽ có 90 sân golf. Mặc dù con số này không phải là cao, những tôi e là vẫn hơi nhiều so với giai đoạn phát triển hiện nay của đất nước. Tôi cũng có phần hồ nghi về tính khả thi của kế hoạch này vì chi phí cho những dự án này rất cao trong bối cảnh thiếu vốn đầu tư trong và ngoài nước như hiện nay. Để có thể thực hiện được kế hoạch này, theo tôi, Việt Nam cần xem xét có chính sách đặc biệt như miễn giảm thuế đối với dự án xây dựng và hoạt động của sân và miễn giảm thuế nhập khẩu máy móc thiết bị. Việt Nam là một đất nước tươi đẹp và chắc chắn có thể trở thành một điểm đến hàng đầu tại châu Á, nhưng việc phát triển bền vững các sân golf cần diễn ra theo một lộ trình thích hợp để đảm bảo rằng các sân golf được thiết kế, bảo dưỡng và quản lý theo tiêu chuẩn cao nhất.

Trong bài viết này, tôi muốn cung cấp thêm thông tin và trải nghiệm về chuyến khảo sát và một vài suy nghĩ về việc bình chọn cùng với những ý kiến đóng góp cá nhân nhằm đưa môn thể thao golf trở nên phổ biến hơn đối với người dân Việt Nam.

Sau khi hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất, tôi được đưa đến khách sạn mới nâng cấp Movenpick Saigon, có vị trí rất thuận tiện nằm trên đường từ sân bay về trung tâm thành phố và là một trong những khách sạn thân thiện và thoải mái nhất mà tôi từng nghỉ tại châu Á. Buổi tối đầu tiên được bắt đầu bằng việc gặp gỡ với các thành viên trong đoàn khảo sát. Tôi hoàn toàn ngạc nhiên khi biết rằng vị Chủ tịch Hiệp hội Golf Việt Nam không chỉ nói thành thạo tiếng Anh mà chúng tôi còn có thể nói chuyện với nhau bằng tiếng Trung, và đôi khi cả tiếng Nhật! 

Trong suốt bữa tối, chúng tôi đã thảo luận về tầm quan trọng của giải Bình chọn, các tiêu chí đánh giá, những thách thức mà môn thể thao golf đang và sẽ đối mặt, sự phát triển của golf tại các nước láng giềng như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan và Malaysia, và làm thế nào để Việt Nam có thể tận dụng được cơ hội này. Chúng tôi đã nói chuyện về những chiến lược và vai trò quan trọng của Hiệp hội Golf trong công tác truyền thông về những lợi ích của môn golf đem lại cho đất nước và những vấn đề cần giải quyết nhằm đảm bảo rằng môn chơi tiếp tục phát triển bền vững.

Ngoài ra, tôi cũng trao đổi với Ban Giám khảo những điểm mà tôi sẽ tập trung vào mỗi khi đến thăm các sân golf, đó là sân golf nào được bảo dưỡng tốt cùng với dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt nhất và có thể tổ chức được các giải đấu lớn. Đây cũng chính là những gì mà Troon Golf đang tập trung vào. Tôi đã giải thích rằng triết lý của chúng tôi là một sân golf không khác gì một khách sạn 4 hay 5 sao mà tại đó khách hàng sẽ cảm nhận thấy được rằng họ được chào đón, được chăm sóc trong quá trình nghỉ tại đó, cơ sở hạ tầng hoạt động tốt, chất lượng thức ăn và đồ uống làm bạn hài lòng và muốn quay trở lại. Hệ thống sân golf chắc chắn chưa phát triển bằng hệ thống khách sạn và đó là điều mà tôi muốn nhìn thấy sự thay đổi vì cạnh tranh sẽ làm cho dịch vụ trở lên tốt hơn và người hưởng lợi cuối cùng chính là các golfer. Chừng nào người chơi golf càng cảm thấy vui vẻ thì môn chơi sẽ tiếp tục phát triển. 

Ngày 1

Sau bữa sáng ngon miệng tại khách sạn, chúng tôi lên đường đến sân Vietnam Golf & Country Club, một sân golf có thiết kế cổ điển với 36 lỗ và đây có lẽ là một trong những sân golf đông khách nhất Việt Nam.

