Chuyển tới nội dung

Thể thao golf nữ đỉnh cao

Nếu golf là một bỏ sót đáng tiếc trong lựa chọn của thể thao Việt Nam, thì sự thờ ơ với golf nữ Việt Nam còn là một lỗi lớn hơn. Bởi golf nữ chuyên nghiệp mới là môn thể thao mà Việt Nam có thể nhanh chóng bước lên đỉnh cao quang vinh không chỉ ở châu lục.

By Dr Nguyễn Ngọc Chu

“TẤM GƯƠNG” HÀN QUỐC VÀ THÁI LAN

Hiện nay vị trí số 1 và số 2 thế giới của golf nữ được thống trị bởi Mỹ và Hàn Quốc. Nếu tính top 10 trong các giải của LPGA Tour trong vài năm gần đây thì các golf thủ nữ Hàn Quốc chiếm số đông hơn Mỹ trong khi số lượng các nữ golf thủ Mỹ chơi trên LPGA Tour nhiều hơn Hàn Quốc. Điều đáng nói là Hàn Quốc mới chỉ bắt đầu “tấn công” vào đấu trường thế giới LPGA Tour từ năm 1998, và chỉ bằng một một “chiến binh” đơn độc Se Ri Park. Điều quan trọng hơn, nếu năm 1998 chỉ một mình Se Ri Park chơi trên giải nhà nghề Mỹ LPGA Tour thì năm 2019 trong bảng xếp hạng top 50 thế giới (ngày 14/10/2019) có đến 21 nữ golf thủ Hàn Quốc mà Mỹ chỉ có 12 nữ golf thủ, và Hàn Quốc cũng chiếm trọn 3 vị trí đầu bảng.

Vị trí thứ 3 và thứ 4 thế giới hiện nay chia nhau bởi Nhật và Thái Lan. Chỉ sau hai chục năm đầu tư, golf nữ chuyên nghiệp Thái Lan đã có bước tiến thần diệu, trở thành một trong 4 cường quốc golf nữ chuyên nghiệp hàng đầu thế giới - điều mà bóng đá Thái Lanđầu tư đã nhiều chục năm trước, và nhiều chục năm tiếp nữa cũng không đạt được. Hiện Thái Lan có khoảng hơn 10 nữ golf thủ chơi ở giải nhà nghề Mỹ LPGA Tour. Dẫn đầu là chị em nhà Jutanugarn Ariya và Jutanugarn Moriya. Riêng Jutanugarn Ariya đã từng ở vị trí số 1 thế giới cả ở bảng xếp hạng lẫn tổng tiền thưởng.

Nhìn sang Hàn Quốc và Thái Lan để chiêm nghiệm và tự khẳng định, rằng lựa chọn golf nữ chuyên nghiệp Việt Nam cho đấu trường đỉnh cao quốc tế là lựa chọn đúng đắn, sáng suốt và rất cần thiết.

SỰ ĐẦU TƯ CHỦ ĐẠO TỪ NHÀ NƯỚC

Nhớ lại các thập niên 60, 70 của thế kỷ trước, các nước XHCN có nền thể thao rất phát triển nhờ sự tập trung dồn lực đầu tư từ Nhà nước. Chẳng vậy mà quốc gia nhỏ bé về dân số như Cộng hòa Dân chủ Đức lại là cường quốc thể thao số 3 thế giới ở các thế vận hội - chỉ đứng sau Mỹ và Liên Xô. Nhắc lại điều này để không quên rằng Việt Nam là quốc gia mà nhà nước lãnh đạo toàn diện (bao gồm cả thể thao). Vì thế chừng nào nhà nước còn nắm quyền điều hành tuyệt đối thì thể thao không thể phát triển đúng tầm nếu để tự phát triển theo con đường xã hội hóa. Trên thực tế thì hiện nay thể thao golf Việt Nam đang “tự bơi” theo con đường này. Và đó là một rào cản cho sự lớn mạnh của thể thao golf.

Có người sẽ phản biện: “Tại sao golf các nước tự phát triển mà họ vẫn phát triển được tốt, còn golf Việt Nam lại phải mong chờ vào Nhà nước mới phát triển được?” Xin thưa: Golf Việt Nam không chờ để “bú” vào “bầu sữa” Nhà nước. Nhưng xã hội đã theo cơ chế thị trường thì tất cả lĩnh vực phải theo cơ chế thị trường.

Lúc đó golf sẽ tự phát triển theo quy luật thị trường tự do mà không bị ràng buộc bởi nửa “bầu trời” còn lại là Nhà nước quản lý tuyệt đối. Chính cơ chế “ hai mang” đó là hạn chế làm chậm phát triển thể thao golf. Nhưng vấn đề thực tế hiện nay là Nhà nước vẫn quản lý tuyệt đối thể thao. Nên điều tốt nhất cho phát triển golf chuyên nghiệp là được quản lý tuyệt đối như các môn thể thao chủ lực khác. Lúc đó Nhà nước sẽ đầu tư cho thể thao golf nữ chuyên nghiệp như là một môn thể thao mũi nhọn, sớm mang đến cho Việt Nam các huy chương đẳng cấp quốc tế cao nhất.

