Chuyển tới nội dung

Golf - Liều thuốc chữa lành cho vận động viên hậu giải nghệ

Bằng nhiều lý do khác nhau, nhiều vận động viên chuyên nghiệp buộc phải giải nghệ khi đang trên đỉnh cao sự nghiệp. Họ bế tắc trong việc tìm lại chính mình, và golf được xem như một liều thuốc chữa lành hiệu quả.

Eric Wood sinh năm 1986, lớn lên với ba chữ “F”: faith, family and football (đức tin, gia đình và bóng bầu dục hay còn gọi là bóng đá kiểu Mỹ). Anh bắt đầu sự nghiệp bóng đá khi mới 9 tuổi, và được đưa vào vòng đầu tiên của Dự thảo NFL năm 2009 bởi Buffalo Bills của Liên đoàn Bóng đá Mỹ (NFL). Trong thời gian làm việc tại NFL, Wood đã giành được giải Pro Bowl vào năm 2016 và hai lần được đề cử cho giải Walter Payton Man of the Year Award. 

Sau mùa giải thứ 9 ở Buffalo, Wood bắt đầu tập luyện thể lực thường xuyên. Một ngày vào năm 2017 cả thế giới như sụp đổ khi anh được chẩn đoán bị chấn thương cổ và buộc phải kết thúc sự nghiệp thi đấu của mình.

Eric Wood trong một trận đấu bóng bầu dục. Ảnh: Icon Sportswire

Wood đã rất sốc khi nghe tin này. Chấn thương khiến cánh cửa đam mê của anh khép lại. Ngay cả khi nằm mơ anh cũng không nghĩ đến việc mình phải từ bỏ bóng bầu dục theo cách này. Hơn thế nữa, điều khó khăn nhất mà anh phải đối mặt là làm thế nào tìm lại chính mình. 

Bóng bầu dục là một phần trong cuộc sống của tôi” - cựu vận động viên 36 tuổi nói. “Mỗi buổi sáng thức dậy mục tiêu của tôi chỉ là làm thế nào để chơi tốt nhất ở NFL. Và thật khủng khiếp khi bạn bị tước bỏ khỏi nó và đối mặt với sự khủng hoảng của chính mình”.

Đó là một loại mất mát có thể nghiền nát chính bạn”, tiến sĩ Daniel Zimet, chuyên gia tâm lý học thể thao nói. 

Tiến sĩ Zimet và cộng sự đã có một nghiên cứu về sự chuyển đổi của các vận động viên tên gọi “The Athlete Transition Study”. Nghiên cứu tập trung vào phân tích trải nghiệm sau khi nghỉ hưu của các vận động viên chuyên nghiệp. Theo đó chỉ ra rằng nhiều cựu vận động viên đã phải vật lộn sau khi giải nghệ với cái gọi là “tịch thu danh tính”, hiểu nôm na rằng mất đi tên gọi vận động viên của chính mình.

"Tịch thu danh tính xảy ra khi vận động viên coi môn thể thao là nguồn sống của mình. Họ không nghĩ bản thân là ai khác ngoài một vận động viên. Nếu không được thi đấu, họ sẽ có cảm giác như không biết mình là ai", Zimet nói. “Sự hỗ trợ của người thân là một trong những cách tốt nhất để vượt qua điều này. Bạn cũng có thể tìm cho mình một thú vui khác và tiếp tục đặt đam mê vào đó”.

Wood nói, gia đình và bạn bè đóng vai trò rất lớn trong hành trình tìm lại chính mình của anh ấy. Cựu vận động viên bóng bầu dục cũng tìm lại được “lửa” khi chơi golf

Golf thực ra không phải mới đối với Wood, khi còn là một đứa trẻ anh đã từng say mê bộ môn này, nhưng sau đó nhường chỗ cho mối nhân duyên với bóng bầu dục. Đến năm 2010, anh bắt đầu chơi trở lại, nhưng chỉ coi golf như một trò để giải trí. Khi đó anh và đồng đội hầu như chơi golf hàng ngày sau khi luyện tập.

Là một vận động viên chuyên nghiệp, bạn được sinh ra để thi đấu. Nếu không phải bóng bầu dục, việc tìm kiếm những cơ hội khác cũng rất tuyệt vời. Bất kể bạn đã kiếm được bao nhiêu tiền hay sự nghiệp của bạn kéo dài bao lâu”, Wood nói. “Golf là một trò chơi khó. Nhưng thật tuyệt vời khi luôn có điều gì đó để nỗ lực, vượt qua giới hạn của bản thân để trở nên tốt hơn. Động lực của tôi bây giờ là trở thành một tay golf cừ khôi”.

Cựu vận động viên 36 tuổi cũng theo đuổi sự nghiệp phát thanh viên với series podcast “What's next with Eric Wood” và viết cuốn sách “Tackle what's next”. Wood muốn qua những phương tiện này chia sẻ câu chuyện của mình và truyền cảm hứng đến tất cả mọi người, đặc biệt là những vận động viên sau giải nghệ.