Một trong những trở ngại đầu tiên về golf mà tôi gặp phải tại Việt Nam là việc di chuyển đến các sân golf không được dễ dàng, do cơ sở hạ tầng chưa phát triển và còn thiếu những con đường cao tốc.

Sau thủ tục đăng ký, chúng tôi ra chơi thử Sân Đông, một sân golf có độ dài trung bình với những hàng cây nằm hai bên fairway và những green đầy dốc và được chăm sóc tương đối cẩn thận. Xét về tổng thể, từ thiết kế sân cho đến việc bảo dưỡng, quản lý và chất lượng dịch vụ đều cần có nhiều việc phải làm, đặc biệt là dịch vụ khách hàng. Một trong những điều đầu tiên mà tôi phát hiện ra tại hầu hết các sân golf ở Việt Nam là trang phục của nhân viên khá cũ và có màu sắc tẻ nhạt. 

Nhân viên chính là trụ cột của ngành công nghiệp golf và cách công ty đối xử với họ ra sao sẽ được thể hiện qua thái độ của họ tại nơi làm việc. Tôi thật sự mong muốn được nhìn thấy những thay đổi lớn hơn, những nụ cười và niềm vui tại các sân golf, giống như những gì chúng ta cảm nhận được tại những khách sạn.

Ngày 2

Ngày thứ hai là một ngày dài vì theo lịch trình, chúng tôi sẽ đến thăm hai sân: Twin Doves Golf Club và Song Be Golf Resort. 

Sau một đêm ngủ ngon, chúng tôi cùng có mặt tại nhà hàng của khách sạn để ăn sáng và nhắc lại những trải nghiệm của ngày hôm trước. Twin Doves là một sân golf 18 lỗ mới mở cửa, và sẽ sớm đưa thêm 9 lỗ khác vào hoạt động. Chúng tôi mất khoảng 1,5 giờ đồng hồ để đến sân. Hiện nay, sân này đang sử dụng một Nhà câu lạc bộ tạm thời mà thực chất là nhà phục vụ sân tập. Việc xây dựng nhà câu lạc bộ chính đang được tiến hành và dự kiến sẽ hoàn tất vào cuối năm nay. Sân golf có phong cảnh nổi bật với những fairway nhấp nhô được phủ bởi cỏ paspalum. Loại cỏ này hiện đang rất được ưa chuộng tại các sân golf hiện đại.

Ngay khi đến sân, chúng tôi được đón tiếp một cách thân thiện và hơi ngỡ ngàng khi thấy số lượng nhân viên tại cửa hàng golf và quầy đăng ký lại nhiều đến vậy. Hóa ra đó là nhân viên mới đang được đào tạo và thực hành công việc cùng với nhân viên cũ để chuẩn bị cho việc mở cửa nhà câu lạc bộ mới. Mặc dù Nhà câu lạc bộ tạm hiện nay có vẻ nhỏ nhưng công năng tương đối tốt với một phòng thay đồ và một nhà hàng đủ lớn để phục vụ sân 18 lỗ.

Xét về tổng thể, thiết kế của sân tương đối tốt, nhưng sân golf này đang có vần đề về thoát nước và thật tiếc là green ở đây lại thiếu những chỗ bằng phẳng để có thể cắm cờ. Điều này dễ khiến cho các golfer trở lên chán nản, vì đôi khi nước trào lên từ fairway mỗi khi chúng tôi bước đi, và thường thì phải mất đến 3 cú putt mới đưa bóng được vào lỗ do green quá nhiều dốc và khó.

Quay trở lại Nhà câu lạc bộ sau vòng chơi, chúng tôi được đón tiếp rất chu đáo và thức ăn ở đây rất ngon. Twin Doves đang có những bước đi rất tốt về mặt chất lượng dịch vụ, tuy nhiên sân golf này cần phải có những giải pháp để cải thiện chất lượng fairway và green để có thể trở thành một sân hàng đầu tại khu vực thành phố Hồ Chí Minh.

Sau bữa trưa, chúng tôi di chuyển một đoạn đường ngắn để đến sân golf Sông Bé, nơi bạn sẽ thấy dòng chữ “The Must Play Golf Course in Vietnam” trên phiếu ghi điểm. Sân golf 27 lỗ này được thiết kế bời tay golf chuyên nghiệp người Úc Wayne Grady, người đã từng giành chức vô địch giải US PGA Championship. 

