Chuyển tới nội dung

Cần giải pháp để hỗ trợ, thúc đẩy golf Việt Nam phát triển

Ngày 26/8 tại Hà Nội, Hiệp hội Golf Việt Nam đã tổ chức Hội thảo về Thuế tiêu thụ đặc biệt với sân Golf. Phó Tổng cục trưởng TCDL Ngô Hoài Chung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, Phó Tổng cục trưởng TCTDTT Lê Hồng Minh, đại diện các sân golf khu vực phía Bắc đã tham dự.

Toàn cảnh hội thảo

Sự phát triển và những đóng góp của golf Việt Nam

Báo cáo đánh giá về sự phát triển của công nghiệp golf tại Việt Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Golf Việt Nam Phạm Thành Trí cho biết, năm 1922, sân golf được đưa vào bản đồ quy hoạch tổng thể Tp. Đà Lạt. Năm 1933 sân golf 9 hố đầu tiên ở Đà Lạt và của Đông Dương đã đi vào hoạt động. Năm 2007, Hiệp hội Golf Việt Nam ra đời, đến nay đã có 30 Hội golf cấp tỉnh, thành phố được thành lập và được công nhận chính thức. Hàng loạt các CLB golf đã ra đời với số lượng hơn 100 CLB trên cả nước. Trên cả nước có 75 sân Golf 18 lỗ đã đi vào hoạt động; 50 sân golf đang được xây dựng; 30 sân golf được cấp giấy phép chứng nhận đầu tư; 50 sân golf được chấp nhận chủ trương đầu tư, 50 sân tập golf đã đi vào hoạt động; 20 sân tập golf đang xây dựng... Số lượng người chơi golf tại Việt Nam khoảng trên 50.000 là người Việt Nam và 20.000 là người nước ngoài đang sinh sống tại Việt Nam. Dự kiến đến năm 2025 Việt Nam sẽ có khoảng 300.000 người chơi golf ở mọi cấp bậc. Hàng năm có khoảng 1 triệu khách du lịch Hàn Quốc và hàng trăm nghìn lượt khách du lịch nước ngoài đến chơi golf ở Việt Nam.

 Việt Nam có các giải golf chuyên nghiệp nghiệp dư, trong đó có các giải của Hiệp hội Golf Việt Nam, Hiệp hội Golf địa phương, CLB, doanh nghiệp golf, từ thiện. Nhiều cá nhân đạt thành tích qua các giải golf đã tham gia vào các đội tuyển golf mang vinh quang vể cho Tổ quốc. Đáng chú ý, giải golf từ thiện được tổ chức liên tục từ năm 2008 đến nay đã quyên góp thu được hàng tỷ đồng trao tặng cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các quỹ khuyến học, trẻ em nghèo.

Cần những giải pháp đồng bộ

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng TCDL Ngô Hoài Chung đánh giá cao  về sự phát triển và những đóng góp của Golf Việt Nam, trong đó Hiệp hội Golf Việt Nam đã tổ chức các giải golf chuyên nghiệp, thu hút đông khách du lịch quốc tế cùng các tay golf đến tham quan, du lịch và tham gia thi đấu góp phần tạo nên Việt Nam là điểm đến hấp dẫn. Phó Tổng cục trưởng Ngô Hoài Chung đề cập đến những khó khăn mà ngành Du lịch Việt Nam cùng nhiều quốc gia đang bị tác động, ảnh hưởng bởi dịch COVID-19,. Phó Tổng cục trưởng cho biết, ngành Du lịch luôn đồng hành cùng với Hiệp hội Golf Việt Nam, nhất trí với đề xuất của Hiệp hội golf Việt Nam đề nghị Chính phủ  xem xét chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho doanh nghiệp golf. Hiện nay số lượng sân golf  ở Việt Nam đã đưa vào sử dụng so với các nước còn rất khiêm tốn, nhưng các sân golf lại có thiết kế đẹp, thuận lợi cho những người chơi golf, qua đó thúc đẩy Du lịch golf phát triển.

Phó Tổng cục trưởng TCDL Ngô Hoài Chung phát biểu tại hội thảo

Tại Hội thảo, nhiều ý kiến phát biểu đề cập đến khó khăn của doanh nghiệp golf bởi tác động của dịch COVID-19. Phó Tổng Thư ký Phạm Thành Trí cho rằng, "do đại dịch COVID-19 sân golf đóng cửa, cuộc sống người lao động bị ảnh hưởng. Đến cuối năm nay khách du lịch golf từ Hàn Quốc, Nhật Bản… không vào được Việt Nam sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của nhiều doanh nghiệp golf”. Theo Chủ tịch sân golf Yên Dũng – Bắc Giang, Phạm Hồng Quang, “sân golf bị tác động bởi biến đổi khí hậu, dù đại dịch nhưng sân golf vẫn phải bảo trì, bảo dưỡng, doanh nghiệp vẫn phải đóng thuế, vẫn phải trả lương cho người lao động. Để hỗ trợ doanh nghiệp golf, Hiệp hội nên thành lập tiểu ban sân bãi để tăng cường kết nối, cần trao đổi, chia sẻ, hỗ trợ nhau cùng vượt khó”. Nhiều ý kiến tại Hội thảo đồng tình vấn đề thuế đang áp dụng đối với golf ở Việt Nam cao hơn nhiều nước trên thế giới, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh. Theo ông Phạm Thành Trí, với sự phát triển mạnh mẽ của golf  cả về phong trào và thành tích cao, golf Việt Nam cần có sự quan tâm, tạo đà để có bước phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Rất mong các cơ quan hữu quan xem xét bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt bởi thuế tiêu thụ đặc biệt thì khiến golf trở thành môn thể thao xa xỉ và tầng lớp học sinh sinh viên không tiếp cận được. Chỉ khi học sinh, sinh viên tiếp cận được với Golf thì mới tìm thấy tài năng, đây là kinh nghiệm của nhiều nước “Các doanh nghiệp golf đề nghị hoãn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, sau đó nghiên cứu miễn thuế này cho golf. Đồng thời được miễn tiền sử dụng đất vì golf là môn thể thao theo Nghị định 69/NĐ-CP/2008 về ưu đãi cho Thể thao”, ông Phạm Thành Trí nhấn mạnh.

(Theo Tuấn Hải - Báo Du lịch)

0 lượt thích1349 lượt xem

Tin bài khác