Chuyển tới nội dung

Lối đi nào cho phát triển golf nữ Việt Nam?

Là một thị trường golf tương đối mới, Việt Nam được hưởng nhiều lợi thế so với các quốc gia golf đời đầu. Lợi ích đầu tiên và quan trọng nhất là Việt Nam có thể quan sát và lựa chọn từ các mô hình, văn hóa, truyền thống golf khác nhau trên khắp thế giới.

ByHal Phillips

CON ĐƯỜNG PHÁT TRIỂN GOLF NỮ Ở MỸ

Là một người Mỹ, tôi có thể nhận thấy người Việt Nam đã tận dụng lợi ích trên rất rõ ràng. Họ lên ý tưởng xây dựng các sân golf tư nhân của mình rất khôn ngoan theo mô hình Anh/ châu Á (nơi mà những người không phải là thành viên vẫn có thể chơi trả phí), kết hợp với mô hình các sân Mỹ - nơi rất phổ biến các sân dành riêng cho thành viên. Thị trường phát triển sân golf ở Mỹ bùng nổ (sau đó lại vỡ bong bóng) vào giữa những năm 2000 do đặt niềm tin quá lớn vào kinh doanh bất động sản. Các nhà phát triển ở Việt Nam cũng lao vào việc này nhưng cho đến thời điểm hiện tại đã chống lại được sự cám dỗ đầu cơ/ thúc đẩy các dự án theo lối đó.

Và khi nói đến việc đưa thêm nhiều nữ giới đến với golf, càng không có lý do để học theo Mỹ. Bởi mặc dù có nhiều golf thủ đại học/ chuyên nghiệp tài năng, nhưng số lượng phụ nữ Mỹ đến với golf không nhiều. Nếu những nỗ lực để thu hút và hỗ trợ của họ đạt kết quả thành công thì số người chơi golf ở Mỹ đã không chỉ duy trì ở mức 20-25 triệu người trong 30 năm qua.

CON ĐƯỜNG PHÁT TRIỂN GOLF NỮ Ở CÁC NƯỚC CHÂU Á

Nếu Việt Nam đang tìm kiếm nguồn cảm hứng cho vấn đề này, tốt hơn nên quan sát (và áp dụng các chiến lược đã được thực thi thành công) từ các nước láng giềng ở châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản và Thái Lan. Sự phát triển golf ở cả ba quốc gia chứng minh rằng, nếu được thu hút và hỗ trợ, nữ giới có thể trở thành nguồn lực quan trọng của những nền kinh tế golf trưởng thành.

Tất nhiên, một đội ngũ nữ golf thủ chuyên nghiệp đông đảo và thành công không đảm bảo sẽ có một số lượng lớn golfer nữ thực sự đam mê golf, chơi golf, tham gia các câu lạc bộ, trả phí green và mua dụng cụ golf trong cả cuộc đời họ. Nhưng người Hàn Quốc đã làm một điều khác biệt: Họ làm cho các nữ golf thủ chuyên nghiệp của mình trở nên “ngầu” bằng cách biến họ thành những ngôi sao văn hóa lớn, nổi tiếng hơn cả những nam golf thủ chuyên nghiệp trong nước. Một cách tự nhiên, điều này đã khuyến khích một lượng nhất định các cô gái trẻ Hàn Quốc lựa chọn môn thể thao này. Tất nhiên không phải tất cả họ đều chuyển sang chuyên nghiệp, mà đa phần họ chơi golf một cách tình cờ nhưng dần trở nên đam mê hơn khi trưởng thành - và sau tất cả thì đó là mục tiêu lớn nhất.

Vậy làm thế nào họ thực hiện được điều này? Bằng cách tích cực thu hút golf thủ trẻ tham gia vào các chương trình junior ở các sân trên toàn quốc, cả công cộng và tư nhân. Các chương trình này phục vụ như một hệ thống “gieo mầm và nuôi dưỡng” đến các chương trình nhóm khu vực và quốc gia, tất cả được hỗ trợ một phần bởi các quỹ của Nhà nước. Đặc biệt, Hàn Quốc còn đầu tư cho hệ thống thi đấu chuyên nghiệp của riêng họ - KLPGA, có lẽ là hệ thống tour golf dành cho nữ cạnh tranh và hấp dẫn thứ hai trên thế giới. Trên con đường đến được với KLPGA, những người chơi nghiệp dư phải vượt qua hai giải đấu trong nước khác, lần lượt là Jump Tour và Dream Tour (một giải đấu thứ cấp tương đương với Symetra Tour của LPGA).

Vì vậy, khi người chơi Hàn Quốc xuất hiện trên LPGA Tour, đồng nghĩa với việc họ đã đạt được những thành tích nhất định trên ba hệ thống đấu riêng biệt trong nước. Điều này sẽ giúp họ mài giũa sự tự tin và dạy họ các “bí quyết” để chiến thắng các giải đấu chứ không chỉ là thể hiện tốt. Điều này đã được chứng minh qua các kết quả thực tế: bốn “Tân binh LPGA của năm” (LPGA Rookies of the Year) gần đây nhất đều đến từ KLPGA.

Còn một điều khác về Hàn Quốc (và cả Thái Lan) giúp thu hút phụ nữ tham gia chơi golf và giữ họ ở lại: Cả hai nền văn hóa golf đều rất có ý thức về thời trang. Ở Thái Lan, tất cả các nhà sản xuất quần áo lớn mà bạn mong đợi đều có sản phẩm tại các cửa hàng pro shop trên cả nước; nhưng còn có một số hãng Thái Lan phục vụ riêng cho thị hiếu địa phương - và chúng rất được ưa chuộng bởi các golf thủ nữ. Người chơi golf ở Hàn Quốc (đặc biệt là phụ nữ) cũng không hứng thú với trang phục thể thao có logo của câu lạc bộ sân. Những gì họ muốn (và sẵn sàng chi trả nhiều tiền) là quần áo golf có nhãn mác của nhà thiết kế. Có thể nói, golf không chỉ “ngầu” ở những quốc gia này, mà còn rất thời trang!

PHÁT TRIỂN GOLF NỮ VIỆT NAM

Sự xuất hiện của một In-Bee Park Việt Nam sẽ là một điều đáng kinh ngạc đối với golf Việt, nhưng việc có một hoặc hai ngôi sao không đồng nghĩa với việc số lượng người chơi sẽ tăng (Số người chơi golf ở Mỹ trước Tiger Woods: 25 triệu, số người chơi golf ở Mỹ hiện nay: 25 triệu).

Trong khi đó, các chương trình dành cho golf trẻ là rất cần thiết. Một hệ thống thi đấu trong nước để mài giũa sự tự tin và kỹ năng cũng rất hợp lý. Tôi tin rằng các sân golf Việt Nam ngày nay chào đón phụ nữ một cách công bằng – thậm chí có thể triển khai nhiều thứ hơn để thu hút họ về mặt thời trang và văn hóa câu lạc bộ nói chung (nhiều spa hơn?). Tất nhiên, nên có ít nhất hai tee trước để phù hợp với khả năng người chơi. Tuy vậy, không điều gì có thể giúp golf đến với nhiều phụ nữ hơn bằng sự phát triển liên tục của tầng lớp trung lưu Việt Nam. Với một nền kinh tế tăng trưởng hàng năm ở mức 6-7%, chúng ta không còn phải chờ đợi quá lâu nữa….!

 

0 lượt thích6009 lượt xem

Tin bài khác