9 lỗ cuối của sân mới được xây và mang đầy phong cách sa mạc. Sau khi thử nghiệm sân Lotus, chúng tôi rất nóng lòng muốn được trải nghiệm sân sa mạc này, và quả thực chúng tôi đã rất hài lòng khi chơi ở đó. Sân này có thiết kế hẹp hơn và nhiều lỗ đòi hỏi phải có nhiều kỹ thuật hơn để phát bóng và đánh bóng từ fairway. Đó là một trải nghiệm thật thú vị và tôi rất muốn được chơi ở một sân sa mạc như vậy với 18 lỗ.

Nhà câu lạc bộ đang được sửa chữa khi chúng tôi đến và chúng tôi phải dùng phòng thay đồ tạm thời nên thật khó để có thể chấm điểm phòng thay đồ tại đây. Chúng tôi được mời dùng bữa tối tại đây với các món ăn Việt Nam và món ăn Âu. Chúng tôi thưởng thức hết món này đến món khác với những màu sắc đa dạng, và thật tuyệt vời là ban giám đốc điều hành sân cùng ăn và trò chuyện với chúng tôi.

Ngày 3

Sau bữa ăn sáng, chúng tôi làm thủ tục check-out và tạm biệt khách sạn Movenpick. Trải nghiệm của tôi tại khách sạn này rất tuyệt vời, và nếu có một ý kiến đóng góp nho nhỏ với ban quản lý khách sạn thì đó sẽ là khách sạn nên cung cấp dịch vụ wifi miễn phí tại các phòng, vì việc trả tiền để sử dụng internet có thể gây tâm lý không tốt cho nhiều khách thương gia.

Hôm nay là một ngày đầy thử thách vì chúng tôi sẽ phải đi ô tô từ TP Hồ Chí Minh ra Phan Thiết, và sau đó sẽ chơi 18 lỗ. Sau chuyến đi kéo dài 5 tiếng đồng hồ, cuối cùng thì chúng tôi cũng đến được khách sạn Novotel Ocean Dunes và được đón tiếp chu đáo với một khăn lạnh và cocktail trong lúc chúng tôi làm thủ tục check-in. Sau 15 phút thay đồ, chúng tôi đi bộ sang Nhà câu lạc bộ.

Ocean Dunes là một trong những sân golf có tiếng nhất tại Việt Nam và luôn được coi là sân golf tốt nhất tại đây trong suốt những năm 90 và 2000 nên tôi rất háo hức được trải nghiệm sân này. Được thiết kế bởi Ngài Nick Faldo, sân golf có những lỗ golf tuyệt đẹp và nằm sát bên bãi biển. Thật đáng tiếc là chúng tôi lại không thể nhìn ra biển từ nhà câu lạc bộ sau vòng đấu để tán gẫu về golf.

Một điều rất đáng tiếc là thời gian và ngân sách hạn hẹp đã làm chất lượng của sân xuống cấp và để mất đi những ngày huy hoàng của mình, đây đó chúng tôi thấy cỏ dại mọc xen với cỏ fairway và cỏ thô. Sân golf này hiện đã có một ban giám đốc điều hành mới, và họ đang làm việc hết sức mình để đưa sân golf trở lại thời hoàng kim. Điều đó dường như đang trở thành hiện thực bởi số lượng hội viên đang tăng lên và những khách thường xuyên trước đây đang trở lại để thật sự tận hưởng một sân golf tốt.

Tôi đã có một trải nghiệm golf thật sự tốt tại đây, và việc có xe cung cấp đồ uống và khăn lạnh dọc theo sân là một điều tuyệt vời. Tôi nhận thấy một yếu tố quan trọng để các sân golf tại Phan Thiết thành công chính là việc thành phố cần có một sân bay. Trong lúc nói chuyện với một vài quan chức địa phương sau vòng đấu, chúng tôi được biết thành phố đang có kế hoạch cho một sân bay như vậy và hy vọng rằng nó sẽ được xây dựng càng sớm càng tốt.

