Chuyển tới nội dung

Những sân golf tốt nhất thế giới

Bảng xếp hạng hai năm một lần “World’s 100 Greatest golf Courses” của Golf Digest được coi là một “cuộc đua kỳ thú” giữa sự cổ điển và hiện đại, giữa huyền thoại và sự tươi trẻ của các sân golf nổi tiếng trên thế giới. Cùng VietnamGOLF & Leisure tìm hiểu về những sân được lọt vào top đầu BXH mới nhất năm 2020 – 2021 của tạp chí golf uy tín này. 

1. ROYAL COUNTY DOWN G.C. (CHAMPIONSHIP) 
Newcastle, Northern Ireland 
Old Tom Morris (1889), Donald Steel (remodeled, 1998) 
7,186 yards, par 71 

Là một trong những sân golf ven biển có vẻ đẹp tự nhiên nhất thế giới, nằm trong khu bảo tồn thiên nhiên Murlough, với Vịnh Dundrum ở phía Đông, dãy núi Morne hùng vĩ ở phía Nam và những đụn cát phủ đầy hoa kim tước vàng và thạch thảo tím, không có nơi nào tuyệt vời hơn sân golf Royal County Down Golf Club để bạn trải nghiệm khi đến vùng đất Bắc Ireland. Thiết kế nguyên bản của sân được cho là của Old Tom Morris nhưng đã được chỉnh sửa bởi “nửa tá” kiến trúc sư qua 120 năm qua, gần đây nhất là Donald Steel.  

Các green của sân bằng phẳng một cách đáng ngạc nhiên, như thể để bù đắp cho địa hình đầy hiểm trở và vô số những cú “blind shot”. Sân Royal County Down cũng nổi tiếng thế giới với những bunker “có râu” độc đáo - hầu hết các miệng bẫy cát đều được bao quanh bởi những rìa cỏ marram rậm rạp và những đám cây thạch thảo không thể xuyên qua. Với thiết kế mang vẻ đẹp tự nhiên vượt thời gian, không khó hiểu khi sân vượt qua hàng loạt các đối thủ “nặng ký” như Cypress Point, Royal Dornorch, Muirfield,…để vươn lên đứng đầu BXH “World’s 100 Greatest Golf Courses 2020” của Golf Digest. 

2. TARA ITI G.C. 
Mangawhai, New Zealand 
Tom Doak (2015) 
6,840 yards, par 71 

Tara Iti Golf Club, dù là một sân mới, nhưng luôn nằm trong top đầu những sân golf tuyệt nhất thế giới với vẻ đẹp ngoạn mục và nhiều thách thức. Đây là sân có thiết kế chuẩn “link style” nhất so với các sân ven biển khác của vùng đất New Zealand (hầu hết đều nằm trên các núi đá).  

Từng một vùng đất khô cằn phủ đầy thông dọc theo bờ biển phía đông của Đảo Bắc, New Zealand, dưới bàn tay “vàng” của nhà thiết kế sân golf lão luyện Tom Doak, Tata Iti đã được biến đổi thành những gò đất, mỏm đá và cồn cát trông tự nhiên như thể chúng được hình thành bởi gió và thảm thực vật tự nhiên. Tara Iti có rất nhiều vùng cát với những đám “ria mép” cỏ rậm rạp giống như sân Royal County Down, nhưng lại không phải là những bunker sâu, nên golfer có thể tiếp đất gậy ở bất cứ đâu. Nhiều hố golf ở đây được lấy cảm hứng từ các sân lâu đời của thế giới như Cypress Point, Royal Dornoch và Royal St. George's, với tầm nhìn hướng ra mọi cảnh quan của Vịnh Hauraki. Có thể nói, Tara Iti Golf Club thực sự là một “cuộc gặp gỡ” hoàn hảo giữa đất liền và biển.  

 3. MUIRFIELD 
Gullane, Scotland 
Old Tom Morris (1891), H.S. Colt (1925), Martin Hawtree (2011) 
7,245 yards, par 71 

Sân golf Muirfield là một trong những sân ven biển lâu đời nhất tại Scotland, trông bề ngoài dường như khá đơn giản, nhẹ nhàng, nhưng các fairway lại chứa hàng triệu chướng ngại vật nhỏ. Ngoại trừ một cú đánh mù ở hố #11, mọi cú đánh khác đều có thể nhìn thấy và được xác định rõ ràng.  

