Chuyển tới nội dung

Du lịch trực tuyến tại Việt Nam - xu hướng tất yếu

Du lịch Việt Nam đang phát triển trong bối cảnh diễn ra cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với những ảnh hưởng sâu rộng tới mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội. Tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam năm 2017 đạt trên 25% và tốc độ này có thể được duy trì trong giai đoạn 2018 - 2020. Đáng chú ý là tốc độ tăng trưởng của du lịch trực tuyến lên lới 50%, gấp đôi tốc độ tăng trưởng chung của thương mại điện tử.

Xu hướng tất yếu…

Ngày 13/4, tại Diễn đàn “Xu hướng du lịch trực tuyến 2018” do Sở Du lịch TP. HCM tổ chức, nhiều đại biểu tham dự cho rằng, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ, doanh nghiệp lữ hành, đơn vị cung ứng dịch vụ du lịch tại Việt Nam cần quan tâm nhiều hơn đến hành vi của người tiêu dùng có sử dụng internet và social network (trang mạng xã hội). Đó là cơ sở giúp doanh nghiệp lên kế hoạch chiến lược kinh doanh du lịch trực tuyến, đồng thời tiếp cận khách hàng hiệu quả.

Phân tích sâu, bà Huỳnh Bích Trâm, Phó Giám đốc Bộ phận Giải pháp Đo lường, Bán lẻ Công ty Nielsen Việt Nam (Tập đoàn Nielsen) cho biết, gần đây, du lịch Việt Nam năm 2017 tăng trưởng tốt và tiếp tục giữ đà tăng trưởng trong những năm tiếp theo. Tài chính của người tiêu dùng cũng ngày một lạc quan hơn và dự đoán đến năm 2020, sẽ có khoảng 55% dân số Việt Nam sử dụng internet.

Nhiều đại biểu tham dự diễn đàn đồng nhất: hiện nay, khách hàng tham khảo thông tin qua mạng xã hội chiếm khoảng 60% và khoảng 48% từ lời khuyên gia đình, bạn bè. Mạng xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định hành vi người tiêu dùng. Để kinh doanh du lịch trực tuyến hiệu quả, các doanh nghiệp cần nhạy bén hơn với xu hướng tiêu dùng mới của người dân thông qua internet và trang mạng xã hội.

Bà Jennifer Châu, Giám đốc Kinh doanh Facebook Việt Nam chia sẻ về chiến lược marketing của Facebook cho ngành Du lịch. Theo bà Châu, người tiêu dùng có thể tìm thông tin từ chiếc điện thoại thông minh thông qua các trang mạng xã hội, app điện thoại. Tuy nhiên, quá trình đặt tour du lịch trực tuyến sẽ trở nên phức tạp hơn. Do vậy, doanh nghiệp lữ hành cần nghiên cứu làm thế nào để tiếp cận khách hàng nhiều nhất trong suốt thời gian đặt tour du lịch. Giải pháp là quản trị digital marketing du lịch, trong đó cần quan tâm xây dựng thương hiệu.
 

Tại diễn đàn, một số doanh nghiệp cũng bày tỏ "e ngại" về đối tượng khách hàng du lịch là người lớn tuổi có những hạn chế trong việc tiếp cận công nghệ thông tin hiện đại. Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, không đứng ngoài xu hướng du lịch trực tuyến tất yếu của thế giới, du lịch Việt Nam đang phát triển trong bối cảnh diễn ra cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với những ảnh hưởng sâu rộng tới mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội. Do vậy, trong khoảng 10 năm tới, độ tuổi trung niên sử dụng công nghệ sẽ dần thay thế độ tuổi già hiện nay và du lịch trực tuyến được xem là xu hướng phát triển theo chính yêu cầu của người tiêu dùng.

… nhưng vẫn còn đang yếu

Chia sẻ về xu hướng mới này, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho hay: “Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển lớn mạnh của thương mại điện tử toàn cầu trong lĩnh vực du lịch, hướng tới cung cấp dịch vụ, sản phẩm cho khách hàng một cách thuận lợi nhất, chi phí thấp nhất. Đó chính là biểu hiện rõ rệt nhất của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Việt Nam đang phát triển kinh tế mạnh mẽ và rõ ràng không thể đứng ngoài cuộc…”.



Cũng theo ông Bình, bên cạnh việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp thì việc cần ưu tiên phát triển du lịch trực tuyến, ứng dụng công nghệ trong các hoạt động du lịch trực tuyến sẽ mang lại lợi ích to lớn trong các khâu quảng bá, cung cấp dịch vụ… Du lịch trực tuyến sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho du khách, tạo kết nối trực tiếp giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với du khách. 

Theo nhận định của Tổ chức du lịch thế giới, năm 2017 “Quản lý du lịch trong không gian số đang là vấn đề được xem xét và nghiên cứu trên quy mô toàn cầu, đặc biệt đối với yêu cầu cạnh tranh công bằng”. Tuy nhiên, tại Việt Nam, việc phát triển du lịch trực tuyến ở nước ta cần có sự vào cuộc đồng bộ không chỉ của các cơ quan quản lý, chính quyền các cấp, mà đặc biệt cần sự năng động của đội ngũ doanh nghiệp du lịch…

“Sự thay đổi này không chỉ là phương thức kinh doanh mà là tư duy, phương thức làm việc, có kiến thức chuyên môn phù hợp. Chắc chắn du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế ứng dụng nhanh và thành công khi phát triển du lịch trực tuyến”, ông Vũ Thế Bình nhận định.

Ông Võ Anh Tài, Phó Tổng giám đốc Saigontourist, cho biết từ năm 2004, doanh nghiệp này đã nhận thức hiệu quả và vai trò của ứng dụng CNTT để nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng kinh doanh và luôn tiên phong trong việc xây dựng các giao diện, website về du lịch, tăng khả năng tiếp cận với khách hàng.

Kết quả thu được khá khả quan khi 10 tháng năm 2017, doanh thu du lịch trực tuyến đạt trên 129 tỷ đồng. Tuy nhiên so với kinh doanh truyền thống thì hiệu quả doanh thu trực tuyến vẫn còn rất nhỏ (129/4.250 tỷ đồng). Nguyên nhân là dù tỷ lệ sử dụng mạng internet cũng như điện thoại thông minh rất lớn nhưng do tập quán, thói quen, phần khác do trình độ khai thác ứng dụng phần mềm du lịch chưa đồng đều dẫn tới sự phát triển chưa được như kỳ vọng.

Con số do ông Lê Tuấn Anh, Vụ Hợp tác quốc tế (Tổng cục Du lịch) đưa ra cho thấy hiện trong nước có hơn 50 doanh nghiệp áp dụng bán hàng online và 10 sàn giao dịch điện tử. Song sàn giao dịch điện tử trong nước chỉ mới thực hiện khoảng 20% giao dịch các dịch vụ, còn lại là các sàn giao dịch nước ngoài thực hiện. Điều này cho thấy để du lịch thực sự bứt phá với CNTT trước hết cần có sự dấn thân, chủ động hơn nữa của chính các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp không khói trước khi chờ đợi sự trợ giúp từ bên ngoài.

Theo Tapchithethao.vn

0 lượt thích256 lượt xem

Tin bài khác