Ngày 4

Chúng tôi ngồi ăn sáng bên bờ biển, và bắt đầu một ngày mới với hình ảnh một người đàn ông cùng với con bò của mình và chiếc bừa đang gạt cát trên bãi biển. Đây quả thực là một cảnh hiếm gặp đối với khách du lịch, và hy vọng nó sẽ còn mãi đó. Thật là một cách tuyệt vời để bắt đầu ngày mới!

Sau 15 phút đi ô tô, chúng tôi ra đến Mũi Né, và đến sân Sea Links Golf & Country Club. Ngay khi đặt chân tới nơi, chúng tôi được giám đốc điều hành sân ra chào đón, và đó luôn là cách tuyệt vời để bắt đầu trải nghiệm một sân golf. Sea Links được Ronald Fream thiết kế và có thể đây là sân golf đầy kịch tính nhất Việt Nam với cơ man nào là đồi dốc, hố cát lớn, cảnh biển và những green có thể nói là lớn nhất thế giới! Lỗ số 13 là một lỗ par 4 có chiều dài trung bình nhưng chiều dài của green theo tôi đo được thì lên đến 79 yard từ trước ra sau. Thật đáng kinh ngạc!

Caddie của chúng tôi toàn là nam giới, và caddie của tôi (số 78 nếu có ai quan tâm) có thể là caddie nhiệt tình và thành thạo nhất Việt Nam. Đây là sân đầu tiên trong chuyến đi mà caddie thật sự ngắm và đặt line cho chúng tôi, và caddie của tôi thì tốt khỏi phải nói.

Gió trên sân tương đối mạnh khiến cho sân trở lên rất thách thức. Nếu hôm nào mà gió to hơn thì có lẽ các tay golf với handicap trung bình không thể chơi nổi. Một trong những vấn đề của sân mà chúng tôi cũng từng phát hiện tại các sân trước đây là chất lượng cát trong các bunker không được tốt. Cát quá mịn và sâu khiến cho việc đánh bóng từ bunker trở lên cực kỳ khó khăn. Lỗ par 5 số 6 có thể xem là một lỗ bất công và có thể được thiết kế để phá hủy cả vòng chơi.

Một điều mà tôi thật sự bị cuốn hút tại sân Sea Links chính là những chiếc khăn lạnh được ướp hương xả. Có lẽ đây là điều mà tất cả các sân golf tại Việt Nam nên học theo.

Sau vòng chơi, chúng tôi được mời dùng bữa trưa tuyệt vời, và có thể nói rằng Nhà câu lạc bộ này có thực đơn phong phú nhất mà tôi từng biết.

Sau bữa trưa, chúng tôi đã sẵn sàng cho chuyến đi tiếp theo khoảng 4 tiếng đồng hồ bằng đường bộ lên Đà Lạt. Thời tiết buổi chiều thật tuyệt vời cho chuyến đi, và càng lên cao thì phong cảnh phía sau hiện ra càng đẹp lạ thường. Ngay khi chúng tôi lên đến cao nguyên thì trời cũng bắt đầu đổ mưa. Mưa xối xả làm đường bị ngập và chúng tôi phải đi chậm lại vì tài xế của chúng tôi phải vừa đi và vừa tránh các ổ trâu ngầm dưới nước.

Chúng tôi đến Đà Lạt khi trời vừa xẩm tối. Sau khi check-in tại khách sạn Dalat Du Park, một khách sạn có từ thời Pháp thuộc với thang máy cổ có cổng sắt nằm ngay giữa sảnh, chúng tôi chuẩn bị ra ngoài ăn tối. Anh Giao đưa chúng tôi đến một nhà hàng chuyên về dê, ý tôi nói là mọi thứ đều liên quan đến dê. Sau nhiều năm sống tại châu Á, thì đây là lần đầu tiên tôi thưởng thức rượu ngọc dương, một loại rượu gạo rất ngon ngâm với phần đặc biệt của con dê đực.

Ngày 5

Sau bữa sáng tại một quán café cổ điển sang trọng đối diện khách sạn, chúng tôi lên ô tô và chỉ mất 5 phút để đến được sân Dalat Golf Club được xây dựng từ năm 1922. Hôm nay quả là một ngày trở về quá khứ đối với tôi, trở về sân golf nơi tôi học môn thể thao này tại Úc từ những năm 1980.

