Sự giản đơn mang đậm tính nghệ thuật trong kiến trúc nghỉ dưỡng tại Zannier Hotels Bãi San Hô
Tin bài liên quan
Sự đơn giản không hẳn là một phong trào thiết kế, đúng hơn đó là “kim chỉ nam” truyền cảm hứng cho các trường phái như Bauhaus, De Stijl và Chủ nghĩa tối giản. Việc nhấn mạnh sự tối giản trong thiết kế hiện đại được xem là động thái phản kháng trước sự hoa mỹ thường gặp ở các xã hội có đông đảo tầng lớp người giàu mới. Ở những xã hội đó, yếu tố trang trí thường khoa trương và lấn át hình dáng của vật thể. Những thiết kế cầu kỳ như vậy có xu hướng nhanh chóng trở nên lỗi thời, trong khi các thiết kế đơn giản hơn vẫn trường tồn với thời gian nhờ kết hợp tài tình giữa hình dáng và công năng. Vì lẽ đó, không ngạc nhiên khi nhiều kiến trúc sư hiện đại đã chuyển sang kiến trúc truyền thống bởi giá trị của sự giản đơn đã được minh chứng qua thời gian, đặc biệt ở những khu vực mà truyền thống đó vẫn duy trì được sức sống mạnh mẽ.
Một yếu tố cơ bản của du lịch nói chung và các khu nghỉ dưỡng nói riêng, đó là việc chọn lọc tiếp thu những trải nghiệm mới lạ. Tại Việt Nam và một số nước ở Đông Nam Á đã bắt đầu phong trào áp dụng văn hoá bản địa và tôn trọng môi trường địa phương vào sản phẩm của mình. Một số khu nghỉ dưỡng hiện đại đã sử dụng khái niệm sang trọng mới, không phải sự bay bổng viển vông hay đam mê cảm tính, mà là cảm giác kết nối tinh tế về văn hóa và không gian xung quanh.
Trong phân khúc khách sạn quy mô nhỏ, khách sạn Dechiu Hotel ở Hội An mang vẻ đẹp và cảm giác vỗ về của sự bất hoàn hảo, với phong cách thủ công cá nhân phác họa nên từ những ý tưởng của kiến trúc sư – nhà thiết kế TheO cũng như sự quan tâm của cô với việc bảo tồn, chia sẻ văn hóa thủ công truyền thống của quê hương cô – Hà Nội.
Arnaud Zannier, người sáng lập chuỗi khách sạn sang trọng Zannier Hotels, cho biết phong trào hướng tới sự tối giản của các khu nghỉ dưỡng “nhằm tạo ra bầu không khí cho những khoảnh khắc khó quên, thay vì kiến tạo nên các công trình vĩ đại chỉ để gây ấn tượng”.
Khơi nguồn cảm hứng từ kiến trúc bản địa Việt Nam
Trong thiết kế kiến trúc của các cộng đồng dân tộc thiểu số Việt Nam, tồn tại rất nhiều phong tục tập quán có sức ảnh hưởng đến kiến trúc hiện đại, mà theo lời khuyên của Giáo sư Hoàng Đạo Kính là "nên có tính kế thừa, không phải được mô tả hoặc sao chép” nhất là trong kiến trúc khu du lịch.
Nhà nổi là nét đặc trưng của các làng chài miền Trung Việt Nam. Vốn được xây dựng như địa điểm để ngư dân trở về buôn bán sau chuyến đánh bắt đêm hôm trước, các làng nổi nhanh chóng trở thành khu dân cư với người dân đến cư ngụ, ăn, ngủ, làm việc và giao lưu trên những hòn đảo tự túc.
Nhà dài của người Ê Đê là một dạng nhà sàn thấp – nơi các thế hệ quay quần sinh sống với nhau thành đại gia đình, một nét đặc trưng trong chế độ mẫu hệ của người Ê Đê. Chiều dài mặt sàn có thể dao động từ 15 đến 100 mét, tùy thuộc vào số lượng thành viên sinh sống trong đó. Theo nguyên mẫu truyền thống, các ngôi nhà được chia thành hai phần: Gah – khu vực chung với một phòng khách lớn cho các sinh hoạt tập thể của gia đình, và Ôk – khu vực gồm nhà bếp và phòng ngủ.
Đến với các buôn làng miền núi Phú Yên, bạn sẽ được chiêm ngưỡng những ngôi nhà sàn nhấp nhô dọc sườn núi. Người Ba Na thường chọn vị trí trung tâm của buôn làng để xây dựng những ngôi nhà Rông bề thế với phong cách kiến trúc độc đáo, vững vàng trước mưa bão.