Về mặt thiết kế, Muirfield được coi là một kiệt tác và khác biệt so với những sân ven biển cùng thời kỳ đó. Trong khi các sân khác được bố trí các hố theo kiểu truyền thống với 9 hố trước và 9 hố sau, thì Muirfield là sân golf đầu tiên được thiết kế với hai vòng đồng tâm - 9 hố hướng ra ngoài sẽ chạy theo chiều kim đồng hồ xung quanh mép sân, 9 hố hướng vào trong sẽ chạy ngược chiều kim đồng hồ, và nằm bên trong 9 hố hướng ra ngoài. Thiết kế như vậy để đảm bảo người chơi sẽ gặp gió ở mọi hướng, nhưng dù bạn đánh xuôi gió hoặc ngược gió đều vô cùng khó bởi hướng đánh ở mỗi hố thay đổi sẽ tạo ra nhiều điều kiện gió khác nhau

4. ROYAL DORNOCH G.C. (CHAMPIONSHIP) 
Scotland 
Old Tom Morris (1892), George Duncan (1947), Donald Steel (1993), Tom Mackenzie (2013) 
6,704 yards, par 70 

Ra đời từ cách đây 143 năm, Royal Dornoch mang một vẻ đẹp vượt thời gian qua hàng trăm năm lịch sử khiến đây trở thành một trong những điểm đến golf người chơi “không bao giờ thấy chán” dù cho có đến bao nhiêu lần! Huyền thoại Tom Watson từng phải thốt lên rằng: “Chưa từng có sân golf nào khiến tôi chơi vui như vậy!”; Herbert Warren Wind lại gọi đây là sân golf tự nhiên nhất thế giới; và Donald Ross coi Royal Dornoch là quê hương của ông.  

Ở Royal Dornoch có sự hoang dã, biệt lập, và tất nhiên là cả vẻ đẹp tự nhiên tuyệt vời, trong đó đặc biệt nhất là sắc vàng rực rỡ của những khóm hoa kim tước nở rộ vào những ngày đầu hè. Ẩn mình trong một vòng cung của các cồn cát dọc theo bờ Biển Bắc, những green của sân Royal Dornoch - một số được thiết kế bởi Old Tom Morris, một số khác bởi John Sutherland và nhà vô địch giải Open năm 1920 George Duncan - chủ yếu nằm trên cao nguyên và không thiên về lối chơi “bounce-and-run”. Thử thách ở đây chính là: làm sao để đánh được bóng trên green trong cái gió biển mạnh mẽ của Dornoch? 

5. ROYAL MELBOURNE G.C. (WEST COURSE) 
Black Rock, Australia 
Alister MacKenzie, Alex Russell (1931), Tom Doak (2015-’16) 
6,645 yards, par 72 

Royal Melbourne Golf Club là một trong những sân golf hàng đầu tại Australia với hai sân nổi tiếng thế giới là West Course và East Course, trong đó sân West Course nổi bật hơn và từng là nơi đăng cai tổ chức nhiều giải đấu danh giá của thế giới, gần đây nhất là President Cup 2019. Có rất nhiều bài viết đánh giá về chất lượng tuyệt vời của sân Royal Melbourne, nhưng có thể nói một cách đơn giản rằng đó là sự kết hợp hoàn hảo giữa thiết kế và xây dựng với những đường nhấp nhô ấn tượng, đất cát màu mỡ và vẻ đẹp gồ ghề đầy tự nhiên.  

Thiết kế của Alister MacKenzie đã đảm bảo vẻ tự nhiên nhất có thể cho sân Royal Melbourne với các green là phiên bản thu nhỏ của địa hình xung quanh, những bunker mượt mà với các cạnh thẳng đứng, cao bằng một bàn chân hoặc hơn, được cuộn vào trong những fairway và các bề mặt putting. Tại sân Royal Melbourne, hầu hết các hố đều là hố dogleg, vì vậy khoảng cách không quan trọng mà góc vào pin mới là tất cả. 