Sân golf hội tụ tất cả những yếu tố đúng như tôi mong đợi, những lỗ golf được bao bọc bởi những hàng thông, cỏ Bent và phong cảnh thành phố Đà Lạt. Chủ đầu tư mới của sân đang tập trung nâng cấp để nâng cao tiêu chuẩn chất lượng bằng cách xây thêm lối đi cho xe cũng như đang có kế hoạch xây dựng một Nhà câu lạc bộ mới tại nơi mà nó được thiết kế theo bản quy hoạch gốc. Mặc dù tại nhiều hố, khoảng cách từ điểm phát bóng đến nước khá giống nhau và có thể khiến cho những người phát bóng xa phải kìm nén, nhưng nhìn chung trải nghiệm golf ở sân Đà Lạt thật thú vị.

Thật tiếc nếu phải di dời khỏi Nhà câu lạc bộ hiện nay, vốn dĩ là một căn nhà cổ theo phong cách đồng quê. Nhưng hy vọng ban quản lý sân sẽ tận dụng ngôi nhà này và biến nó thành nhà hàng nhỏ phục vụ bữa sáng cho các golfer.

Sau bữa trưa tại ban công nhìn ra lỗ số 18, thật tiếc là chúng tôi lại phải vội vàng check out để kịp đáp chuyến may bay đi Đà Nẵng chiều hôm đó. Rất hiếm các sân golf tại Việt Nam có được những ban công nhìn ra lỗ số 18 như vậy. Chúng tôi hơi lo lắng vì nghe tin báo có cơn bão đang mạnh dần lên và tiến vào đất liền vì có thể chuyến bay của chúng tôi sẽ bị hủy hoặc hoãn. Thật may mắn là chúng tôi đã cất cánh đúng giờ và hạ cánh an toàn xuống sân bay Đà Nẵng trong điều kiện thời tiết rất đẹp.

Sau khi check-in khách sạn, giám đốc sân golf Montgomerie Links đã đến mời chúng tôi đi ăn tối tại một nhà hàng địa phương.

Ngày 6

Một ngày với 36 lỗ golf tại hai sân nổi tiếng tại Đà Nẵng là Montgomerie Links và Danang Golf Club đang chờ đợi chúng tôi. Tôi đã rất háo hức được chơi thử tại hai sân này vì đây là hai trong những sân golf Việt Nam được quốc tế biết đến nhiều nhất và Việt Nam nên tự hào về điều đó. Những sân golf tiêu chuẩn quốc tế này sẽ tiếp tục giúp thu hút khách đến Việt Nam. Montgomerie Links là sân chúng tôi sẽ chơi đầu tiên trong ngày, và chúng tôi phải có mặt thật sớm vì chiều hôm đó sẽ tổ chức giải Heineken Cup. Nhà câu lạc bộ rất hiện đại và thoáng, và quy trình check-in tại cửa hàng golf trước khi chuyển đến phòng thay đồ bên cạnh rất hợp lý và có lẽ đây là quy trình check-in tốt nhất tại Việt Nam đến lúc này. Tại quầy đăng ký, chúng tôi không chỉ nhận được chìa khóa tủ đựng đồ và passbook mà còn cả thẻ ghi điểm và một quyển sổ chỉ dẫn nhỏ. Đây là sân đầu tiên và cũng là sân duy nhất cung cấp sổ chỉ dẫn. Việc cung cấp sổ chỉ dẫn có lẽ chưa phổ biến đối với các golfer tại Việt Nam nhưng đó là tiêu chuẩn tại các sân tốt nhất trên thế giới.

Về tổng thể thì sân golf này đang trong tình trạng rất tốt, tuy nhiên vẫn còn tồn tại một số vấn đề liên quan đến bệnh trên cỏ. Mặt fairway và green rất tốt và thiết kế của sân thì thật sự tuyệt vời, chỉ trừ một điểm là có hai lỗ rất ngắn nằm sát nhau tại 9 lỗ đầu. Tôi không nghĩ rằng tôi sẽ gọi đây là một sân links thực sự vì có nhiều lỗ bạn không thể nhìn ra biển và ngoài ra còn có nhiều hồ nhân tạo và tường chắn bằng đá.

