The Masters 1975: Trận chiến kinh điển tại Augusta National
Tin bài liên quan
Chắc chắn, sẽ có những tranh luận xung quanh danh hiệu "kỳ Masters vĩ đại nhất". Một số người sẽ nhắc đến năm 1986, khi Jack Nicklaus giành chiếc áo xanh thứ sáu ở tuổi 46. Những người trẻ hơn có thể sẽ chọn chiến thắng của Tiger Woods năm 2019 – danh hiệu major đầu tiên sau 11 năm của huyền thoại với phong độ bị bào mòn bởi chấn thương và thời gian.
Nhưng nếu nhìn sâu vào diễn biến, chiến thắng của Nicklaus năm 1986 phần lớn được định đoạt từ sớm. Dù Tom Kite và Greg Norman có cơ hội gỡ hòa ở hố 18, nhưng thực tế, số phận dường như đã sắp đặt để "Gấu Vàng" giành chiến thắng ngay từ giữa vòng đấu.
Còn câu chuyện của Woods năm 2019 là một hành trình cảm xúc khó ai sánh kịp. Niềm vui sướng vỡ òa lan tỏa từ Augusta đến hàng triệu người theo dõi trên khắp thế giới. Nhưng vào buổi chiều Chủ Nhật định mệnh ấy, các đối thủ dần rớt lại, biến chiến thắng của Woods thành một hành trình độc hành trên con đường trở lại đỉnh cao.
Dù vậy, cả hai kỳ The Masters ấy vẫn không thể so sánh với năm 1975 – một giải đấu quy tụ những đối thủ sừng sỏ nhất, đầy những cú bẻ lái bất ngờ, và kết thúc bằng một màn kịch tính không thể nghẹt thở hơn.
Một bước ngoặt lịch sử
Ngoài diễn biến trên sân, The Masters 1975 còn đánh dấu một cột mốc quan trọng khi Lee Elder trở thành golfer da màu đầu tiên thi đấu tại Augusta. Đây là khoảnh khắc vượt xa khỏi khuôn khổ thể thao – một bước ngoặt trong lịch sử golf, khi một giải đấu vốn chỉ dành cho người da trắng cuối cùng cũng mở cửa đón nhận sự thay đổi.

Những nhân vật chính
Trước khi bước vào The Masters 1975, Johnny Miller là golfer có phong độ đáng sợ nhất với tám chiến thắng trong năm 1974. Anh tiếp tục thể hiện sức mạnh đầu năm 1975 với ba danh hiệu tại Phoenix, Tucson và Palm Springs. Nếu không có Nicklaus, Miller chắc chắn là tay golf số một thế giới lúc đó.

Nhưng Nicklaus vẫn là "Gấu Vàng", và ông khẳng định vị thế bằng hai chiến thắng tại Doral và Harbour Town ngay trước khi đến Augusta.
Nhân vật thứ ba trong cuộc đua là Tom Weiskopf – một golfer được mô tả bằng những mỹ từ như cao lớn, mạnh mẽ, thanh lịch và sở hữu cú swing khiến mọi golfer phải ngưỡng mộ. Thế nhưng, danh hiệu The Masters luôn ngoảnh mặt với ông. Ba lần về nhì, gần nhất vào năm 1972 và 1974, Weiskopf vẫn chưa một lần khoác lên mình chiếc áo xanh.

Cuộc rượt đuổi nghẹt thở
Nicklaus khởi đầu mạnh mẽ với các vòng 68-67, tạo khoảng cách năm gậy với Arnold Palmer, Billy Casper và Tom Watson. Weiskopf kém sáu gậy, còn Miller dường như đã bị loại khỏi cuộc chơi khi cách biệt lên tới 11 gậy sau vòng đầu tiên (75 gậy).
Nhưng vào sáng thứ Bảy, Miller nhớ ra mình là ai. Từ hố số 2 đến hố số 7, anh ghi sáu birdie liên tiếp, kết thúc vòng đấu với 65 gậy (-7) để trở lại cuộc đua. Weiskopf cũng không kém cạnh, anh đánh 66 gậy (-6) để vươn lên dẫn đầu với tổng điểm -9, hơn Nicklaus một gậy.
Bước vào vòng cuối, Weiskopf dẫn đầu với -9, theo sau là Nicklaus (-8), Miller (-5) và Watson (-4). Nhưng thực tế, mọi ánh mắt chỉ dồn vào ba người trong cuộc đua.
"Chỉ có họ hàng thân thiết mới quan tâm đến 43 người còn lại," Hubert Mizell viết trên tờ St. Petersburg Times.
Mặc dù đứng nhì sau vòng ba, Nicklaus không đấu cùng Weiskopf ở vòng cuối mà được xếp với Watson. Trong khi đó, Miller đánh cặp với Weiskopf.
Ngay từ những hố đầu tiên, cuộc đua đã căng như dây đàn. Nicklaus bogey ở hố đầu, nhưng nhanh chóng ghi ba birdie trong bốn hố tiếp theo để bắt kịp Weiskopf ở điểm -10. Weiskopf tái chiếm đỉnh bảng với birdie ở hố 6, nhưng Nicklaus gỡ hòa ở hố 9.
Miller bogey ở hố 3 nhưng ghi birdie ở bốn trong sáu hố tiếp theo để kết thúc chín hố đầu với điểm -9, chỉ kém hai gậy.
Từng cú đánh đều có thể làm xoay chuyển cục diện. Nicklaus vươn lên dẫn đầu khi Weiskopf đánh xuống nước ở hố 11, nhưng rồi Weiskopf lại vượt lên khi Nicklaus bogey ở hố 14.
Nhưng tất cả định đoạt ở hố 16.
Nicklaus có cú putt 40 feet đầy thử thách. Nhưng như một định mệnh, bóng lăn trọn vào hố. Ông chạy quanh green, giơ cao gậy putter ăn mừng – một trong những khoảnh khắc đáng nhớ nhất lịch sử The Masters.
Weiskopf đứng trên tee box, chứng kiến cảnh tượng đó. Nhưng khi đến lượt mình, anh đánh cú 5-iron tệ hại và ba putt từ khoảng cách 100 feet, để mất lợi thế.
Miller nhanh chóng tận dụng cơ hội, ghi birdie ở hố 17 để tạo nên một cuộc đua ba người căng thẳng khi bước vào hố cuối cùng.
Ở hố 18, Miller có cơ hội birdie từ khoảng cách 20 feet nhưng cú putt của anh thiếu nửa inch để vào hố. Weiskopf cũng có putt 10 feet, nhưng bóng không bẻ lái như anh nghĩ. Một lần nữa, anh về nhì.

“Tôi chỉ biết là tôi phát ốm,” Weiskopf nói. “Tôi đã chơi hết mình nhưng lại một lần nữa về nhì.”
Nicklaus hiểu rằng ông vừa trải qua một trận chiến mà lịch sử sẽ mãi ghi nhớ.
“Tôi cảm thấy mình quá may mắn khi giành chiến thắng,” ông nói sau khi đoạt danh hiệu major thứ 13 trong sự nghiệp, trên hành trình chạm mốc 18 danh hiệu kỷ lục. “Được đứng giữa một trận đấu như thế này thật sự rất vui. Bạn hừng hực khí thế, tràn đầy cảm xúc, muốn lao nhanh đến bóng sau mỗi cú đánh tốt. Đây là khoảnh khắc bạn chờ đợi cả năm trời.”
Và nếu phải đánh giá, có lẽ đó chính là kỳ The Masters vĩ đại nhất lịch sử.