Điều này không khó vì hiện nay khắp các tỉnh thành đều có các trung tâm đào tạo vận động viên trẻ tài năng. Chỉ cần bổ sung bộ môn golf vào và mọi sự sẽ chuyển động bình thường. Lúc đó, ở các tỉnh thành có sân golf, sẽ tiến hành tuyển chọn các cháu nhi đồng và học sinh cấp tiểu học có năng khiếu về golf và bắt đầu đào tạo. Sau 10 - 15 năm là sẽ có các golf thủ nữ chuyên nghiệp đẳng cấp quốc tế - như Thái Lan đã có. Xin khẳng định rằng, đi đúng đường, chỉ sau muộn nhất là 15 năm, golf nữ Việt Nam sẽ có chiến thắng ở các giải golf nhà nghề quốc tế. Điều đặc biệt, là đầu tư cho golf nữ đỉnh cao, bất chấp sự đắt đỏ của golf, cuối cùng lại không tốn kém như nhiều người nhầm tưởng. Nói một cách cụ thể hơn - không tốn kém hơn bóng đá!

SỰ ĐẦU TƯ TỪ XÃ HỘI

Con đường này là tự nhiên duy nhất khi xã hội là nền kinh tế thị trường toàn diện mà Nhà nước không quản lý tập trung. Nhưng ở Việt Nam - do tồn tại cả hai “bầu trời” tập trung và tự do thị trường, nên đầu tư từ xã hội là xa lộ thứ hai của golf. Ở xa lộ này, tốc độ phát triển thể thao golf đỉnh cao phụ thuộc vào các nhà đầu tư golf, các học viện golf và những người “dâng hiến” cho golf.

Cụ thể hơn, để cho golf nữ chuyên nghiệp Việt Nam sớm có các chiến thắng trên đấu trường đẳng cấp nhất như LPGA Tour, các tập đoàn đầu tư golf ở Việt Nam như FLC, Vingroup, BRG… cần thành lập các học viện golf của riêng mình và đào tạo các nữ golf thủ chuyên nghiệp mang thương hiệu tập đoàn mình. Tương tự như trong bóng đá là học viện bóng đá của Hoàng Anh Gia Lai. Mặc khác, các học viện golf tư nhân của các golf thủ huyền thoại quốc tế và các golf thủ chuyên nghiệp người Việt, các học viện golf của các sân golf, các thầy dạy golf đơn lẻ,… cũng tham gia đào tạo học viên golf của mình để đua tranh tại các giải đấu trẻ, nghiệp dư, rồi đến nhà nghề.

CÁC GIẢI PHÁP VỀ TỔ CHỨC

Trong khuôn khổ bài viết này, chỉ đề cập đến hai bình diện chính: Tổ chức các giải đấu và thành lập các tổ chức nghề nghiệp. Muốn thi đấu ở môi trường quốc tế thì trước hết phải có môi trường thi đấu trong nước. Bởi vậy nhất thiết phải tổ chức các hệ thống thi đấu sau đây:

1. Hệ thống thi đấu trong các trường phổ thông và các trường đại học.

2. Hệ thống thi đấu giữa các tỉnh thành và toàn quốc.

3. Hệ thống thi đấu giải golf nữ chuyên nghiệp Việt Nam.

Hệ thống thi đấu thứ 3 - dành cho golf nữ chuyên nghiệp Việt Nam chính là cầu nối mở đường cho các nữ golf thủ chuyên nghiệp Việt Nam bước ra đấu trường quốc tế. Đây là đấu trường bắt buộc của golf nữ chuyên nghiệp Việt Nam.

Để có được hệ thống các giải golf nữ chuyên nghiệp Việt Nam thì cần thiết phải có tổ chức golf nữ chuyên nghiệp Việt Nam. Một tổ chức nghiệp dư không bao giờ đủ tầm để điều hành được hoạt động của một tổ chức chuyên nghiệp. Chỉ những người chuyên nghiệp mới đủ trình độ để am hiểu chuyên môn nghề nghiệp. Và chỉ những người chuyên nghiệp mới tận tâm dâng hiến cho nghề nghiệp của chính họ. Không thể bước khác con đường mà các quốc gia có nền golf chuyên nghiệp phát triển đang tiến bước. Họ có hệ thống thi đấu và tổ chức golf chuyên nghiệp như thế nào thì Việt Nam phải nhìn theo mà học tập. Làm khác đi - đừng tự huyễn hoặc sáng tạo, là đã tự mình đi ngược với tiến bộ nhân loại!

1 lượt thích

Tin bài khác