Quay trở lại Nhà câu lạc bộ sau vòng đấu, chúng tôi được mời dùng bữa tiệc buffet thịnh soạn và những chiếc bánh xèo rất ngon miệng. Nhà hàng và quầy bar nhìn ra hố số 18 và đây chính là điều mà các golfer mong muốn có được. Ngoài ra còn có một sân tập và khu vực đào tạo có thể nói là tốt nhất Việt Nam. Nhìn chung, tôi đã có trải nghiệm golf rất tốt tại đây và dĩ nhiên rất mong được quay trở lại.

Sau khi ăn trưa, giám đốc điều hành của sân Danang Golf Club đến tận nơi để đón chúng tôi, và sân golf này chỉ cách đó có 400 mét. Việc có hai sân golf đẳng cấp quốc tế nằm sát cạnh nhau tại khu vực nghỉ dưỡng này quả là một điều cực kỳ tuyệt vời. Tôi được biết hiện Danang Golf Club đang có kế hoạc xây thêm một sân 18 lỗ và ngoài ra còn có thêm hai dự án sân golf khác đang được tiến hành tại thành phố này. Chắc chắn điều này sẽ biến Đà Nẵng thành điểm đến của khách du lịch chơi golf và sẽ đưa Việt Nam lên bản đồ golf thế giới.

Ngay khi đặt chân đến Nhà câu lạc bộ, chúng tôi được chào đón bởi đội ngũ nhân viên duyên dáng với những nụ cười thân thiện. Họ thật sự phấn khởi khi đón tiếp chúng tôi. Không chỉ với ấn tượng ban đầu đó, mà trong suốt thời gian tại đây chúng tôi còn có dịp được chiêm ngưỡng những bộ đồng phục đầy màu sắc và hấp dẫn của nhân viên. Như tôi đã đề cập trước đây, đồng phục thể hiện một phần thái độ.

Nhà câu lạc bộ ngay khi chúng tôi bước vào hiện ra như một bức tranh hoàn hảo về thiết kế kiến trúc, nội thất và trình bày. Nếu như có một Nhà câu lạc bộ tại Việt Nam mà tất cả các sân golf nên sao chép thì đó chính là Nhà câu lạc bộ tại đây. Lần đầu tiên trong đời tôi thấy một phòng thay đồ và các tủ đựng đồ toàn một màu trắng. Điều này đem đến một cảm giác tươi sáng và thoáng. Chỉ có một điều duy nhất khiến tôi không thích tại đây, cũng như tại các sân golf khác, chính là sự thiếu vắng những dụng cụ chăm sóc cá nhân chất lượng trong phòng thay đồ, chẳng hạn như lược, bông ngoáy tai, lăn khử mùi, cologne, máy sấy tóc và phấn rôm. Cần phải có đầy đủ những sản phẩm này tại các phòng thay đồ.

Khi bước ra sân, chúng tôi đã không bị thất vọng. Greg Norman đã làm một việc đáng tự hào tại đây, và nếu như ai đó không cảm thấy vui vẻ khi chơi golf tại đây thì hiển nhiên đó không phải là người chơi giỏi vì sân golf này có tất cả mọi thứ mà một người đam mê môn thể thao này mong muốn. Trước khi chơi tại đây tôi từng nghe nói đây là một sân rất khó, nhưng bản thân tôi và những thành viên khác trong đoàn đều cảm thấy fairway khá rộng và không mất nhiều thời gian để tìm bóng. Vấn đề duy nhất mà tôi băn khoăn là các kiosk trên sân chỉ có đủ bàn và ghế ngồi cho một flight.

Sau vòng chơi, chúng tôi ngồi thưởng thức bữa tối thật sự mang đẳng cấp quốc tế, trên cả những gì mà một người chơi golf bình thường mong đợi. Dịch vụ tuyệt vời và chất lượng sân cũng vậy, và sân golf này hoàn toàn xứng đáng với sự ghi nhận mà nó có được từ các golf thủ trong và ngoài nước. Nếu Việt Nam có khoảng 10 sân với chất lượng như thế này thì tôi nghĩ khách du lịch chơi golf quốc tế sẽ bỏ qua Thái Lan mà đến đây!

