Chuyển tới nội dung

Caddie nên là nam hay nữ?

Chủ đề tháng này sẽ bàn tới những vấn đề liên quan đến công tác sử dụng lao động cho ngành caddie tại các sân golf Việt Nam, với kỳ vọng đem đến một cái nhìn xác thực giúp nhà tuyển dụng cũng như người lao động nhận thức rõ hơn về một lĩnh vực tưởng chừng là lao động phổ thông nhưng thực chất mang đặc thù nghề nghiệp khá cao.

By Tạ Anh Chiến

Caddie BRG Kings Island Golf Resort

LAO ĐỘNG CADDIE TRÊN THẾ GIỚI

Đối với phân khúc thi đấu chuyên nghiệp, có thể thấy gần như 100% người hành nghề caddie cho golfer chuyên nghiệp đều là nam giới. Chỉ riêng yếu tố thể lực và cường độ làm việc đã cho thấy cơ hội cho nữ giới là rất ít. Một giải đấu thường diễn ra 4-5 ngày liên tiếp, chưa kể việc phải di chuyển xa đến nơi thi đấu và thường phải đến sớm để chuẩn bị vòng đấu tập làm quen sân. Với hành trang mang vác túi gậy golf nặng trên 20kg đi bộ suốt giải đấu, làm tất cả các công việc hỗ trợ cho golfer bất kể thời tiết khắc nghiệt và di chuyển trên mọi địa hình sân golf ở tốc độ khẩn trương,...cho thấy caddie phải có sự bền bỉ, dẻo dai và thể lực thật tốt mới có thể phục vụ liên tiếp các giải đấu. Tất nhiên, chúng ta cũng thi thoảng thấy hình ảnh caddie nữ xuất hiện ở giải đấu chuyên nghiệp nhưng họ thường là người thân của chính golfer đó, hoặc do nhiều golfer chưa có đủ thu nhập để “sắm” caddie riêng đi theo suốt mùa giải nên sân tổ chức giải cung cấp caddie cho họ. Như vậy một lần nữa khẳng định “đất diễn chuyên nghiệp” hoàn toàn thuộc về nhân lực caddie Nam giới.

Caddie KN Golf Links - Cam Ranh

Ở phân khúc caddie phục vụ người chơi golf nghiệp dư mang tính giải trí và thư giãn ở các nước có nền golf phát triển trên thế giới, thì xu hướng chung là không cần caddie, và người chơi vừa trải nghiệm golf vừa tự lo liệu các vấn đề trên sân như một caddie thực thụ trong suốt trận golf. Chính vì vậy, khi cần sự phục vụ của caddie thì bạn phải đặt trước và thông thường họ là những caddie được đào tạo bài bản, có kỹ thuật chơi golf tốt, hiểu rõ về sân golf cũng như luật lệ, văn hóa ứng xử; vậy nên ngoài việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn họ còn có thể tư vấn giúp khách chơi tốt và thậm chí một mình họ có thể thu xếp phục vụ cùng lúc cả một nhóm dễ dàng. Ở phân khúc này thì không thấy có trở ngại cho những người hành nghề caddie, dù họ là nam hay nữ. Bởi ngay từ đầu, họ đã xác định đây là nghề nghiệp lâu dài nên sẽ định hướng công việc rõ ràng, tham gia các khóa đào tạo bài bản và rèn luyện kỹ năng để trở thành caddie hành nghề chuyên nghiệp.

LAO ĐỘNG CADDIE TẠI VIỆT NAM

Nghề caddie tại Việt Nam đang được hiểu là nghề phổ thông nên tiêu chí tuyển dụng khá đơn giản. Sau một khóa đào tạo ngắn hạn trực tiếp tại sân do chính những người có kinh nghiệm của sân golf hướng dẫn, nhân viên đó đã có thể hành nghề thực thụ. Một điểm thú vị nữa là hầu hết người làm nghề caddie đều ở độ tuổi khá trẻ nên mang tâm lý coi công việc này là tạm thời rồi sau sẽ chuyển đổi công việc, bất chấp thu nhập cao và ổn định so với mức lương trong vùng. Những đặc trưng rất riêng của nghề caddie tại Việt Nam này dẫn đến vấn đề lựa chọn tỷ lệ nam/nữ sao cho hợp lý vì sẽ ảnh hưởng nhiều đến hoạt động kinh doanh của sân golf.

