Chuyển tới nội dung

Nghề làm caddie ở Việt Nam

Song hành cùng sự phát triển của ngành golf Việt Nam, nghề làm caddie cũng trải qua lắm thăng trầm theo năm tháng với nhiều cơ hội mới nhưng đầy rẫy thách thức và rủi ro.

Gareth Lord2

CÁI ĐƯỢC CỦA NGHỀ

Là công việc nặng nhọc, đòi hỏi bền bỉ dẻo dai quanh năm làm việc ngoài trời nên độ tuổi của Caddie chủ yếu ở mức từ 18 đến 30, họ trở thành lao động chính trong gia đình và với 95% trong nghề là nữ giới nên khi lấy chồng, họ lại trở thành người kiến tạo ra nguồn thu chính cho mái ấm riêng tư của mình. Bây giờ, nhiều sân golf đã có thế hệ Caddie thứ hai (mẹ nghỉ hưu và con tiếp tục theo nghề). Tuy vất vả nhưng không thể phủ nhận thu nhập của Caddie trong 2 thập niên vừa qua là khá hấp dẫn so với những người làm công việc truyền thống như cấy trồng, làm thợ thủ công... trong các làng quê nghèo khó. Mặt khác, nghề Caddie còn mang đến những trải nghiệm, cơ hội được nghe nhìn và học hỏi từ những khách chơi golf mà ở một chừng mực nào đó là những con người thành công trong cuộc sống, bên cạnh đó là việc có thêm nguồn thu nhập khá và ổn định ở giữa vùng quê còn nhiều khó khăn. Rõ ràng đấy là cơ hội không dễ gì có được.

Chipping

ĐẶC THÙ CỦA NGHỀ CADDIE

Ngoài một số sân golf mới khai thác vài năm gần đây có tổ chức các khoá đào tạo Caddie kỹ càng, thậm chí thuê chuyên gia về huấn luyện, còn lại, phần lớn các sân vẫn đào tạo là chủ yếu. Như vậy, bên cạnh yếu tố sức khoẻ tốt, chỉ cần thêm một đợt học nghề ngắn hạn là ai cũng có thể trở thành Caddie. Cho nên cái khó của nghề không nằm ở chuyện tuyển vào, mà chính đặc thù công việc mới là áp lực ghê gớm không dễ vượt qua. Đã có không ít người bỏ cuộc sau một thời gian ngắn đi làm.

Nói về thời gian làm việc, nếu so sánh với hoạt động đi cấy, đi cày thì nghề làm Caddie còn vất vả hơn nhiều. Họ phải đi làm sớm từ 4-5 giờ sáng và trở về nhà khi đã 8-9 giờ tối. Mưa hay nắng, rét hay nóng mọi thứ vẫn cứ diễn ra, thậm chí bất chấp cả ngày lễ tết, đôi chân không được phép mệt mỏi. Đặc biệt, hôm nào golfer thích đi bộ thì việc kéo cái túi gậy nặng khoảng 20 kg đi ngang đi dọc, lên cao xuống thấp gần chục km là điều không cần bàn cãi. Ngoài việc chuyên môn bắt buộc phải làm như đổ cát vào chỗ vết gậy vừa cắt qua (divot), cào cát nếu bóng xuống bunker, rút và cắm cờ trên green, tư vấn cho golfer về địa hình, khoảng cách, hướng gió, chọn gậy... Caddie còn phải luôn tay luôn chân làm nhiều việc khác như đưa nước uống, lấy khăn, tìm thuốc lá... Với khách mới chơi thì còn phải giải thích về luật lệ, điều chỉnh thế đứng, nhắc động tác swing, thậm chí động viên giải tỏa tâm lý và khó hơn cả là phải chịu được bị mắng oan trong trường hợp golfer chưa học được cách tự mắng mình mỗi khi đánh hỏng hay chọn sai kỹ chiến thuật chơi.

Việc thì nhiều như nhà có giỗ là vậy nhưng thu nhập của Caddie lại khá bấp bênh và rủi ro. Rất ít người ngoài cuộc biết được nghề này không sống bằng lương mà chủ yếu dựa vào tiền bồi dưỡng (tiền Tip) do người chơi chủ động thưởng theo cảm hứng. Vì thế, Caddie luôn phải hồi hộp đón chờ sự may mắn và rủi ro cao khi gặp người chơi không hài lòng hoặc “quên” mức tip cần thiết.

Gareth Lord

Áp lực đến từ nguy cơ bị phạt cũng không hề nhỏ. Các nội quy quy định cho bộ phận Caddie rất chặt chẽ và ở một số sân golf còn tương đối hà khắc, chỉ dính vi phạm nhẹ có thể trả giá bằng cả tuần ngồi nhổ cỏ mà không có thu nhập, cho dù đôi khi lỗi đó Caddie biết mà không “cứu” được vì do golfer của mình cố tình gây ra như: đi xe điện vào khu vực cấm hoặc đánh bóng nhiều lần gây chậm tốc độ...

Cuối cùng, do đại đa số Caddie là nữ và ở độ tuổi thanh xuân nên sự hy sinh nhan sắc cho công việc liên tục ở ngoài trời trong điều kiện thời tiết nắng nóng nhiệt đới ở Việt Nam thực sự là thách thức đáng kể, nhất là nguy cơ mắc bệnh viêm da hoặc các bệnh đặc trưng khác của phụ nữ.