Ngày 7

Sau một tuần chỉ có chơi golf và di chuyển, chúng tôi đáp chuyến bay đến Hà Nội, và đây sẽ là chặng dừng chân cuối cùng trong chuyến khảo sát sân golf lần này. Chúng tôi có một ngày nghỉ ngơi trước khi đến thăm và chơi tại 5 sân theo kế hoạch. Tuy nhiên con số này chỉ còn lại 3 vì sân Vân Trì và Hanoi Golf Club xin rút khỏi cuộc bình chọn.

Ngày 8

Hôm nay, chúng tôi sẽ đến sân golf Heron Lake nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 1,5 giờ lái xe. Chúng tôi được đón tiếp một cách đặc biệt vì thông thường hôm nay là ngày sân đóng cửa để bảo dưỡng hàng tuần. Chúng tôi được ban quản lý sân ra đón tiếp, trước khi ra chơi tại sân golf do công ty Pacific Coast Design thiết kế.

Một sân golf tương đối bằng phẳng, thoáng và có bẫy nước tại rất nhiều lỗ. Nếu như đó không phải là một ngày đẹp trời đối với bạn thì đây có lẽ sẽ là một sân đầy thách thức, nhưng hôm nay lại là ngày đẹp trời của tôi! Hôm nay fairway khá ướt và cần phải có thêm rãnh thoát nước cũng như cần phải cải thiện việc trồng và chăm sóc cỏ. Các tay golf thường thích bóng của mình lăn nhiều hơn sau cú phát bóng nên việc thoát nước tốt sau mỗi lần trời mưa to sẽ giúp cho họ cảm thấy thỏa mãn hơn. Một điều mà tôi thấy ở hầu hết các sân golf tại Việt Nam là dường như đội ngũ chăm sóc sân có xu hướng tưới nước quá nhiều. Điều này không chỉ không tốt cho cỏ mà còn tạo tiếng xấu cho ngành công nghiệp golf là lãng phí nước.

Heron Lake có vài green khá rộng và hôm chúng tôi chơi thì green hơi chậm. Với tiêu chuẩn của các sân golf tại Việt Nam, tôi nghĩ ban quản lý các sân nên để tốc độ green ở mức 9-10 feet là hợp lý. Tôi nghĩ các tay golf có handicap trung bình và cao sẽ có được những trải nghiệm golf rất tốt tại đây.

Quay trở lại Nhà câu lạc bộ, chúng tôi được mời dùng bữa trưa thật đặc biệt. Tại nhà hàng, bạn có thể ngồi bên trong hay ngoài ban công để nhìn xuống dưới sân, và tôi nghĩ hầu hết các golfer đều chọn ngồi bên ngoài.

Ngày 9

Hôm nay chúng tôi đến sân King’s Island, sân golf duy nhất mà chúng tôi vừa đi cả xe và cả thuyền để ra nhà câu lạc bộ. Quả là một cách đặc biệt để bắt đầu một ngày chơi golf với cách di chuyển như vậy, nhưng tôi có cảm giác sân golf này nên có sự đón tiếp thật sự ấm cúng hơn.

Điều tôi nhận ra ngay khi đến nơi là Nhà câu lạc bộ có vẻ cũ kỹ và việc bảo dưỡng không được như mong đợi. Nhân viên tại Nhà câu lạc bộ có vẻ không được nhiệt tình cho lắm và điều đó thật đáng tiếc vì sân golf này được xây dựng trên một trong những khu vực có phong cảnh đẹp nhất với những dãy núi bao quanh và rất nhiều hồ nước tự nhiên.

Sân Mountain View do Pacific Coast Design thiết kế là một sân trung bình và không có gì đặc biệt. Hôm chúng tôi chơi, tốc độ green rất chậm, không quá 7 feet, và điều đó khiến cho việc đưa bóng vào lỗ không dễ.

Điều tích cực duy nhất hôm đó là caddie của chúng tôi rất thân thiện và thành thạo và hầu hết đều đã làm việc tại đây khoảng 10 năm.