6. THE OLD COURSE AT ST. ANDREWS 
Fife, Scotland 
Allan Robertson (1848), Old Tom Morris (1865-’85), Martin Hawtree (2013-’14) 
7,279 yards, par 72 

Golf đã được chơi ở The Old Course at St. Andrews từ những năm 1400 và sân golf mà chúng ta biết đến ngày nay nói đúng hơn là một sản phẩm của sự “tiến hóa” chứ không hẳn là một thiết kế cụ thể nào. Hầu hết các huyền thoại golf đều đã từng thi đấu trên sân “links” lịch sử và đầy tính biểu tượng này, và nó sẽ luôn là một địa điểm “hành hương” tuyệt vời cho những người yêu golf.  

The Old Course at St. Andrews có thể coi là điểm dừng chân cho mọi nhà thiết kế sân golf. Nhiều tên tuổi lớn đã thêm những nét chấm phá của riêng họ vào sân golf, nhưng chính địa hình tự nhiên mới là điều tạo nên sự độc đáo đáng nhớ cho sân golf lâu đời này. Với những green đôi nguyên vẹn và những cây cầu vượt, những con dốc đầy thách thức và những bunker sâu hun hút, ẩn nấp ở những vị trí bất thường nhất, không có sân golf nào trên thế giới có thể giống với The Old Course - một sân golf kiểu cổ điển và hoàn toàn nguyên sơ. 

7. MORFONTAINE G.C. 
France 
Tom Simpson (1927), Kyle Phillips (2004) 
6,584 yards, par 70 

Là một thiết kế vượt thời gian của nhà thiết kế người Anh Tom Simpson, mở cửa từ năm 1927 ở phía bắc Paris,  Morfontaine trông giống với những sân golf trồng đầy hoa thạch thảo thường thấy ở London, với những cây thông Scotch lộng gió và những đám cây thạch thảo trên đỉnh đồi cát, nhưng bố cục sân chặt chẽ hơn so sân Sunningdale hay St. George's Hill ở Anh, và các khu rừng xung quanh các hố cũng nhiều hơn. 13 năm trước, kiến trúc sư người Mỹ Kyle Phillips đã thay đổi một chút thiết kế cho sân với hố số 10 par 4 và hố số 12 par 5 đều được mở rộng thêm 60 yard để tăng thêm độ thử thách cho sân Morfontaine.  

8. ROYAL PORTRUSH G.C. (DUNLUCE) 
Northern Ireland 
Tom Gilroy (1888), Old Tom Morris (1889), H.S. Colt (1933), Martin Ebert (2015) 
7,317 yards, par 72 

Portrush hiện nay vẫn là sân golf duy nhất tại Ireland đăng cai tổ chức giải đấu The Open. Sân được thiết kế bởi Old Tom Morris, được làm lại bởi H.S. Colt vào những năm 1930, tổ chức The Open lần đầu tiên vào năm 1951, và một lần nữa vào năm 2019. Để chuẩn bị cho giải, năm 2015 kiến trúc sư Martin Ebert đã thêm các hố #7 và #8 mới, được tạo nên từ đất trên sân Valley Course, để thay thế cho hai hố #17 và #18 đã bị kém.  

Royal Portrush tất nhiên là rất đẹp. Nó là một sân ven biển kiểu cổ điển, được đặt trong một khung cảnh đầy gợi cảm trên đường bờ biển phía bắc Antrim, được thiên nhiên ban tặng cho tầm nhìn tuyệt đẹp ra đại dương. Các fairway nép mình trong thung lũng tự nhiên giữa những cồn cát cao chót vót. Những green nhỏ hòa mình một cách hoàn hảo vào cảnh quan – một trong những thiết kế ấn tượng nhất của H.S. Colt trên sân Royal Portrush.  Các green ở đây được bảo vệ bởi những đám cỏ tự nhiên chứ không phải những hố cát, điều này càng làm tăng thêm vẻ đẹp cho sân golf Bắc Ireland này.  

0 lượt thích5039 lượt xem

Tin bài khác