Eric Wood tìm lại được chính mình khi chơi golf. Ảnh: @golfdigest

Ryan Whitney là một cựu vận động viên khúc côn cầu trên băng người Mỹ chơi ở vị trí hậu vệ. Anh chia sẻ đã bị ám ảnh bởi môn khúc côn cầu từ khi còn nhỏ. Anh có thể luyện tập liên tiếp hàng giờ trên sân và mỗi khi xem đội Bruins thi đấu, ước mơ được chơi ở giải khúc côn cầu Mỹ (NHL) lại trỗi dậy. 

Vận động viên người Massachusetts được mời chơi ở câu lạc bộ Pittsburgh Penguins vào năm 2002. Whitney lần đầu tiên ra mắt NHL vào năm 2005 và liên tục thi đấu ở giải này trong 9 năm và giành được huy chương bạc trong màu áo đội tuyển quốc gia tại Thế vận hội 2010 .

Cuối sự nghiệp, Whitney bắt đầu gặp nhiều vấn đề về sức khỏe và bị nhiều chấn thương. Sau một thời gian thi đấu ở nước ngoài, anh biết mình không thể tiếp tục và giải nghệ vào năm 2015.

Ryan Whitney là một cựu vận động viên khúc côn cầu trên băng người Mỹ. Ảnh: Cameron Spencer

Cựu vận động viên 39 tuổi tiếp nhận quyết định quan trọng của cuộc đời trong tâm trạng buồn vui lẫn lộn. Kết hôn sau khi giải nghệ không lâu, Whitney may mắn có vợ luôn ở bên cạnh truyền động lực và cùng lên những kế hoạch mới cho tương lai.

Cũng như Wood, Whitney đã tìm thấy tình yêu của mình với golf. Nhờ tố chất của một vận động viên chuyên nghiệp anh rất nhanh đã trở thành vận động viên golf nghiệp dư cấp cao đi thi đấu nhiều giải cấp tiểu bang và khu vực. 

Whitney cũng cho ra mắt chương trình podcast khúc côn cầu nổi tiếng “Spittin' chiclets”. Thậm chí còn sản xuất loạt phim “Sandbagger invitational” nói về niềm đam mê chơi golf của mình với với sự góp mặt nhiều vận động viên nổi tiếng.

"Niềm đam mê mới của tôi là golf. Tôi thích cảm giác được lên sân. Dường như máu thi đấu của một vận động viên trong tôi vẫn còn nhiều lắm. Tôi chỉ muốn ngày càng giỏi hơn, như cách tôi đã làm với môn khúc côn cầu", Whitney chia sẻ. 

Whitney trở thành vận động viên golf nghiệp dư cấp cao sau khi giải nghệ.Ảnh: @golfdigest

Đối với nhiều vận động viên, chơi golf không chỉ là cách để tập luyện, giải trí mà nó còn là liều thuốc chữa lành hiệu quả cho những người gặp khủng hoảng trong sự nghiệp. 

Geoff Greif, giáo sư Đại học Maryland đồng thời cũng là một golfer, nói: “Golf là một trong số ít môn thể thao mà người chơi có cơ hội thực sự giao tiếp với ai đó trong khi thi đấu. Quần vợt, bóng đá hay bóng rổ thì chỉ có đối đầu thôi”.

Giống như nhiều đứa trẻ khác, ước mơ của Danny Woodhead là được chơi ở NFL. Lớn lên Woodhead trở thành một vận động viên thể thao đa năng và chơi bóng đá ở Chadron Statetrước khi đạt được ước mơ chơi ở NFL vào năm 2008 khi ký hợp đồng với đội bóng bầu dục New York Jets. Điểm sáng trong sự nghiệp của anh là giành được giải Super Bowl với New England Patriots. Vì nhiều lý do, vận động viên 37 tuổi quyết định giải nghệ vào năm 2018.

"Tôi cảm thấy hài lòng về quyết định đó", Woodhead nói. 

Với Woodhead có một điều không thay đổi sau khi giải nghệ, đó là động lực thi đấu. Sau bóng bầu dục, anh cần tìm một thứ gì đó thúc đẩy bản thân theo một cách khác - đó là golf. Và bây giờ điểm chấp của Woodhead  là +3 và anh ấy đã đủ điều kiện tham dự Giải golf nghiệp dư Mỹ. 

Danny Woodhead đủ điều kiện tham gia Giải golf nghiệp dư Mỹ, Ảnh: @golfdigest

Zimet cho rằng việc tìm kiếm những mục tiêu lành mạnh là chìa khóa cho các vận động viên nghỉ hưu. Nếu không nhiều người sẽ có nguy cơ rơi vào tệ nạn như đánh bạc, ma túy…

Wood, Whitney và Woodhead nằm trong số nhiều vận động viên đã chọn golf như một liều thuốc chữa lành cho chính họ. Golf không phải là một phương thuốc chữa bách bệnh, nhưng đã giúp nhiều cựu vận động viên chuyên nghiệp thành công trong hành trình tìm lại “danh tính” của mình.

Cùng Vietnamgolfmagazineđón đọc thêm những câu chuyện ý nghĩa của các golf thủ tại:

>> Lee Kyoung-hoon và sự hy sinh thầm lặng của cha mẹ

>> Gặp gỡ người tạo sức sống cho sân golf Tràng An

0 lượt thích

Tin bài khác