Cùng với cộng đồng người Kinh, Ê Đê và Ba Na, người Chăm ở Phú Yên còn lưu giữ được những nét văn hóa độc đáo, trong đó có phong cách thiết kế nhà đầy khéo léo của họ. Nguyên liệu xây nhà của người Chăm chủ yếu là gỗ và tranh, được sắp xếp tinh tế và chỉn chu đến từng chi tiết, từ khâu dựng cọc đến chọn hàng rào để tạo ranh giới khuôn viên ngôi nhà. Theo người Chăm, ngôi nhà cũng giống như con người nên họ thường tránh uốn bè, chạm, đục, cưa và đặc biệt là đóng đinh khi xây dựng.
Khơi dậy tinh thần của những ngôi nhà truyền thống Việt Nam trong khách sạn sang trọng
Với sự trân trọng vẻ đẹp văn hóa truyền thống địa phương và kết hợp có chọn lọc những nét đặc trưng của công trình hiện đại tầm cỡ quốc tế, Arnaud Zannier đã dành nhiều tháng nghiên cứu những ngôi nhà truyền thống Việt, với hy vọng “đúc rút được sự giản đơn mang đầy tính nghệ thuật của thiết kế Việt Nam nhằm phản chiếu góc nhìn đương đại về kiến trúc Việt truyền thống”.
Thành quả của hành trình đó chính là khách sạn Zannier Hotels Bãi San Hô, một trong những dự án nghỉ dưỡng 5 sao đầu tiên tại Việt Nam sử dụng phong cách kiến trúc truyền thống. Công trình được xây dựng giữa không gian hoang sơ của rừng nguyên sinh Phú Yên tại miền Trung Việt Nam, bao bọc bởi bờ biển cát trắng tự nhiên. Nội thất thủ công từ tre và gỗ tái sinh Việt Nam được tô điểm bởi các vật liệu truyền thống như lá dừa, nứa, mây đan hài hòa với thiên nhiên xung quanh. Du khách cũng có thể dễ dàng bắt gặp yếu tố hiện đại qua sự pha trộn giữa các phong cách từ khắp Việt Nam và quy trình xử lý chất liệu đặc biệt, nhằm bảo quản độ bền bằng cách ngăn ngừa hư hỏng do nấm mốc, mối mọt hoặc hao mòn tự nhiên.
Các căn biệt thự lấy cảm hứng từ kiến trúc nhà dài được xây dựng trên đồi cao hướng biển. Bên trong công trình, những khung kèo bằng gỗ được làm thủ công từ gỗ, tre, nứa, lợp tranh để đảm bảo tôn trọng đặc điểm nguyên tác của nhà dài Ê Đê truyền thống.
Các biệt thự bên đồng lúa của khách sạn Zannier Hotels Bãi San Hô mang âm hưởng của những túp lều gỗ ngư dân, từ bức tường xanh lam cho đến nội thất tiện dụng với những nét chấm phá như nón lá và giỏ đánh cá đan sậy treo tường.
Được xây dựng trên các trụ nhà bằng gỗ, những căn biệt thự 1 và 2 phòng ngủ phong cách Chăm sở hữu hồ bơi riêng hướng ra bờ biển xanh, với bãi cát thanh bình chỉ cách đó vài bước chân. Nội thất mô phỏng lối sống giản dị của người Chăm, sử dụng tông màu be và kem với phần tường trang trí bằng ván gỗ sơn.
Nhà Rông Ba Na là cội nguồn cảm hứng để xây dựng nên Nhà hàng Bà Hai đặc trưng tại khách sạn Zannier Hotels Bãi San Hô. Nhà hàng có kiến trúc hình tháp cao 12 mét, xây dựng theo kiểu nhà sàn và chỉ sử dụng cỏ, tre, gỗ Tây Nguyên với phần mái nhọn xuôi dốc hình lưỡi rìu lợp lá tranh. Bên trong, trần nhà được thiết kế theo hướng mở để lộ kết cấu xà gỗ phức tạp, trong khi sân hiên lớn bên ngoài ôm trọn tầm nhìn ra cánh đồng lúa mang tới không gian bình dị thích hợp cho những bữa tối ngoài trời.
Khách sạn Zannier Hotels Bãi San Hô chính thức mở cửa đón khách từ ngày 01 tháng 12 năm 2020.