SỨC HẤP DẪN CỦA NGHỀ ĐANG GIẢM

Công cuộc công nghiệp hoá ở nước ta vẫn đang diễn ra sâu rộng, tràn về cả các vùng kém phát triển trước đây. Không chỉ có các nhà máy giày dép, may mặc tìm kiếm lao động phổ thông, nhiều tập đoàn lớn trên thế giới cũng đã đầu tư vào những ngành nghề sản xuất ra sản phẩm có giá trị cao, vì thế mà nhu cầu tuyển dụng rất lớn, mặt bằng thu nhập cao hơn, công việc ổn định và các chính sách đãi ngộ cũng cạnh tranh hơn. Chính vì lẽ đó, người lao động có thêm nhiều lựa chọn khác tốt hơn bên cạnh nghề làm Caddie. Đơn cử như tỉnh Vĩnh Phúc, nơi có đến 3 sân golf đang hoạt động là ví dụ. Theo lời kể của một lãnh đạo sân golf, việc tập đoàn Samsung đóng trên địa bàn có nhu cầu tuyển dụng số lượng nhân công lên đến vài chục vạn người đã tạo ra sự cạnh tranh nhân lực khủng khiếp. Nguy cơ người làm nghề Caddie tràn sang là hoàn toàn có cơ sở vì mức thu nhập và điều kiện làm việc ở các đơn vị này rất hấp dẫn. Với người lao động chân tay nói chung thì vất vả có thể chịu đựng được nhưng đi kèm với đó phải là thu nhập tương xứng. Hàng thập niên trước sân golf đã làm được việc đó nhưng hiện nay do thu nhập không thay đổi mà áp lực công việc và mức chi phí sinh hoạt tăng cao bắt buộc những người mong muốn làm nghề Caddie sẽ phải xem xét kỹ lựa chọn của mình.

Hiện nay, mức tiền “Tip” trung bình vào khoảng 250.000 VNĐ cho một vòng golf 18 hố xem ra chỉ còn hấp dẫn ở những sân có lượng khách đông và ổn định, còn ở những sân ít khách thì sẽ luôn phải tuyển thêm nhân sự. Kể cả khi các sân golf đó đã nỗ lực tăng mức lương cơ bản lên cao hơn mặt bằng chung thì cũng khó duy trì quân số ổn định khi mà tiền “tip” vẫn là nguồn thu nhập quan trọng nhất. Sự kém dần sức hút của nghề làm Caddie còn có nguyên do từ áp lực trong các mối quan hệ giữa Caddie với người thân (do quỹ thời gian quá eo hẹp bên gia đình), với chủ doanh nghiệp (do các chính sách bảo hiểm xã hội, thai sản, tai nạn nghề nghiệp... bị xem nhẹ và nhiều nơi chưa thực hiện đúng luật định) và cuối cùng là với khách hàng golfer (do ảnh hưởng của thành tích và cá độ) đã gây ra áp lực ghê gớm “trăm dâu đổ đầu tằm” mỗi lúc người chơi nóng nảy trút hỏa lên đầu Caddie.

Gareth Lord1

Như vậy nghề làm Caddie ở Việt Nam chưa bao giờ đơn thuần là công việc kéo gậy, lau gậy. Với những nhìn nhận vấn đề như trên, xem ra nhận định về một tương lai không sáng cho nghề làm Caddie là có cơ sở, đáng ở mức cần đưa ra lời cảnh báo cho những ai mong muốn tìm kiếm cơ hội ở nghề này trong giai đoạn tới.

ĐIỀU CHỈNH ĐỂ PHÁT TRIỂN

Hiển nhiên, các sân golf Việt Nam vẫn phải tiếp tục duy trì hiện diện của Caddie như một sự phục vụ bắt buộc đối với người chơi. Tuy nhiên, bối cảnh cạnh tranh mới đòi hỏi Caddie cần có chuyên môn tốt, biết tư vấn và làm hài lòng khách hàng. Các sân golf cũng cần quan tâm hơn nữa đến mô hình đặt trước caddie (booking). Ai làm tốt sẽ có nhiều golfer yêu cầu và sân nào có Caddie gây được sự hài lòng họ sẽ lựa chọn cho lần chơi tiếp theo. Vì thế, nên bỏ thu phí “đặt Caddie”, hãy để khách hàng thoải mái với lựa chọn của mình và đó cũng là phương pháp tốt nhất để chấm điểm Caddie.

Công tác đào tạo (training) cần tăng cường hơn nữa, Caddie không chỉ học tập về chuyên môn mà các kỹ năng khác như giao tiếp, ngoại ngữ cũng cần biết ở mức đáng kể để đáp ứng nhu cầu tăng mạnh của khách nước ngoài. Các kênh thông tin cần tạo cầu nối giữa: Golfer - Caddie - Sân golf. Cụ thể các bên chưa hiểu rõ về quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi phía, vì thế mà tính xung đột, mâu thuẫn luôn xảy ra. Thiết nghĩ, trên các diễn đàn, cần tăng cường các mối liên kết, giao lưu trao đổi để lắng nghe được các phản hồi về tâm tư, chia sẻ của mỗi bên. Thực tế qua điều hành trang fanpage “Caddie Vietnam”, chúng tôi đã giúp các nhà quản lý sân golf, các golfer có thể đối thoại nhiều chiều với những người làm nghề Caddie và đã có nhiều vấn đề được điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn.

0 lượt thích

Tin bài khác