Caddie Montgomerie Links Vietnam

Tùy theo vị trí địa lý, thời gian khai thác và quan điểm của chủ sân golf mà việc lựa chọn nguồn nhân lực caddie sẽ khác nhau. Chẳng hạn, một số sân hoạt động cả buổi tối và thường có lượng khách đông đều đặn hàng ngày, hoặccác sân có địa hình đồi núi leo dốc hay thuộc khu vực thời tiết khắc nghiệt quanh năm thì nên sử dụng caddie nam sẽ hiệu quả hơn vì họ duy trì được cường độ lao động cao do lợi thế về thể lực. Thực tế hiện nay cho thấy nhiều sân golf áp dụng chính sách tuyệt đại đa số caddie nam đã đem lại hiệu suất lớn cho sân và đảm bảo sự hài lòng đối với khách hàng. Không chỉ vậy, với niềm đam mê golf, nhiều caddie nam cố gắng học hỏi, tập luyện nên có nhiều kinh nghiệm, có thể giúp đỡ golfer tối đa, đặc biệt cho những golfer mới chơi.

Caddie Hilltop Valley

Quay lại với thực tại hiện nay, tỷ lệ nữ giới đang hoạt động trong ngành caddie tại Việt Nam chiếm hơn 80% cho thấy công việc caddie đang được hiểu tương tự như lao động chân tay thuần túy. Nguyên nhân là vì các sân golf chủ yếu được xây dựng ở các vùng miền không thuận lợi phát triển nông lâm ngư nghiệp, nơi có số lượng lớn nhân lực nữ ở độ tuổi bước vào lao động đang rất cần việc làm. Sự ra đời của các dự án sân golf bỗng trở thành cơ hội nghề nghiệp khá hấp dẫn cho họ. Vượt qua nhiều trở ngại về sức khỏe, điều kiện làm việc ngoài trời khắc nghiệt, áp lực chuyên môn,..có thể nói nữ giới hoàn toàn đảm đương được công việc của nghề caddie mà thoạt nhìn cứ nghĩ phải thuộc về phái mạnh. Không chỉ vậy, hình ảnh những caddie nữ trong bộ đồng phục khỏe khoắn, đẹp mắt kết hợp với chiếc nón truyền thống Việt Nam, sự nhiệt tình và nụ cười rạng rỡ khi làm việc trên sân golf từ lâu đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp cho du khách đến trải nghiệm golf ở nước ta. Không quá lời khi nhận xét caddie nữ còn giữ thêm vai trò tạo ra nét độc đáo cho golf Việt Nam, giúp thu hút lượt khách quay lại sân golf nhiều lần sau!

Caddie Harmonie Golf Park

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi trong giai đoạn đầu khai phá ngành kinh doanh sân golf, hiện nay nhiều đòi hỏi mới về kinh doanh, chất lượng dịch vụ và mức độ cạnh tranh quyết liệt nên nhân lực Caddie Nữ bị vướng phải nhiều hạn chế chủ quan như: phải duy trì sức khỏe bền bỉ để đáp ứng cường độ lao động cao trong thời gian dài (đặc biệt ở các sân đông khách và hay tổ chức giải đấu thường xuyên); các bệnh lý đặc thù của phụ nữ gia tăng do phải lao động liên tục dưới thời tiết khắc nghiệt ngoài trời và các đợt nghỉ dài hạn khi thực hiện chế độ thai sản,...Đó mới chỉ là một vài hạn chế tiêu biểu đặt tương lai của Nữ giới đối với nghề này ngày càng phải chịu nhiều áp lực hơn. Vì vậy mà một tỷ lệ phân định số lượng giữa Caddie Nam và Nữ hợp lý dựa trên nhu cầu và tình hình khai thác của mỗi sân golf khác nhau sẽ được các nhà quản sân golf tính đến để tối ưu các ưu nhược điểm giữa caddie Nam và caddie Nữ.

Tập quán như hiện tại sẽ còn kéo dài với tỷ lệ caddie Nữ chiếm đại đa số trong cơ cấu caddie của các sân golf Việt Nam. Nhưng hoàn toàn có thể dự báo về nguồn nhân lực caddie Nam sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới bởi vì xu hướng coi nghề Caddie là một nghề nghiệp có nhiều cơ hội kiếm sống và phát triển đã hiện hữu, rất phù hợp với Nam giới. Nhưng câu trả lời cho câu hỏi Caddie nên là Nam hay Nữ tại các sân golf Việt Nam vẫn phải là: cả hai!

Caddies Bana Hills

Lao động caddie tại Việt Nam

Số lượng trung bình mỗi sân 80 - 400 nhân viên

Khu vực Chủ yếu đến từ các vùng dân cư xung quanh sân golf

Độ tuổi trung bình 18 - 30 tuổi

Tỷ lệ nữ giới chiếm khoảng >80%

1 lượt thích

Tin bài khác