Chúng tôi quay trở lại nhà câu lạc bộ sau vòng chơi để dùng bữa trưa. Thực đơn ở đây rất phong phú và các món ăn rất ngon. Nhiều người đi trong đoàn gọi món bò nướng, và những miếng thịt bò còn lớn hơn cả những chiếc đĩa.

Ngày 10

Hôm nay là ngày cuối cùng trong chuyến khảo sát lần này và chúng tôi sẽ đến sân Tam Đảo, một sân golf do công ty IMG thiết kế. Cách trung tâm Hà Nội 2 tiếng đồng hồ lái xe, sân golf này có phong cảnh thôn dã với dãy núi Tam Đào nằm ngay sau lưng Nhà câu lạc bộ. Ngay khi đến nơi, chúng tôi phải leo lên rất nhiều bậc thang để vào Nhà câu lạc bộ, và rồi lại đi xuống rất sâu để vào phòng thay đồ trước khi quay trở lại nhà hàng để dùng bữa trưa.

Nhà câu lạc bộ có vẻ cũ đi rất nhanh và có nhiều chỗ bị mòn rách. Ban quản lý sân cực kỳ hiếu khách và đã mời chúng tôi một bữa trưa tuyệt vời trước khi chúng tôi ra sân. Lại tiếp tục đi xuống rất nhiều bậc thang, và cuối cùng thì chúng tôi cũng ra đến khu vực phát bóng của lỗ số 1. Nói thật là tôi chưa bao giờ tập thể dục nhiều đến vậy trước mỗi vòng chơi.

Thiết kế tổng thể của sân không tệ, nhưng không có lỗ golf nào thật sự đặc biệt cả. Điều kiện sân tương đối trung bình, và cũng giống như nhiều sân khác, cỏ ngoại lai đang mọc xen với cỏ nguyên bản, và thách thức đối với sân là phải loại bỏ cỏ ngoại lai này. Hiện nay công việc này đang được thực hiện tại 9 lỗ cuối.

Hôm nay còn có một đội ngũ các nhà quay phim của VTV đi theo chúng tôi và họ theo dõi từng cú đánh của chúng tôi. Anh Giao đã có một ngày tuyệt vời với những tình huống đáng nhớ. Có lần anh suýt đưa bóng vào lỗ từ khoảng cách 150 yard, và lần khác anh bị ngã ra phía sau khi đang thực hiện cú đánh từ hố cát. Tôi đã rất lo lắng vì sợ anh bị đau nhưng anh đã nhanh chóng đứng dậy, phủi sạch cát và lại tiếp tục chơi như không hề có gì xảy ra.

Tại lỗ cuối cùng của sân, và cũng là lỗ cuối cùng của chuyến khảo sát lần này, chúng tôi đều có cú phát bóng rất đẹp và chơi như thể chúng tôi mới bắt đầu vòng chơi.

Mười ngày qua, đã có thêm những người bạn thân. Những ai may mắn có dịp tham gia chuyến khảo sát lần này hẳn sẽ thấy cảm kích vì golf không có biên giới, không rào cản về ngôn ngữ, không rào cản về tuổi tác và không có sự phân biệt.

Tất cà những sân chúng tôi đến thăm đều có những điểm tốt, đồng thời cũng có nhiều chỗ cần cải thiện để hội viên và khách chơi của họ có được trải nghiệm tốt hơn. Để môn thể thao golf trở nên thành công cần có sự đoàn kết thống nhất và cùng chia sẻ những mục đích chung. Chúng ta cần làm cho những người liên quan hiểu được tầm quan trọng của golf rằng đó là một ngành công nghiệp không khói. 

Chúng ta cần làm cho môn thể thao này trở lên dễ tiếp cận hơn đối với lớp trẻ và cần cố gắng hoàn thành xuất sắc những việc chúng ta làm. Để đưa Việt Nam trở thành điểm đến hàng đầu tại châu Á, hãy tạo điều kiện cho những tay golf trong và ngoài nước được trải nghiệm những sân golf tốt nhất trên núi, bên bờ biển hay trên đảo. Hãy tiếp tục phát triển golf đến với mọi người, và đến năm 2020 Việt Nam không chỉ có 5 tay golf chuyên nghiệp mà là 50 hay nhiều hơn thế nữa.

By David Townend

0 lượt thích564 lượt xem

Tin bài khác